Xét nghiệm ERA là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

XÉT NGHIỆM ERA LÀ GÌ?

Niêm mạc tử cung dày hoặc mỏng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại trong IVF, đe dọa nguy cơ gây sảy thai nhiều lần. Đứng trước những rủi ro đó, một phương pháp xác định cửa sổ làm tổ của niêm mạc tử cung được ra đời. ERA (Endometrial receptivity array) là một xét nghiệm được ứng dụng trong ngành hỗ trợ sinh sản tại các nước phát triển trên thế giới nhằm đánh giá khả năng tiếp nhận phôi của lớp lót niêm mạc tử cung. Xét nghiệm này sử dụng công nghệ mới, phân tích mức độ biểu hiện của hàng trăm gen ở niêm mạc tử cung, qua đó tối ưu hóa thời gian đặt phôi vào tử cung để thúc đẩy quá trình làm tổ và mang thai. Thời gian này được gọi là “Window of Implantation” – Cửa sổ làm tổ của phôi.

Cửa sổ làm tổ bắt đầu từ khoảng ngày 19 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài khoảng 4 – 5 ngày khi nồng độ progesterone đạt đỉnh. Nếu như trước đây, bệnh nhân được chuẩn bị niêm mạc để chuyển phôi trữ vào một ngày cố định theo phác đồ, thì hiện nay nhờ có xét nghiệm ERA, các bác sĩ có thể xác định được cửa sổ làm tổ của niêm mạc tử cung từ đó xác định được thời gian phù hợp nhất để chuyển phôi cho từng bệnh nhân.

Xét nghiệm ERA
Hình 1. Xét nghiệm ERA giúp dự đoán cửa sổ làm tổ (Nguồn)

Xét nghiệm ERA sẽ phân tích khả năng tiếp nhận phôi của niêm mạc thông qua sự biểu hiện của hàng trăm gen thụ thể ở nội mạc tử cung, sau đó sẽ tiến hành sinh thiết nội mạc tử cung, thu thập mẫu mô và đưa đi phân tích tại phòng xét nghiệm. Dựa trên từng mẫu phân tích, kết quả ERA cho thấy sự cần thiết phải thay đổi thời gian chuyển phôi phù hợp, qua đó cá thể hóa thời điểm chuyển phôi. Kết quả xét nghiệm ERA có giá trị đến 3 năm trong điều kiện các chỉ số sau không thay đổi: BMI, độ dày nội mạc tử cung, không phẫu thuật trên tử cung, và không thay đổi tình trạng điều trị hóa xạ trị.

XÉT NGHIỆM ERA GIÚP TĂNG TỈ LỆ THÀNH CÔNG CỦA CHUYỂN PHÔI

Năm 2016,  nghiên cứu của Katzorke, Vilella, Ruiz, Krüssel, & Simón, 2016, thực hiện xét nghiệm ERA trên 6.000 bệnh nhân thất bại chuyển phôi, có tới 28,6% bệnh nhân ở trạng thái không tiếp nhận. Trong đó 85% bệnh nhân ở trạng thái trước tiếp nhận, 12,6% bệnh nhân ở trạng thái sau tiếp nhận. Sau nhiều năm phân tích và đánh giá, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 35% phụ nữ có “cửa sổ làm tổ” khác với những người còn lại. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến chu kỳ IVF thất bại mặc dù phôi đạt tiêu chuẩn và tử cung hoàn toàn bình thường. Việc ứng dụng xét nghiệm ERA xác định thời điểm “cửa sổ làm tổ”, đánh giá chính xác khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung đã làm tăng khả năng mang thai. Nghiên cứu của Tan cùng cộng sự, năm 2018, trên 88 bệnh nhân thất bại chuyển phôi giữ nhóm sử dụng xét nghiệm ERA, kết quả là tăng tỉ lệ chuyển phôi thành công: 73,7% ở nhóm sử dụng xét nghiệm ERA so với nhóm chứng là 54,2% và tăng tỷ lệ mang thai thành công 63,2% ở nhóm sử dụng xét nghiệm ERA so với nhóm chứng 41,7%.

AI NÊN THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM ERA?

Những phụ nữ sau nên được xem xét thực hiện xét nghiệm ERA:

  • Người từng thất bại chuyển phôi nhiều lần (≥ 2 lần), chất lượng phôi tốt và niêm mạc tốt nhưng thất bại chuyển phôi không rõ nguyên nhân.
  • ≥1 lần thất bại sử dụng trứng của người nhận, phôi tốt, niêm mạc tử cung tốt nhưng thất bại chuyển phôi không rõ nguyên nhân.

XÉT NGHIỆM ERA ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

  • Thực hiện chuẩn bị nội mạc tử cung như trong chuyển phôi trữ đông, các thuốc được sử dụng là estradiol và progesterone. Sau khi progesterone được sử dụng, khoảng 120 giờ sau đó, nội mạc TC được sinh thiết một mẫu nhỏ để tìm hiểu kiểu gen và kiểu hình của nó. Nội mạc TC được xác định đang trong giai đoạn receptive ( tiếp nhận) hay pre- receptive (trước tiếp nhận), post–receptive (sau tiếp nhận) và nếu có lệch thì lệch bao nhiêu giờ so với chuẩn.
  • Sau khi có kết quả (khoảng 12 ngày), trong những chu kỳ chuyển phôi đông sau đó, phôi sẽ được chuyển vào những thởi điểm được điều chỉnh theo kết quả của ERA, điều này sẽ giúp tỉ lệ thành công tăng rất nhiều so với trước khi thực hiện ERA. Việc điều chỉnh thời gian chuyển phôi giúp làm tăng tỉ lệ mang thai
Hình 2. Quy trình thực hiện xét nghiệm ERA (Nguồn)

NHỮNG TRANH CÃI XUNG QUANH XÉT NGHIỆM ERA

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng xét nghiệm ERA không làm thay đổi tỉ lệ có thai ở phụ nữ điều trị hiếm muộn. Năm 2020, Mauro Cozzolino và cộng sự đánh giá tính hiệu quả của sự kết hợp giữa (xét nghiệm di truyền tiền làm tổ) PGT-A và xét nghiệm ERA trên nhóm bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần. Đây là một nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm trên 2598 bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần có độ tuổi từ 18-45, thực hiện IVF từ năm 2013 đến năm 2018. Bệnh nhân được phân thành 2 nhóm: 2110 bệnh nhân thất bại sau hơn 3 lần chuyển đơn phôi và 488 bệnh nhân thất bại sau hơn 5 lần chuyển phôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy PGT-A có lợi cho trường hợp bệnh nhân thất bại làm tổ với <5 lần chuyển phôi và ở mức độ nghiên cứu này thì xét nghiệm ERA dường như không hữu ích về mặt lâm sàng đối với bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần.

HẠN CHẾ CỦA XÉT NGHIỆM ERA LÀ GÌ?

  • Có nguy cơ không phân tích được kết quả (<5%). Nguyên nhân thường do quá trình sinh thiết gặp vấn đề, dẫn đến không đủ mẫu hoặc mẫu không đủ chất lượng để phân tích. Cần lấy lại mẫu sinh thiết để thực hiện lại xét nghiệm.
  • Kể cả khi đúng thời điểm cửa sổ làm tổ thì khả năng mang thai vẫn không phải 100% do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phôi, bất thường di truyền của phôi,…
  • Xét nghiệm ERA không đánh giá các vấn đề bệnh lý của nội mạc tử cung, cũng như không tiên lượng chất lượng của thai kỳ.

TÓM LẠI

Thành công trong IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó môi trường để phôi làm tổ và phát triển tại niêm mạc tử cung là vô cùng quan trọng. Làm thế nào để xác định được thời gian chuyển phôi phù hợp và làm sao để xác định được thời điểm niêm mạc đủ “tiêu chuẩn” để tiếp nhận phôi là câu hỏi mà nhiều bác sĩ trăn trở? Và hiện nay, xét nghiệm ERA chính là phương pháp giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong IVF, đặc biệt là những trường hợp “thất bại nhiều lần”. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số tranh cãi xung quanh hiệu quả của xét nghiệm ERA. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu của mình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ