Tuổi và khả năng sinh sản ở phụ nữ

BS. Thân Trọng Thạch – Trần Thị Thuỳ Trinh

        Tuổi là yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá dự trữ buồng trứng, phản ánh cả số lượng và chất lượng tế bào trứng. Không giống như nam giới, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm rõ rệt theo thời gian. Tuổi ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai và sinh con khỏe mạnh của người phụ nữ, nguy cơ xảy ra các biến chứng thai kỳ tăng lên rõ rệt khi phụ nữ già đi. Vậy điều gì đã xảy ra và độ tuổi sinh con lý tưởng là bao nhiêu?

Số lượng trứng 

         Trong giai đoạn bào thai vào tuần lễ từ 18 – 22, buồng trứng ở các bé gái đã tạo ra khoảng 7 triệu tế bào trứng sơ cấp. Tuy nhiên, khi sinh ra, buồng trứng chỉ còn lại từ 1 –  2 triệu tế bào trứng sơ cấp. Đây được xem như là tất cả “gia tài” vì số nang trứng sẽ giảm dần theo thời gian và không có bất kỳ phương pháp nào “sản xuất” thêm. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng chỉ còn khoảng 300.000 nang noãn và bắt đầu hoạt động theo chu kỳ hằng tháng. Các nang noãn ở người phụ nữ có hai số phận khác nhau: (1) Đa số các nang noãn sẽ bị thoái hóa trong quá trình chiêu mộ và (2) một số ít nang noãn sẽ trưởng thành, trải qua hiện tượng rụng trứng và thụ tinh hoặc đi vào chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Trong mỗi chu kỳ, chỉ có một nang noãn trưởng thành và phóng noãn, do đó chỉ có khoảng 300 trứng sẽ rụng trong suốt độ tuổi sinh sản của một người phụ nữ. Đến giai đoạn mãn kinh, buồng trứng chỉ còn lại xấp xỉ 1000 nang noãn với chất lượng giảm rất nhiều và lúc này, người phụ nữ không còn khả năng sinh sản nữa.

        Không giống như sự sinh tinh kéo dài vô thời hạn ở nam giới, quá trình trưởng thành của các nang trứng ở nữ giới kết thúc khi dự trữ buồng trứng cạn kiệt, số lượng nang còn lại không đủ để đáp ứng với các tín hiệu nội tiết từ tuyến yên trước, báo hiệu sự bắt đầu của thời kỳ tiền mãn kinh. Và khi bước vào giai đoạn mãn kinh, đánh dấu sự kết thúc khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Chất lượng noãn 

         Chất lượng noãn là thuật ngữ đề cập đến khả năng trứng được thụ tinh, làm tổ và phát triển thành một bào thai khỏe mạnh, được quy định bởi thành phần DNA. Theo thời gian, có những thay đổi về DNA trong noãn do bệnh tật, sốt, chất độc và các yếu tố khác. Noãn với những bất thường như vậy sẽ gây ra hàng loạt nguy cơ khi rụng trứng, bao gồm không được thụ tinh, không làm tổ vào buồng tử cung, dẫn đến sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì chất lượng trứng là không thể can thiệp để cải thiện, trứng bất thường tích tụ theo thời gian, dẫn đến tỷ lệ trứng bất thường tăng dần theo độ tuổi: 

  • Trước 30 tuổi, đa phần trứng bình thường và chỉ có một số ít bất thường.
  • Từ 30 đến 40, tỷ lệ trứng bất thường bắt đầu tăng lên trong khi số lượng trứng bình thường giảm đi.
  • Sau 40 tuổi, phụ nữ đa số có trứng bất thường, trừng bình thường rất ít.

Hình 1: Minh họa số lượng và chất lượng trứng theo thời gian 

Nguồn

Khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi

a/ Độ tuổi 20

         Phụ nữ ở độ tuổi 20 có khả năng sinh sản tự nhiên cao nhất do số lượng và chất lượng noãn còn tốt. Nguồn trứng “dồi dào” và hầu hết trứng không có bất thường về nhiễm sắc thể; hoạt động của nội tiết sinh sản ổn định, cũng như sức khỏe của người phụ nữ là tốt nhất. Khả năng có thai tự nhiên của một chu kỳ có phóng noãn ở độ tuổi này vào khoảng 25%. Đây cũng là độ tuổi có nguy cơ dị tật thai thấp. Tỷ lệ mẹ sinh con ở độ tuổi 20 và 25 mắc hội chứng Down chỉ chiếm lần lượt là 1:1250 và 1:1000.

b/ Độ tuổi 30

         Bước sang tuổi 30 là lúc nhiều phụ nữ bắt đầu tự nhận thức được những hạn chế về khả năng sinh sản. Mặc dù ở độ tuổi cuối 30 có một số thách thức mới, nhưng nhìn chung việc mang thai ở độ tuổi này vẫn rất khả thi đối với hầu hết phụ nữ.

  • Từ 30 – 35 

       Cơ hội mang thai của phụ nữ dưới 35 tuổi vẫn còn cao. Khả năng có thai tự nhiên của một chu kỳ có phóng noãn ở độ tuổi này vào khoảng 20%. Trong khoảng thời gian 12 tháng giao hợp không sử dụng biện pháp tránh thai, ước tính có 86% phụ nữ từ 30 đến 34 tuổi sẽ mang thai. Tỷ lệ mẹ sinh con mắc hội chứng Down ở độ tuổi 30 khoảng 1:714.

  • Từ 35 – 40

         Khả năng sinh sản ở tuổi 35 có thể trở thành một vấn đề khi sự suy giảm dự trữ buồng trứng bắt đầu tăng tốc với tốc độ nhanh hơn. Điều này có nghĩa là mặc dù số lượng trứng vẫn tương đối cao nhưng có nhiều bất thường về DNA hơn có thể làm phức tạp quá trình thụ tinh của trứng và quá trình mang thai. Ở độ tuổi này, cơ hội mang thai của phụ nữ trong một chu kỳ có phóng noãn giảm xuống còn 15%. Bên cạnh đó, nguy cơ sảy thai tăng lên 20-25%. Nguy cơ mắc các bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, cũng tăng lên rõ rệt. Để so sánh, ở tuổi 25, nguy cơ là 1:1.250. Ở tuổi 35, tỷ lệ này tăng lên 1:294 trường hợp mang thai. Tuy nhiên, 78% phụ nữ ở độ tuổi giữa và cuối 30 thụ thai trong vòng một năm và tiếp tục thai kỳ khỏe mạnh. Giữa độ tuổi 30 cũng là thời điểm các bác sĩ bắt đầu nói về vấn đề hiếm muộn. Nhìn chung, phụ nữ dưới 35 tuổi được khuyên nên tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi không thể thụ thai sau một năm cố gắng. Khuyến nghị này rút ngắn xuống còn sáu tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi.

c/ Độ tuổi 40 

      Khả năng sinh sản ở tuổi 40 giảm mạnh mẽ hơn nữa. Phụ nữ không chỉ khó mang thai hơn mà còn khó giữ thai và có một thai kỳ khỏe mạnh. 

  • Từ 40 – 45: 

        Ở độ tuổi này, việc thụ thai tự nhiên khó hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, phụ nữ sau 40 tuổi vẫn có thể thực hiện được. Phụ nữ ở độ tuổi này có 5% cơ hội mang thai tự nhiên trong mỗi chu kỳ có phóng noãn. Tỷ lệ mang thai của họ trong vòng một năm là khoảng 40%, chưa bằng một nửa so với độ tuổi 20. Tỷ lệ sảy thai cũng cao hơn đáng kể, khoảng 34%. Tỷ lệ mẹ sinh con mắc hội chứng Down ở độ tuổi 40 tăng lên rõ rệt, khoảng 1:86. Nhiều phụ nữ phải dựa vào các công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), chẳng hạn như IVF, để mang thai.

  • Giữa tuổi 40 trở đi: 

        Phụ nữ ở độ tuổi giữa 40 thường bước vào giai đoạn Tiền mãn kinh (Giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh), trong thời gian đó có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều và các vấn đề về rụng trứng, khiến họ hầu như không thể thụ thai tự nhiên. Buồng trứng chứa số lượng trứng rất thấp và hầu hết đều có bất thường về nhiễm sắc thể. Ngay cả khi quá trình thụ tinh xảy ra thì vẫn có nguy cơ cao sảy thai và bất thường về di truyền. Ở độ tuổi này, khả năng có thai trong vòng một năm chỉ là 1-3%. Hầu hết các trường hợp mang thai ở độ tuổi này đều đạt được nhờ sự trợ giúp của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với trứng hiến tặng.  Tỷ lệ sẩy thai tăng lên 53%, nguy cơ mắc hội chứng Down cao, cứ 10 ca mang thai thì có 1 trường hợp em bé mắc dị tật này. Hơn nữa, mang thai ở độ tuổi mẹ cao có nguy cơ cao mắc các biến chứng thai kỳ khác, chẳng hạn như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thai với giới hạn tăng trưởng trong tử cung…

Hình 2: Tỷ lệ mang thai tự nhiên và sảy thai theo độ tuổi 

Nguồn

Tóm lại, 

         Suy giảm khả năng sinh sản do tuổi là một phần tất yếu của phụ nữ. Trứng cũng giống như các tế bào khác trong cơ thể, bị “lão hóa” theo thời gian, khiến tỷ lệ sinh sản giảm theo độ tuổi và ngay cả với những tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản, nó vẫn là một rào cản lớn để có thể vượt qua. Độ tuổi sinh sản tốt nhất là 20 đến 30 tuổi. Khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhẹ từ 30 đến 35 tuổi. Từ 35 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu giảm nhanh, và giảm nghiêm trọng khi người phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Nguy cơ ở trẻ em mắc bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, tăng đáng kể ở phụ nữ ở độ tuổi 40 so với độ tuổi 20 – 30. Khi phụ nữ già đi, nguy cơ sảy thai và các biến chứng thai kỳ, chẳng hạn như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ… cũng tăng lên. Do đó, hiểu được mối quan hệ giữa khả năng sinh sản và tuổi tác là cần thiết cho việc kế hoạch hóa gia đình và bảo tồn khả năng sinh sản đúng cách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ