RỐI LOẠN CƯƠNG ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN KHẢ NĂNG CÓ THAI

Rối loạn chức năng cương là một tình trạng thường gặp ở nam giới, nguyên nhân hàng đầu đưa đến rối loạn chức năng tình dục và có xu hướng tăng dần theo tuổi.1 Bên cạnh đó, tỉ lệ rối loạn cương còn được ghi nhận cao hơn ở nhóm dân số hiếm muộn cho thấy có mối quan hệ chặt chẽ giữa chức năng cương và khả năng có thai.2 Không duy trì đủ độ cương cứng của dương vật khiến quá trình giao hợp diễn ra khó khăn kéo theo vấn đề hiếm muộn. 

  • Định nghĩa và dịch tễ học rối loạn cương:

Cương là phản ứng đầu tiên trong đáp ứng với kích thích tình dục, là điều kiện cần để quá trình giao hợp bình thường diễn ra.3  Rối loạn cương được định nghĩa là tình trạng không thể đạt được và duy trì trạng thái cương cứng của dương vật đủ để quá trình giao hợp được diễn ra một cách thoả mãn. Rối loạn cương có thể do nguyên nhân tâm lý, căng thẳng hoặc là một hiện tượng sinh lý gia tăng do tuổi tác hay các bệnh nền.1 Đặc biệt, rối loạn cương có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý mạch máu nhỏ trước khi các bệnh lý tim mạch, chuyển hoá, thần kinh ngoại vi nghiêm trọng khởi phát.

Hình: Rối loạn cương là vấn đề thường gặp ở năm giới 

Về tần suất, rối loạn cương hiện diện ở khoảng 50% nam giới 40 – 70 tuổi, trong đó cứ 4 bệnh nhân rối loạn cương thì có 1 người dưới 40 tuổi. Điều này cho thấy tỉ lệ không nhỏ nam giới trong độ tuổi sinh sản gặp phải vấn đề này.4 Tỉ lệ hiện diện tình trạng rối loạn cương trong dân số hiếm muộn dao động từ 18 đến 60%. Trong dân số ở cùng độ tuổi, nhóm những người hiếm muộn có tỉ lệ rối loạn cương cao hơn. Tương tự, rối loạn cương thường gặp hơn ở nhóm azoospermia khi so với nhóm có tinh dịch đồ bình thường.

  • Mối liên quan giữa rối loạn chức năng cương và hiếm muộn:

Về cơ bản, hoạt động tình dục đòi hỏi dương vật cương đủ cứng và duy trì được trạng thái cương đủ lâu. Với người bệnh rối loạn cương, việc đưa dương vật vào âm đạo khó khăn hơn thậm chí là không thể tiến hành. Mặt khác, người bệnh rối loạn cương có xu hướng lo lắng, căng thẳng, mặt cảm và lảng tránh việc quan hệ. Điều này tiếp tục gây khó khăn cho việc có thai.5

Rối loạn cương cũng thường gặp trong nhóm suy sinh dục do giảm testosterone – hormone quan trọng cho sinh sản ở nam giới. Ngoài ra, rối loạn cương còn thường gặp trên nhóm bệnh nhân có rối loạn chuyển hoá như béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu vốn là những bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam giới. Do đó mối liên quan giữa rối loạn cương và hiếm muộn có sự quan hệ mật thiết. 

  • Điều trị hiếm muộn do rối loạn cương: 

Khi tiếp cận bệnh nhân rối loạn cương nói chung, cần thiết phải giải thích cho họ về khả năng trong tương lai sẽ gặp phải những bệnh lý tim mạch, chuyển hoá, nội tiết nghiêm trọng. Khai thác đầy đủ thông tin về bệnh sử, mức độ và tiến triển của bệnh theo thời gian, các thuốc đang sử dụng cũng như tình trạng áp lực về tâm lý bệnh nhân đang phải chịu đựng. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp, kháng histamine, giảm đau kháng viêm cũng có thể gây giảm chức năng cương. Tầm soát đái tháo đường, rối loạn lipid máu là cần thiết để sớm phát hiện các bệnh lý nền này. Với những bệnh nhân lớn tuổi, có yếu tố bệnh tim mạch nền cần thiết phải đánh giá nguy cơ của hoạt động tình dục và hội chẩn với chuyên gia tim mạch trước khi ra quyết định điều trị cho bệnh nhân.1

Với bệnh nhân hiếm muộn kèm rối loạn cương, việc điều trị phục hồi chức năng cương là quan trọng sau khi đã đánh giá đầy đủ cặp đôi về các yếu tố khác có thể gây ra hiếm muộn. Cần phân biệt rối loạn cương do vấn đề tâm lý với rối loạn cương do bệnh lý thực thể để có hướng điều trị thích hợp. Điều trị rối loạn cương bao gồm nhiều cách tiếp cận từ liệu pháp hành vi cho cả cặp đôi, thay đổi lối sống tới dùng thuốc và phẫu thuật. Với rối loạn cương do tâm lý, điều trị bằng liệu pháp hành vi kết hợp với Tadalafil mỗi ngày có thể cải thiện kết quả. 

Hình: Thiết bị hút tăng chức năng cương.

Với bệnh nhân có bất thường thực thể, điều trị ngoài kết hợp liệu pháp hành vi còn cần phối hợp thuốc ức chế men phosphodiesterase type 5. Nếu không đáp ứng có thể phải kết hợp các thiết bị hỗ trợ, thủ thuật, phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo dựa trên từng cá thể người bệnh. 

Hình: Thể hang nhân tạo trong điều trị rối loạn cương (a) trạng thái dương vật xìu, (b) trạng thái dương vật cứng sẵn sàng giao hợp.

KẾT LUẬN 

Hiểu rõ bệnh sinh và mối liên quan giữa rối loạn cương với các vấn đề sức khoẻ tổng quát giúp chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Mối liên quan giữa hiếm muộn với rối loạn cương đã được chứng minh trên thực tế và cơ sở lý thuyết, Với bệnh nhân hiếm muộn có rối loạn cương, việc điều trị phục hồi chức năng cương phải đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ đến sức khoẻ người bệnh. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ