Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Đối với những cặp vợ chồng, sự xuất hiện của que thử thai 2 vạch là một niềm vui khôn xiết khi họ biết tin mình sắp chào đón thành viên mới của gia đình. Tuy nhiên, hành trình vất vả của “9 tháng 10 ngày” chỉ mới bắt đầu với đầy những rủi ro ở phía trước. Một trong những trở ngại đó chính là sự xuất hiện của tình trạng thai ngoài tử cung. Vậy thai ngoài tử cung là gì? Có nguy hiểm hay không? Và cần làm gì trong những trường hợp này?
THAI NGOÀI TỬ CUNG LÀ GÌ?
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Các vị trí thai ngoài tử cung có thể làm tổ bao gồm:
- Thai nằm ở vòi tử cung: hay gặp nhất (chiếm 95 – 96%), trong đó các vị trí khác nhau của vòi trứng cũng khác nhau: đoạn kẽ (2 – 3%), đoạn eo (12%), đoạn bóng (70%) và đoạn loa vòi (11%).
- Thai ở buồng trứng (3%), cổ tử cung (< 1%), ổ bụng (1%), thai ở vết mổ cũ (< 1%).
Ngoài ra, vẫn có thể xuất hiện tình trạng vừa có thai trong tử cung, vừa có thai ngoài tử cung. Tình trạng này chỉ xuất hiện ở 1: 4000 đến 1: 30000 nếu mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, nếu là thai kì từ hỗ trợ sinh sản, tần suất này có thể lên đến 1:100.
Lưu ý: Trên thực tế, nếu gọi là “thai ngoài tử cung” tức là “thai ngoài tử cung ở vòi trứng”. Còn nếu thai ngoài tử cung ở vị trí khác thì sẽ gọi tên thai ở vị trí đó. Chẳng hạn: thai ở buồng trứng, thai ở cổ tử cung hay thai bám vết mổ cũ.
VÌ SAO THAI NGOÀI TỬ CUNG GÂY NGUY HIỂM?
- Tần suất xuất hiện khá cao:
- 2% trong tổng số thai kì
- Tại Việt Nam, tần suất thai ngoài tử cung là khoảng 1 trong 40 thai kì
- Thai ngoài tử cung không điều trị sẽ gây vỡ vòi trứng dẫn đến xuất huyết nội và thậm chí tử vong
- Chiếm 2,7% những nguyên nhân tử vong do thai kì
- Là nguyên nhân tử vong hàng đầu liên quan đến xuất huyết
- Chiếm 18% những nguyên nhân gây xuất huyết, đau bụng ở tam cá nguyệt 1
NHỮNG ĐIỀU GÌ LÀM GIA TĂNG NGUY CƠ MẮC THAI NGOÀI TỬ CUNG?
Một số phụ nữ có những yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ có tần suất mắc thai ngoài tử cung cao hơn như:
- Tiền căn thai ngoài tử cung: 1 lần (10%), 2 lần trở lên (> 25%)
- Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó
- Viêm vùng chậu
- Một số bệnh lây qua đường tình dục
- Hút thuốc lá
- Tuổi trên 35 tuổi
- Hiếm muộn
- Có thai nhờ hỗ trợ sinh sản: hiếm muộn do yếu tố vòi trứng hoặc chuyển nhiều phôi
TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT THAI NGOÀI TỬ CUNG
Thai ngoài tử cung đôi khi xuất hiện không triệu chứng hoặc có những dấu hiệu giống phụ nữ mang thai bình thường. Trong đó, một số triệu chứng cần lưu ý:
- Ra máu âm đạo bất thường: ra máu không đúng kì kinh nguyệt, kéo dài.
- Đau bụng: tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới hoặc lệch sang trái hoặc phải; âm ỉ hoặc dữ dội; tăng dần theo sự phát triển thai.
Một số dấu hiệu nguy hiểm hơn có thể xuất hiện như: đau bụng dữ dội, cơn quặn kéo dài, liên tục, toát mồ hôi, chân tay bủn rủn, hoa mắt, ngất xỉu. Khi xuất hiện những triệu chứng trên thì có thể thai ngoài tử cung vỡ và bạn cần đến bệnh viện ngay.
CÁCH NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN THAI NGOÀI TỬ CUNG?
Chẩn đoán thai ngoài tử cung đôi khi khá rõ ràng khi quan sát thấy thai có tim thai làm tổ ở vòi trứng. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, chẩn đoán thai ngoài khá khó khăn, cần sự theo dõi và kết hợp của nhiều phương pháp, bao gồm:
- Que thử thai 2 vạch: để xác nhận lại tình trạng có thai
- Định lượng β-hCG tăng hoặc giảm bất thường kết hợp siêu âm ngã âm đạo không thấy trong lòng tử cung hoặc chỉ thấy một khối không rõ ở cạnh tử cung hoặc buồng trứng.
Trong những trường hợp này, nếu tình trạng bệnh nhân ổn định theo đánh giá của bác sĩ (không tụt huyết áp, không đau bụng nhiều, ra huyết âm đạo ít) sẽ được cho về nhà và thử lại β-hCG kèm siêu âm sau 2 ngày để giúp xác định chẩn đoán. Sau quá trình theo dõi, nếu β-hCG > 1500 UI/L mà siêu âm chưa thấy rõ khối thai, hoặc tình trạng bệnh nhân không ổn định, người bệnh sẽ được nhập viện để tìm vị trí thai (nếu cần) và có hướng xử trí phù hợp.
NHỮNG CÁCH ĐIỀU TRỊ THAI NGOÀI TỬ CUNG
Theo dõi thai ngoài tử cung thoái triển
Không phải tất cả thai ngoài tử cung đều cần can thiệp, một số trường hợp bệnh nhân có thể theo dõi thai ngoài tử cung thoái triển. Phương pháp này được thực hiện khi kích thước thai không quá lớn, không thấy tim thai và theo dõi β-hCG thường xuyên thấy giảm dần có thể thai tự thoái triển.
Điều trị nội khoa: Methotrexate (MTX)
Thực hiện khi thai không quá lớn và không có tim thai. Bệnh nhân sẽ được theo dõi cho đến khi β-hCG trở về âm tính, trong quá trình theo dõi nếu β-hCG tăng hoặc giảm không như mong đợi sẽ được bổ sung liều MTX lặp lại hoặc can thiệp phẫu thuật tùy trường hợp. Tuy nhiên đây là phương pháp có nhiều tác dụng phụ như
Điều trị ngoại khoa
Nếu thai lớn, có tim thai hoặc β-hCG quá cao, hoặc thai vỡ, người phụ nữ có thể sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ thai. Phẫu thuật có thể được thực hiện qua nội soi hoặc mổ hở. Bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ vòi trứng chứa khối thai hoặc bảo tồn vòi trứng bằng cách xẻ vòi trứng lấy thai tuỳ từng trường hợp cụ thể mà sẽ tư vấn cụ thể cho người bệnh.
NHỮNG DẤU HIỆU NGUY HIỂM CẦN ĐẾN BỆNH VIỆN NGAY
Người phụ nữ sau khi biết có thai (trễ kinh, thử thai 2 vạch), nếu xuất hiện những triệu chứng sau nên đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Đau bụng âm ỉ, liên tục hoặc dữ dội
- Ra máu âm đạo bất thường
- Hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, ngất xỉu
TÓM LẠI
Thai ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm và có khả năng gây tử vong cho người phụ nữ, vì vậy cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, những triệu chứng của thai ngoài tử cung có thể khá mơ hồ. Vì vậy, sau khi thử thai 2 vạch mà chưa xác nhận được tình trạng về vị trí thai, khi xuất hiện những bất thường của cơ thể (đau bụng dưới, ra huyết âm đạo, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn), bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị nhé!