Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Hội chứng quá kích buồng trứng là gì?

Hội chứng quá kích buồng trứng (Ovarian hyperstimulation syndrome – OHSS) là biến chứng có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng trong điều trị vô sinh, đặc trưng bởi hiện tượng gia tăng kích thước buồng trứng. Tỉ lệ hội chứng quá kích buồng trứng mức độ nặng dao động từ 0.5 – 5% chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Ở người bình thường, mỗi chu kì chỉ có 1 nang trứng phát triển và nang trứng này sẽ rụng khi đạt kích thước từ 20mm đến < 30mm. Tuy nhiên, ở một số người sử dụng thuốc kích trứng sẽ có hiện tượng nhiều nang trứng phát triển cùng một lúc và tất cả đều có kích thước nhỏ < 20mm. Lúc đó, hiện tượng quá kích buồng trứng xảy ra.

Hình 1 Hội chứng quá kích buồng trứng

Dấu hiệu của hội chứng quá kích buồng trứng là gì?

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra vào 2 giai đoạn khác nhau:

  • Giai đoạn sớm khi triệu chứng xảy ra trong vòng 9 ngày sau khi chọc hút trứng/noãn (hoặc phóng noãn), thường xảy ra khi tiêm hCG để kích thích nang noãn trưởng thành.
  • Giai đoạn muộn xảy ra kể từ ngày thứ 10 sau khi chọc hút trứng/noãn, chủ yếu liên quan đến hCG do nhau thai tiết ra.

Dựa trên biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ và bệnh nhân có thể biết được mức độ nặng nhẹ khi bị quá kích buồng trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng hầu hết tự giới hạn và các triệu chứng sẽ giảm dần sau 10-14 ngày. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được điều trị triệu chứng và bảo tồn thích hợp để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra. Trường hợp nặng và rất nặng ít khi xảy ra, nhưng nếu có, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao và điều trị tích cực, kịp thời. Trong giai đoạn hồi phục, buồng trứng có thể trở về kích thước bình thường sau 3-4 tuần và hoạt động lại bình thường sau đó.

Hình 2 Triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng

Những ai dễ bị hội chứng quá kích buồng trứng?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng bao gồm3:

  • Trẻ tuổi
  • Nhẹ cân (chỉ số BMI < 18)
  • Bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Sử dụng liều cao gonadotropin ngoại sinh trong quá trình điều trị hiếm muộn
  • Nồng độ estradiol huyết thanh cao hoặc tăng nhanh
  • Có tiền sử mắc hội chứng quá kích buồng trứng.
  • Bên cạnh đó, nguy cơ này tăng tỉ lệ thuận với số lượng nang noãn phát triển, số nang chọc hút được trong chu kỳ hỗ trợ sinh sản. Nguy cơ sẽ xảy ra cao hơn khi dùng hCG ngoại sinh liều cao hoặc lặp lại nhiều lần để kích thích phóng noãn hoặc hỗ trợ giai đoạn hoàng thể. 

Hình 3 Yếu tố nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng 

Điều trị hội chứng quá kích buồng trứng như thế nào?

Tùy vào mức độ nặng nhẹ của QKBT mà bệnh nhân được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

  • Với mức độ nhẹ và vừa: Bệnh nhân có thể theo dõi điều trị tại nhà. Chú ý nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, uống nhiều nước. Đo vòng bụng, cân nặng, theo dõi lượng nước tiểu mỗi ngày. Tuyệt đối kiêng giao hợp. Không nên nằm tại chỗ vì có thể làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường, uống nhiều nước và đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và đạm. Khám định kỳ để đánh giá tình hình chung, siêu âm theo dõi lượng dịch báng và kích thước buồng trứng. Nếu vòng bụng và cân nặng tăng nhanh, tiểu ít đi (<0,5 lít/ngày), bệnh nhân cần đến khám tại bệnh viện để siêu âm, đo hematocrit, công thức máu, điện giải, albumin trong máu… 
  • Với mức độ nặng: Bệnh nhân cần nhập viện điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài việc theo dõi các chỉ số cơ bản vòng bụng, cân nặng, hematocrit mỗi ngày, người bệnh sẽ được theo dõi Albumin mỗi ngày, đồng thời theo dõi thêm Na, K, chức năng gan, độ thanh thải creatinin, kiểm soát chặt chẽ lượng dịch ra vào cơ thể hàng ngày. Bệnh nhân có thể được siêu âm để giúp đánh giá tràn dịch màng bụng, màng phổi và có thể màng tim. Ở bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nặng, có thể thực hiện X-quang ngực và đo oxy máu.

Làm gì để phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng?

Để dự phòng quá kích buồng trứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, chị em khi điều trị hiếm muộn cần lựa chọn cơ sở hỗ trợ sinh sản có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, kinh nghiệm kích thích buồng trứng thuần thục, có thể phát hiện các nguy cơ xảy ra quá kích buồng trứng trên từng bệnh nhân để có biện pháp xử trí phù hợp. 

Tóm lại,

Hội chứng quá kích buồng trứng là một biến chứng thường gặp trong điều trị vô sinh hiện nay. Mặc dù có nhiều biện pháp dự phòng hiệu quả, hội chứng quá kích buồng trứng vẫn là một trong những biến chứng gây đáng quan ngại nhất khi kích thích buồng trứng. Vì vậy, bạn nên lựa chọn những cơ sở điều trị hiếm muộn uy tín với đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm để có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc hội chứng này. Chúc bạn có một hành trình điều trị hiếm muộn suôn sẻ và sớm gặp được thiên thần nhỏ của mình!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ