Doạ sẩy thai: thai phụ cần làm gì?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Doạ sẩy thai là một tình trạng khá phổ biến ở thai phụ trong những tháng đầu của thai kì. Những tình huống này có thể tự ổn định nhưng cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai sau đó. Vậy trong những trường hợp doạ sẩy, thai phụ cần làm gì?

DOẠ SẨY THAI LÀ GÌ?

Doạ sẩy thai là tình trạng ra huyết âm đạo nhưng cổ tử cung vẫn đóng vào thời điểm trước tuần 20 của thai kì. Đây là tình trạng có thể xuất hiện đến 20% trong tổng số thai kì. Doạ sẩy có thể tự thuyên giảm và ổn định nhưng cũng có thể là một dự báo cho một tình trạng sẩy thai diễn tiến sau đó.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY DOẠ SẨY THAI

Doạ sẩy thai có thể có một dấu hiệu báo trước cho một tình trạng sẩy thai sau đó. Những nguyên nhân sẩy thai bao gồm:

  • Bất thường nhiễm sắc thể thai: 50% trường hợp sẩy thai, tăng khi mẹ > 35 tuổi
  • Đái tháo đường không kiểm soát, bệnh lí tuyến giáp
  • Bệnh lí tự miễn (chẳng hạn Hội chứng kháng phospholipid, Lupus ban đỏ)
  • Nhiễm trùng
  • Bất thường cấu trúc tử cung: nhân xơ tử cung, dính buồng tử cung
  • Hở eo tử cung
  • Sử dụng chất gây nghiện, rượu bia
  • Nhiễm chất độc từ môi trường như asen, chì và dung môi hữu cơ
  • Suy dinh dưỡng nặng

Ngoài ra, tình trạng ra huyết âm đạo +/- đau bụng trong giai đoạn sớm của thai có thể do những tình trạng khác như:

  • Xuất huyết do làm tổ
  • Chảy máu từ cổ tử cung hoặc âm đạo: trầy xước, viêm nhiễm
  • Thai ngoài tử cung

TRIỆU CHỨNG CỦA DOẠ SẨY THAI

Doạ sẩy thai có những triệu chứng khá giống với những thai kì bình thường hoặc những bất thường khác như thai ngoài tử cung như:

  • Ra huyết âm đạo
  • Đau bụng hạ vị có thể kèm đau lưng

CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG CỦA THAI PHỤ TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP DOẠ SẨY?

Thăm khám tình trạng doạ sẩy

Khi một bệnh nhân đến khám với tình trạng xuất huyết +/- đau bụng và đã thử que 2 vạch trước đó, các thai phụ sẽ được thăm khám và làm xét nghiệm như sau:

  1. Hỏi bệnh sử về PARA, kinh chót, thời điểm bắt đầu, tính chất của tình trạng ra huyết +/- đau bụng và những tiền căn bệnh lí khác.
  2. Khám lâm sàng:
    • Đo sinh hiệu để xác định độ nặng của tình trạng ra huyết
    • Khám da niêm để xem độ nặng của tình trạng xuất huyết
    • Khám bụng để xác định điểm đau, xác định có bụng ngoại khoa không?
    • Khám âm đạo: xác định vị trí chảy máu để loại trừ những trường hợp chảy máu ở cổ tử cung hoặc âm đạo do trầy xước hoặc viêm nhiễm; có khối mô nào trồi ra hay không; kích thước tử cung tương xứng tuổi thai?
  3. Xét nghiệm:
    • Siêu âm: đây là xét nghiệm đầu tay trong hầu hết các bệnh lí sản phụ khoa nói chung, để xác định vị trí thai, số lượng thai và tình trạng thai (Có tim thai không? Thai ngưng tiến triển hay không?)
    • Thử nồng độ β-hCG: cần thiết trong các trường hợp nghi ngờ thai ngoài tử cung hoặc thai chưa xác định vị trí
    • Công thức máu hoặc đông cầm máu: thực hiện chọn lọc khi xuất huyết ồ ạt gây ảnh hưởng đến sinh hiệu

Sau quá trình thăm khám và làm xét nghiệm, doạ sẩy thai được chẩn đoán khi:

  • Triệu chứng ra huyết âm đạo +/- đau bụng hạ vị
  • Kích thước tử cung tương xứng tuổi thai
  • Khám thấy máu chảy từ lòng tử cung, cổ tử cung vẫn đóng
  • Siêu âm thấy thai vẫn còn trong tử cung với tim thai +/- xuất huyết quanh dưới màng đệm/quanh túi thai

TIÊN LƯỢNG TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP DOẠ SẨY

Trong những trường hợp doạ sẩy, rất khó để nói trước về tương lai của thai kì lần này. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể gợi ý về tình trạng doạ sẩy:

Xuất huyết dưới màng đệm trong doạ sẩy thai
Xuất huyết dưới màng đệm ở thai 7 tuần, CRL = 11.36 mm và kích thước khối hematoma d = 28,89 x 13,1 mm
  • Siêu âm vẫn còn tim thai, có đến 90% trường hợp thai kì vẫn tiếp tục diễn tiến.
  • Xuất huyết dưới màng đệm hay xuất huyết quanh túi thai là hình ảnh siêu âm thường gặp, xuất hiện trong khoảng 18% thai phụ doạ sẩy có tình trạng ra huyết âm đạo. Nhìn chung, người ta nhận thấy sự xuất hiện của hình ảnh này trên siêu âm không có mối liên hệ với tình trạng sẩy thai trước 20 tuần. Tuy nhiên, nếu kích thước khối xuất huyết càng lớn (≥ 1 ml) (tăng 1,44 lần) hoặc xuất hiện càng sớm trước tuần 10 của thai kì thì nguy cơ sẩy thai càng tăng (trước 6 tuần: tăng 4,2 lần; 6 – 7 tuần: tăng 2,33 lần và 8 – 9 tuần: tăng 1,3 lần). Đối với tình trạng này, không có thuốc nào có thể điều trị dứt điểm.

CẦN LÀM GÌ TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỊ DOẠ SẨY THAI?

Trong những trường hợp doạ sẩy, thai phụ sẽ được hướng dẫn theo dõi và tái khám theo hẹn. Cụ thể:

  • Nếu nguyên nhân không cần tái khám (trầy xước cổ tử cung, âm đạo, xuất huyết do làm tổ) và/hoặc xuất huyết đã ngừng lại, thai phụ sẽ được hướng dẫn khám thai thường quy.
  • Nếu tình trạng ra huyết kéo dài hơn 2 tuần hoặc có hình ảnh xuất huyết dưới màng đệm, thai phụ sẽ được hướng dẫn tái khám 1 – 2 tuần sau đó.
  • Bổ sung progesterone có thể được thực hiện, đặc biệt với những thai phụ có tiền căn sẩy thai trước đó. Progesterone có thể thực hiện qua đường uống, tiêm bắp, đặt hậu môn hoặc âm đạo. Một điều cần lưu ý, phần lớn nguyên nhân sẩy thai trong tam cá nguyệt 1 là do những bất thường di truyền hoặc hình thái của phôi thai. Do đó, sẩy thai như là một tiến trình của tự nhiên để ngăn chặn sự phát triển của một phôi thai bất thường. Bên cạnh đó, progesterone chỉ là một cách giúp bổ sung về phương diện nội tiết, không có tác dụng sửa chữa những bất thường về di truyền hay hình thái này. Vì vậy, sau khi sử dụng progesterone, thai phụ vẫn có khả năng sẩy thai sau đó.
  • Nghỉ ngơi tại giường thường không làm cải thiện kết cục của thai kì. Điều này cũng tương tự với vấn đề quan hệ khi mang thai.
  • Khi còn ra huyết âm đạo, thai phụ có thể tạm thời nghỉ việc vài ngày để hồi phục sức khoẻ.
  • Nếu vẫn còn tình trạng chảy máu hoặc chảy máu nhiều hơn, thai phụ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Thân Trọng Thạch đang thăm khám và tư vấn về bệnh lí doạ sẩy thai tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Doạ sẩy thai là một tình trạng khá phổ biến trong thai kì. Đây có thể là một dấu hiệu của tình trạng sẩy thai sau đó, tuy nhiên hơn 90% thai kì sẽ tiếp tục phát triển sau đó. Vì vậy, khi có những triệu chứng của doạ sẩy, thai phụ cần đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ