Các biến chứng trong hỗ trợ sinh sản

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản được xem là an toàn, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể gặp một số biến chứng trong quá trình điều trị với một tỉ lệ nhỏ. Các cặp đôi cần tìm hiểu những biến chứng có thể gặp trong quá trình điều trị để chuẩn bị một tâm lý tốt cho chặng đường tìm con yêu nhé!

  • Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng là một trong những biến chứng trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng quá kích buồng trứng trên lâm sàng là 2-3% và tỷ lệ hội chứng quá kích buồng trứng nhẹ trong điều trị IVF là 20 – 30%. 

Yếu tố nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng:

  • Trẻ tuổi < 30 tuổi
  • BMI thấp
  • Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang
  • Tiền căn đáp ứng nhiều với thuốc kích thích buồng trứng
  • Nồng độ estradiol tăng cao trong quá trình kích thích buồng trứng
  • Sử dụng hCG để hỗ trợ hoàng thể
  • Có thai

Triệu chứng:

  • Căng tức, khó chịu ở bụng
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Tiêu chảy
  • Tăng cân nhanh
  • Tổn thương gan, thận

Hình 1 Hội chứng quá kích buồng trứng

Điều trị:

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của QKBT mà bệnh nhân được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

  • Với mức độ nhẹ và vừa: Bệnh nhân có thể theo dõi điều trị tại nhà. Chú ý nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, uống nhiều nước. Đo vòng bụng, cân nặng, theo dõi lượng nước tiểu mỗi ngày. Tuyệt đối kiêng giao hợp. Không nên nằm tại chỗ vì có thể làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường, uống nhiều nước và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đạm. Khám định kỳ để đánh giá tình hình chung, siêu âm theo dõi lượng dịch báng và kích thước buồng trứng. Nếu vòng bụng và cân nặng tăng nhanh, tiểu ít đi (<0,5 lít/ngày), bệnh nhân cần đến khám tại bệnh viện để siêu âm, đo hematocrit, công thức máu, điện giải, albumin trong máu… 
  • Với mức độ nặng: Bệnh nhân cần nhập viện điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc theo dõi các chỉ số cơ bản vòng bụng, cân nặng, hematocrit mỗi ngày, người bệnh sẽ được theo dõi Albumin mỗi ngày, đồng thời theo dõi thêm Na, K, chức năng gan, độ thanh thải creatinin, kiểm soát chặt chẽ lượng dịch ra vào cơ thể hàng ngày. Bệnh nhân có thể được siêu âm để giúp đánh giá tràn dịch màng bụng, màng phổi và có thể màng tim. Ở bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nặng, có thể thực hiện X-quang ngực và đo oxy máu.
  • Xuất huyết nội
  • Xuất huyết nội là một biến chứng có thể gặp sau chọc hút trứng. Tỉ lệ xảy ra biến chứng này rất thấp (<1‰), tuy nhiên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được nhận biết và xử trí kịp thời.
  • Xuất huyết nội là tình trạng chảy máu tại buồng trứng khi chọc hút lấy các nang trứng. Các vị trí chảy máu này hầu hết sẽ tự ngưng, trong một vài trường hợp sẽ tiếp tục chảy, dẫn đến mất máu và gây nên các triệu chứng báo hiệu.

Các yếu tố nguy cơ của xuất huyết nội

  • Bệnh lý máu khó đông: giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu 
  • Buồng trứng có nhiều nang noãn
  • Vị trí buồng trứng ở xa, khó chọc hút

Hình 2 Đau bụng sau chọc hút trứng có thể là triệu chứng của xuất huyết nội

Triệu chứng

  • Các triệu chứng của xuất huyết nội thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau chọc hút trứng. Bệnh nhân thường có cảm giác đau bụng tăng dần, có thể đau lan sau lưng hoặc lên vai, bụng chướng, có thể kèm nôn ói, mệt, khó thở. Nếu tình trạng chảy máu không tự cầm và nặng dần, có thể dẫn đến lừ đừ, lơ mơ, hôn mê.
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường sau chọc hút, nhất là trong 24 giờ đầu, bạn nên thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay tại trung tâm đang điều trị.
  • Đa số các trường hợp xuất huyết nội có thể tự cầm máu. Trong một số rất ít trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành nội soi để cầm máu khẩn cấp.

Xoắn buồng trứng

Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị xoắn một hoặc nhiều vòng xung quanh cuống mạch của buồng trứng. Từ đó dẫn đến thiếu máu nuôi buồng trứng, có thể gây đau và hoại tử buồng trứng. Tỉ lệ xoắn buồng trứng xảy ra sau hỗ trợ sinh sản rất thấp (<1%).

Hình 3 Xoắn buồng trứng (Nguồn)

Xoắn buồng trứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân sau:

  • Có u nang buồng trứng to
  • Buồng trứng to sau kích thích buồng trứng
  • Bệnh nhân vận động mạnh, thay đổi tư thế đột ngột

Triệu chứng

  • Triệu chứng điển hình của xoắn buồng trứng là đau bụng dữ dội một bên (bên buồng trứng bị xoắn), đau bụng không thay đổi theo tư thế, đau tăng khi sờ ấn lên vị trí buồng trứng xoắn, có thể kèm nôn ói nhiều, tiêu chảy.
  • Khi nghi ngờ xoắn buồng trứng, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị. Phương pháp điều trị là nội soi để tháo xoắn. Nếu không được điều trị kịp thời, buồng trứng có thể bị hoại tử và phải cắt bỏ buồng trứng để tránh nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường sau hỗ trợ sinh sản, bạn nên thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay tại trung tâm đang điều trị.

Xuất huyết bàng quang

  • Xuất huyết bàng quang có thể xảy ra sau chọc hút trứng, do kim chọc hút đi qua bàng quang trong quá trình chọc hút lấy trứng. Tỉ lệ xuất huyết bàng quang cũng rất thấp (<1%) và đa số tự cầm trong vòng 1-2 ngày và không ảnh hưởng đến thể trạng.
  • Triệu chứng điển hình của xuất huyết bàng quang là tiểu ra máu. Triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 12 giờ sau chọc hút trứng. Khi có triệu chứng này, bạn nên thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay tại trung tâm đang điều trị.
  • Nếu triệu chứng nhẹ, bạn có thể được tư vấn theo dõi triệu chứng tại nhà. Trong trường hợp tiểu máu kéo dài, bạn sẽ được đề nghị tái khám để được súc rửa bàng quang.

Hình 4 Xuất huyết bàng quang (Nguồn)

Nhiễm trùng

Biến chứng này có thể xảy ra sau các thủ thuật như bơm tinh trùng vào buồng tử cung, chọc hút trứng, chuyển phôi, giảm thai, chọc dò dịch ổ bụng trong điều trị hội chứng quá kích buồng trứng. Tần suất biến chứng này rất thấp (<1%), tuy nhiên cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm trùng:

  • Tiền sử phẫu thuật vùng chậu nhiều lần
  • Viêm dính vùng chậu
  • Tiền sử nhiễm trùng vùng chậu do Chlamydia, lậu cầu
  • Ứ dịch vòi trứng
  • Viêm âm đạo, cổ tử cung đang diễn tiến
  • Dị ứng nhiều loại kháng sinh (được sử dụng để phòng ngừa nhiễm trùng)
  • Suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV / AIDS, lao, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, lao động nặng, đang sử dụng corticoid,…

Triệu chứng

  • Triệu chứng điển hình của nhiễm trùng là sốt (>38OC). Sốt thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi thực hiện thủ thuật. Có thể sốt liên tục hoặc từng cơn, kèm rét run.
  • Các triệu chứng toàn thân khác gồm lừ đừ, mệt mỏi, ăn uống kém, xanh xao. Các triệu chứng tại vị trí nhiễm trùng có thể có: đau bụng, tiết dịch âm đạo, tiểu gắt buốt…
  • Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường sau hỗ trợ sinh sản, bạn nên thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay tại trung tâm đang điều trị.

Tóm lại,

Biến chứng trong điều trị hỗ trợ sinh sản tuy ít gặp nhưng luôn cần phải phòng ngừa và người bệnh cần phải nắm rõ những rủi ro có thể gặp trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nơi điều trị hiếm muộn và bác sĩ điều trị có kinh nghiệm sẽ giúp người bệnh giảm thiểu được những nguy cơ này. Chúc các cặp đôi có một hành trình điều trị vô sinh hiếm muộn suôn sẻ và sớm gặp được thiên thần của mình nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ