Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Trong những năm qua, chúng ta đã trải qua những khó khăn và đau thương do dịch bệnh COVID-19 mang lại. Sau khi đẩy lùi được đại dịch, cùng với sự phát triển rộng rãi của xét nghiệm và vaccine COVID-19, cuộc sống “bình thường mới” cũng dần được thiết lập. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca bệnh COVID-19 lại có xu hướng gia tăng trở lại, thậm chí xuất hiện những biến chủng mới. Điều này gây nên những lo ngại cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai vì khả năng tái nhiễm cao trong cộng đồng. Trái ngược với thời gian đầu của dịch bệnh, thái độ của chúng ta đối với căn bệnh này có còn như trước, khi ở thời điểm hiện tại vaccine đã được phổ biến cho toàn dân và những hướng dẫn lâm sàng, phác đồ điều trị cũng dần được hoàn thiện. Vậy, khi COVID-19 đang trở lại, thai phụ cần làm gì để có một thai kì khoẻ mạnh?
NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 LÊN THAI KÌ
1. Lây truyền từ mẹ sang con và những ảnh hưởng lên trẻ sơ sinh
Trước đây, người ta chưa tìm thấy bằng chứng về việc virus COVID-19 lây truyền dọc từ mẹ sang con. Cơ chế duy nhất mà ta có thể dễ dàng thấy được là lây truyền qua giọt bắn. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, một số bằng chứng dần tiết lộ COVID-19 có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai qua bánh nhau, với tỉ lệ khoảng 5,7%. Ngoài ra còn có những con đường khác được đề xuất như ngược dòng từ âm đạo hay sữa mẹ.
Tuy tìm thấy những bằng chứng về việc lây truyền COVID-19 từ mẹ sang con, những nghiên cứu này lại cho thấy rằng những đứa trẻ sinh ra từ những người mẹ nhiễm bệnh đa số chỉ có triệu chứng nhẹ. Một số báo cáo khác lo ngại về việc trẻ bị ảnh hưởng về tâm thần, vận động do virus COVID-19, tuy nhiên cơ chế gây bệnh có lẽ không nằm ở việc virus lây từ mẹ sang con mà phần nhiều là do những đáp ứng viêm của cơ thể người mẹ trong quá trình nhiễm bệnh. Dù vậy, hiện tại những kết luận về ảnh hưởng lên thai do virus lây truyền vẫn chỉ dừng lại ở việc thai biểu hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh.
2. Kết cục thai kì xấu
Những hiểu biết trước đây về những ảnh hưởng của COVID-19 lên phụ nữ mang thai dường như không có sự thay đổi. Với những thai phụ chưa chích ngừa vaccine, COVID-19 sẽ làm tăng các nguy cơ như:
- Sẩy thai, thai lưu
- Sinh non
- Tiền sản giật
- Thai chậm tăng trưởng
- Suy thai
- Mổ lấy thai cấp cứu
HIỆU QUẢ BẢO VỆ CỦA VACCINE COVID-19 ĐỐI VỚI PHỤ NỮ MANG THAI
Vaccine COVID-19 được xem là an toàn cho thai kì, đồng thời nó giúp làm giảm những kết cục xấu trong thai kì do COVID-19 gây ra. Bên cạnh đó, mẹ chích vaccine thì những kháng thể này cũng qua bánh nhau và đến thai, từ đó cũng giúp tạo miễn dịch cho thai.
Một số hiệp hội trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) hay Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cũng khuyến cáo tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai. Tại Việt Nam, Bộ Y tế năm 2021 cũng khuyến cáo nên thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho sản phụ thai ≥ 13 tuần. Hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của bất cứ loại vaccine nào là tốt nhất. Vì vậy, sản phụ nên tiêm vaccine hiện có tại địa phương sớm nhất để tạo miễn dịch cho bản thân nhé!
NẾU BỊ NHIỄM COVID-19 KHI MANG THAI, THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ?
Nếu thai phụ có các triệu chứng như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, … thì có thể bạn đã mắc COVID-19. Hãy mua que test COVID để có thể sớm xác nhận tình trạng bệnh để có thể theo dõi và xử trí kịp thời. Nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19, thai phụ không nên hoảng sợ hay lo lắng mà hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Khi nhiễm COVID nhẹ (không có dấu hiệu của viêm phổi như khó thở), bạn có thể được theo dõi và cách ly tại nhà. Điều quan trọng là thai phụ nên giữ tâm lí thoải mái, tránh căng thẳng. Những triệu chứng sẽ được điều chỉnh để giúp bạn dễ chịu hơn như:
- Hạ sốt bằng thuốc, lau mát, uống nhiều nước
- Nghẹt mũi, ho khan: súc miệng bằng nước muối, xịt mũi.
- Thuốc kháng virus: hiện tại một số thuốc kháng virus cũng đã được chứng minh là an toàn khi sử dụng trong thai kì như redemsivir, nirmatrelvir/ritonavir, đồng thời cải thiện kết cục thai kì và làm giảm độ nặng của bệnh. Tuy nhiên, các bà bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định sử dụng những loại thuốc này nhé!
Song song đó, thai phụ cũng cần theo dõi sức khoẻ của thai bằng cách đếm cử động thai mỗi ngày.
Khi có những triệu chứng trở nặng của bệnh như khó thở, đau ngực hoặc những vấn đề của thai kì lần này như giảm cử động thai, đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo, thai phụ nên liên lạc sớm nhất với bác sĩ sản khoa của mình hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ KHI COVID-19 ĐANG TRỞ LẠI?
Chích vaccine COVID-19 là một trong những phương pháp giúp bảo vệ một các bà bầu khỏi dịch bệnh nhưng không thể bảo vệ hoàn toàn vì sự xuất hiện của những biến chủng mới. Vì vậy, bên cạnh việc chích ngừa, phụ nữ mang thai cũng cần chủ động có những biện pháp giúp bảo vệ bản thân khỏi bị bệnh. Những điều này bao gồm:
- Tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng hạn,
- Che miệng khi ho, tránh các không gian không khí kém và nơi đông người, đeo khẩu trang khi đi khỏi nhà và nơi công cộng,
- Cố gắng giữ khoảng cách tiếp xúc 2 mét với người khác
- Rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn,
- Giữ liên lạc với bác sĩ sản khoa.
- Duy trì lối sống khoa học và có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng: uống đủ nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên.
TÓM LẠI
COVID-19 đang dần xuất hiện trở lại với những diện mạo mới. Các mẹ bầu nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách tiêm vaccine đầy đủ cũng như thực hiện các biện pháp dự phòng để bảo vệ cho bản thân và gia đình. Nếu chẳng may mắc COVID-19 khi mang thai, thai phụ nên giữ thái độ bình tĩnh và liên lạc sớm nhất với bác sĩ để được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời nhé!