Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Mang thai là niềm vui của những cặp vợ chồng đang mong chờ những thiên thần nhỏ của mình. Tuy nhiên, thai kì lại là một hành trình đầy thử thách với nhiều nguy cơ. Trong đó, sẩy thai lại là một nỗi lo lắng thường trực của mọi thai phụ. Vậy thai phụ cần làm gì trong những trường hợp bị sẩy thai?
SẨY THAI LÀ GÌ?
Sẩy thai là tình trạng mất thai trước tuần 20 (hoặc tuần 22) của thai kì.
Sẩy thai xảy ra trong 10% thai kì, trong đó sẩy thai sớm (trước 13 tuần) chiếm 80% trong những trường hợp sẩy thai.
NGUYÊN NHÂN CỦA SẨY THAI LÀ GÌ?
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng sẩy thai bao gồm:
- Bất thường nhiễm sắc thể của thai: chiếm 50% trong những ca sẩy thai sớm. Tình trạng này xảy ra thường tăng rõ rệt khi tuổi mẹ trên 35 tuổi. Trong một số trường hợp hiếm hơn, những bất thường của thai có thể liên quan đến vấn đề về di truyền của ba hoặc mẹ.
- Đái tháo đường không kiểm soát, bệnh lí tuyến giáp
- Bệnh lí tự miễn (chẳng hạn Hội chứng kháng phospholipid, Lupus ban đỏ)
- Nhiễm trùng
- Bất thường cấu trúc tử cung: nhân xơ tử cung, dính buồng tử cung
- Hở eo tử cung
- Sử dụng chất gây nghiện, rượu bia
- Nhiễm chất độc từ môi trường như asen, chì và dung môi hữu cơ
- Suy dinh dưỡng nặng
Tuy nhiên, một số nguyên nhân như tập thể dục, quan hệ tình dục hay làm việc không là nguyên nhân của sẩy thai.
TRIỆU CHỨNG CỦA SẨY THAI
- Những triệu chứng của sẩy thai bao gồm:
- Đau trằn bụng (giống như đau bụng kinh)
- Ra huyết âm đạo
- Thấy có khối mô được tống xuất khỏi âm đạo
Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện trên thai kì bình thường, thai ngoài tử cung hoặc thai trứng. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng trên, thai phụ cần đến phòng khám hoặc bệnh viện để được làm những xét nghiệm xác định chẩn đoán.
LÀM GÌ ĐỂ CHẨN ĐOÁN TÌNH TRẠNG SẨY THAI?
Để chẩn đoán sẩy thai, bác sĩ cần phải kết hợp những triệu chứng của thai phụ cùng với thăm khám trên lâm sàng và siêu âm. Dựa vào sự kết hợp này mà thai phụ sẽ có những tình trạng khác nhau về vấn đề sẩy thai:
- Doạ sẩy thai: chỉ xuất hiện triệu chứng ra huyết âm đạo, chưa có tình trạng sẩy thai
- Sẩy thai không hoàn toàn: ra huyết âm đạo ± đau bụng, khám thấy cổ tử cung mở và siêu âm thấy một phần thai ở kênh cổ tử cung.
- Sẩy thai trọn: là tình trạng thai và sản phẩm thụ thai tống xuất hoàn toàn khỏi tử cung. Thai phụ có thể sẽ thấy một khối mô ở âm đạo kèm tình trạng ra huyết ± đau bụng thuyên giảm, khám thấy cổ tử cung đóng và siêu âm không còn thấy thai trong lòng tử cung.
- Sẩy thai khó tránh: thai phụ ra huyết âm đạo, khám thấy cổ tử cung mở và thai vẫn còn trong tử cung.
- Thai ngưng phát triển (thai lưu): thai phụ không có triệu chứng ra huyết hay đau bụng, siêu âm tình cờ phát hiện thai ngưng phát triển theo các tiêu chuẩn sau (theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mĩ – ACOG năm 2018):
- Chiều dài đầu mông của thai (CRL) ≥ 7 mm và không có tim thai
- Đường kính túi thai (MSD) ≥ 25 mm và không có phôi thai
- Không có phôi với tim thai sau 2 tuần với siêu âm túi thai không có yolksac trước đó
- Không có phôi với tim thai sau 11 ngày với siêu âm túi thai có yolksac trước đó
ĐỂ ĐIỀU TRỊ SẨY THAI, CÓ NHỮNG CÁCH NÀO?
Để điều trị tình trạng sẩy thai, có thể có những cách sau:
- Chờ đợi: Sản phụ có thể chờ đợi thai sẩy tự nhiên sau đó miễn là không có tình trạng nhiễm trùng hay băng huyết. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi có thể lên đến 3 – 4 tuần. Nếu sau đó thai vẫn chưa được tống xuất, những biện pháp dùng thuốc hay nong nạo/hút thai có thể được xem xét.
- Thuốc: Thực hiện khi đã loại trừ những tình trạng nhiễm trùng, băng huyết, thiếu máu nặng, rối loạn đông máu. Khoảng 70 – 90% thai phụ sẽ thành công với phương pháp này trong vòng 24 giờ
- Misoprostol là thuốc dùng để giúp tống xuất thai ra khỏi buồng tử cung. Thuốc có thể dùng đường miệng (uống, ngậm áp má) hoặc đặt âm đạo hoặc hậu môn. Tuy nhiên, Misoprostol sẽ có những tác dụng phụ như: gây sốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Thai phụ có thể được cho uống Mifepristone (200mg) 24 – 48 giờ trước khi sử dụng Misoprostol để tăng hiệu quả.
- Nạo hút thai: đây là thủ thuật mà các bác sĩ sẽ nong cổ tử cung để hút thai và sản phẩm thụ thai ra khỏi buồng tử cung dưới tác dụng của gây tê. Biến chứng của những thủ thuật này bao gồm tổn thương cổ tử cung, thủng tử cung. Đây cũng là phương pháp sẽ được cân nhắc ưu tiên nếu bạn đang có tình trạng chảy máu nặng và nhiễm trùng.
NHỮNG VẤN ĐỀ SAU SẨY THAI
Trong hầu hết các trường hợp sẩy thai, bạn sẽ hồi phục sức khoẻ và thể chất sau vài giờ cho đến vài ngày. Tình trạng rụng trứng cũng sẽ xuất hiện lại sau 2 tuần sau sẩy thai và kinh nguyệt sẽ trở lại sau 4 – 6 tuần. Tuy nhiên, một số bác sĩ sẽ khuyên nên tránh quan hệ tình dục hoặc đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo của bạn trong 2 tuần sau khi sẩy thai.
1. Hồi phục về mặt tâm lí
Việc hồi phục về mặt tâm lí có thể lâu hơn so với hồi phục về thể chất. Sẩy thai có thể là một mất mát đau lòng mà những người xung quanh bạn có thể không hiểu hết. Hãy cho bản thân thời gian để hồi phục và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người thân yêu.
2. Bao lâu thì có thể mang thai lại
Thời gian hồi phục cơ thể là khác nhau tuỳ vào mỗi người. Vì vậy, không có thời gian nào cố định sau khi sẩy thai để có thể có thai lại, miễn là bạn cảm thấy khoẻ mạnh về mặt thể chất và tinh thần.
3. Chuẩn bị gì cho thai kì tiếp theo
Trong thời gian chờ đợi, bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh:
- Tránh hút thuốc và uống rượu bia, hạn chế sử dụng caffeine
- Giữ BMI của bản thân cân đối bằng cách tập luyện hàng ngày, ăn uống lành mạnh đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ có thể trạng béo phì hay cơ địa đái tháo đường
- Bổ sung đầy đủ acid folic, có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu… vào thực đơn hàng ngày vì trong cá có chứa nhiều omega – 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường
- Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ
- Ngoài bồi bổ, phục hồi thể chất của người phụ nữ, còn cần bồi bổ thêm cho người chồng, để có thể có lượng tinh trùng khỏe mạnh
4. Khi nào cần gặp bác sĩ sau sẩy thai?
Thông thường, đa số phụ nữ sẽ có thai kì khoẻ mạnh sau khi sẩy thai, chỉ khoảng 5% phụ nữ sẩy thai 2 lần và 1% sẩy thai 3 lần trở lên. Nếu bạn nằm trong nhóm sẩy thai liên tiếp (từ 2 lần trở lên), bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân.
TÓM LẠI
Sẩy thai là một điều mà không thai phụ nào mong muốn xảy đến cho thai kì của mình. Phần lớn nguyên nhân những trường hợp sẩy thai không đến từ phía người mẹ. Do đó, các thai phụ cần chuẩn bị cho mình về mặt thể chất và tinh thần để có thể điều trị lần sẩy thai này và chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo. Khi có những triệu chứng của sẩy thai, bạn cần đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện để được thăm khám và tư vấn kịp thời nhé!