Corticosteroid hỗ trợ phổi: Cứu cánh cho những thai kì non tháng

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sinh non là một trong những tình trạng thường gặp trong thai kì. Những đứa trẻ non tháng được sinh ra phải đối mặt với khá nhiều những nguy cơ về tử vong và bệnh tật lâu dài. Một trong những nguy cơ đó chính là vấn đề về suy hô hấp. May thay, nếu vấn đề sinh non được dự báo trước và có sự chuẩn bị, hỗ trợ phổi bằng corticosteroid dường như là một sự cứu cánh cho tất cả những trẻ sơ sinh non tháng. Vậy sử dụng corticosteroid để hỗ trợ phổi trong quá trình mang thai như thế nào?

SINH NON VÀ VẤN ĐỀ SUY HÔ HẤP Ở TRẺ SƠ SINH

Sinh non là tình trạng thai phụ chuyển dạ và sinh trong khoảng 20 (hoặc 22 tuần) đến trước 37 tuần thai kì. Sinh non liên quan nhiều đến nguy cơ tử vong và một loạt những bệnh tật ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, vấn đề suy hô hấp là một vấn đề cực kì quan trọng vì nó liên quan đến sống còn ở những giây phút đầu đời của trẻ sơ sinh.

Với những trẻ sinh ra càng sớm thì tỉ lệ mắc hội chứng suy hô hấp cấp (respiratory distress syndrome – RDS) càng cao (Hình 1).

Tỉ lệ suy hô hấp ở thời điểm chưa có thuốc hỗ trợ phổi
Hình 1. Tỉ lệ trẻ mắc RDS theo tuổi thai. Chú thích: SGA: Trẻ nhẹ cân so với tuổi thai (small-for-gestational-age) và AGA: Trẻ có cân nặng phù hợp tuổi thai (appropriate-for gestational-age)

CORTICOSTEROID GIÚP ĐỠ NHỮNG TRẺ NON THÁNG NHƯ THẾ NÀO?

Trong quá trình phát triển, các glucocorticoids sinh lý được tiết ra từ tuyến thượng thận của thai hoặc bánh nhau sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể thai nhi phát triển và trưởng thành, giúp thai có thể thích nghi với đời sống bên ngoài cơ thể người mẹ. Do ở những thai kì non tháng, thai nhi không được tiếp xúc đủ với các loại glucocorticoids sinh lý này, do đó sự trưởng thành của các cơ quan cũng bị trì trệ.

Theo cơ chế đó, việc bổ sung corticosteroid ngoại sinh với hi vọng khi cơ thể thai được tiếp xúc với đủ lượng corticosteroid, các cơ quan có thể trưởng thành, đặc biệt là phổi – cơ quan quyết định sự sống đầu tiên của thai. Vì lẽ đó, những mũi tiêm corticosteroid còn gọi là mũi “hỗ trợ phổi”.

Trong hơn 50 năm qua kể từ những báo cáo đầu tiên về hiệu quả của corticosteroid trong những thai kì non tháng, corticosteroid ngày càng chứng minh được vai trò của nó. Không những corticosteroid làm giảm nguy cơ suy hô hấp (giảm 34%) mà còn làm giảm nguy cơ về xuất huyết nội sọ (giảm 45%), viêm ruột hoại tử (giảm 50%) và những bệnh tật về lâu dài liên quan đến non tháng khác, từ đó làm giảm nguy cơ tử vong chu sinh (giảm 28%).

NHỮNG LOẠI CORTICOSTEROID HỖ TRỢ PHỔI ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG THAI KÌ

Không phải bất cứ loại corticosteroid nào cũng được sử dụng trong thai kì non tháng. Hai loại corticosteroid được lựa chọn sử dụng trong thai kì non tháng gồm betamethasone và dexamethasone. Đây là 2 loại corticosteroid có tác dụng gần giống với corticosteroid nội sinh, có thể qua được bánh nhau ở dạng hoạt động và những hiệu ứng giữ muối nước hay ức chế miễn dịch là yếu nhất.

Liều dùng của 2 loại corticosteroid được khuyến cáo như sau:

  • Betamethasone 12mg, tiêm bắp, 2 liều cách 24 giờ
  • Dexamethasone 6mg, tiêm bắp, 4 liều cách 12 giờ

Trong các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng nhiều liều hơn so với khuyến cáo đều không làm gia tăng hiệu quả trưởng thành phổi. Ngoài ra, tác dụng của corticosteroid trong hỗ trợ phổi là cao nhất trong khoảng từ 2 – 7 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, người ta nhận thấy, nếu sinh non diễn ra < 24 giờ sau khi tiêm mũi hỗ trợ phổi đầu tiên cũng đã giảm đáng kể những biến chứng non tháng. Vì vậy, dù trong một số trường hợp mà khả năng tiêm mũi thứ 2 không kịp thì một mũi tiêm corticosteroid cũng đã có hiệu quả và nên được tiêm cho thai phụ.

CORTICOSTEROID VÌ MỤC ĐÍCH HỖ TRỢ PHỔI CÓ GÂY ẢNH HƯỞNG BẤT LỢI GÌ CHO MẸ VÀ BÉ KHÔNG?

Tuy corticosteroid có tác dụng trong việc giúp trưởng thành các cơ quan của thai nhi, tuy nhiên dùng corticosteroid ngoại sinh cũng gây ra những tác dụng phụ cho cả mẹ và thai như:

  • Đối với người mẹ: có thể gây tăng đường huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc gây ức chế trục hạ đồi – tuyến yên. Tuy nhiên những nguy cơ này không ảnh hưởng đến chỉ định corticosteroid nếu cần thiết phải sử dụng vì mục đích trưởng thành phổi ở thai.
  • Đối với thai: một số nguy cơ được tìm thấy như thai nhẹ cân, hạ đường huyết thoáng qua ở trẻ sơ sinh, dễ tổn thương do stress, vấn đề về chuyển hoá có thể gây đề kháng insulin hoặc bệnh tim mạch khi trưởng thành. Tuy nhiên, hiện tại những dữ liệu về ảnh hưởng lên thai còn tranh cãi do những kết quả đơn lẻ, chủ yếu ở những liều corticosteroid lặp lại.

Vì vậy, với những bằng chứng hiện tại, corticosteroid không gây hại nghiêm trọng đến thời thơ ấu của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, corticosteroid không phải là “thuốc bổ” nên phải được sử dụng đúng cách và đúng thời điểm mới có thể đạt được những hiệu quả mong muốn, cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ.

MỘT SỐ KHUYẾN CÁO VỀ HỖ TRỢ PHỔI TRONG THAI KÌ

Một số khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) năm 2016, 2017 và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Obstetricians and Gynecologists – RCOG) năm 2022 về corticosteroid hỗ trợ phổi như sau:

Hiệu quả của corticosteroid hỗ trợ phổi

  • Những trường hợp thai phụ có tuổi thai từ 24 – 34 tuần (ACOG) hoặc đến 34 tuần 6 ngày (RCOG) được dự đoán sẽ sinh non trong vòng 7 ngày nên được tiêm 1 liệu trình corticosteroid (2 liều betamethasone hoặc 4 liều dexamethasone), kể cả những trường hợp đa thai.
  • Những thai phụ có tuổi thai 24 – 34 tuần đã tiêm hỗ trợ phổi trước đó hơn 14 ngày, có thể cân nhắc lặp lại một liệu trình corticosteroid nếu tiên đoán sẽ sinh trong vòng 7 ngày
  • Với những trường hợp thai phụ sinh non trong khoảng từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày, nên cân nhắc 1 liệu trình corticosteroid nếu chưa tiêm corticosteroid trước đó.
  • Không nên tiêm lặp lại quá 2 liệu trình (ACOG) hoặc 3 liệu trình corticosteroid (RCOG).
  • Mẹ đái tháo đường hoặc nhiễm trùng không là chống chỉ định tuyệt đối của corticosteroid.
  • Trong những trường hợp cần xử trí cấp cứu (nhiễm trùng ối, suy thai), chấm dứt thai kì mà không chờ đợi đủ liều hỗ trợ phổi.

TÓM LẠI

Sinh non là một trong những biến chứng quan trọng trong thai kì bởi nó gây ra vấn đề suy hô hấp ở trẻ non tháng cùng những nguy cơ tử vong và bệnh tật lâu dài khác. May thay, corticosteroid vì mục đích hỗ trợ phổi là một trong những cứu cánh cho những đứa trẻ này khi làm giảm đáng kể nguy cơ suy hô hấp cùng những biến chứng do non tháng khác. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này cũng cần phải đúng cách và đúng chỉ định. Vì vậy, các thai phụ cần khám thai đúng hẹn để có thể phát hiện kịp thời các nguy cơ và điều trị đúng lúc nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ