Đặt vòng nâng trong dự phòng sinh non

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sinh non là một vấn đề thường hay xảy ra trong các thai kì và là chủ đề được các thai phụ đặc biệt quan tâm. Để tầm soát và dự phòng sinh non, có những xét nghiệm và phương pháp dự phòng có thể được áp dụng trong thai kì. Một trong những phương pháp phổ biến và dễ tiếp cận đó chính là đặt vòng nâng. Vậy khi nào thì thai phụ cần đặt vòng nâng cổ tử cung và quá trình đó diễn ra như thế nào?

CÁC LOẠI VÒNG NÂNG TRONG DỰ PHÒNG SINH NON

Vòng nâng cổ tử cung là một dụng cụ bằng silicone, có thể gấp lại và đưa vào âm đạo đến cổ tử cung. Cần lưu ý, vòng nâng cổ tử cung sẽ không làm cổ tử cung đóng lại hoàn toàn, nhưng sẽ làm giảm áp lực của ngôi thai lên cổ tử cung nhờ vào việc thay đổi góc của cổ tử cung và tử cung. Chính sự hỗ trợ này sẽ làm giảm nguy cơ cổ tử cung xoá, mở và từ đó có thể làm giảm nguy cơ sinh non.

Có nhiều loại vòng nâng được sử dụng trong dự phòng sinh non. Trong đó, vòng nâng Hodge là vòng nâng đầu tiên được nghiên cứu và sử dụng để dự phòng sinh non. Ngoài ra, một dạng chuyển thể của vòng Hodge chính là vòng Smith.

Các loại đặt vòng nâng
Hình 1. Vòng nâng Hodge (trái) và vòng nâng Smith (phải). Nguồn: digitimer.com

Dạng vòng nâng được sử dụng phổ biến hiện nay chính là vòng nâng Arabin. Có 2 dạng: dạng không có lỗ và dạng có lỗ. Trong đó, dạng có lỗ được sử dụng phổ biến hơn hết.

Các loại đặt vòng nâng
Hình 2. Vòng Arabin không có lỗ (trái) và có lỗ (phải). Nguồn: dr-arabin.de

NHỮNG CHỈ ĐỊNH ĐẶT VÒNG NÂNG CỔ TỬ CUNG

Hiện tại, những kết quả từ các nghiên cứu về hiệu quả dự phòng sinh non của vòng nâng cổ tử cung vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhìn chung, vòng nâng cổ tử cung là phương pháp có thể kéo dài thai kì và dễ tiếp cận cho các thai phụ. Do đó, một số thai phụ có thể được đặt vòng nâng như:

  • Chiều dài kênh cổ tử cung ngắn
  • Tiền căn sẩy thai muộn hoặc sinh non
  • Song thai hoặc đa thai với cổ tử cung ngắn
  • Từ chối khâu vòng cổ tử cung

Tuy nhiên, một số trường hợp không nên đặt vòng nâng bao gồm:

  • Vỡ ối non trên thai non tháng
  • Xác nhận có tình trạng chuyển dạ sinh non
  • Nhiễm trùng ối
  • Thai dị tật
  • Viêm nhiễm sinh dục tiến triển
  • Đang ra huyết âm đạo
  • Dị tật sinh dục bẩm sinh (âm đạo, tử cung)

QUÁ TRÌNH ĐẶT VÒNG NÂNG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Bước 1: Nếu thai phụ có chỉ định đặt vòng nâng cổ tử cung, bước đầu tiên là xét nghiệm dịch tiết âm đạo để loại trừ nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn âm đạo.

Bước 2: Lựa chọn kích cỡ vòng nâng phù hợp: Không phải tất cả thai phụ đều có thể sử dụng chung một kích cỡ vòng nâng. Việc lựa chọn kích cỡ vòng nâng được phụ thuộc vào các yếu tố: tuổi thai, số lượng thai, số lần sinh con và hình dạng của cổ tử cung.

Bước 3: Tiến hành đặt vòng nâng: vòng nâng có thể được đặt ngay tại phòng khám và không cần đến gây mê hoặc gây tê. Thai phụ sẽ nằm tư thế sản phụ khoa, vòng nâng arabin sẽ được gập lại sao cho đường cong hướng lên trên, chất bôi trơn có thể được bôi vào một phần đầu của vòng nâng để giảm cảm giác khó chịu cho thai phụ và giúp dễ dàng hơn cho việc đặt vòng nâng. Sau khi đưa vào âm đạo, vòng nâng sẽ được đặt vào cổ tử cung như Hình 3.

Cách đặt vòng nâng cổ tử cung
Hình 3. Vị trí của vòng nâng Arabin ở cổ tử cung và âm đạo (Nguồn)

NHỮNG TÁC DỤNG PHỤ SAU KHI ĐẶT VÒNG NÂNG

Sau khi đặt vòng nâng, thai phụ có thể sẽ có những triệu chứng do dị vật trong âm đạo như:

  • Tăng tiết dịch âm đạo: đây là triệu chứng thường gặp sau khi đặt vòng nâng. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đều là nhiễm khuẩn và điều trị kháng sinh.
  • Viêm âm đạo
  • Xuất huyết âm đạo
  • Đi tiêu/đi tiểu khó
  • Đau cộm

SAU KHI ĐẶT VÒNG NÂNG, THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ?

Sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung, thai phụ cần:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách
  • Tránh vận động mạnh hay mang vác vật nặng
  • Khám thai định kỳ theo lịch hẹn
  • Duy trì lối sống khoẻ mạnh với dinh dưỡng đầy đủ và vận động hợp lí
  • Đến phòng khám hoặc bệnh viện nếu có những triệu chứng bất thường: đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo hoặc những triệu chứng khác

KHI NÀO THÌ THÁO VÒNG NÂNG CỔ TỬ CUNG?

Tương tự như khâu vòng cổ tử cung, vòng nâng cũng sẽ được tháo ra khoảng 37 tuần tuổi thai hoặc khi có chuyển dạ. Việc lấy vòng nâng cũng sẽ khá đơn giản, không cần gây mê hay tê và có thể lấy tại phòng khám. Hoặc nếu có kế hoạch sinh mổ, vòng nâng có thể được lấy ra trong phòng mổ. Trong một số trường hợp, nếu vòng nâng bị kẹt (do phù nề), có thể cần sử dụng kéo cắt để cắt một bên vòng và lấy ra.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về đặt vòng nâng trong dự phòng sinh non tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về đặt vòng nâng trong dự phòng sinh non tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Đặt vòng nâng cổ tử cung có thể là một biện pháp dự phòng sinh non đơn giản, dễ tiếp cận và có thể có hiệu quả. Những thai phụ có nguy cơ sinh non có thể được áp dụng phương pháp này. Vì vậy, các thai phụ nên khám thai đúng hẹn để có thể được tầm soát nguy cơ và có các biện pháp dự phòng thích hợp nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ