KHÁM THAI TAM CÁ NGUYỆT 1 CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ?

Đối với các cặp vợ chồng khi biết mình có thai, xen lẫn giữa niềm vui cũng là nỗi lo lắng và trăn trở. Khoảng thời gian 3 tháng đầu (từ ngày đầu kì kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày) là khoảng thời gian quan trọng vì có nhiều xét nghiệm, tầm soát chỉ nên thực hiện ở một khoảng thời gian nhất định. Hãy cùng tìm hiểu đó là những gì nhé!

 

 

Các nội dung mẹ bầu cần khám trong 3 tháng đầu

  1. Hỏi bệnh, khám bệnh
  • Tiền sử sản khoa, đánh giá PARA
  • Tiền căn bệnh lý đang điều trị
  • Dị ứng thuốc hoặc thức ăn
  • Lịch chủng ngừa 
  • Chiều cao, cân nặng, BMI

Mục đích là để đánh giá sớm các mẹ bầu có tiền sử sản khoa đặc biệt như sẩy thai liên tiếp nhiều lần, thai lưu liên tiếp, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật,.. để có nhiều xét nghiệm chuyên sâu và dự phòng sớm thai kỳ. 

  • Xét nghiệm máu tổng quát
  • Công thức máu, nhóm máu ABO, Rh
  • Ferritin
  • HIV, HBV, giang mai, Rubella
  • Đường huyết bất kỳ hoặc đường huyết đói hoặc HbA1c

Theo chương trình quản lý quốc gia 2018 về Đái tháo đường thai kỳ, với nhóm đối tượng nguy cơ cao, nguồn lực địa phương đầy đủ, nên khảo sát đái tháo đường thai kỳ sớm bằng test 75gr đường ngay trong lần khám thai đầu tiên (mà không cần đợi đến 24-28 tuần). Nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm: béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang, tiền sử sanh con to, tiền sử thai kỳ trước có rối loạn dung nạp đường, tuổi mẹ mang thai trên 40 tuổi,..

 

  • Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số

Đánh giá tỉ trọng nước tiểu, xác định có viêm nhiễm hay hồng cầu bạch cầu trong nước tiểu hay không. 

  • Siêu âm

Tam cá nguyệt 1 mẹ bầu nên được siêu âm bằng đầu dò âm đạo vì đầu dò này gần với tử cung và các cơ quan sinh dục, cho phép thu được hình ảnh chi tiết và chất lượng tốt hơn so với đầu dò bụng. Và đặc biệt khi tuổi thai còn nhỏ, đây là loại đầu dò dễ dàng hơn cho phép bác sĩ dễ tiếp cận hình ảnh thai nhi nhất có thể. 

Các vấn đề mà siêu âm ở 3 tháng đầu thai kỳ cần đánh giá là:

  • Xác định có thai: hình ảnh túi thai với dấu hiệu “vòng đôi”, được tạo bởi tương phản đậm độ hồi âm của màng rụng và các nguyên bào nuôi.

Hình: Túi thai trong lòng tử cung với dấu hiệu vòng đôi

 

  • Xác định thai nằm trong tử cung: đây là bước quan trọng, nếu chưa phát hiện được thai trong tử cung, cần rà soát kĩ xung quanh nhằm tránh bỏ sót thai ngoài tử cung và xét nghiệm beta-hCG (một hormone tiết ra từ hợp bào nuôi thai kỳ) nhằm khẳng định chẩn đoán.
  • Xác định tình trạng thai: Thai lưu, thai trứng, dọa sảy, bóc tách thai,..
  • Xác định số lượng thai, số nhau, số túi ối
  • Đánh giá tuổi thai và chọn ngày dự sanh với sai số thấp nhất dựa vào Chiều dài đầu mông (Crown Rump Length – CRL), đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal Diameter – BPD)

Hình 1: Siêu âm thai quý 1, thai 12 tuần 0 ngày, CRL= 53.59mm.

 

Tuy nhiên vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất (từ 11 tuần 0 ngày đến 13 tuần 6 ngày), định tuổi thai không chỉ là vấn đề duy nhất nữa, lúc này siêu âm còn đóng vai trò khảo sát tầm soát lệch bội và các bất thường hình thái học.

  • Đo độ mờ da gáy (Nuchal Translucency – NT): Độ dầy khoảng da gáy có liên quan mạnh đến bất thường thai nhi, cụ thể là lệch bội nhiễm sắc thể. Bởi lẽ, lệch bội thường có bất thường tim bẩm sinh, gây tăng hồi lưu bạch huyết thân trên của thai làm tăng tích dịch vùng sau gáy. Do đó, gọi là nguy cơ cao với lệch bội khi chỉ số NT >= bách phân vị thứ 95 theo CRL đo được.

Hình 2: Tương quan giữa Độ mờ da gáy (NT) và Chiều dài đầu mông (CRL)

Nguồn: High-Risk Pregnancy: Management Options. Cambridge University Press; :148-188.

 

  • Ngoài Độ mờ da gáy, các chỉ báo như: thiểu sản xương mũi (hypoplasia of nasal bone), góc hàm mặt >90% là các dấu chỉ nguy cơ cao lệch bội,.. có thể khảo sát được trên siêu âm hình thái.
  • Xét nghiệm sàng lọc lệch bội:
  • Double test: bộ xét nghiệm này gồm 2 chỉ số là PAPP-A và beta-hCG cùng với đo Độ mờ da gáy NT tạo thành bộ Combined test có khả năng phát hiện lệch bội lên tới 80-90%, tuy nhiên vẫn có tỉ lệ dương tính giả là 5%.
  • Ngày nay, xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (Non-invasive Prenatal Testing – NIPT) đang là test phổ biến với khả năng phát hiện lệch bội NST lên tới 99% với khả năng dương tính giả thấp. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn có thể tầm soát sớm từ 10 tuần và tầm soát được một vài đột biến vi đoạn đã biết.

Tuy nhiên, các xét nghiệm trên vẫn chỉ là xét nghiệm sàng lọc gián tiếp, bởi lẽ mẫu xét nghiệm được lấy từ máu mẹ nên vẫn có tỉ lệ sai sót. Do đó, khi có nguy cơ cao bởi test tầm soát, mẹ bầu cần nên thực hiện một xét nghiệm chẩn đoán xác định chính xác hơn như: sinh thiết gai nhau, chọc ối, chọc dò máu cuống rốn.

  • Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật: 

   Tiền sản giật, sản giật vẫn đang là 1 trong 5 tai biến sản khoa mà chúng ta đang nỗ lực ngăn chặn. Tầm soát sớm bệnh lý này và dự phòng bằng Aspirin đã được các nghiên cứu trên thế giới chứng minh là làm giảm tỉ lệ tiền sản giật và đã được chứng minh lâm sàng là an toàn cho thai kỳ. Cơ chế Aspirin ngăn ngừa tiền sản giật vẫn chưa được biết rõ và các cơ chế đề xuất phần lớn là dựa trên các nghiên cứu invitro. Tuy vậy, nó vẫn được kết luận là thuốc có hiệu quả cao, nên được dùng trước tuần 16, làm giảm tỉ lệ mắc bệnh hơn 60%2

    Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật bao gồm: đặc điểm thai phụ, các yếu tố nguy cơ bệnh lý nội ngoại khoa, bệnh lý miễn dịch, các chỉ số huyết áp, cân nặng, chiều cao, kết hợp chỉ số Doppler động mạch tử cung và các dấu ấn sinh hóa PAPP-A và PIGF (được đo lúc 11 đến 13 tuần 6 ngày)

   Sau đó nguy cơ sẽ được tính theo thuật toán của FMF (The Fetal Medicine Foundation), xác định là nguy cơ cao khi > 1/100.

 

TÓM LẠI

Quý 1 thai kỳ là khoảng thời gian chứa nhiều mốc thăm khám quan trọng. Một vài xét nghiệm, tầm soát chỉ thực hiện ở tuổi thai nhất định, nếu bỏ lỡ mẹ bầu sẽ bỏ sót cơ hội được thực hiện những tầm soát này. Cho nên, hãy có kiến thức đúng đắn, chủ động đến gặp bác sĩ và tuân thủ lịch hẹn để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn nhé.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ