Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Phôi thoát màng là gì?

Trong quy trình thụ tinh ống nghiệm, khi trứng và tinh trùng được thụ tinh thành công thì các tế bào sẽ bắt đầu có sự phân chia. Ở giai đoạn phát triển ban đầu, phôi thai sẽ được bao bọc bởi một lớp màng zona pellucid. Sau khi phôi được cấy vào buồng tử cung sẽ phát triển thành phôi nang và thoát khỏi lớp màng đó để làm tổ, bám vào nội mạc tử cung rồi phát triển thành thai nhi.

Thoát màng là một quá trình sinh lý đặc trưng bởi sự mỏng dần màng zona của phôi (Zona pellucida- ZP), phôi thoát ra ngoài qua một lỗ thủng nhỏ trên màng trước khi bám vào nội mạc tử cung. Hiện tượng này được hỗ trợ thông qua các enzyme ly giải màng có nguồn gốc từ phôi nang, từ lớp tế bào lá nuôi hoặc từ các chất tiết của nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, sự gia tăng áp lực bên trong màng ZP do tăng nhanh thể tích khoang phôi cũng góp phần giúp phôi thoát ra khỏi màng.


Hình 1 Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (
Nguồn)

Các nhà khoa học đã đưa ra 3 giả thuyết giải thích nguyên nhân phôi không làm tổ sau khi được chuyển vào buồng tử cung trong quy trình thụ tinh ống nghiệm như sau:

– Phôi không có khả năng làm tổ.

– Thiếu hụt thành phần liên kết phôi với các phân tử của nội mạc tử cung.

– Phôi không thể tự thoát ra khỏi màng bọc zona xung quanh. Theo các nghiên cứu, có tới 20% phôi nang hình thành trong ống nghiệm gặp phải trở ngại trong việc nở rộng nên không thể thoát ra khỏi màng phôi. Kết quả là phôi nang bị xẹp xuống rồi thoái hóa, thụ tinh ống nghiệm cũng vì thế mà thất bại.

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

Màng bao bọc ngoài phôi là một lớp vỏ trong suốt có tính đàn hồi, hình thành do các protein của tế bào trứng tiết ra. Trong một số trường hợp, lớp màng này bị ảnh hưởng trở nên xơ cứng khiến phôi không thể thoát ra ngoài để làm tổ. Hỗ trợ thoát màng (Assisted hatching- AH) là một kỹ thuật vi thao tác với mục đích giúp phôi thoát khỏi màng ZP. AH được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1989 với mục đích cải thiện tiềm năng làm tổ của phôi. Kể từ đó, kỹ thuật AH đã được phát triển và sử dụng rộng rãi với các phương pháp khác nhau. Trải qua hơn 30 năm ứng dụng, hiệu quả của kỹ thuật này lên kết quả điều trị IVF đã được nhiều nghiên cứu chứng minh tuy nhiên việc có nên áp dụng kỹ thuật này một cách thường quy trên tất cả các trường hợp điều trị IVF hay không vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.

Các cách hỗ trợ phôi thoát màng:

Có 3 phương pháp được áp dụng để thực hiện hỗ trợ phôi thoát màng: cơ học, hóa học và laser:

  • Phương pháp cơ học: còn được gọi là phương pháp loại bỏ một phần màng zona (Partial zona dissection- PZD), phôi sẽ được thoát màng nhờ việc mở một lỗ bằng pipette. Sau này, phương pháp PZD được cải tiến thành 3D-PZD với lỗ mở có kích thước 30-40 μm. Tuy nhiên PZD có một số điểm hạn chế như việc mở rộng có thể không đủ lớn để giúp phôi nang nở hoàn toàn, ảnh hưởng của tác động cơ học trong quá trình thao tác làm tổn thương phôi, thay đổi áp suất làm tổn thương thoi vô sắc. Do các bất lợi trên nên phương pháp này rất ít được sử dụng.
  • Phương pháp hóa học: sử dụng acid Tyrode (pH 2,5 ± 0,3) loại bỏ lớp màng ngoài khoảng 30-40 μm. Tuy nhiên phương pháp này cần người thực hiện phải có nhiều kinh nghiệm và acid sử dụng có thể gây độc cho phôi vì vậy hiện nay phương pháp này không còn được sử dụng trong thực hành lâm sàng nữa.
  • Phương pháp laser: tia laser sử dụng sóng điện tử với bước sóng đơn sắc, bắn ra chùm tia sáng, như một công cụ để cắt màng với kích thước từ 1-5 μm. Có hai loại laser khác nhau là loại tiếp xúc (contact laser) và không tiếp xúc (non-contact laser). Phương pháp laser không tiếp xúc không tác động trực tiếp lên phôi, không có các chất gây ảnh hưởng đến sự phát triển phôi, cải thiện khả năng thoát màng của phôi nang, nhỏ gọn, dễ dàng thích nghi với các hệ thống kính hiển vi, hệ thống đơn giản, nhanh chóng và dễ sử dụng và là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại. 


Hình 2 Các phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng (
Nguồn)

Những ai nên được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng?

Không phải tất cả các trường hợp thụ tinh ống nghiệm đều cần áp dụng hỗ trợ phôi thoát màng, kỹ thuật này thường được khuyến cáo cho các nhóm bệnh nhân sau2:

– Chuyển phôi trữ lạnh

– Tuổi của bệnh nhân nữ cao.

– Thực hiện IVF thất bại nhiều lần (trên 3 chu kỳ)

– Phôi có bất thường về hình thái và cấu trúc như trứng hình oval, màng zona pellucid dầy…

– Phôi hình thành từ kỹ thuật IVM (Trưởng thành noãn non trong ống nghiệm)

Hình 3 Các trường hợp nên thực hiện kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Nguồn)

Hiệu quả của kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng trong điều trị IVF

Hiện nay, vai trò của kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng, tuổi phôi cũng như phân nhóm bệnh nhân cần được thực hiện kỹ thuật này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một nghiên cứu khác trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi thực hiện chuyển phôi ngày 3 trong chu kỳ chuyển phôi trữ cho thấy ở nhóm bệnh nhân chuyển phôi được hỗ trợ thoát màng bằng laser có tỉ lệ thai lâm sàng cao hơn nhóm bệnh nhân chuyển phôi không được hỗ trợ (33,3% so với 27,4%). Ở những bệnh nhân lớn tuổi (>38 tuổi), kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng giúp tăng đáng kể tỉ lệ mang thai (18,36% so với 11,36%)3,4.

Tóm lại,

Phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted Hatching – AH) là một kỹ thuật vi thao tác trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bằng cách làm mỏng, tạo lỗ thủng trên màng trong suốt (Zona Pellucida – ZP) bao quanh phôi, giúp phôi thoát khỏi màng bao, bám vào nội mạc tử cung để làm tổ và phát triển thành thai. Phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng có thể làm tăng khả năng thụ thai thành công khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm, tăng thêm nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu của mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ