COVID-19 ảnh hưởng thế nào đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Hiện nay, số ca bệnh COVID-19 dần gia tăng trở lại. Điều này gây nên những lo lắng nhất định cho mọi người dân, đặc biệt là những cặp đôi hiếm muộn. Khác với những thời kì đầu của dịch bệnh khi mọi người phải chấp nhận viễn cảnh giãn cách xã hội và sự trì hoãn điều trị, trong cuộc sống “bình thường mới” của thời điểm hiện tại, những cặp vợ chồng mong con vẫn có cơ hội tiếp cận với việc điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của COVID-19 ở quá khứ và hiện tại lên “con đường tìm con” những cặp đôi này sẽ như thế nào? Liệu vaccine ở thời điểm hiện tại có ảnh hưởng gì hay không?

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 LÊN SỨC KHOẺ SINH SẢN NAM GIỚI

Cho đến thời điểm hiện tại, người ta đã nhận thấy rằng, nam giới nhiễm COVID-19 lại có những ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là nữ giới. Cụ thể, COVID-19 làm ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng của người đàn ông như về mật độ tinh trùng, số lượng tinh trùng, số tinh trùng di động và tinh trùng di động tiến tới. Những ảnh hưởng này có thể là trực tiếp do virus gây ra, nhưng cũng có thể gián tiếp do triệu chứng của bệnh gây sốt làm gia tăng nhiệt độ, từ đó làm giảm số lượng tinh trùng; cũng có thể do thuốc hoặc do những tác động stress từ các yếu tố xã hội. May mắn thay, những rối loạn này có thể biến mất sau một chu kì tạo tinh trùng mới (khoảng 3 tháng)

Một vấn đề đáng lo ngại khác đó chính là COVID-19 cũng làm suy giảm nồng độ testosterone – hormone quan trọng nhất trong điều hoà chức năng sinh sản ở nam giới. Sự suy giảm sinh dục này có thể quan sát thấy dài nhất khoảng 7 tháng sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, những nguy cơ về dài hạn vẫn còn chưa rõ.

Mặt khác, người ta cũng tìm thấy virus vẫn còn hiện diện trong mẫu tinh trùng dù người bệnh đã khỏi. Do đó, các cặp vợ chồng đã khỏi bệnh COVID-19 được một số chuyên gia khuyến nghị nên trì hoãn sinh con trong vòng 3 tháng sau khi kết quả âm tính với SARS-2 trong mẫu máu của họ. Ngoài ra, 3 tháng cũng là thời gian giúp cho người chồng có thể tạo được một lượng tinh trùng khoẻ mạnh mới sau khi khỏi bệnh.

ẢNH HƯỞNG CỦA COVID-19 LÊN SỨC KHOẺ SINH SẢN NỮ GIỚI

Về mặt cơ chế, COVID-19 sẽ có những ảnh hưởng như nhau đối với cơ quan sinh sản của loài người. Tuy nhiên, do một số khác biệt giữa nam và nữ mà dường như COVID-19 lại ít ảnh hưởng lên giới nữ hơn so với nam giới. Trong các cơ quan sinh sản của phụ nữ như tử cung, buồng trứng và vòi trứng thì buồng trứng là nơi được cho là sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn hết. May mắn thay, trong các nghiên cứu cho thấy virus COVID-19 lại không tìm thấy ở buồng trứng cũng như không ảnh hưởng đến dự trữ buồng trứng, chức năng buồng trứng và dịch nang noãn

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ mắc COVID-19 cũng có những rối loạn kinh nguyệt như vô kinh, rong kinh. Tuy nhiên, những rối loạn này chỉ ảnh hưởng thoáng qua

COVID-19 CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KẾT QUẢ THỤ TINH ỐNG NGHIỆM KHÔNG?

Cho đến thời điểm hiện tại, sự hiện diện của COVID-19 ở phôi chưa được nghiên cứu. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy việc vợ bị nhiễm COVID-19 không làm ảnh hưởng đến kết quả của hỗ trợ sinh sản

KHỎI NHIỄM COVID-19 SAU BAO LÂU CÓ THỂ BẮT ĐẦU ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN?

Hiện tại chưa có khuyến cáo cụ thể về thời gian tối thiểu giữa sau khi khỏi COVID-19 và điều trị hiếm muộn. Nếu có, thời gian này được khuyến cáo dành cho nam giới (3 tháng) để tạo điều kiện cho những chu kì tạo tinh trùng mới. Điều quan trọng hơn hết là cả người chồng và vợ đều cảm thấy bình phục sau nhiễm bệnh cũng như tâm lí sẵn sàng cho việc điều trị. 

VACCINE CÓ ẢNH HƯỞNG LÊN SỨC KHOẺ SINH SẢN VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ HIẾM MUỘN KHÔNG?

Tính đến thời điểm hiện tại, khi vaccine COVID-19 đã được phủ rộng khắp toàn dân, các nghiên cứu đều cho thấy những loại vaccine này không ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản nam và nữ cũng như không ảnh hưởng đến kết quả của các chu kì thụ tinh trong ống nghiệm nói riêng và hỗ trợ sinh sản nói chung. 

Khuyến cáo của Hiệp hội Sinh sản và Phôi thai Châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology – ESHRE) cập nhật năm 2022 khuyến cáo những cặp vợ chồng hiếm muộn nên chích ngừa vaccine đầy đủ trước khi thực hiện các phương pháp của hỗ trợ sinh sản cũng như nên trì hoãn điều trị hiếm muộn vài ngày (sau mũi 2) để miễn dịch được hoàn thiện. Vì vậy, các cặp vợ chồng hiếm muộn nên tiêm vaccine đủ 2 mũi trở lên để giúp bảo vệ bản thân và gia đình khỏi COVID-19 và an toàn trên con đường tìm kiếm những thiên thần nhỏ cho mình nhé!

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về vấn đề COVID-19 và điều trị hiếm muộn tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về vấn đề COVID-19 và điều trị hiếm muộn tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Từ khi có sự xuất hiện của virus COVID-19, dịch bệnh luôn là mối lo ngại cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là những cặp đôi hiếm muộn, khi tất cả mọi nhịp sống đều bị trì trệ và gây ảnh hưởng không ít lên sức khoẻ tinh thần của họ. Bên cạnh đó, COVID-19 còn gây những ảnh hưởng nhất định lên sức khoẻ sinh sản của nam giới. May mắn thay, người vợ lại ít chịu những ảnh hưởng này hơn cũng như kết quả hỗ trợ sinh sản vẫn không có sự khác biệt so với lúc chưa xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, việc tiêm vaccine đầy đủ cho hai vợ chồng cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh gia tăng của dịch COVID-19, các cặp vợ chồng mong con nên tuân thủ những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh cũng như tiêm vaccine đầy đủ để có thể bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ