Thuốc giảm gò tử cung trong quản lí sinh non

giảm gò tử cung

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sinh non là một trong những biến chứng thường gặp trong thai kì và liên quan đến nhiều vấn đề về tử vong và bệnh tật cho trẻ sơ sinh. May thay, ở thời điểm hiện tại, chúng ta có nhiều cách để dự báo trước những thai kì có nguy cơ sinh non và từ đó có những sự chuẩn bị tốt nhất cho những đứa trẻ non tháng. Một trong những cách giúp kéo dài thời gian cho thai kì hiện tại là dùng thuốc giảm gò tử cung. Vậy khi nào cần sử dụng thuốc giảm gò tử cung trên những thai phụ có nguy cơ sinh non?

CƠN GÒ TỬ CUNG VÀ TIẾN TRÌNH CHUYỂN DẠ SINH NON

Cơn gò tử cung vốn được cho là một phần của quá trình chuyển dạ và thường là dấu hiệu giúp nhận biết một thai phụ có lẽ sắp vào chuyển dạ. Tuy nhiên, trên thực tế, tử cung sẽ có những cơn gò sinh lí, gọi là cơn gò Braxton Hicks. Những cơn gò này thường bắt đầu vào khoảng 6 tuần nhưng thai phụ thường sẽ không cảm nhận được cho đến tam cá nguyệt 2 hoặc 3. Sự xuất hiện của cơn gò Braxton Hicks là một phần của thai kì bình thường và cũng là cách mà cơ thể cho chúng ta thấy đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển dạ thực sự. Nhưng những cơn gò này không chỉ ra rằng thai phụ đó sắp vào chuyển dạ, nên thường hay được gọi là “chuyển dạ giả”.

Trong chuyển dạ sinh non, những cơn gò tử cung sẽ trở nên đều đặn, gây đau và gây xoá mở cổ tử cung. Điều này sẽ khác hẳn với những cơn gò sinh lí Braxton Hicks. Vì vậy, đây cũng là dấu hiệu thường gặp, giúp nhận biết thai phụ đó có nguy cơ vào chuyển dạ sinh non hay không. Từ đó, những thuốc giảm gò tử cung sẽ được sử dụng nhằm trì hoãn quá trình chuyển dạ để chuẩn bị tốt hơn cho những đứa trẻ non tháng.

Giảm gò tử cung trong quản lí sinh non

KHI NÀO CẦN DÙNG THUỐC GIẢM GÒ TỬ CUNG?

Thuốc giảm gò tử cung, đúng như tên gọi của nó, dùng để ức chế các cơn gò tử cung để trì hoãn tiến trình sinh non. Cần lưu ý, tiến trình chuyển dạ sinh non là một tiến trình không thể ngăn chặn hoàn toàn, chúng ta chỉ có thể trì hoãn bằng thuốc giảm gò. Vì vậy, việc dùng thuốc giảm gò tử cung sẽ vì 2 mục đích: (1) thêm thời gian cho corticosteroid hỗ trợ phổi +/- magnesium sulfate bảo vệ não thai và (2) thêm thời gian để thai phụ có thể đến bệnh viện có đơn vị nhi sơ sinh và chăm sóc tích cực tốt hơn.

Giảm gò tử cung trong quản lí sinh non

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mĩ (American College of Obstetrics and Gynecology – ACOG) năm 2016, Viện Sức khỏe và Chăm sóc Quốc gia (National Institute for Health and Care Excellence – NICE) năm 2022 và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) năm 2022, thuốc giảm gò tử cung sẽ được cân nhắc trên những thai phụ có các yếu tố sau:

  • Tuổi thai từ 24 đến 34 tuần
  • Nguy cơ sinh non hoặc vào chuyển dạ sinh non
  • Cần thời gian để sử dụng corticosteroid hỗ trợ +/- magnesium sulfate để bảo vệ não thai hoặc chuyển đến nơi có thể chăm sóc trẻ non tháng tốt hơn
  • Không có các chống chỉ định như nhiễm trùng, xuất huyết âm đạo mà việc ngừng chuyển dạ là chống chỉ định (nhiễm trùng ối, nhau bong non, ra huyết âm đạo).

THUỐC GIẢM GÒ TỬ CUNG GỒM NHỮNG LOẠI THUỐC NÀO?

Có nhiều nhóm thuốc gò tử cung được sử dụng như:

  • Nhóm ức chế thụ thể oxytocin (atosiban): nhóm thuốc ức chế trực tiếp lên thụ thể của oxytocin – chất gây co thắt tử cung trong thai kì, là nhóm thuốc cho thấy hiệu quả trong việc cắt cơn gò tử cung, đặc biệt có thể trì hoãn chuyển dạ ít nhất 7 ngày.
  • Nhóm đồng vận thụ thể giao cảm β (terbutaline, salbutamol, ritodrine): nhóm thuốc ức chế cơn co tử cung thông qua thụ thể giao cảm β. Qua các nghiên cứu, nhóm thuốc này cũng cho thấy có hiệu quả trong trì hoãn cuộc sinh ít nhất là 48 giờ.
  • Nhóm ức chế kênh canxi (nifedipine): nhóm thuốc ức chế cơn gò tử cung thông qua ức chế kênh canxi – chất giúp co cơ.
  • Nhóm kháng viêm non-steroid (NSAID) (indomethacin): nhóm ức chế cơn co tử cung thông qua ức chế hoạt động của enzyme cyclooxygenase, từ đó làm giảm prostaglandin – chất gây co cơ tử cung. Hiệu quả của nhóm thuốc này còn tranh cãi trong các nghiên cứu, ngoài ra cũng mang lại những nguy cơ khi sử dụng thuốc cho cả mẹ và bé.
  • Magnesium sulfate (MgSO4): thuốc giảm gò thông qua việc ion Mg2+ cạnh tranh với Ca2+ từ đó làm giảm co thắt tử cung. Tuy nhiên, hiệu quả của loại thuốc này trong các nghiên cứu lại cho thấy không còn hiệu quả giảm gò. Vì vậy, tại thời điểm hiện tại, MgSO4 không còn được sử dụng với mục đích giảm gò tử cung.

TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC GIẢM GÒ TỬ CUNG

Mỗi nhóm thuốc giảm gò sẽ có những tác dụng phụ nhất định lên cả mẹ và thai. Do đó, khi sử dụng các nhóm thuốc giảm gò tử cung này, cần phải xem xét kĩ những bệnh lí của mẹ và cân nhắc với lợi ích của thai.

  1. Nhóm ức chế thụ thể oxytocin

– Tác dụng phụ lên thai: chưa ghi nhận

– Tác dụng phụ lên mẹ: thường nhẹ như buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, nóng bừng

– Chống chỉ định: dị ứng với thành phần của thuốc

  1. Nhóm đồng vận thụ thể giao cảm β

– Tác dụng phụ lên thai: tim thai nhanh, hạ đường huyết và kali máu

– Tác dụng phụ lên mẹ: tăng nhịp tim, hạ huyết áp, run hoặc phù phổi cấp, tăng đường huyết, hạ kali máu

– Chống chỉ định: Mẹ hoặc thai bị bệnh tim, mẹ bị đái tháo đường đang điều trị insulin, bệnh tuyến giáp, dị ứng thuốc, đa thai

  1. Nhóm ức chế kênh canxi

– Tác dụng phụ lên thai: thiếu oxy thai, thai suy (do hạ huyết áp ở mẹ)

– Tác dụng phụ lên mẹ: hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nóng bừng mặt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn

– Chống chỉ định: huyết áp mẹ < 90/50 mmHg, bệnh tim (thiếu máu cơ tim, suy thất trái), rối loạn chức năng gan, bệnh thận, đang dùng thuốc hạ áp khác, dị ứng với thành phần của thuốc

  1. Nhóm NSAID

– Tác dụng lên thai: thiểu ối, viêm ruột hoại tử, đóng sớm ống động mạch hoặc còn ống động mạch ở trẻ non tháng

– Tác dụng lên mẹ: trào ngược dạ dày – thực quản, viêm dạ dày, buồn nôn, nôn, rối loạn chức năng tiểu cầu

– Chống chỉ định: rối loạn chức năng tiểu cầu hoặc bệnh lí liên quan xuất huyết, rối loạn chức năng gan, bệnh loét dạ dày – ruột, suy thận và hen.

CẦN CHỌN LOẠI THUỐC NÀO LÀ TỐT NHẤT?

Việc lựa chọn thuốc giảm gò tử cung cũng sẽ khác nhau ở những cơ sở y tế khác nhau. Chẳng hạn:

  • Theo ACOG năm 2016, thuốc giảm gò đầu tay nên được sử dụng là nhóm đồng vận thụ thể giao cảm β, theo sau là ức chế kênh canxi và NSAID. Tuy nhiên, do atosiban không có trên thị trường của Mĩ nên loại thuốc này không được đưa vào hướng dẫn lâm sàng. Nhưng hiệu quả của atosiban là không thể phủ nhận.
  • Theo NICE năm 2022, thuốc giảm gò đầu tay là nhóm ức chế kênh canxi (nifedipine), theo sau là nhóm ức chế thụ thể oxytocin (atosiban). Tại châu Âu, các bác sĩ không sử dụng nhóm đồng vận thụ thể giao cảm β.

Do đó, tuỳ theo từng cơ sở y tế, việc dùng thuốc giảm gò sẽ khác nhau tuỳ thuộc theo phác đồ của từng nơi, sự có sẵn của các loại thuốc, các chống chỉ định và tình trạng kinh tế của thai phụ.

Ngoài ra, việc dùng kết hợp các thuốc giảm gò không cho thấy hiệu quả hơn chỉ sử dụng một loại.

DÙNG THUỐC GIẢM GÒ TỬ CUNG ĐẾN KHI NÀO?

Theo hướng dẫn của ACOG năm 2016 và NICE năm 2022, thuốc giảm gò được sử dụng tối đa 48 giờ. Việc kéo dài thêm thời gian thuốc giảm gò không làm cải thiện thêm những kết cục của trẻ, thậm chí có thể có những tác dụng phụ cho người mẹ.

TÓM LẠI

Thuốc giảm gò tử cung là những thuốc có thể giúp thai phụ trì hoãn quá trình chuyển dạ sinh non nhằm chuẩn bị tốt hơn cho trẻ sơ sinh về hỗ trợ phổi, bảo vệ não hoặc được chuyển đến nơi có cơ sở vật chất tốt hơn. Vì vậy, thai phụ khi có các dấu hiệu của sinh non, đặc biệt là gò tử cung, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và quản lí kịp thời nhé!

Giảm gò tử cung trong quản lí sinh non
Bác sĩ Thân Trọng Thạch thăm khám và tư vấn về vấn đề giảm gò trong quản lí sinh non

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ