Suy buồng trứng sớm là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Suy buồng trứng sớm là gì?

Suy buồng trứng sớm (Primary Ovarian Insufficiency) là tình trạng buồng trứng ngừng hoạt động trước tuổi 40. Có 90% phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi từ 45 đến 55 tuổi và trung bình là 51 tuổi. Khi buồng trứng ngừng hoạt động, người phụ nữ phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe chung cũng như sức khỏe sinh sản của cơ thể, vì buồng trứng sản xuất các hormone estrogen và progesterone, các hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa kinh nguyệt và ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

Dấu hiệu gợi ý suy buồng trứng sớm là gì?

Suy buồng trứng là một trong những nguyên nhân dẫn tới vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Vì vậy chị em nên lắng nghe cơ thể, nhận biết sớm những dấu hiệu cảnh báo suy giảm buồng trứng để có thể kịp thời can thiệp và có hướng điều trị. Suy giảm dự trữ buồng trứng có những dấu hiệu tương tự thời kỳ mãn kinh như

  • Rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài, lượng kinh nguyệt không đều, bên cạnh đó màu sắc của kinh nguyệt cũng có sự thay đổi.
  • Ham muốn tình dục giảm và có xu hướng né tránh chuyện giường chiếu.
  • Da có dấu hiệu nhăn nheo, ngực nhão và xệ, tóc mỏng, dễ gãy rụng.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Âm đạo bị khô, “cô bé” không tiết đủ chất nhờn để bôi trơn và đau rát khi quan hệ tình dục.
  • Bên cạnh đó, suy buồng trứng ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất các hormone sinh dục như estrogen vì vậy có thể gây ra một số vấn đề khác với sức khỏe như lo âu, khô mắt, bệnh tuyến giáp, loãng xương, tim mạch…

Nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng sớm

Có nhiều nguyên nhân gây suy buồng trứng, có thể liên quan đến các bệnh về nhiễm sắc thể, di truyền, hoặc là các bệnh lý tự miễn:

  • Bất thường nhiễm sắc thể: một số rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể như hội chứng Fragile X, hội chứng Turner, đột biến gen, vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể,… có thể gây suy buồng trứng sớm nguyên phát.
  • Hóa trị, xạ trị: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy buồng trứng. Những liệu pháp này có thể gây tổn thương đến vật chất di truyền trong tế bào. Bên cạnh đó các độc tố từ khói thuốc, hóa chất, thuốc trừ sâu… có thể đẩy nhanh quá trình suy buồng trứng.
  • Bệnh tự miễn: Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại mô buồng trứng, gây hại cho các nang noãn.
  • Giảm cân quá mức: Việc giảm cân quá mức làm ức chế trục hạ đồi – tuyến yên, ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết trong cơ thể làm dẫn đến suy giảm chức năng buồng trứng, giảm hormon estrogen.
  • Sức khỏe tinh thần: Phụ nữ hiện đại tiếp cận nhiều với môi trường làm việc bên ngoài,  khi họ bị căng thẳng mệt mỏi và làm việc với cường độ lâu dài có thể ảnh hưởng và rối loạn đến sự điều tiết nội tiết tố bên trong cơ thể, làm suy giảm chức năng buồng trứng sớm.
  • Phẫu thuật: việc phẫu thuật tác động lên trên buồng trứng hay vòi trứng có thể gây ảnh hưởng đến số lượng trứng trên buồng trứng.
  • Nguyên nhân không xác định: Nguyên nhân của suy buồng trứng nguyên phát thường không rõ (vô căn). Bác sĩ có thể đề nghị thử nghiệm thêm một số xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân, nhưng trong nhiều trường hợp, nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng.

Làm thế nào để chẩn đoán suy buồng trứng sớm?

Để chẩn đoán suy buồng trứng bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chí sau đây:

  • Phụ nữ dưới 40 tuổi.
  • Có nồng độ FSH tăng trên 30-40 IU/L, giới hạn này cũng sẽ tùy thuộc vào từng phòng xét nghiệm khác nhau.
  • Phụ nữ có chu kỳ kinh bất thường, khó khăn trong mang thai, FSH ở ngày 3 chu kỳ trên 10-15UI/L và nồng độ Estradiol huyết thanh cùng thời điểm ≥ 80pg/L.

Một số xét nghiệm được bác sĩ chỉ định trong chẩn đoán suy buồng trứng sớm bao gồm:

  • Xét nghiệm nồng độ FSH: FSH là một loại hormone được giải phóng từ thùy trước tuyến yên trong não. Với phụ nữ FSH có tác dụng kích thích tế bào noãn phát triển. FSH cao thường xuất hiện ở những phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, người ở độ tuổi trên 40. Trong trường hợp phụ nữ dưới 40 tuổi có nồng độ FSH cao trên 30-40 IU/L có thể được chẩn đoán suy buồng trứng sớm.
  • Xét nghiệm Estradiol: Estradiol là một dạng của hormone estrogen nó được sản xuất bởi buồng trứng, vú và tuyến thượng thận. Trong chu kỳ kinh nguyệt, FSH kích thích sự phát triển của những nang noãn chưa trưởng thành, khi noãn phát triển ra tiết ra estradiol, vùng hạ đồi và tuyến yên bị tác động giải phóng ra hormone GnRH và LH thúc đẩy sự rụng trứng. Trường hợp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm sẽ giảm đáp ứng hoặc không đáp ứng với kích thích của FSH, vì vậy nang noãn không phát triển và không tiết ra estradiol, và nồng độ hormone estradiol trong máu thấp hơn bình thường.
  • Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm nhiễm sắc thể để kiểm tra nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng.

Điều trị suy buồng trứng sớm như thế nào?

Suy buồng trứng gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của phụ nữ, đặc biệt trong cuộc sống vợ chồng, khiến bệnh nhân mất tự tin vào bản thân. Chức năng sinh sản ở nữ giới cũng bị suy giảm đáng kể do trứng không thể sản sinh và phóng noãn để thụ tinh dẫn đến vô sinh. Phụ nữ dưới 40 tuổi nếu nhận thấy các dấu hiệu như bất thường về kinh nguyệt, chậm kinh, kinh nguyệt có màu bất thường, cáu gắt, mất ngủ… nên chủ động đến bệnh viện có chuyên khoa sản hoặc hỗ trợ sinh sản để được thăm khám kịp thời.

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị để cải thiện tình trạng suy buồng trứng sớm. Với những chị em mong con hoặc mong muốn bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai, điều trị kích thích buồng trứng được áp dụng với mong muốn thu được nhiều trứng hơn so với những chu kỳ bình thường. Tuy nhiên mỗi bệnh nhân sẽ có đáp ứng với thuốc kích thích buồng trứng khác nhau nên cần được thăm khám và có phác đồ điều trị cá thể hóa.

Một số phương pháp khác với những phụ nữ muốn có thai trong tương lai gồm trữ lạnh mô buồng trứng, noãn, hoặc phôi… Kỹ thuật này có thể áp dụng để bảo tồn khả năng sinh sản, đặc biệt với những bệnh nhân trước khi điều trị ung thư. Hiện nay, trữ trứng đang được xem là xu hướng của những người phụ nữ hiện đại. Việc trữ trứng giúp bảo tồn khả năng sinh sản, tế bào noãn được trữ sẽ “ngừng đồng hồ sinh học” ngay tại thời điểm trữ và tỷ lệ trứng sau rã có thể sử dụng được là rất cao.

Tóm lại,

Hiện nay không có cách nào để phòng ngừa suy buồng trứng, chị em phụ nữ nên chủ động theo dõi sức khỏe sinh sản, thăm khám nếu có những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt như máu kinh ít, kinh thưa dần, mất kinh vài tháng liên tiếp cần đi khám và điều trị sớm. Cần hạn chế căng thẳng, mệt mỏi liên tục và nên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ. Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ và tăng cường hệ miễn dịch. Chị em nên khám phụ khoa mỗi 6 tháng vì việc thăm khám kịp thời sẽ giúp phụ nữ suy buồng trứng chủ động trong phương án điều trị trong tương lai. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và sớm gặp được thiên thần của mình!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ