Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào?

Tầm soát tiền sản giật

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Tiền sản giật là một trong những biến chứng thường gặp trong thai kì, gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Hơn nữa, đây còn là một trong ba nguyên nhân chính gây tử vong cho người mẹ trong thời kì thai nghén. Vậy tiền sản giật gây nguy hiểm như thế nào? Trong những trường hợp mắc tiền sản giật, thai phụ cần làm gì và có cách nào dự phòng bệnh lí này hay không?

TIỀN SẢN GIẬT LÀ GÌ?

Tiền sản giật là một trong những rối loạn tăng huyết áp thường gặp trong thai kì. Bệnh lí này đặc trưng bởi sự xuất hiện của một tình trạng tăng huyết áp mới khởi phát, đa số sau 20 tuần và thường xuất hiện ở thai gần trưởng thành.

Mặc dù tiền sản giật thường đi kèm với tiểu đạm, tuy nhiên chỉ cần có tăng huyết áp và một số triệu chứng khác cũng có thể giúp chẩn đoán tiền sản giật mà không cần có tình trạng tiểu đạm đi kèm.

TẦN SUẤT MẮC TIỀN SẢN GIẬT TRONG THAI KÌ

Tiền sản giật tuy chỉ xuất hiện khoảng 2 – 8% trong thai kì nhưng lại là 1 trong 3 nguyên nhân chính gây tử vong cho người trong thời kì mang thai (cùng với băng huyết sau sinh và nhiễm trùng). Theo thống kê tại Mĩ năm từ năm 2011 đến 2015, tiền sản giật/sản giật là nguyên nhân của 7% nguyên nhân tử vong cho thai phụ.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA TIỀN SẢN GIẬT LÀ GÌ?

Nguyên nhân thực sự gây ra tình trạng tiền sản giật hay vì sao thai kì lại làm nặng hơn tình trạng tăng huyết áp đã có trước đó vẫn còn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Một số cơ chế được đề xuất bao gồm:

  • Bất thường trong tu sửa các động mạch xoắn: trong thai kì bình thường, các tế bào nuôi ngoài gai nhau sẽ đến các động mạch xoắn (xuất phát từ động mạch tử cung) để tu sửa – biến các động mạch có khẩu kính nhỏ, áp lực cao thành các động mạch có khẩu kính lớn, áp lực thấp để tưới máu cho bánh nhau và thai. Bất thường trong quá trình này làm cho các động mạch xoắn không được tu sửa, vẫn còn khẩu kính nhỏ với áp lực cao (Hình 1).
  • Rối loạn chức năng dung nạp miễn dịch giữa các mô của mẹ, nhau thai và thai nhi
  • Sự thích ứng không tốt của người mẹ đối với những thay đổi trong hệ tim mạch hoặc phản ứng viêm của thai kì bình thường
  • Các yếu tố di truyền bao gồm các gen có khuynh hướng và các ảnh hưởng của thượng di truyền
Hình 1. Sự tái tạo các động mạch xoắn của các tế bào nuôi trong thai kì bình thường (trái) và thai kì tiền sản giật (phải). Nguồn: William Obstetrics 26e
Hình 1. Sự tái tạo các động mạch xoắn của các tế bào nuôi trong thai kì bình thường (trái) và thai kì tiền sản giật (phải). Nguồn: Williams Obstetrics 26e

NHỮNG THAI PHỤ NÀO DỄ MẮC TIỀN SẢN GIẬT?

Một số thai phụ sẽ có nguy cơ dễ mắc tiền sản giật hơn như:

  • Con so
  • Đa thai
  • Tiền căn tiền sản giật ở thai kì trước
  • Tăng huyết áp mạn
  • Đái tháo đường trước khi mang thai
  • Đái tháo đường thai kì
  • Bệnh tăng đông di truyền
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • BMI trước mang thai ≥ 30 kg/m2
  • Hội chứng kháng phospholipid
  • Tuổi mẹ ≥ 35
  • Bệnh thận
  • Có thai nhờ các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ

TIỀN SẢN GIẬT GÂY ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO LÊN THAI KÌ?

Mắc tiền sản giật khi mang thai có thể gây ảnh hưởng cho cả mẹ và thai, bao gồm:

  1. Ảnh hưởng mẹ

Tiền sản giật có thể gây những ảnh hưởng đa cơ quan lên cơ thể người mẹ, bao gồm:

  • Hệ thần kinh trung ương: sản giật (5 – 8%) gây phù não, xuất huyết não – màng não gây ảnh hưởng tâm thần – vận động
  • Mắt: phù võng mạc, mù mắt
  • Gan: suy gan cấp, chảy máu dưới bao gan, vỡ gan
  • Thận: suy thận cấp
  • Tim, phổi: phù phổi cấp, suy tim cấp có thể thành suy tim mạn, tăng huyết áp mạn, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim
  • Huyết học: Rối loạn đông – chảy máu, giảm tiểu cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch, giảm tiểu cầu, băng huyết sau sinh
  • Hội chứng HELLP: tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu
  • Tử vong mẹ: chiếm 9% những nguyên nhân tử vong mẹ
  1. Ảnh hưởng lên thai

  • Thai chậm tăng trưởng: tiền sản giật ảnh hưởng đến những mạch máu cung cấp cho bánh nhau và thai, từ đó làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến thai
  • Sinh non: có thể do nguyên nhân tự phát hoặc do có chỉ định chấm dứt thai kì vì những lí do đe doạ tính mạng mẹ hoặc thai
  • Nhau bong non
  • Thai lưu, tử vong chu sinh

CHẨN ĐOÁN TIỀN SẢN GIẬT NHƯ THẾ NÀO?

  1. Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật

Tiền sản giật là một bệnh lí có thể ảnh hưởng đa cơ quan. Bệnh lí này được chẩn đoán khi:

(1) Có tình trạng tăng huyết áp:

  • Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≤ 90 mmHg trong 2 lần đo cách nhau 4 tiếng vào thời điểm từ tuần 20 trở đi (huyết áp trước đó bình thường)
  • Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc trong 2 lần đo cách nhau một khoảng thời gian ngắn (khoảng 15 phút hoặc hơn)

(2) Đạm niệu

  • 300 mg protein niệu trong mẫu nước tiểu 24 giờ
  • Tỉ số Protein/creatinine ≥ 0,3
  • Que nhúng nước tiểu 2+ (chỉ sử dụng khi những phương pháp định lượng không thực hiện được)

HOẶC

(3) Khi vắng mặt tình trạng tiểu đạm, chỉ cần xuất hiện 1 trong những triệu chứng nặng dưới đây

  • Giảm tiểu cầu: dưới 100 x 109/L
  • Suy thận: creatinine huyết thanh ≥ 1,1 mg/dL hoặc gấp đôi lượng creatinine bình thường với điều kiện không có bệnh thận kèm theo
  • Suy gan: Tăng men gan gấp đôi
  • Phù phổi
  • Đau đầu mới khởi phát, không đáp ứng với thuốc và không giải thích được bằng những nguyên nhân khác
  • Nhìn mờ
  • Sản giật
  1. Chẩn đoán phân biệt

Tiền sản giật là một trong những rối loạn tăng huyết áp trong thai kì. Tình trạng này sẽ khác với tăng huyết áp thai kì (không có tiểu đạm và các triệu chứng nặng).

Ngoài ra, tiền sản giật cũng có thể khởi phát trên nền của một bệnh lí tăng huyết áp mạn tính trước đó. Trong trường hợp này, bệnh có thể khởi phát sớm hơn, nặng hơn và thường đi kèm với thai chậm tăng trưởng.

  1. Cách phân loại tiền sản giật

Về độ nặng của bệnh, tiền sản giật có thể được chia ra thành tiền sản giật không dấu hiệu nặng và tiền sản giật có dấu hiệu nặng. Các dấu hiệu nặng của tiền sản giật được liệt kê ở mục (3).

Dựa vào thời điểm khởi phát bệnh, tiền sản giật cũng có thể được chia thành:

  • Tiền sản giật khởi phát sớm: trước 34 tuần
  • Tiền sản giật khởi phát muộn: từ 34 tuần trở đi
  • Tiền sản giật ở thai non tháng: trước 37 tuần
  • Tiền sản giật ở thai đủ tháng: từ 37 tuần trở đi

CẦN XỬ TRÍ GÌ TRONG TRƯỜNG HỢP THAI PHỤ MẮC TIỀN SẢN GIẬT?

Do cơ chế đề xuất khởi phát tiền sản giật là do sự xâm nhập bất thường của các tế bào nuôi nên để chữa trị bệnh lí này, chấm dứt thai kì là phương pháp triệt để. Vì vậy, mục tiêu xử trí trong trường hợp tiền sản giật đó là kiểm soát huyết áp, ngừa co giật và chấm dứt thai kì ngay khi thai có khả năng sống.

  • Thuốc hạ áp: mục đích để ngăn ngừa những biến chứng nặng hơn như suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận. Thuốc có thể được sử dụng khi có dấu hiệu nặng hoặc kiểm soát huyết áp ngoại viện với mục tiêu huyết áp < 140/90 mmHg. Các loại thuốc huyết áp được sử dụng bao gồm: thuốc ức chế kênh canxi (nicardipine, nifedipine), hydralazine, labetalol hoặc methyldopa.
  • Ngừa co giật: sử dụng trong trường hợp tiền sản giật có dấu hiệu nặng. Thai phụ sẽ được truyền tĩnh mạch liên tục MgSO4 và duy trì cho đến sau sinh 24 giờ. Song song với truyền MgSO4, thai phụ cũng sẽ được theo dõi các dấu hiệu của ngộ độc Mg2+ (phản xạ gân xương, nhịp thở, nhịp tim, SpO2, lượng nước tiểu)
  • Chấm dứt thai kì: phụ thuộc vào tuổi thai lúc khởi phát bệnh và mức độ nặng của bệnh. Nếu không có tình trạng cấp cứu của mẹ hoặc thai, thì:
    • Tiền sản giật có dấu hiệu nặng: chấm dứt thai kì khi thai ≥ 34 tuần
    • Tiền sản giật không dấu hiệu nặng: chấm dứt thai kì khi thai ≥ 37 tuần.

Trong trường hợp này, thai phụ có thể được theo dõi ngoại viện với thuốc hạ áp, đo huyết áp 2 lần/ngày, đếm cử động thai mỗi ngày, theo dõi sức khoẻ thai mỗi tuần, tăng trưởng thai mỗi 3 – 4 tuần và hướng dẫn theo dõi các dấu hiệu tiền sản giật nặng (đau đầu, nhìn mờ, đau thượng vị).

  • Phương pháp chấm dứt thai kì: phụ thuộc tình trạng mẹ và thai mà các bác sĩ sẽ lựa chọn khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai
  • Corticosteroid hỗ trợ phỗi, MgSO4 bảo vệ não: sử dụng khi thai còn non tháng và có kế hoạch chấm dứt thai kì do chỉ định của mẹ hoặc thai.

TIỀN SẢN GIẬT CÓ THỂ DỰ PHÒNG ĐƯỢC KHÔNG?

Tiền sản giật là bệnh lí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai. May mắn thay, bệnh lí này có thể được tầm soát nguy cơ và dự phòng từ những tuần đầu tiên của thai kì.

  1. Các mô hình tầm soát

Khi tuổi thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, tất cả thai phụ sẽ được tầm soát nguy cơ tiền sản giật bằng 1 trong 2 mô hình phổ biến hiện nay: mô hình của ACOG năm 2020 và mô hình của Hiệp hội Y học Thai nhi (Fetal Medicine Foundation – FMF).

Mô hình của ACOG là mô hình tầm soát dự vào các yếu tố nguy cơ của thai phụ (Hình 2).

Tầm soát và dự phòng TSG theo ACOG
Hình 2. Mô hình tầm soát tiền sản giật theo ACOG

Trong khi đó, mô hình FMF lại phức tạp hơn khi xét cả yếu tố nguy cơ của người mẹ, tình trạng thai kì hiện tại kết hợp với thăm khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm sinh hoá (Nguồn).

  1. Dự phòng tiền sản giật

Khi kết quả tầm soát tiền sản giật dương tính (1 yếu tố nguy cơ cao hoặc > 1 yếu tố nguy cơ trung bình theo ACOG năm 2020 HOẶC nguy cơ tiền sản giật là ≥ 1:100 theo FMF), thai phụ sẽ được dự phòng aspirin liều thấp 75 – 150 mg, tức 1 viên hoặc 2 viên aspirin hàm lượng 81 mg, uống mỗi buổi tối, bắt đầu từ khoảng 12 – 28 tuần (tốt nhất là trước 16 tuần thai kì) cho đến lúc sinh (ACOG 2020) hoặc đến 36 tuần thai kì (Bộ Y tế Việt Nam).

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) năm 2016 cũng khuyến cáo những thai phụ ở những vùng có lượng canxi trong khẩu phần ăn thấp (< 600g/ngày) nên bổ sung canxi đường uống từ 1,5 – 2g để làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật khi mang thai. Hoặc theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2021, ở những trường hợp thai phụ không thể dự phòng bằng aspirin có thể bổ sung lượng canxi như khuyến cáo của WHO.

TÓM LẠI

Tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kì, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai. May mắn thay, nguy cơ xuất hiện tình trạng này có thể được phát hiện trong giai đoạn sớm của thai kì và được dự phòng hiệu quả nhưng đơn giản bằng thuốc trong suốt quá trình mang thai. Do đó, thai phụ cần khám thai đúng hẹn và đầy đủ để được tư vấn, thăm khám, tầm soát, quản lí và dự phòng bệnh lí nguy hiểm này nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ