CHẾ ĐỘ ĂN TIẾT CHẾ Ở PHỤ NỮ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ NHƯ THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ?

Đái tháo đường thai kỳ đang là một nỗi lo thường gặp ở các bà bầu hiện nay khi mà xét nghiệm tầm soát đang trở nên phổ biến hơn. Nó mang đến nhiều nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Việc kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn vẫn là chìa khóa chính của quản lý Đái tháo đường thai kỳ. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và cách để chúng ta có một chế độ ăn hợp lý nhé!

  • Định nghĩa Đái tháo đường thai kỳ và tiêu chuẩn chẩn đoán: 
  • Theo Hiệp hội sản phụ khoa thế giới (FIGO), hiện tượng tăng đường huyết trong thai kỳ (Hyperglycemia In Pregnancy – HIP) bao gồm 2 phân loại là: Đái tháo đường trong thai kỳ (Diabetes in Pregnancy – DIP) và Đái tháo đường do thai kỳ (Gestational Diabetes Melitus – GDM). Nếu như DIP là chỉ tình trạng Đái tháo đường đã có từ trước khi mang thai, thì GDM là Đái tháo đường gây bởi thai kỳ, phát hiện hầu hết sau 24 tuần tuổi thai. 
  • Thai kỳ là một tác nhân gây nên tình trạng đề kháng Insulin, là nguyên nhân dẫn tình trạng không dung nạp đường huyết. Do vậy mọi thai phụ đều có nguy cơ mắc Đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, ở những người có tình trạng đề kháng Insulin sẵn có như: béo phì, buồng trứng đa nang,.., thai kỳ là tác nhân làm cho Đái tháo đường tiến triển sớm hơn và có thể trở thành Đái tháo đường típ 2 sau này. 
  • Chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ bằng xét nghiệm OGTT- Test 75gr glucose đường uống. Thai phụ cần nhịn ăn ít nhất 8 giờ, được định lượng Đường huyết lúc đói, lúc 1 giờ, và 2 giờ sau uống 75gr đường. Tiêu chẩn chẩn đoán như sau:
  1. Đường huyết đói >= 5.1 mmol/L (92mg/dL)
  2. Đường huyết 1 giờ >= 10.0 mmol/L (180 mg/dL)
  3. Đường huyết 2 giờ >= 8.5 mmol/L (153 mg/dL)

Chẩn đoán OGTT dương tính khi có 1 chỉ số thỏa mãn tiêu chuẩn. 

 

  1. Quản lý Đái tháo đường thai kỳ:

Đái tháo đường thai kỳ đưa đến nhiều nguy cơ như: thai lưu, thai to, tiền sản giật, đa ối,.. và còn tăng nguy cơ phải mổ lấy thai. Quan trọng nhất của việc theo dõi Đái tháo đường thai kỳ vẫn là kiểm soát mức đường huyết và giảm sự đề kháng Insulin. Vì thế, “Chế độ ăn tiết chế” là biện pháp điều trị cốt lõi và đầu tiên đối với thai phụ đái tháo đường. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những phụ nữ có Đái tháo đường thai kỳ, thực hiện tốt các biện pháp can thiệp lối sống (cả chế độ ăn uống và luyện tập) sẽ giảm nguy cơ các biến chứng chu sinh như con to, thai suy1

Bên cạnh đó, luyện tập thể dục cũng là một phương pháp giúp giảm sự để kháng Insulin, bà bầu có thể vận động thể dục thai kỳ nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội,… Nên vận động 150 phút/ tuần, ít nhất 3 ngày/ tuần.

III. Chế độ ăn tiết chế trong Đái tháo đường thai kỳ:

  • Lựa chọn thức ăn có chỉ số đường huyết (GI) thấp:
  • Không phải các loại thức ăn đều có phản ứng đường huyết giống nhau. Chỉ số đường huyết thực phẩm (Glycaemic Index – GI) là một yếu tố quan trọng, vì thực phẩm có chỉ số GI thấp làm giảm sự dao động đường huyết sau bữa ăn. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò quan trọng của chế độ ăn GI thấp trong thai phụ có GDM như là làm giảm đường huyết sau ăn, giảm nhu cầu điều trị bằng Insulin, cải thiện độ nhạy Insulin, giảm mức cholesterol lúc đói2-4,..
  • Một phân tích khác trên 1985 phụ nữ, chế độ GI thấp đã được chứng minh là có tác động tích cực đến kết quả của thai phụ mà không có nguy cơ bất lợi nào ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh5.
  • Vì thế, bà bầu nên ưu tiên các loại thức ăn có chỉ số GI thấp như gạo lứt, yến mạch.. cùng với đó, hãy phối hợp đa dạng với các phân nhóm thức ăn khác như chất đạm, chất xơ, chất béo tốt… Tránh các loại thức ăn có mức GI cao, nếu chưa quen, có thể gia giảm từ từ để làm quen dần. 
  • Dưới đây là bảng phân loại các nhóm thức ăn theo chỉ số GI:
  • Hạn chế Carbonhydrate:
  • Hạn chế Carbonhydrate (chất bột đường) vẫn là phương pháp phổ biến nhất hiện nay theo các khuyến cáo ở các hiệp hội. Dù vậy, tinh bột vẫn là một chất cần thiết và năng lượng chính của cơ thể vì thế, không nên cắt tất cả thức ăn từ nhóm chất này. Theo ACOG, khẩu phần Carbonhydrate cho phép nên chiếm 35-40% tổng lượng calories trong ngày6
  • Khẩu phần tối đa 250 gram tinh bột mỗi ngày, tương đương 4 chén cơm. Nếu được, hãy hạn chế các loại tinh bột có chỉ số GI nhanh như bún, bánh canh, bánh xèo,.. Thay vào đó, gạo lứt, yến mạch là các loại tinh bột tốt, vừa giúp mang lại cảm giác no lâu, vừa giảm biến động đường huyết của cơ thể mẹ bầu.

  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ:
  • Phương pháp này giúp giảm mức đường huyết sau ăn, giảm mức đường huyết đói. Từ đó, biến động đường huyết trong cơ thể người mẹ sẽ được cân bằng hơn, tránh gây ảnh hưởng đến thai. Nên phân bố các bữa ăn trong ngày thành 3 bữa ăn chính và 2-3 bữa ăn nhẹ trong ngày.
  • Ăn nhiều chất xơ: 
  • Chất xơ giúp cơ thể no lâu, bổ sung nhiều vitamin cần thiết. Bên cạnh đó còn giảm táo bón, một vấn đề nan giải khá thường gặp trong các thai kỳ. Thêm vào đó, một số loại rau cũng chứa hàm lượng sắt giúp ích cho thai kỳ như: bông cải xanh, cải bó xôi, các loại đậu,..

  • Tăng cường protein, chất béo, dầu thực vật và ít muối:
  • Để đảm bảo dinh dưỡng cho thai, chế độ ăn nhiều protein và đa dạng các nguồn protein như thịt, cá, trứng,.. cũng rất quan trọng, không nên quá kiêng cữ. Bổ sung chất béo tốt từ thực vật như: dầu olive, dầu phộng,.. cũng cải thiện sức khỏe tim mạch hơn cho bà bầu. 
  • Bên cạnh đó, hạn chế nêm quá nhiều gia vị như muối sẽ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ.

 

TÓM LẠI

Đái tháo đường thai kỳ đã và đang là nỗi lo của nhiều thai phụ, mang đến nhiều hệ lụy xấu cho mẹ và bé. Kiểm soát mức đường huyết tốt, hạn chế các dao động đường huyết giúp giảm phần nào các nguy cơ sau này. Chế độ ăn tiết chế là phương pháp cơ bản và cốt lõi nhằm giúp bạn có thai kỳ khỏe mạnh. Vậy nên, hãy tuân thủ tuyệt đối chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao lành mạnh và theo dõi chặt chẽ đường huyết trong thai kỳ nhé. Chúc bạn có một thai kỳ mẹ tròn con vuông!!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ