Hội chứng truyền máu song thai nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Hội chứng truyền máu song thai (Twin – twin transfusion syndrome) là một biến chứng đặc trưng đối với song thai một bánh nhau, chiếm khoảng 10 – 15%. Hội chứng này xuất hiện vào tam cá nguyệt II, thường bắt đầu từ tuần 16 của thai kì. Đây là một hội chứng nguy hiểm trong thai kì, nếu không được phát hiện và quản lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến cả mẹ và bé. Vậy hội chứng truyền máu song thai nguy hiểm như thế nào?

NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI

Tất cả bánh nhau trong song thai một bánh nhau đều có sự thông nối mạch máu giữa hai thai, có thể có sự thông nối giữa động mạch – động mạch, tĩnh mạch – tĩnh mạch và động mạch – tĩnh mạch. Tuy nhiên không phải tất cả song thai một nhau đều mắc hội chứng này. Nguyên nhân chính của hội chứng này là do có sự thông nối giữa động mạch và tĩnh mạch giữa hai thai. Điều này dẫn đến máu từ một thai (thai cho), lúc này là máu nghèo oxy và chất dinh dưỡng, sẽ truyền qua các động mạch đến bánh nhau để trở thành máu giàu oxy và chất dinh dưỡng; nhưng do có thông nối giữa động mạch và tĩnh mạch nên máu giàu dưỡng chất này không quay lại thai cho mà theo tĩnh mạch đến thai còn lại (thai nhận).

HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI ẢNH HƯỞNG THAI KÌ NHƯ THẾ NÀO?

Hội chứng truyền máu song thai do sự thông nối các động mạch và tĩnh mạch sẽ dẫn đến mất cân bằng huyết động giữa hai thai. Đối với thai cho, thai sẽ bị mất một lượng máu nên thường sẽ nhỏ hơn, bị thiếu oxy và gây nên tình trạng thiểu ối. Đối với thai nhận, thai nhận thêm một lượng máu nên hệ tuần hoàn phải làm việc nhiều có thể dẫn đến các vấn đề về tim và gây nên tình trạng đa ối. 

Nếu không được điều trị, tỉ lệ tử vong thai là 90% và nếu có một thai sống thì tỉ lệ bệnh tật là hơn 50% và tỉ lệ tổn thương não là khoảng 25%

Nhìn chung, những hậu quả khi mắc hội chứng truyền máu song thai bao gồm:

  • Sinh non, ối vỡ sớm
  • Nhiễm trùng ối
  • Suy tim đối với thai nhận
  • Thiếu máu đối với thai cho
  • Tổn thương hệ thần kinh thai

CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa kì (ACOG) năm 2016, để chẩn đoán hội chứng Truyền máu song thai trên song thai một bánh nhau thường dựa trên siêu âm: Một thai thiểu ối (Đường kính xoang ối lớn nhất (SDP) < 2 cm) và một thai đa ối (SDP > 8cm).

Hội chứng này cũng được chia theo những giai đoạn khác nhau, tuỳ thuộc vào độ nặng của bệnh như sau:

  • Giai đoạn 1: Có 1 thai đa ối và 1 thai thiểu ối
  • Giai đoạn 2: Không quan sát thấy bàng quang của thai cho
  • Giai đoạn 3: Thay đổi trên siêu âm Doppler: Mất hoặc đảo ngược sóng cuối tâm trương động mạch rốn, đảo ngược sóng a ống tĩnh mạch, tĩnh mạch rốn có dạng sóng kiểu mạch đập. 
  • Giai đoạn 4: Phù thai ở 1 hoặc cả 2 thai
  • Giai đoạn 5: Có 1 thai lưu

QUẢN LÝ THAI KÌ VỚI HỘI CHỨNG TRUYỀN MÁU SONG THAI

Sau khi được chẩn đoán là hội chứng truyền máu song thai, tùy theo giai đoạn của bệnh mà có những phương pháp quản lý khác nhau. Theo Hiệp hội Siêu âm Sản phụ khoa Thế giới (ISUOG) năm 2016, có các phương pháp quản lý sau:

  • Theo dõi: 2 tuần/lần, thường áp dụng cho hội chứng ở giai đoạn I với tỷ lệ sống sót vào khoảng 86% và phần trăm tiến triển thành giai đoạn cao hơn là khoảng 15%.
  • Đốt các thông nối mạch máu bằng laser (Hình 1): Hiện tại được xem là phương pháp ưu thế nhất bởi vì nó giải quyết được nguyên nhân của bệnh, được khuyến cáo thực hiện khi bệnh từ giai đoạn II trở lên. Tỷ lệ thai sống sau phương pháp này là 71%.
  • Rút bớt nước ối: Mục đích để làm nguy cơ sinh non, thường được sử dụng đối với những trường hợp được chẩn đoán sau tuần thứ 26 mà phương pháp đốt bằng laser không thể thực hiện được. Tỷ lệ sống sót đối với giai đoạn I được thực hiện phương pháp này là 77%.
  • Hủy thai có chọn lọc: thường sẽ chọn thai ít khả năng sống sót hơn hoặc nếu sống thì tỉ lệ bệnh tật cao hơn, phương pháp này còn tùy thuộc vào lựa chọn của gia đình.
  • Tạo lỗ thông giữa hai màng ối: hiện nay không còn khuyến cáo thực hiện.
    Đốt laser trong hội chứng truyền máu song thai
    Hình 1. Đốt laser trong TTTS (Nguồn: hopkinsmedicine.org)

Về thời điểm sinh cũng như phương pháp sinh đối với song thai một bánh nhau mắc hội chứng truyền máu song thai, hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất về những vấn đề này nên việc sinh vào lúc nào và bằng cách nào sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ KHI MANG SONG THAI MỘT BÁNH NHAU?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch thăm khám và tư vấn về bệnh lí Truyền máu song thai tại Phòng khám Mẹ và Bé

Đối với những thai kì song thai một bánh nhau, việc phát hiện sớm hội chứng truyền máu song thai đóng vai trò quan trọng. Theo ISUOG 2016 khuyến cáo, đối với song thai một bánh nhau nên được siêu âm 2 tuần/lần từ tuần 16 của thai kì. Vì vậy, phụ nữ mang song thai mà đã biết song thai một bánh nhau nên khám thai đúng lịch để có thể phát hiện sớm và quản lý kịp thời.

TÓM LẠI

Hội chứng truyền máu song thai là một biến chứng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và quản lí kịp thời. Vì vậy, các thai phụ, đặc biệt là những thai phụ mang song thai cần khám thai đầy đủ và đúng hẹn để được thăm khám, tư vấn, phát hiện và quản lí kịp thời những vấn đề này trong thai kì này nhé!


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ