Khi mang thai cần tăng bao nhiêu kí?

Khi mang thai cần tăng bao nhiêu kí?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Vấn đề dinh dưỡng khi mang thai luôn là một chủ đề mà các bà mẹ đặc biệt dành một sự quan tâm sâu sắc để giúp cho con của mình luôn khoẻ mạnh và tăng trưởng đều đặn. Sự tăng trưởng của con một phần sẽ được phản ánh thông qua cân nặng gia tăng của các mẹ bầu trong quá trình mang thai. Vậy, các thai phụ khi mang thai cần tăng bao nhiêu kí để có một thai kì khoẻ mạnh?

CHUẨN TĂNG CÂN HỢP LÍ TRONG THAI KÌ

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt nhất là sự thay đổi về khối lượng, cấu trúc cơ thể và thành phần của máu. Thông thường, số cân mà phụ nữ mang thai gia tăng sẽ bao gồm bào thai, nhau thai, nước ối, máu, dịch mô, tử cung và vú. Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mức độ tăng cân của người mẹ lúc mang thai còn phụ thuộc vào từng giai đoạn thai kì và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Hình 1. Những thành phần tăng thêm trong thai kì

Vậy các thai phụ khi mang thai cần tăng bao nhiêu kí? Theo khuyến cáo của Viện Y học (Institute of Medicine – IOM) năm 2009 cùng với sự đồng thuận của nhiều hiệp hội khác như Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Center for Disease Control and Prevention – CDC), chuẩn tăng cân trong thai kì đơn thai dựa theo BMI như sau (Hình 2):

Khi mang thai cần tăng bao nhiêu kí?
Hình 2. Chuẩn tăng cân theo khuyến cáo của IOM 2009

Tại Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 20171, phụ nữ mang thai có BMI trước mang thai trong giới hạn bình thường (18,5 – 24,9 kg/m2) thì nên tăng 10 – 12 kg trong thai kì, với mức tăng trong từng tam cá nguyệt cụ thể như sau:

  • 3 tháng đầu (quý I): 1 kg
  • 3 tháng giữa (quý II): 4 – 5 kg
  • 3 tháng cuối (quý III): 5 – 6 kg

Riêng với những phụ nữ gầy, BMI thấp trước đó (BMI < 18,5 kg/m2) thì mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai. Ngược lại, với những người có tình trạng thừa cân, béo phì (BMI ≥ 25 kg/m2) chỉ chỉ nên tăng 15% so với cân nặng trước khi có thai.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CÓ THỂ XẢY RA KHI TĂNG CÂN KHÔNG HỢP LÍ

Khi mang thai, dù là tăng cân quá mức hay không đạt cân nặng như khuyến cáo, thậm chí là sụt cân cũng sẽ dẫn đến những kết cục xấu cho mẹ và thai.

Tăng cân quá mức dẫn đến:
  • Tiểu đường thai kì, nguy cơ tiểu đường type 2 sau này
  • Tiền sản giật
  • Sinh non
  • Thai quá to
  • Sinh khó, kẹt vai, tổn thương trẻ sơ sinh
  • Tăng nguy cơ mổ sanh
  • Tăng nguy cơ suy hô hấp, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
  • Tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong cho bé
Tăng cân ít hoặc sụt cân dẫn đến:
  • Thai nhẹ cân, thai chậm tăng trưởng
  • Sinh non
  • Thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, canxi …)
  • Tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong cho bé

Vì vậy, các mẹ bầu nên tuân thủ mức tăng cân hợp lí, kiểm soát cân nặng của mình để giảm những biến chứng cho mẹ và bé.

NHỮNG CÁCH GIÚP MẸ BẦU TĂNG CÂN HỢP LÍ TRONG THAI KÌ

Vậy, làm cách nào để mẹ bầu có thể giữ được cân nặng của mình tăng trong mức khuyến nghị của các tổ chức y tế? Hai thành tố quan trọng nhất có thể giúp cho phụ nữ mang thai đạt được mục tiêu này chính là chế độ dinh dưỡng và vận động trong thai kì. 

Dinh dưỡng trong thai kì

Nhiều quan niệm cho rằng khi mang thai, các bà bầu nên “ăn cho hai người”. Tuy nhiên, quan niệm này chưa thực sự đúng đắn. Thay vì “ăn cho hai người”, các mẹ bầu nên ăn uống lành mạnh gấp đôi. Bên cạnh đó, để duy trì chế độ ăn hợp lí, các mẹ bầu nên biết về lượng calories cho phép theo từng tam cá nguyệt để lựa chọn thực phẩm cho hợp lí. Các khuyến cáo nói rằng trong tam cá nguyệt 1 thì lượng calories sẽ không cần tăng thêm so với khi không mang thai, tam cá nguyệt 2 cần tăng thêm khoảng 340 calories/ngày và tam cá nguyệt 3 cần tăng thêm khoảng 450 calories/ngày.

Về lựa chọn thực phẩm, WHO đã khuyến cáo những phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất gồm carbohydrate (gạo, ngô, khoai…), đạm (thịt, cá…), béo (vừng, lạc, mỡ thực vật, động vật, cá …), vitamin và chất khoáng (rau củ quả, trái cây) để đảm bảo chế độ ăn lành mạnh trong thai kì3. Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế những thực phẩm có hại như rượu, bia, hạn chế caffein, trà sữa, nước ngọt… 

Điều quan trọng là cần phải cung cấp đủ nước để hạn chế những tình trạng táo bón và cung cấp thêm những chất khoáng. Thông thường, lượng nước cần thiết cho cơ thể là khoảng 35mL/kg/ngày và không ít hơn 1,5L/ngày, ước tính trung bình khoảng 2 – 2,5L/ngày. Ở những tháng cuối thai kì, nhu cầu nước có thể tăng thêm 300mL/ngày. Vì vậy, việc uống nước không chỉ thực hiện khi có nhu cầu, hãy đặt mục tiêu 8 – 12 cốc nước mỗi ngày!

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cần viên uống bổ sung thêm những chất cần thiết mà chế độ ăn có thể không mang lại đủ như:

  • Sắt: bổ sung từ 30 – 60 mg/ngày
  • Acid folic: 0,4 mg/ngày, có thể tăng liều trong những đối tượng đặc biệt
  • Calcium: 1500 – 2000 mg/ngày

Đối với những nguyên tố vi lượng khác cần bổ sung trong thai kì, các mẹ bầu nên hỏi ý kiến của bác sĩ sản khoa cũng mình trước khi sử dụng nhé!

Những thực phẩm không nên và nên ăn để có dinh dưỡng đầy đủ và tăng cân hợp lí

Vận động và lối sống trong thai kì

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động trong thai kì cũng phải được thực hiện một cách nghiêm túc để đảm bảo một sức khoẻ tốt cho mẹ và bé. Theo ACOG năm 2020 khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tập thể dục với cường độ trung bình (đi bộ, yoga, aerobics hoặc tập gym có hướng dẫn của người giám sát) ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày và duy trì ít nhất 3 – 4 ngày trong tuần trong suốt thai kì, đảm bảo ít nhất 150 phút/tuần. Lưu ý các thai phụ nên tránh tập luyện quá lâu dưới trời nóng hoặc tập luyện trong tư thế nằm ngửa trong thời gian dài và đặc biệt lưu ý luôn cung cấp đủ nước trong quá trình luyện tập. Với những phụ nữ mà trước đó chưa từng luyện tập, có thể bắt đầu tập luyện với cường độ thấp và tăng dần trong thai kì để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé.

Ngoài ra, các mẹ bầu nên thay đổi lối sống, làm việc và nghỉ ngơi hợp lí, giữ tinh thần thoải mái, tránh xa căng thẳng, lo âu và phiền muộn. Cần giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, trong lành, tránh khói bụi, thuốc lá. Nên đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng một ngày để cơ thể có thời gian phục hồi và khi ngủ nên nằm nghiêng trái để đảm bảo tuần hoàn lưu thông tốt cho cả mẹ và bé. 

Tuy nhiên, các sản phụ cũng cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh bảo mình phải ngưng những hoạt động thể chất như: ra máu âm đạo, đau bụng, xuất hiện những cơn gò tử cung đều đặn, rỉ ối, khó thở, chóng mặt, đau đầu, đau ngực, yếu cơ dẫn đến mất thăng bằng, chuột rút hoặc phù chân. Khi gặp những dấu hiệu trên, các mẹ bầu nên tạm ngưng những hoạt động mình đang thực hiện để gặp bác sĩ sớm nhất có thể!

TÓM LẠI

Sự xuất hiện của một cơ thể bé nhỏ bên trong cơ thể của mỗi người phụ nữ làm thay đổi cả về mặt thể chất và tinh thần của các bà mẹ và mỗi người mẹ đều mong con mình luôn khoẻ mạnh. Để thực hiện được điều đó, các mẹ bầu nên tuân thủ mức độ tăng cân trong thai kì thông qua kiểm soát chế độ dinh dưỡng và vận động trong thai kì. Phụ nữ mang thai nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện bổ sung các vi chất theo chỉ dẫn của bác sĩ và tuân thủ những chế độ vận động, nghỉ ngơi trong thai kì để con có thể có sức khoẻ tốt nhất nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ