Hở eo tử cung: dấu hiệu nhận biết và quản lí trong thai kì

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sinh non là một trong những biến chứng xảy ra khá phổ biến trong thai kì, gây ra những nguy cơ về tử vong và bệnh tật cho trẻ sơ sinh. Trong đó, nguyên nhân hở eo tử cung là một nguyên nhân thường gặp trong những nguyên nhân gây ra non tháng. Vậy những dấu hiệu nào có thể giúp nhận diện hở eo tử cung trên thai phụ và những thai kì này sẽ được quản lí ra sao?

HỞ EO TỬ CUNG LÀ GÌ?

Hở eo tử cung hay cổ tử cung bất toàn (cervical insufficiency/incompetent cervix) là tình trạng cổ tử cung không có khả năng giữ thai trong 3 tháng giữa thai kì mà không có bất kì triệu chứng nào của gò tử cung hay dấu hiệu chuyển dạ. Tình trạng này thường liên quan đến sự giãn nở dần dần, không đau của cổ tử cung trong tam cá nguyệt  hoặc đầu tam cá nguyệt , dẫn đến để lộ màng ối, vỡ ối sớm, sẩy thai muộn hoặc sinh non.  

Lưu ý: Chiều dài kênh cổ tử cung ngắn ở tam cá nguyệt  liên quan nhiều hơn đến tình trạng sinh non, nhưng nó không đồng nghĩa với chẩn đoán “Hở eo tử cung”.

NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ HỞ EO TỬ CUNG

Cổ tử cung là phần dưới cùng của tử cung và mở ra âm đạo. Trước khi mang thai, cổ tử cung thường đóng và chắc. Khi quá trình mang thai diễn ra và bạn chuẩn bị sinh con, cổ tử cung sẽ dần thay đổi: nó mềm ra, ngắn lại và mở ra. Nếu bạn có hở eo tử cung, nó có thể bắt đầu mở quá sớm khiến bạn sinh con quá sớm. Nguyên nhân của tình trạng này cho đến hiện tại vẫn còn chưa rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến như:

  • Tiền căn phẫu thủ thuật ở cổ tử cung: khoét chóp, nong cổ tử cung cơ học để khởi phát chuyển dạ, rách cổ tử cung lúc sinh, phá thai bằng thủ thuật nhiều lần. 
  • Dị dạng cổ tử cung làm giảm mật độ collagen và elastin ở cổ tử cung
  • Bệnh lí bất thường mô liên kết ở người mẹ (ví dụ như hội chứng Ehlers-Danlos)
  • Phơi nhiễm với diethylstilbestrol ở trong tử cung
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN HỞ EO TỬ CUNG?

Chưa có một xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán hở eo tử cung. Hiện tại, chẩn đoán hở eo tử cung là dựa vào tiền căn thai phụ từng có một thai kì mà cổ tử cung mở không đau, sau đó là sẩy thai trong tam cá nguyệt , thường là trước 24 tuần tuổi thai, không có cơn co thắt hoặc chuyển dạ và không có bệnh lý rõ ràng khác (chảy máu, nhiễm trùng, vỡ ối non)

QUẢN LÍ THAI KÌ HỞ EO TỬ CUNG

Hở eo tử cung là tình trạng không thể ngăn ngừa được. Chúng ta chỉ có thể ngăn ngừa những biến chứng do tình trạng này gây ra, cụ thể là sinh non. Khi chẩn đoán “hở eo tử cung” được thiết lập một cách chắc chắn, khâu eo tử cung là biện pháp hữu hiệu có thể giúp ngăn ngừa sinh non trong những thai kì này. Nhưng do không có công cụ nào có thể giúp chẩn đoán chính xác tình trạng hở eo tử cung đặc biệt là trong những thai kì con so, những quản lí và dự phòng sinh non đều dựa vào tiền căn sinh non tự phát và/hoặc siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung. 

1. Siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung

Đây là xét nghiệm giúp tầm soát nguy cơ sinh non trong tất cả thai kì. Với những thai kì không tiền căn sinh non, chiều dài kênh cổ tử cung (cervical length – CL) sẽ được đo 1 lần vào khoảng 18 – 24 tuần. Ngưỡng CL liên quan đến nguy cơ cao sinh non thường được sử dụng là ≤ 25 mm. Với những trường hợp thai kì đã từng có tiền căn sinh non tự phát, các thai phụ sẽ được đo CL bắt đầu từ 14 – 16 tuần:

  • Nếu CL ≥ 30 mm: đo CL mỗi 2 tuần cho đến hết 24 tuần
  • Nếu CL từ 26 – 29 mm: đo CL mỗi tuần cho đến hết 24 tuần

2. Progesterone và khâu vòng cổ tử cung

Progesterone là thuốc đầu tay trong dự phòng sinh non nói chung. Thuốc có thể được dùng đường đặt âm đạo hoặc hậu môn. Đối với khâu vòng cổ tử cung, có thể thực hiện khâu đường âm đạo hoặc ngã bụng tuỳ thuộc vào đánh giá của bác sĩ. Sự kết hợp progesterone và khâu vòng cổ tử cung là không thể thiếu trong quản lí những thai kì nguy cơ cao của sinh non hoặc nghi ngờ hở eo tử cung. 

  • Đối với thai kì không triệu chứng, không tiền căn sinh non (đơn thai và song thai): nếu CL ≤ 25 mm thì sản phụ sẽ được dùng progesterone đặt âm đạo mỗi ngày cho đến 36 tuần và đo CL theo dõi mỗi 1 – 2 tuần cho đến khi hết 24 tuần4. Nếu CL ≤ 10 mm, khâu vòng cổ tử cung sẽ được xem xét thực hiện (đơn thai).
  • Đơn thai, không triệu chứng, có tiền căn sinh non: nếu CL ≤ 25 mm sẽ được sử dụng progesterone mỗi ngày và theo dõi HOẶC thực hiện ngay khâu vòng cổ tử cung kết hợp với dùng progesterone mỗi ngày.
  • Một số trường hợp thai phụ có ≥ 3 lần tiền căn sinh non tự phát, khâu vòng tử cung có thể thực hiện ngay khi vừa bước qua tam cá nguyệt 2 (13 – 14 tuần)3,6, cân nhắc khâu vòng cổ tử cung ngã bụng trong những trường hợp thất bại với khâu ngã âm đạo trước đó.
  • Khâu vòng cổ tử cung có thể được thực hiện cấp cứu trong trường hợp cổ tử cung đã mở nhưng ≤ 4 cm, để lộ màng ối (không chảy máu diễn tiến, không nhiễm trùng và không có chuyển dạ sinh non thực sự đang diễn ra).

3. Vòng nâng pessary

Đôi khi vòng nâng pessary cũng là một lựa chọn trong dự phòng sinh non. Tuy nhiên, hiệu quả của vòng nâng vẫn chưa được chứng minh.

THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ NẾU NGHI NGỜ MẮC HỞ EO TỬ CUNG?

Nếu bạn có kế hoạch sinh con hoặc đã có thai nhưng có tiền căn sẩy thai muộn hoặc sinh non tự phát trước đó có/không có những tính chất giống như hở eo tử cung, bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được thăm khám, tư vấn và quản lí kịp thời nhé!

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí hở eo tử cung tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí hở eo tử cung tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Hở eo tử cung là tình trạng liên quan đến mất khả năng giữ thai của tử cung, gây ra những biến cố về sẩy thai muộn và sinh non trong thai kì. Vì vậy, các thai phụ cần khám thai đầy đủ để được tầm soát, phát hiện và dự phòng kịp thời bệnh lí này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ