Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Trong thời đại 4.0 với cuộc sống bận rộn, dường như cà phê luôn là người bạn đồng hành với hầu hết mọi người để giúp chúng ta tỉnh táo để có thể làm việc đạt được năng suất và hiệu quả tốt nhất. Điều này cũng không ngoại lệ đối với những người phụ nữ trong thời hiện đại và thậm chí ngay cả khi những người phụ nữ này mang thai. Tuy cà phê nói riêng và caffeine nói chung không phải là chất cấm trong thai kì, nhưng cần phải có sự thận trọng khi sử dụng chúng. Vậy như thế nào là sử dụng caffeine hợp lí trong thai kì?
ẢNH HƯỞNG CAFFEINE LÊN THAI KÌ
Khác với rượu bia hay thuốc lá, caffeine là một chất không hoàn toàn cấm sử dụng trong thai kì, tuy nhiên chúng cũng có những ảnh hưởng nhất định lên mẹ và thai. Khi phụ nữ mang thai sử dụng caffeine, tốc độ đào thải caffeine của họ chậm hơn người bình thường 1,5 – 3,5 lần. Hơn nữa, caffeine lại có thể đi qua bánh nhau nhưng cả thai và bánh nhau đều không thể chuyển hoá được chất này. Sự tích tụ lại caffeine trong cơ thể mẹ và thai sẽ dẫn đến một số hậu quả như sẩy thai và thai chậm tăng trưởng. Ngoài ra, caffeine cũng là một chất gây co mạch, từ đó làm giảm lượng máu đến tử cung và thai cũng có thể sẽ dẫn đến những biến chứng trên.
Thực tế, rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy khi sử dụng caffeine quá nhiều (> 300 mg/ngày) sẽ dẫn đến một số kết cục xấu trong thai kì như sẩy thai, sinh non và thai nhẹ cân.
NÊN SỬ DỤNG CAFFEINE TRONG THAI KÌ BAO NHIÊU LÀ HỢP LÍ?
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standard Agency – FSA) năm 2019 cùng với nhiều hiệp hội khác trên thế giới đều khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ nên sử dụng những thực phẩm chứa caffeine ít hơn 200mg/ngày. Đây là ngưỡng an toàn cho phép các mẹ bầu có thể được thưởng thức hương vị của cà phê mà không là ảnh hưởng lên thai kì. Vì vậy khi sử dụng cà phê nói riêng và những thực phẩm chứa caffeine nói chung, các thai phụ nên xem kĩ thành phần và liều lượng để sử dụng caffeine hợp lí trong thai kì nhé!
LƯỢNG CAFFEINE TRONG MỘT SỐ THỰC PHẨM
Caffeine hiện diện trong khá nhiều loại thực phẩm, thức uống khác nhau, điển hình là trà, cà phê, nước ngọt, chocolate và trên một số loại thuốc không kê đơn khác, đặc biệt là những thuốc cảm cúm. Thông thường, cà phê là thực phẩm chứa lượng caffeine nhiều nhất. Một ly cà phê hoà tan có thể chứa khoảng 60mg caffeine. Tuy nhiên, một số loại cà phê pha thủ công có thể chứa hơn 150mg caffeine trên một khẩu phần. Lượng caffeine chứa trong trà (trà đen và trà xanh) hoặc trong nước ngọt thường chứa ít hơn 50 – 250 mg trên một khẩu phần.
Sau đây là lượng caffeine chi tiết trong một số thực phẩm, thức uống thường sử dụng như:
1 cốc (350 ml) cappuchino chứa 165 mg caffeine
1 cốc (350ml) cà phê hoà tan chứa 95 mg caffeine
1 cốc trà xanh (350 ml) chứa 90 mg caffeine
1 cốc trà (350ml) chứa 60 mg caffeine
50g chocolate đen (> 60% cacao) chứa 45 mg caffeine
50g chocolate sữa chứa 10mg caffeine
01 lon coca 375 ml chứa 35mg caffeine
01 lon Redbull 8.5 oz chứa 80 mg caffeine
01 lon Sprite 12 oz chứa 0 mg caffeine
250 ml nước tăng lực 84 mg caffeine
1 muỗng lớn kem vị cà phê chứa 2 mg caffeine
Caffeine là chất có thể có mặt trong những loại thực phẩm, thức uống khác nhau. Vì vậy, trước khi sử dụng những thực phẩm này, các bà bầu nên xem trước thành phần cũng như lượng caffeine để có thể sử dụng một cách hợp lí nhé!
NHỮNG CÁCH GIÚP CẮT GIẢM LƯỢNG CAFFEINE KHI MANG THAI
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016, những phụ nữ có mức độ tiêu thụ caffeine > 300mg/ngày nên giảm lượng caffeine để giảm nguy cơ sẩy thai và thai nhẹ cân. Tuy nhiên, caffeine cũng được xem là những chất kích thích và gây nghiện (dù ở mức độ nhẹ), nên không dễ dàng gì để những phụ nữ mang thai đã từng sử dụng cà phê hay trà ở liều lượng cao trước đó có thể nhanh chóng cắt giảm lượng caffeine nhanh chóng. Một số phương pháp có thể giúp mẹ bầu kiểm soát lượng caffeine đưa vào cơ thể như sau:
- Giảm dần dần: Đây là cách thức có thể giúp cắt giảm những chất gây nghiện nói chung. Cách này có thể giúp giảm bớt các triệu chứng do cắt giảm như đau đầu, khó chịu và thờ ơ.
- Sử dụng caffeine trộn lẫn với những thực phẩm khác: Các mẹ bầu có thể bắt đầu bằng cách pha cà phê với nhiều sữa và ít cà phê hơn. Hoặc có thể ngâm túi trà chỉ trong một phút thay vì năm phút sẽ làm giảm một nửa lượng caffein.
- Chuyển sang decaf (khử caffeine): Cân nhắc chuyển đổi, ít nhất là cho tách cà phê hoặc trà thứ hai của bạn.
- Tìm kiếm các cách khác có thể giúp bạn có năng lượng như cố gắng ngủ đủ giấc vào ban đêm, đi ngủ sớm và nghỉ ngơi trong ngày khi có thể. Ăn uống điều độ và tập thể dục – thậm chí tập thể dục nhẹ cũng có thể giúp bạn tăng cường năng lượng.
- Sử dụng trà thảo dược: Mặc dù các loại trà thảo dược thường không có caffein, nhưng hãy hỏi ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn trước khi uống. Một tách trà bạc hà hoặc gừng có thể được sử dụng, nhưng một số loại trà thảo mộc không an toàn cho thai kỳ.
TÓM LẠI
Sự xuất hiện của những thực phẩm, thức uống chứa caffeine trong cuộc sống là dường như không thể thiếu, đặc biệt với nhịp sống bận rộn, hối hả của thời đại hiện tại. Việc phụ nữ mang thai sử dụng cà phê và caffeine không phải là một điều cấm kỵ. Tuy nhiên, các bà bầu cũng nên biết về ngưỡng cho phép được sử dụng của caffeine trong thai kì cũng như liều lượng của chúng trong thực phẩm mà mình sử dụng để có thể cân đo đong đếm cho phù hợp nhé. Chúc các mẹ bầu luôn có một thai kì khoẻ mạnh và bình an nhé!