Cần lưu ý gì khi được chẩn đoán nhau tiền đạo?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Tô Lê Minh Hằng

Nhau tiền đạo (Placenta Previa) là một nguyên nhân phổ biến của xuất huyết âm đạo vào nửa sau thai kỳ, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi. Vậy các bà mẹ cần lưu ý những gì khi được chẩn đoán nhau tiền đạo?

Nhau tiền đạo là gì ? 

Trong một thai kỳ bình thường bánh nhau sẽ  bám ở đoạn thân hoặc đáy tử cung. Sản phụ sẽ được chẩn đoán nhau tiền đạo khi nhau bám thấp ở phần dưới tử cung, che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung. 


Hình 1

Normal placent: Nhau bám bình thường

Placenta previa: Nhau tiền đạo

Hình 1. Nguồn:https://babygest.com/en/twin-pregnancy-risks/placenta-previa

Có mấy loại Nhau tiền đạo ? 

Theo phân loại cổ điển nhau tiền đạo được chia làm 4 loại dựa trên vị trí bánh nhau so với lỗ trong cổ tử cung như sau:  

  • Nhau tiền đạo toàn phần (complete) hay còn gọi là nhau tiền đạo trung tâm
  • Nhau tiền đạo bán phần (partial) hay còn gọi là nhau tiền đạo bán trung tâm
  • Nhau bám mép (marginal) 
  • Nhau bám thấp (low lying) 

Hình 2. Phân loại Nhau tiền đạo

Nguồn: Placenta previa, accreta, and vasa previa. Obstet Gynecol 2006 

Tần suất mắc bệnh, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ ? 

Tỷ lệ mắc Nhau tiền đạo chiếm khoảng từ 0,3% đến 2% các thai kỳ

Nguyên nhân của Nhau tiền đạo vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên có các yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu như1

  • Thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi)
  • Sinh con nhiều lần (Đa sản)
  • Hút thuốc lá 
  • Sử dụng chất kích thích như cocain,..
  • Tiền sử nạo thai nhiều lần
  • Tiền sử mổ lấy thai
  • Có nhau tiền đạo ở lần mang thai trước đó
  • Tiền sử viêm nhiễm tử cung

Dấu hiệu lâm sàng nào thường gặp trong Nhau tiền đạo ?

  • Xuất huyết âm đạo là triệu chứng thường gặp nhất, thường xuất huyết đột ngột vào 3 tháng cuối thai kỳ và không kèm theo đau bụng. Có đến 75% sản phụ được chẩn đoán nhau tiền đạo có ít nhất một lần xuất huyết và thường xuất huyết âm đạo quanh tuần thai 29-30
  • Nếu lượng máu quá nhiều, sản phụ có thể sốc mất máu và cần được cấp cứu kịp thời.  
  • Đôi khi, sản phụ không có triệu chứng gì và chỉ được chẩn đoán qua Siêu âm.
  • Khi thăm khám âm đạo bằng mỏ vịt thấy máu đỏ tươi chảy ra từ lỗ trong CTC.
  • Ngôi thai đầu cao hoặc bất thường như ngôi mông, ngôi ngang vì bánh nhau bám ở CTC khiến thai khó bình chỉnh. 
  • Tim thai thường không thay đổi, chỉ khi có biến chứng như choáng mất máu, vấn đề về dây rốn hay bánh nhau bị bóc tách.

Chẩn đoán Nhau tiền đạo như thế nào ? 

  • Siêu âm là phương pháp an toàn và hiệu quả để phát hiện và phân loại nhau tiền đạo. Khi khám thai, ngoài việc khảo sát sự phát triển của thai, bác sỹ còn xác định vị trí nhau bám qua siêu âm. 
  • Siêu âm ngả âm đạo mang lại kết quả chính xác về vị trí bánh nhau hơn siêu âm ngả bụng, và an toàn cho thai phụ ngay cả trong trường hợp ra huyết. Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ, siêu âm ngả âm đạo không gây chảy máu ở bất kỳ bệnh nhân nào trong số ca quan sát. Bên cạnh đó, vị trí bánh nhau và lỗ trong cổ tử cung được quan sát rõ ràng hơn ở tất cả bệnh nhân (100%) so với chỉ 69% trong Siêu âm ngả bụng3

Hình 3. Siêu âm ngả âm đạo Nhau tiền đạo toàn phần.

PP: Bánh nhau tiền đạo

A: Phần trước lỗ trong Cổ tử cung

P: Phần sau lỗ trong Cổ tử cung

Nguồn: Placenta previa, accreta, and vasa previa. Obstet Gynecol 2006 

Nhau tiền đạo gây nguy cơ gì đến bà mẹ và thai nhi ?

  • Đối với sản phụ: xuất huyết tái phát nhiều lần, nếu không can thiệp có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu mất máu quá nhiều. Bên cạnh đó, đoạn dưới tử cung nơi Nhau tiền đạo bám không có lớp cơ chéo, một thành phần quan trọng của việc cầm máu sau sanh. Do đó sản phụ dễ có nguy cơ băng huyết sau sanh vì tử cung co hồi không tốt, cũng như nguy cơ phải cắt tử cung sau sanh hoặc sau mổ lấy thai. 
  • Trong một số trường hợp, bánh nhau có thể bám sâu vào cơ tử cung gọi là Nhau cài răng lược. Tỉ lệ Nhau cài răng lược tăng lên ở bệnh nhân có tiền sử mổ lấy thai hoặc tiền sử phẫu thuật tử cun. Đây là một biến chứng nguy hiểm gia tăng tỉ lệ cắt tử cung và là mối đe doạ đến sinh mạng thai phụ.
  • Đối với thai nhi:  nhau bám lỗ trong CTC cản trở đường ra của thai làm tăng tỉ lệ mổ lấy thai và sinh non tháng khiến trẻ có nguy cơ suy hô hấp sau sinh vì phổi chưa đủ trưởng thành. Ngôi thai bất thường cũng thường gặp trong bệnh cảnh Nhau tiền đạo: Ngôi ngang, ngôi mông,.. 

Cần lưu ý gì khi chẩn đoán Nhau tiền đạo?

  • Khi được chẩn đoán Nhau tiền đạo, việc các bà mẹ cần quan tâm chính là triệu chứng Ra huyết âm đạo. Nếu lượng nhiều hoặc có triệu chứng choáng váng mất máu, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu. 
  • Nên nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, hạn chế đi lại quá sức, kiêng giao hợp từ lúc được chẩn đoán đến khi sanh.
  • Không có biện pháp nào có thể chữa khỏi Nhau tiền đạo do đó mục tiêu chính là kiểm soát tình trạng máu mất đến khi thai đủ tháng hoặc đến lúc có thể chấm dứt thai kỳ. Theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ ACOG, có thể chấm dứt thai kỳ ở tuần 36 tuần 0 ngày đến 36 tuần 6 ngày4
  • Đối với những bà mẹ có yếu tố nguy cơ Nhau tiền đạo như đã kể ở trên: nên khám thai định kỳ để phát hiện sớm và theo dõi sát trong thai kỳ hơn. 

Điều trị như thế nào ?

  • Điều trị Nhau tiền đạo tuỳ thuộc vào số lượng máu mất, tuổi thai cũng như khả năng nuôi dưỡng sơ sinh của cơ sở y tế. 
  • Đối với Nhau tiền đạo xuất huyết trầm trọng ảnh hưởng sinh hiệu mẹ, cần nhập viện lập tức bồi hoàn lượng máu mất, chấm dứt thai kỳ và mổ lấy thai cấp cứu. 
  • Đối với tình trạng xuất huyết không quá nghiêm trọng, ổn định sinh hiệu, truyền dịch, nằm nghỉ tại giường, sử dụng corticoid trưởng thành phổi nếu thai non tháng. 
  • Đối với các thể Nhau tiền đạo bám thấp không hoàn toàn che khuất lỗ trong cổ tử cung có thể xem xét Sanh ngả âm đạo nếu tình trạng mẹ cho phép và xuất huyết không quá nghiêm trọng.

Tóm lại 

Nhau tiền đạo là một vị trí bám bất thường của bánh nhau, bà mẹ cần quan tâm và theo dõi để tránh biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi được chẩn đoán Nhau tiền đạo, bà mẹ nên được theo dõi sát và nếu có xuất huyết từ âm đạo cần đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để được thăm khám và điều trị nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ