Ung thư và khả năng sinh sản của nam giới 

   Ung thư và khả năng sinh sản của nam giới 

                                                                                            Trần Thị Thùy Trinh 

Hiện nay, số bệnh nhân mắc ung thư vẫn đang ngày càng tăng. Trong đó, bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản và ung thư ở trẻ em chiếm một phần không hề nhỏ. Trên nhóm đối tượng này, khả năng sinh sản là một trong những vấn đề đáng lưu tâm, vì ung thư và các phương pháp điều trị ung thư được chứng minh là có ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai sinh sản của nam giới. Với những tiến bộ của Y học, tỷ lệ sống sau 5 năm và tỷ lệ chữa khỏi ung thư ngày càng tăng, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ngày càng được chú trọng, và trong đó bảo tồn khả năng sinh sản đang trở thành một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh nhân ung thư. 

Ung thư nam giới

Hình 1 (Nguồn)

 

  1. Ảnh hưởng của ung thư đến khả năng sinh sản của nam giới 

Ung thư ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sinh sản nam giới thông qua nhiều cơ chế khác nhau: Thay đổi nội tiết, dinh dưỡng cũng như gây ra trạng thái tăng chuyển hóa. Sự tăng sinh và apoptosis của các khối u có thể tạo ra các chất chuyển hóa gây độc cho tinh trùng, thậm chí có thể thúc đẩy phản ứng tự miễn, giải phóng các cytokine tiền viêm, gây phản ứng sốt, tạo ra các kháng thể kháng tinh trùng, làm tổn thương tế bào mầm sinh dục và tế bào Leydig [1]. Các bệnh ác tính liên quan đến sự thiếu hụt vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, có thể góp phần gây vô sinh ở nam giới vì ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh từ sự phát triển của tinh hoàn đến chất lượng tinh trùng. Sự căng thẳng sau ung thư hoặc việc điều trị ung thư có thể dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố gây ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất và hoạt động của tinh trùng. 

Ung thư tinh hoàn làm suy giảm khả năng sinh sản qua nhiều cơ chế: làm xáo trộn quá trình sinh tinh bằng cách phá hủy các mô xung quanh, bài tiết hCG và các yếu tố cận tiết khác, tăng nhiệt độ trong bìu và thay đổi lưu lượng máu cục bộ. 

U não, tuyến giáp, tuyến thượng thận cũng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản vì xáo trộn hoạt động của hệ trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục.

 

  1. Ảnh hưởng của điều trị ung thư đến khả năng sinh sản của nam giới 
  • Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, được gọi là thuốc gây độc tế bào, tác động vào các tế bào có tốc độ phân chia nhanh. Điều này có nghĩa là chúng cũng có thể gây tổn thương các tế bào bình thường có tốc độ phát triển nhanh như các tế bào ở cơ quan sinh sản. Vì tế bào sinh tinh phân chia nhanh chóng nên chúng dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của hóa trị. 

 Nhiều loại thuốc hóa trị có thể đi vào hàng rào máu tinh hoàn, gây hyalin hóa, xơ hóa các ống sinh tinh, tác động trực tiếp lên các tế bào mầm nguyên thủy, làm tổn thương tế bào Leydig cũng như tế bào Sertoli. Vô sinh vĩnh viễn có thể xảy ra nếu tất cả các tế bào mầm nguyên thủy bị tổn thương đến mức chúng không thể tạo ra tế bào tinh trùng trưởng thành nữa. 

Các loại thuốc hóa trị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thông qua nhiều cơ chế khác nhau như: Làm thay đổi cấu trúc và chức năng DNA bằng cách thêm gốc alkyl hóa gây vô tinh kéo dài hoặc vĩnh viễn; hình thành các sản phẩm phụ hoặc liên kết chéo giữa các sợi DNA, ức chế hình thành pyrimidine/purine, ngăn chặn hoạt động của acid folic, ức chế hoạt động của enzyme topoisomerase II, ức chế sự hình thành vi ống gây vô tinh tạm thời hoặc kéo dài, giảm số lượng tinh trùng, đột biến nhiễm sắc thể. 

 Mức độ ảnh hưởng của hóa trị lên quá trình sinh tinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại thuốc, liều lượng sử dụng, thời gian sử dụng, chất lượng tinh trùng nền tảng và giai đoạn mà thuốc tác động vào trong quá trình sinh tinh. Rất nhiều nhóm thuốc hóa trị ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh của nam giới. Trong đó, nổi bật nhất là các thuốc hóa trị nhóm alkyl hóa. 

Sau khi điều trị bằng hóa trị, quá trình sản xuất tinh trùng có thể chậm lại hoặc ngừng tạm thời hay vĩnh viễn. 

  • Xạ trị 

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ năng lượng cao để làm tổn thương, tiêu diệt các tế bào ung thư nhằm ngăn chặn sự phát triển và nhân lên của chúng. Tương tự như hóa trị, bên cạnh việc phá hủy các tế bào ung thư, xạ trị cũng có thể giết chết các tế bào khỏe mạnh. 

Xạ trị hiện vẫn là phương pháp điều trị chính cho nhiều bệnh ác tính ở nam giới trong độ tuổi sinh sản. Tác động gây độc tuyến sinh dục của xạ trị phụ thuộc vào hai yếu tố then chốt là liều và vị trí xạ trị. 

Bức xạ nhắm trực tiếp vào cơ quan sinh dục hoặc các vùng lân cận như  bụng, chậu, cột sống có thể làm giảm số lượng tinh trùng và nồng độ testosterone, gây vô sinh. Bức xạ cũng có thể phá hủy các tế bào tinh trùng và tế bào mầm sinh tinh. 

Xạ trị vùng não có thể ảnh hưởng đến vùng hạ đồi và tuyến yên. Vùng hạ đồi và tuyến yên phối hợp với nhau để tạo ra hai loại hormone quan trọng là LH và FSH. Những hormone này được giải phóng vào máu và báo hiệu cho tinh hoàn sản xuất testosterone và cũng để sản xuất tinh trùng. Khi ung thư hoặc phương pháp điều trị ung thư cản trở những tín hiệu này, việc sản xuất tinh trùng có thể bị giảm và có thể xảy ra hiện tượng vô sinh. 

Nguy cơ vô sinh sẽ cao hơn nếu bạn được điều trị đồng thời bằng cả hoá trị và xạ trị.

  • Phẫu thuật 

Phẫu thuật cắt tinh hoàn trong điều trị ung thư tinh hoàn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào cắt bỏ toàn bộ hay cắt bỏ một phần tinh hoàn và chức năng của tinh hoàn còn lại sau cắt bỏ.  

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt để trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt: Tinh hoàn vẫn tạo ra tinh trùng, nhưng các ống dẫn tinh đưa tinh trùng từ bìu đến niệu đạo bị cắt và buộc lại trong quá trình cắt bỏ tuyến tiền liệt. Điều này dẫn đến sự tắc nghẽn dòng chảy của tinh trùng. Tuyến tiền liệt và túi tinh là nơi sản xuất tinh dịch chủ yếu. Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt khiến nam giới không sản xuất tinh dịch cũng như không xuất tinh được. Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt cũng có thể làm tổn thương các dây thần kinh gây rối loạn cương. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

Phẫu thuật cắt bàng quang triệt để trong điều trị ung thư bàng quang: Bàng quang được cắt bỏ cùng với tuyến tiền liệt và túi tinh. Vì vậy gây ra những ảnh hưởng tương tự phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt để như đã đề cập ở trên.  

Các phẫu thuật khác: Một số loại phẫu thuật điều trị ung thư vùng bụng chậu có thể ảnh hưởng đến các thần kinh chi phối cho hoạt động xuất tinh, từ đó có thể gây ra các bất thường như xuất tinh ngược dòng…

Phương pháp điều trị

Hình 2 Các phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới (Nguồn)

3.Bảo tồn khả năng sinh sản ở nam giới mắc ung thư 

Ung thư, và đặc biệt là các phương pháp điều trị gây độc tế bào, có thể làm suy giảm khả năng sinh sản của nam giới theo nhiều cách, với nhiều mức độ khác nhau, khó có thể dự đoán chính xác và khó đảo ngược. Vì vậy, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) khuyến cáo nên thảo luận với tất cả nam giới mắc bệnh ung thư về nguy cơ vô sinh, các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản phù hợp càng sớm càng tốt, nhằm duy trì khả năng sinh sản trong tương lai với những “hạt giống” khỏe và chất lượng trước khi tiến hành điều trị.

  • Che chắn tinh hoàn trong xạ trị 

Hầu hết các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản phải được thực hiện trước khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn đang được xạ trị, có thể sử dụng tấm chắn chì để bảo vệ tinh hoàn, phương pháp này có khả thi với bệnh nhân mắc ung thư ở khu vực ngoài vùng chậu. Tuy nhiên không đảm bảo được việc tinh hoàn không bị ảnh hưởng bởi tia xạ hoàn toàn.

  • Trữ tinh trùng 

Là lựa chọn phổ biến, dễ dàng và hiệu quả nhất dành cho nam giới trong độ tuổi sinh sản. Các mẫu tinh trùng được thu thập và kiểm tra dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm. Tinh trùng sau đó được đông lạnh và lưu trữ. Thời gian lưu trữ  tùy thuộc nhiều vào chất lượng phòng lab và tinh trùng được lưu trữ trên 20 năm đã được sử dụng thành công. Khi muốn sử dụng mẫu tinh trùng, tinh trùng trữ đông sẽ được rã. 

Trữ Tinh Trùng

Hình 3: Trữ đông tinh trùng giúp bảo tồn khả năng sinh sản ở người nam (Nguồn)

  • Trữ mô tinh hoàn 

Bảo quản mô tinh hoàn bằng cách đông lạnh mẫu trước điều trị và ghép lại sau khi điều trị là một phương pháp được đề xuất nhằm duy trì khả năng sinh sản ở trẻ em bị ung thư. Tuy nhiên, một trong những trở ngại quan trọng nhất đối với việc cấy ghép mô tinh hoàn là nguy cơ có thể đưa tế bào ác tính (tế bào ung thư của bản thân tinh hoàn hoặc di căn từ cơ quan khác tới) trở lại cơ thể do không thể đánh giá chính xác sự có mặt tế bào ác tính trong mô trữ bằng các quy trình chẩn đoán thông thường.

sinh thiết

Hình 4: Quy trình trữ mô tinh hoàn (Nguồn

Tóm lại, 

Việc giảm/mất khả năng sinh sản ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống con người. Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của tinh hoàn, gây ra các biến chứng liên quan đến khả năng sinh sản, thậm chí gây vô tinh vĩnh viễn ở nam giới. Điều này gợi lên tính cấp thiết của bảo tồn chức năng sinh sản trước khi điều trị ung thư. Bệnh nhân ung thư trong độ tuổi sinh sản nên được tư vấn về các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bắt đầu tiến hành điều trị. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ