Hội chứng nang trống (Empty Follicle Syndrome) là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

1.      Hội chứng nang trống (Empty Follicle Syndrome) là gì?

Hội chứng nang trống lần đầu được mô tả bởi Coulam (1986) là sự vắng mặt của noãn khi thực hiện chọc hút noãn, mặc dù không phát hiện bất thường trong các xét nghiệm cận lâm sàng và các hình ảnh siêu âm đều cho thấy có sự hiện diện của nang noãn. Mặc dù trên thực tế lâm sàng, số noãn chọc hút được thường luôn thấp hơn số noãn thấy được trên siêu âm, vì có thể có nang trứng không chứa noãn. Khi tất cả nang trứng được chọc hút không chứa noãn, người ta gọi là hội chứng nang trống. Tỉ lệ các ca thụ tinh trong ống nghiệm mắc hội chứng nang trứng trống rơi  khoảng 1 – 7% tổng số ca chọc hút. Theo mô tả ở một số báo cáo, đa số các trường hợp hội chứng nang trống khi chọc hút không thấy có sự hiện diện của noãn hoặc các tế bào hạt trong dịch nang.

Hình 1 Quá trình chọc hút noãn (Nguồn)

2.       Nguyên nhân gây hội chứng nang trống là gì?

Hội chứng nang trống được chia thành 2 loại: Hội chứng nang trống thật (Genuine Empty Follicle Syndrome) và Hội chứng nang trống giả (False Empty Follicle Syndrome).

Hình 2 Những nguyên nhân hiện tại được xem có liên quan đến hội chứng trứng trống thật (Nguồn)

  • Hội chứng nang trống thật: Chiếm 33%, thường nồng độ hCG và LH huyết thanh tại thời điểm hút trứng bình thường, bệnh nhân đã được tiêm trưởng thành noãn đúng, nguyên nhân hiện tại chưa được làm rõ.
  • Hội chứng nang trống giả: Chiếm 67%, nồng độ hCG huyết thanh thấp dưới ngưỡng (< 5 IU/ml) và nồng độ LH thấp, thường do sử dụng thuốc trưởng thành noãn không đúng.

Hiện tại, nguyên nhân thực sự gây ra hội chứng nang trống vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số giả thuyết cho rằng hội chứng nang trống liên quan đến các sai sót liên quan đến việc sử dụng thuốc trong quá trình kích thích buồng trứng hơn là các vấn đề về sự mất chức năng lâm sàng của buồng trứng. Các trường hợp bệnh nhân chọc hút không thu nhận được noãn và xét nghiệm nồng độ hCG trong máu ngay sau chọc hút noãn cho kết quả âm tính được chẩn đoán là hội chứng nang trống giả. Các vấn đề sử dụng thuốc có thể gây ra hội chứng nang trống giả thường là bệnh nhân quên không tiêm hCG hoặc tiêm hCG không đúng thời điểm dẫn đến không đáp ứng tốt của sự trưởng thành noãn2.

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng nang trống thật đến nay vẫn chưa được xác định, phần lớn các giả thuyết đều cho thấy có sự liên quan giữa hội chứng nang trống thật và các nguyên nhân gây ra tình trạng mất chức năng trong quá trình phát triển của nang noãn khiến noãn được cho là rơi vào trạng thái trơ không đáp ứng với kích thích buồng trứng hoặc bị thoái hoá trong quá trình phát triển, suy buồng trứng sớm, béo phì. Một số nguyên nhân có thể kể đến là các bất thường di truyền ở cả mức độ nhiễm sắc thể và mức độ gene. Những bệnh nhân hội chứng nang trống thật vẫn có kết quả xét nghiệm hCG dương tính ngày chọc hút, chỉ không thu nhận được noãn.

Hình 3 Hội chứng nang trống giả liên quan đến việc dùng thuốc trưởng thành noãn chưa đúng (Nguồn)

3.      Xử trí như thế nào khi gặp phải hội chứng nang trống?

Tuỳ theo dạng hội chứng nang trống của người bệnh mà có thể có các phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng nang trống giả, đa phần do sai sót trong quá trình sử dụng thuốc gây phóng noãn và hỗ trợ trưởng thành noãn (hCG). Khi thực hiện chọc hút 3-5 nang kích thước ≥14 mm, không có noãn, lúc này ngừng chọc hút và định lượng hCG. Nếu hCG thấp (<5IU/ml), thực hiện tiêm bổ sung liều hCG khác một cách chính xác hơn và tiến hành chọc hút lại vào 36h sau khi tiêm (duo – hCG). Đối với tình huống này, người bệnh tăng nguy cơ quá kích buồng trứng, vì vậy nên theo dõi sát các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng và nên trữ phôi toàn bộ.

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng nang trống thật, với các dữ liệu nghiên cứu hiện tại, vẫn chưa thể dùng các xét nghiệm cụ thể để tìm ra nguyên nhân chính xác. Trong trường hợp bệnh nhân đã chọc hút nhiều chu kì với tình trạng hội chứng trứng trống thật, có thể xem xét xin trứng cho chu kì điều trị tiếp theo. Đối với những phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng thật sự (POISEIDON 3,4),  hiện tại vẫn chưa có phác đồ hiệu quả. Các phác đồ được sử dụng phổ biến hiện nay trên nhóm bệnh nhân này là theo dõi chu kỳ tự nhiên gom trứng, kích thích nhẹ buồng trứng. Tuy nhiên cần bệnh nhân cần được tư vấn kỹ vì gom trứng nhiều chu kỳ làm tăng chi phí điều trị và hiệu quả không cao.

4.      Kết luận

Hội chứng nang trống mặc dù khả năng xảy ra rất thấp nhưng cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong các chu kì điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Tuỳ thuộc vào tình trạng hội chứng nang trống của bệnh nhân, là hội chứng nang trống giả hay hội chứng nang trống thật mà chúng ta có các hướng xử trí thích hợp trong chu kì hiện tại cũng như tư vấn các hướng điều trị cho các chu kì điều trị tiếp sau. Nguyên nhân thật sự gây ra hội chứng hội chứng nang trống vẫn chưa được làm rõ. Trên nhóm bệnh nhân có dự trữ buồng trứng bình thường, chọc hút không có noãn hoặc rất ít noãn có thể gặp, vì vậy để giảm kết quả đáng thất vọng này bằng cách giảm thiểu các nguyên nhân khách quan bằng cách lựa chọn thuốc, định liều chính xác, cải thiện kỹ thuật tiêm và kỹ thuật chọc hút noãn và mũi tiêm trưởng thành noãn cần đúng giờ. Chúc các cặp đôi sớm gặp được thiên thần của mình nhé!

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ