Hội chứng buồng trứng đa nang

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Lê Thái Thanh Khuê

Buồng trứng đa nang là gì?

Buồng trứng đa nang gọi đúng phải là Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) là một bệnh lý phổ biến, gặp ở khoảng 8-13% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Đây là một hội chứng với nhiều cơ chế sinh bệnh khác nhau liên quan đến sự mất cân bằng nồng độ các nội tiết tố ở người phụ nữ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang (PCOS) là gì?

Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Rối loạn kinh nguyệt có thể bao gồm có những khoảng thời gian dài không xuất hiện kinh nguyệt, số lượng ngày kinh nguyệt quá dài hoặc quá ngắn, có những giai đoạn có lượng máu quá nhiều hoặc quá ít.
  • Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nữ.
  • Béo phì: Có đến 80% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang bị béo phì.
  • Sự phát triển quá mức của lông trên mặt, ngực, bụng hoặc đùi trên – là một trong những biểu hiện của tình trạng cường androgen, ảnh hưởng đến hơn 70% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang.
  • Mụn trứng cá nhiều xảy ra sau tuổi thiếu niên và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường
  • Da nhờn
  • Da dày, mịn, và sẫm màu ở những vùng có nếp gấp (nách, cổ, háng) hay còn gọi là dấu gai đen.
  • Buồng trứng có nhiều nang phát hiện trên siêu âm

Nguyên nhân gây đa nang buồng trứng là gì?

Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây nên hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau:

1. Đề kháng insulin

Insulin là một loại hormone do tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate và lipid thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu. Thống kê cho thấy, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin, nghĩa là các tế bào bên trong cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách đúng đắn. Khi đó, lượng đường trong máu tăng lên, đồng thời cơ thể tăng sản xuất insulin nhiều hơn. Chính lượng insulin dư thừa sẽ kích hoạt buồng trứng tăng sản xuất nhiều nội tiết nam giới, gây khó khăn cho việc rụng trứng. Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Cả béo phì và kháng insulin đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

2. Di truyền

Các nghiên cứu cho thấy một số gen có liên quan nhất định đến hội chứng đa nang buồng trứng, do đó nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc hội chứng này thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.

3. Chế độ ăn uống

Nhiều giả thiết cho rằng một chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột có thể là yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng.

PCOS có điều trị được không?

Buồng trứng đa nang có thể gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý và cuộc sống người bệnh. Do đó, ngay khi được chẩn đoán mắc hội chứng này, người bệnh cần có kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị mà bạn sẽ được hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể. Quá trình điều trị thường bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống, bao gồm giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục.

1. Giảm cân

Nghiên cứu cho thấy, việc giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện các triệu chứng PCOS. Thêm vào đó, giảm cân cũng giúp cải thiện mức cholesterol, giảm insulin, giảm các nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và tiểu đường.

2. Ăn kiêng

Một chế độ ăn uống ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và giảm mức insulin bên trong cơ thể người bị đa nang buồng trứng. Chế độ ăn kiêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp cũng giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn so với chế độ ăn thông thường.

3. Tập thể dục

Một số nghiên cứu chứng minh rằng, việc tập thể dục với cường độ vừa phải trong vòng 30 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần sẽ giúp phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng giảm cân. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp cải thiện quá trình rụng trứng và mức insulin ở phụ nữ.

4. Sử dụng thuốc

Phụ nữ mắc PCOS có thể được điều trị bằng các loại thuốc sau:

  • Thuốc tránh thai: Dùng thuốc tránh thai kết hợp với estrogen và progestin hàng ngày giúp cân bằng hormone trong cơ thể người bệnh, làm giảm các triệu chứng PCOS và ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung. Người bệnh có thể sử dụng miếng dán tránh thai hoặc vòng âm đạo thay thế cho thuốc.
  • Metformin: Giúp điều trị PCOS bằng cách cải thiện mức insulin. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng khi dùng Metformin kết hợp với tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống sẽ giúp người bệnh giảm cân, giảm lượng đường trong máu và tăng khả năng phóng noãn tốt hơn không dùng thuốc.
  • Thuốc ức chế men Aromatase (Letrozole): Đây là loại thuốc có tác dụng hỗ trợ sinh sản, dùng để kích thích phóng noãn cho phụ nữ mắc hội chứng PCOS có thể mang thai. Ngoài ra, bệnh nhân có thế được sử dụng FSH – một loại nội tiết tố nhằm kích thích sự trưởng thành của noãn.
  • Các phương pháp tẩy lông: Một số phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh ngăn ngừa sự mọc lông, hoặc tẩy đi vùng lông phát triển rậm rạp do PCOS. Kem Eflornithine (Vaniqa) là một loại thuốc kê đơn có tác dụng làm chậm sự phát triển của lông. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo phương pháp tẩy lông bằng laser hoặc điện phân, giúp loại bỏ vùng lông không mong muốn trên mặt và cơ thể.

Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.

5. Phẫu thuật can thiệp trên buồng trứng

Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm cải thiện khả năng sinh sản cho người bệnh khi các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tại phương pháp này ít được sử dụng vì gây nhiều biến chứng và mang lại hiệu quả không cao.

6. Thụ tinh ống nghiệm IVF

Một phương pháp điều trị khác giúp người bệnh mắc hội chứng đa nang buồng trứng có thể mang thai là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bác sĩ sẽ tiến hành lấy trứng và tinh trùng của vợ chồng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi thai được đưa vào tử cung người vợ để tiếp tục phát triển.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí Hội chứng buồng trứng đa nang tại phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí Hội chứng buồng trứng đa nang tại phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh – hiếm muộn ở phụ nữ. Bên cạnh đó phụ nữ mắc PCOS còn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm lý khác. Do đó, chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, và đến ngay cơ sở y tế khi có những triệu chứng bất thường để can thiệp điều trị sớm. Chúc bạn nhanh chóng có thể chào đón những thiên thần nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ