Hội chứng HELLP và những mối nguy hiểm cho thai kì

Hội chứng HELLP

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Hội chứng HELLP là một trong những biến chứng nặng liên quan đến các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai. Vậy hội chứng HELLP là gì và nguy hiểm như thế nào?

HỘI CHỨNG HELLP LÀ GÌ?

Hội chứng HELLP là một hội chứng gồm tập hợp các triệu chứng bao gồm tán huyết (Hemolysis), tăng men gan (Elevated Liver Enzymes) và giảm tiểu cầu (Low Platelet Count). Đây là một trong những biểu hiện nặng của bệnh lí tiền sản giật vì chúng liên quan đến sự gia tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong cho thai phụ.

TẦN SUẤT XUẤT HIỆN TRONG THAI KÌ

HELLP xuất hiện ở thai phụ với tần suất khoảng 0,5 – 0,9%. Mặc dù có đến 70% trường hợp mắc HELLP vào khoảng 3 tháng cuối của thai kì, vẫn có khoảng 30% trường hợp xuất hiện vào giai đoạn hậu sản.

ẢNH HƯỞNG CỦA HỘI CHỨNG HELLP LÊN THAI PHỤ

HELLP là một hội chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai, bao gồm:

  1. Ảnh hưởng mẹ

  • Rối loạn đông máu nội mạch lan toả (DIC): 15 – 62,5% trường hợp
  • Suy thận cấp: 36% đến 50%
  • Suy gan, vỡ gan
  • Nhồi máu não, xuất huyết não, phù não
  • Phù phổi cấp
  • Nhau bong non: 11 – 25% trường hợp
  • Băng huyết sau sinh: 12,5% đến 40%
  • Sản giật
  • Nguy cơ huyết khối
  • Nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết
  • Tử vong mẹ: chiếm đến 24%
  1. Ảnh hưởng thai

  • Sinh non, cân nặng thấp
  • Thiếu oxy trường diễn, thai chậm tăng trưởng
  • Suy hô hấp sơ sinh
  • Tử vong chu sinh: chiếm 37%

TRIỆU CHỨNG CỦA HELLP

HELLP thường được xem là những biểu hiện nặng hơn của bệnh lí tiền sản giật nên những thai phụ mắc HELLP cũng bao gồm những triệu chứng của tiền sản giật như tăng huyết áp hay tiểu đạm. Tuy nhiên, một số triệu chứng gợi ý đến HELLP – một biểu hiện nặng hơn của tiền sản giật như: đau hạ sườn phảicảm thấy khó chịu, mệt mỏi (90%), buồn nôn, nôn (50%), đau đầu, nhìn mờ, đau vai hoặc đau khi hít thở sâu, phù nhiều ở mặt và tay, khó thở.

Mặt khác, người ta tìm thấy rằng trong khoảng 15 – 20% trường hợp, HELLP vẫn có thể xuất hiện mà không có triệu chứng của tăng huyết áp hay tiểu đạm.

NHỮNG THAI PHỤ NÀO DỄ MẮC HELLP?

Tuy hội chứng HELLP khá hiếm gặp, một số thai phụ sẽ có nguy cơ cao hơn những thai phụ khác như:

  • Tiền căn mắc HELLP ở thai kì trước
  • Tiền căn mắc tiền sản giật
  • Tiền căn mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn
  • Mắc các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì
  • Béo phì
  • Tuổi mẹ > 35 tuổi

LÀM SAO ĐỂ CHẨN ĐOÁN HELLP?

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (ACOG) năm 2020, hội chứng HELLP có thể được chẩn đoán khi có đủ 3 tiêu chuẩn sau:

  • LDH (Lactate Dehydrogenase) ≥ 600 IU/L
  • AST (aspartate aminotransferase) và ALT (alanine aminotransferase) tăng ít nhất gấp 2 lần so với giới hạn bình thường
  • Số lượng tiểu cầu < 100 x 109/L

Tuy nhiên, HELLP cũng có thể dễ nhầm lẫn với một số hội chứng khác trong thai kì như: gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ, viêm dạ dày ruột, viêm gan, viêm ruột thừa, bệnh lý túi mật, xuất huyết giảm tiểu cầu, bùng phát của bệnh lý lupus, hội chứng kháng phospholipid, hội chứng tán huyết urê huyết, xuất huyết giảm tiểu cầu. Do dó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm để củng cố cơ sở chẩn đoán.

PHÂN LOẠI HỘI CHỨNG HELLP

Hội chứng HELLP cũng có thể được phân chia thành những cấp độ khác nhau, bao gồm:

Theo phân loại của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ năm 2000:

  • Hội chứng HELLP một phần khi chỉ có 1 hoặc 2 dấu hiệu bất thường.
  • Hội chứng HELLP toàn phần: có đủ cả 3 tiêu chuẩn trên

Theo “phân loại Mississippi”:

  • Loại I (giảm tiểu cầu nặng): tiểu cầu dưới 50.000/mm3
  • Loại II (giảm tiểu cầu trung bình): tiểu cầu từ 50.000 – 100.000/mm3
  • Loại III (giảm tiểu cầu nhẹ): tiểu cầu từ 100.000 – 150.000/mm3

THAI PHỤ MẮC HELLP SẼ ĐƯỢC CHỮA TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Đối với hội chứng HELLP, hiện tại chưa có thuốc nào đặc trị. Do đó, phương pháp điều trị chính đối với thai phụ mắc HELLP là điều trị hỗ trợ, ngăn ngừa sản giật, chấm dứt thai kì và chờ đợi bệnh lui dần theo tiến trình tự nhiên.

  1. Điều trị hỗ trợ

Điều trị hỗ trợ trong hội chứng HELLP

Điều đầu tiên khi tiếp cận thai phụ với HELLP là cần ổn định tình trạng của thai phụ bằng chăm sóc hỗ trợ và đánh giá tình trạng sức khoẻ của thai. Những biện pháp điều trị hỗ trợ cho mẹ bao gồm: đảm bảo thông khí, kiểm soát huyết áp, giảm đau, theo dõi lượng nước xuất-nhập và hỗ trợ dinh dưỡng (nếu cần).

Cần lưu ý rằng, thai phụ mắc HELLP cũng dễ mắc rối loạn đông máu, phù phổi cấp, suy hô hấp cấp, và suy thận trong những ngày đỉnh điểm của bệnh. Trong những trường hợp này, thai phụ cần được chuyển sang chăm sóc tích cực (ICU) và hội chẩn liên chuyên khoa để có hướng xử trí phù hợp.

Cần theo dõi sát thai phụ mắc hội chứng HELLP cho đến khi sinh và giai đoạn hậu sản. Các xét nghiệm cần được khảo sát lặp lại mỗi 12 – 24 tiếng. Trong diễn tiến tự nhiên của HELLP, tiểu cầu thường sẽ giảm khoảng 40% mỗi ngày và men gan sẽ có xu hướng tăng. Bệnh có thể đạt đỉnh khoảng 2 ngày sau sanh và sau đó sẽ lui dần.

Chỉ với những biện pháp điều trị hỗ trợ, tiểu cầu có thể phục hồi trên 100 x 109/L và men gan sẽ giảm dần trong vòng 7 ngày sau sinh. Nhưng nếu tiểu cầu tiếp tục có xu hướng giảm và men gan vẫn tăng sau 4 ngày hậu sản, chẩn đoán HELLP nên được đánh giá lại.

2. Ngăn ngừa sản giật

Do HELLP thường là biểu hiện nặng hơn của bệnh lí tiền sản giật, nên thai phụ mắc HELLP cũng cần được sử dụng magnesium sulfat để ngăn ngừa sản giật. Ngoài ra, thai phụ cũng sẽ được kiểm soát huyết áp bằng các loại thuốc hạ áp để đảm bảo huyết áp được giữ trong khoảng an toàn và ổn định.

3. Chấm dứt thai kì

Sau khi ổn định tình trạng thai phụ, việc cho sinh ngay là vấn đề cấp thiết vì đây là xử trí nhằm vào cơ chế bệnh sinh của bệnh lí tiền sản giật nói chung. Theo phân loại của HELLP, với những trường hợp HELLP toàn phần nên được sinh ngay trong vòng 48 giờ. Đối với HELLP bán phần và tuổi thai còn quá non tháng, tuỳ vào cơ sở y tế đang điều trị mà việc chấm dứt thai kì có thể được cân nhắc tuỳ vào tình trạng mẹ và thai.

Về phương pháp chấm dứt thai kì, tuỳ vào tình trạng sức khoẻ mẹ và thai và tình trạng cổ tử cung ở thời điểm đó mà các bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kì bằng khởi phát chuyển dạ (sinh thường) hay mổ lấy thai. Trong những trường hợp thai non tháng, việc sử dụng corticosteroid hỗ trợ phổi trước 34 tuần và magnesium sulfat bảo vệ não thai nhi trước 32 tuần là những sự chuẩn bị tối thiểu cho sự ra đời của trẻ sơ sinh.

Để chuẩn bị cho quá trình chấm dứt thai kì, vấn đề truyền tiểu cầu khi tiểu cầu thấp hơn 50.000 – 60.000/mm3 sẽ được cân nhắc nhằm làm giảm nguy cơ mất máu. Ngoài ra, việc bổ sung các thành phần khác của máu như huyết tương tươi đông lạnh hoặc các yếu tố đông máu để điều chỉnh tình trạng rối loạn đông máu có thể được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sinh.

HELLP CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG?

Hội chứng HELLP cũng như những rối loạn tăng huyết áp trong thai kì có thể được dự phòng ngay khi những bệnh lí này chưa xuất hiện. Việc tầm soát và sàng lọc những thai phụ có nguy cơ để tiến hành dự phòng được thực hiện trong khoảng 3 tháng đầu thai kì bằng việc khảo sát các yếu tố về tiền căn, tình trạng người mẹ ở hiện tại và thông qua một số xét nghiệm. Sau sàng lọc, sự tuân thủ dùng aspirin 75 – 150 mg/ngày trong suốt thai kì có thể sẽ giúp cho thai phụ phòng ngừa được những bệnh lí này (Nguồn).

Đồng thời, tất cả thai phụ cũng cần giữ lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động trong thai kì phù hợp và kiểm soát sự tăng cân khi mang thai. Để có thể được tư vấn cụ thể về những vấn đề này, thai phụ cũng cần tuân thủ lịch khám thai của mình.

Khi mắc các rối loạn tăng huyết áp, thai phụ cần tuân thủ dùng thuốc để kiểm soát huyết áp và theo dõi huyết áp của mình mỗi tuần hoặc thậm chí mỗi ngày để phát hiện sớm những bất thường. Ngoài ra, khi có bất cứ triệu chứng nào của tiền sản giật có dấu hiệu nặng (huyết áp ≥ 160/110 mmHg, đau đầu, nhìn mờ, đau thượng vị hoặc thay đổi tri giác), thai phụ cần đến ngay bệnh viện để có thể được xử lí kịp thời, giúp ngăn chặn những biến chứng nặng hơn.

Bác sĩ Thân Trọng Thạch khám và tư vấn về phòng ngừa hội chứng HELLP tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Hội chứng HELLP là một trong những biến chứng nặng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mẹ và thai. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh lí này bằng việc sàng lọc nguy cơ và thuốc dự phòng. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt huyết áp cũng là một hành động giúp làm giảm nguy cơ mắc HELLP khi mang thai. Vì vậy, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai để có thể được tư vấn và thăm khám toàn diện nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ