Adenomyosis và hiếm muộn

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Adenomyosis là gì?

Adenomyosis (lạc nội mạc trong cơ tử cung hay bệnh tuyến – cơ tử cung) là tổn thương lành tính trên tử cung với đặc điểm: có sự xuất hiện lan tỏa của tuyến nội mạc tử cung trong cơ tử cung. Cho tới nay, người ta vẫn thấy adenomyosis thường gặp trên phụ nữ đã từng sinh đẻ. Adenomyosis gặp ở 25 – 30% phụ nữ. Có 20% phụ nữ <40 tuổi có adenomyosis, 80% còn lại được tìm thấy ở các phụ nữ 40-50 tuổi. Trong đó, một phần ba bệnh nhân adenomyosis không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, các triệu chứng nặng thường gặp ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Các triệu chứng nghi ngờ adenomyosis là: đau vùng chậu mạn, xuất huyết tử cung bất thường, hiếm muộn, và thống kinh. Giao hợp đau cũng là triệu chứng có thể gặp.

Hình 1 Triệu chứng gợi ý adenomyosis (Nguồn)

Yếu tố nguy cơ mắc adenomyosis là gì?

Các yếu tố nguy cơ mắc adenomyosis bao gồm:

  • Sinh nhiều
  • Sẩy thai (bao gồm tự phát và can thiệp)
  • Tăng sinh nội mạc tử cung
  • Kèm theo lạc nội mạc tử cung (ở vị trí khác)
  • Hút thuốc
  • Tiền căn phẫu thuật (mổ lấy thai, nạo thai)

Tại sao adenomyosis gây ra tình trạng hiếm muộn?

Hình 2 Tử cung bình thường và tử cung trong adenomyosis (Nguồn)

Có nhiều giả thuyết được đặt ra nhằm giải thích cho tình trạng hiếm muộn gây ra bởi adenomyosis:

  • Buồng tử cung bất thường: Adenomyosis gây biến dạng tử cung có thể là nguyên nhân quan trọng gây nên hiếm muộn, dù cơ chế gây ra sự ảnh hưởng này chưa được rõ. Buồng tử cung bị biến dạng nên có thể làm hẹp lỗ vòi trứng, gây khó khăn cho tinh trùng di chuyển lên và phôi di chuyển vào buồng tử cung. Khoang nội mạc tử cung biến dạng có liên quan đến giảm tỷ lệ làm tổ và giảm tỷ lệ có thai.
  • Thay đổi nhu động của tử cung và sự di chuyển của tinh trùng: bình thường nhu động này sẽ hướng lên trên về phía lỗ vòi trứng và giúp tinh trùng di chuyển từ buồng tử cung lên lỗ vòi trứng, đặc biệt là về phía vòi trứng có nang vượt trội.  Adenomyosis gây biến đổi nhu động của buồng tử cung làm giảm khả năng có thai và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.
  • Sự phá hủy về cấu trúc và chức năng của cơ tử cung: làm thay đổi chức năng và khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung
  • Bất thường đáp ứng viêm: trên bệnh nhân adenomyosis và thất bại làm tổ, các tế bào viêm tại chỗ gây ra các phản ứng oxy hóa có hại cho phôi, làm suy giảm khả năng sinh sản.
  • Thay đổi các thụ thể của estrogen và progesterone: thụ thể của estrogen tăng và giảm thụ thể của progesterone trên nội mạc tử cung, vì thế, sự tiếp nhận làm tổ của nội mạc tử cung giảm.

Chẩn đoán và điều trị adenomyosis như thế nào?

Hiện nay, có nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ phát hiện sớm adenomyosis như siêu âm ngã âm đạo, siêu âm ngã trực tràng… Dựa vào hình ảnh siêu âm có thể phát hiện và theo dõi sự phát triển của khối lạc nội mạc, xem xét kích thước cũng như sự chèn ép lên các cơ quan lân cận như thận, niệu quản, trực tràng… Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng MRI để đọc những mô mềm bị tổn thương do lạc nội mạc xâm lấn.

Điều trị adenomyosis là điều trị cá thể hóa, tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Có 2 cách điều trị: dùng hormone và phẫu thuật (loại bớt khối adenomyosis hoặc cắt tử cung), có thể kết hợp cả hai phương pháp tùy theo từng trường hợp và mục đích của việc điều trị. Vì vậy, bạn cần đến thăm khám bác sĩ sớm để có thể có kế hoạch và phác đồ điều trị thích hợp.

Ảnh hưởng của adenomyosis lên thai kỳ như thế nào?

Hình 3 Adenomyosis làm giảm tỉ lệ mang thai và tăng các biến chứng trong thai kỳ

Theo báo cáo gần đây, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và adenomyosis làm giảm tỉ lệ có thai và trẻ sinh sống, cũng như làm tăng tỉ lệ sẩy thai. Bên cạnh đó, phụ nữ mắc adenomyosis làm tăng nguy cơ nhau tiền đạo khi mang thai và các kết quả sinh sản bất lợi khác như tiền sản giật, sinh non, ngôi thai bất thường, thai chậm phát triển trong tử cung và băng huyết sau sanh.

Tóm lại,

Adenomyosis là bệnh lý phụ khoa thường gặp, với nguyên nhân chưa rõ và có khả năng gây ra ảnh hưởng xấu lên khả năng sinh sản của phụ nữ. Có nhiều cơ chế giải thích cho việc gây hiếm muộn của adenomyosis. Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán adenomyosis và việc điều trị cần cá thể hóa mỗi bệnh nhân, tùy theo tình trạng bệnh và mục tiêu điều trị của từng người. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu nhé!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ