Có nên chuyển nhiều phôi?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Chuyển bao nhiêu phôi là tốt nhất?

Nên chuyển tối đa bao nhiêu phôi để đạt hiệu quả cho kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vừa đảm bảo an toàn cho thai kỳ kế tiếp, luôn là mong muốn không chỉ bệnh nhân mà Bác sĩ điều trị cũng vô cùng quan tâm. Để hạn chế đa thai, chúng ta chỉ cần chuyển một lần một phôi, nhưng nếu chỉ chuyển một phôi tỉ lệ thành công sẽ thấp đi. Ngược lại, việc chuyển nhiều phôi cùng một lúc làm tăng tỉ lệ mang thai nhưng cũng sẽ làm tăng cơ hội dẫn đến sinh đôi, sinh ba… Từ đó trở thành gánh nặng cho sản phụ, nhất là những phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn mong muốn có con. Vì vậy, cần cân đối việc chuyển phôi thế nào để tăng tỉ lệ thành công và giảm được khả năng đa thai. Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sức khỏe, chất lượng phôi và độ tuổi của bạn. 

Hình 1 Mang đa thai làm tăng nguy cơ cho cả mẹ và bé

Hệ lụy chuyển nhiều phôi trong một chu kỳ IVF là gì?

Như đã đề cập, trong khoảng thời gian trước đây, để đảm bảo tỷ lệ thành công trong mỗi lần chuyển phôi thì các chuyên viên thường chuyển nhiều phôi. Theo đó, số lượng phôi được chuyển đôi khi là 2, 3 hoặc thậm chí nhiều hơn. Tuy nhiên, một trong những hệ luỵ của chiến lược này là tỷ lệ đa thai thai rất cao (có nhiều hơn 1 thai nhi trong buồng tử cung).

Đôi khi bệnh nhân muốn có thai đôi vì chỉ đơn giản nghĩ rằng sinh một lần được hai em bé, việc chăm sóc đồng thời khiến sau này sẽ được nhàn nhã hơn. Tuy vậy, đa thai có thể gây nhiều hệ luỵ cho cả mẹ và em bé. Với các cặp vợ chồng hiếm muộn thường thích sinh đôi, thậm chí là sinh ba. Sự ra đời của những cặp song sinh khỏe mạnh là một niềm hạnh phúc cực kì lớn lao đối với các ba mẹ, càng đặc biệt hơn với những người phải trải qua hành trình tìm con khó khăn.

Các nghiên cứu cho thấy, những thai kỳ IVF có tỉ lệ sinh non cao hơn so với thai kỳ tự nhiên gấp 3 lần. Một thai kỳ đơn thai có 9% nguy cơ sinh con nhẹ cân, 2% rất nhẹ cân và 14% sinh non. Những rủi ro này sẽ lần lượt tăng lên 57%, 9% và 65% với trường hợp sinh đôi. Ngoài ra còn có 1% từ 1 phôi có thể phát triển thành 2 em bé. Như vậy dù chỉ chuyển 1 hay 2 phôi nhưng vẫn có khả năng mang song thai thậm chí là tam thai. Do đó  quyết định số lượng phôi chuyển phù hợp cũng góp phần vào sự an toàn cho thai kỳ sắp tới.

Những nguy cơ có thể gặp khi mang đa thai là gì?

Bé sinh non tháng và nhẹ cân là nguy cơ có thể gặp khi mang đa thai. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ không mong muốn như bé dễ bị suy hô hấp, rối loạn tiêu hóa, vàng da. Từ đó phải nhập viện kéo dài, đồng thời các vấn đề về thị giác, thính giác, không có khả năng điều hòa thân nhiệt, khả năng bệnh tim cao hơn so với đơn thai, bại não và thậm chí là tử vong sơ sinh.

Ngoài ra đối với sản phụ mang đa thai thì tử cung căng quá mức, có nguy cơ biến chứng thai kỳ như nhau bám thấp, nhau tiền đạo gây chảy máu nhiều, ối vỡ sớm. Sản phụ có thể nghén nặng hơn, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh. Khi mang đơn thai thì những nguy cơ này cũng có thể xảy ra, nhưng khi mang đa thai thì xu hướng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn. 

Sức khỏe tâm lý cũng là yếu tố quan trọng: khi điều trị hiếm muộn là người phụ nữ đã tăng tỉ lệ lo lắng và trầm cảm. Những yếu tố về tâm lý này xảy ra trong quá trình mang thai đều có thể gây ra biến chứng dọa sảy thai. Hoặc khi tình huống sinh non, sẩy thai xảy ra ít nhiều sẽ gây trầm cảm, rối loạn lo âu dẫn đến lo lắng, thiếu tự tin để chuẩn bị cho thai kỳ tiếp theo.

Một số chiến lược để hướng tới chuyển đơn phôi

Nuôi cấy và chuyển phôi nang

Hiện nay, nhờ kỹ thuật phát triển, các phòng lab IVF trên toàn thế giới có thể nuôi cấy phôi đến được giai đoạn phôi nang, đây là giai đoạn ngay trước khi phôi thoát màng và làm tổ vào buồng tử cung. Khi nuôi cấy phôi kéo dài, những phôi bất thường mà không có khả năng phát triển từ giai đoạn phân cắt (ngày 2-3) sẽ dừng lại, và chỉ những phôi có khả năng phát triển tốt hơn mới lên được giai đoạn phôi nang. Vì vậy, nhờ quá trình nuôi cấy này mà các chuyên viên phôi loại đi được một số phôi và tìm ra được những phôi có tiềm năng hơn. Sau đó, những phôi nang có thể được chuyển từng phôi một để giảm nguy cơ đa thai.

Phương pháp lựa chọn phôi

Hình 2 Lựa chọn phôi có chất lượng tốt nhất để thực hiện chuyển đơn phôi

Từ những phôi có được sau chu kỳ thụ tinh ống nghiệm của bệnh nhân các chuyên viên phôi sẽ áp dụng một số phương pháp khác nhau để lựa chọn ra phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất.

  • Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để lựa chọn phôi không có bất thường về mặt số lượng sắc thể (PGT-A). Chiến lược này đã được đề xuất từ những năm 90 của thập kỷ trước. Ban đầu họ làm trên phôi ngày 3 với kỹ thuật FISH. Hiện nay, người ta sử dụng các công nghệ di truyền mới như NGS, aCGH và làm với phôi nang ngày 5. 
  • Đánh giá phôi dựa vào hình thái của phôi. Có một đồng thuận về đánh giá hình thái của phôi được các nhà chuyên môn họp với nhau tại Istanbul năm 2011. Tuy đây là phương pháp chính hiện nay nhưng nó cũng có nhiều mặt hạn chế. Vì nó là phương pháp chủ quan và phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đánh giá.
  • Sử dụng thông tin từ nuôi cấy và theo dõi phôi liên tục (Time lapse). Đây là phương pháp mới và đưa có nhiều triển vọng trong tương lai khi đưa trí tuệ nhân tạo vào việc quản lý theo dõi phôi.

Chiến lược chuyển đơn phôi có chọn lọc (eSET) trên thế giới

Hầu như các nước trên thế giới nhắm tới chuyển phôi đơn có chọn lọc nhằm giảm tỷ lệ đa thai xuống thấp nhất.

– Tỷ lệ chuyển đơn phôi ở Anh tăng lên gần 80% vào năm 2019, trong khi năm 1991 chỉ có dưới 20% chuyển 1 phôi. Và tỷ lệ đa thai đã giảm xuống từ gần 30% băm 1991 tới hơn 5% năm 2019.

– Tương tự, ở Thuỵ Điển tỷ lệ chuyển đơn phôi tăng lên 98.2% trong nhóm chuyển phôi đông lạnh. Điều này dẫn tới tỷ lệ đa thai giảm xuống còn 2.54%.

– Ở Mỹ tỷ lệ chuyển đơn phôi cũng tăng lên và tỷ lệ đa thai cũng giảm xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ đa thai vẫn còn cao hơn ở Anh và Thuỵ điển. Tỷ lệ sinh đôi ở Mỹ sau hỗ trợ sinh sản rơi vào khoảng hơn 20%.

Tóm lại,

Hiệu quả của điều trị hiếm muộn và sức khỏe của mẹ và bé là điều mà các cặp đôi và bác sĩ quan tâm nhất. Trước đây, để duy trì tỷ lệ thành công trên mỗi lần chuyển phôi sau điều trị IVF người ta thường chuyển nhiều phôi. Nhưng hệ quả là tỷ lệ đa thai rất cao. Vậy nên các chuyên gia đã cố gắng để nâng cao chất lượng phôi để chuyển đơn phôi để vừa nâng cao tỷ lệ đậu phôi, vừa giảm thiểu nguy cơ. Hiện tại, chuyển đơn phôi là chiến lược đang được hướng đến để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho mẹ và bé. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu nhé!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ