Khi nào cần khâu vòng cổ tử cung khi mang thai?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sinh non luôn là một mối quan tâm hàng đầu cho những cặp vợ chồng đang trên hành trình nuôi dưỡng một hình hài bé nhỏ mới. Bởi lẽ đây là một trong số những biến chứng thường gặp đối với phụ nữ mang thai và có thể gây ra nguy cơ tử vong và bệnh tật lâu dài cho trẻ sơ sinh. Trong đó, khâu vòng cổ tử cung hay khâu eo cổ tử cung là một can thiệp lên cổ tử cung tỏ ra có hiệu quả trong việc dự phòng nguy cơ sinh non. Vậy khi nào thai phụ cần phải khâu vòng cổ tử cung khi mang thai?

KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ?

Khâu vòng cổ tử cung là một phương pháp điều trị bao gồm dùng các mũi khâu tạm thời giúp cổ tử cung đóng lại. Điều này có thể giúp cổ tử cung giữ thai trong tử cung và kéo dài thai kì. 

CHỈ ĐỊNH CỦA KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG

Khâu vòng cổ tử cung có thể được chỉ định trong một số trường hợp sau đây:

  • Tiền căn sẩy thai to (sau 16 tuần) hoặc sinh non trước 37 tuần ≥ 3 lần
  • Tiền căn ≥ 1 lần sẩy thai to/sinh non và chiều dài kênh cổ tử cung (CL) ≤ 25 mm
  • Đơn thai, không triệu chứng sinh non, không tiền căn sinh non và CL ≤ 10 mm
  • Chẩn đoán hở eo tử cung (cervical insufficiency) được thiết lập
  • Khâu vòng cổ tử cung cấp cứu: cổ tử cung mở < 4 cm để lộ màng ối (không có chuyển dạ hoạt động, chảy máu, nhiễm trùng)

CHỐNG CHỈ ĐỊNH CỦA KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG

Một số chống chỉ định của khâu vòng cổ tử cung bao gồm:

  • Chuyển dạ sinh non thực sự
  • Nhiễm trùng ối
  • Ra huyết âm đạo tiếp diễn
  • Vỡ ối non trên thai non tháng
  • Thai dị tật, thai lưu

Trong một số trường hợp, vấn đề khâu vòng cổ tử cung không nên được đặt ra khi:

  • Đơn thai, không triệu chứng, không tiền căn sinh non và CL ≤ 25 mm
  • Đa thai

KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG ĐƯỢC THỰC HIỆN KHI NÀO?

Khi các mẹ bầu có chiều dài kênh cổ tử cung ngắn và có chỉ định khâu vòng cổ tử cung, thủ thuật này sẽ được thực hiện sớm nhất vào khoảng 14 tuần và thường muộn nhất là 24 tuần. Tuy nhiên, đối với khâu vòng cổ tử cung cấp cứu thì khâu vòng có thể được thực hiện muộn hơn, lên đến 28 tuần thai kì

Thông thường, việc khâu vòng cổ tử cung sẽ hạn chế được thực hiện trong 3 tháng đầu thai kì vì nguy cơ sẩy thai cao trong khoảng thời gian này cũng như chờ đợi những xét nghiệm tầm soát dị tật thai. 

CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG

Khâu vòng cổ tử cung có thể được thực hiện qua ngã âm đạo hoặc ngã bụng, dưới tác dụng của gây tê hoặc gây mê tuỳ thuộc vào những bệnh viện khác nhau.

1. Khâu vòng cổ tử cung ngã âm đạo

Phương pháp McDonald

Đây là một phương pháp khâu vòng cổ tử cung ngã âm đạo đơn giản thường được sử dụng. Đối với phương pháp này, chỉ khâu sẽ được khâu liên tục vòng quanh cổ tử cung và cột thắt lại để đóng lỗ cổ tử cung. Mũi khâu vòng lần thứ 2 có thể được thực hiện cao hơn mũi 1. Tuy nhiên, người ta nhận thấy không có sự khác biệt về khả năng dự phòng sinh non trong việc khâu cổ tử cung 1 vòng hay 2 vòng.

Hình 1. Khâu vòng cổ tử cung bằng phương pháp McDonald
Phương pháp Shirodkar

Đây cũng là một phương pháp khâu vòng cổ tử cung ngã âm đạo nhưng phương pháp này sẽ cho phép tách bàng quang để khâu ở vị trí cao hơn, gần với lỗ trong cổ tử cung. Sau đó, mũi khâu sẽ được che phủ lại bằng lớp thanh mạc cổ tử cung. Nhược điểm của phương pháp này đó chính là cần phải bóc tách nhiều gây nguy cơ tổn thương bàng quang và khó cắt chỉ khâu sau đó. 

Hình 2. Khâu vòng cổ tử cung bằng phương pháp Shirodkar

2. Khâu vòng cổ tử cung ngã bụng

Phương pháp khâu vòng cổ tử cung ngã bụng được thực hiện khi khâu ngã âm đạo thất bại hoặc bất thường cổ tử cung làm cho việc tiếp cận và thực hiện thao tác ngã âm đạo khó khăn. Khâu ngã bụng có thể được thực hiện qua mổ hở hoặc nội soi hoặc bằng robot. Bên cạnh đó, việc khâu vòng cổ tử cung ngã bụng có thể được thực hiện ngay cả trước khi có thai (tỉ lệ thụ thai sau đó khoảng 75%) hoặc trong khi mang thai vào tam cá nguyệt . Khi thực hiện khâu vòng ngã bụng, điều đó có nghĩa là bạn sẽ được lên kế hoạch mổ sanh sau đó. 

Trong trường hợp khâu vòng cổ tử cung ngã bụng trước khi mang thai, nếu xuất hiện thai lưu, việc hút thai ngã âm đạo vẫn có thể được thực hiện mà không cần phải cắt chỉ khâu. 

Hình 3. Khâu vòng cổ tử cung ngã bụng

NHỮNG RỦI RO CÓ THỂ CÓ TRONG KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG

Khâu vòng cổ tử cung là một phương pháp xâm lấn, do đó thủ thuật này cũng kèm theo một số nguy cơ như:

  • Tổn thương bàng quang
  • Tổn thương cổ tử cung
  • Vỡ ối, rỉ ối: Trong trường hợp sau khi khâu vòng cổ tử cung, các thai phụ bị vỡ ối trong khoảng từ 24 – 34 tuần, chỉ khâu có thể được để lại và theo dõi trong vòng 48 giờ tại bệnh viện để chờ những tác dụng của hỗ trợ phổi
  • Chảy máu nhiều
  • Khâu vòng cổ tử cung thất bại: cổ tử cung quá ngắn hoặc đã mở quá xa. Trong khâu vòng cổ tử cung cấp cứu, nếu cổ tử cung mở > 4 cm hoặc đầu ối thò ra lỗ ngoài cổ tử cung là những yếu tố nguy cơ cho việc thất bại khâu eo cổ tử cung ngã âm đạo

Ngoài ra, việc khâu vòng cổ tử cung sẽ không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc thai phụ sẽ vào chuyển dạ sinh non sau đó và bản thân khâu eo cũng sẽ không gây ra sinh non

SAU KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG, CÁC THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ?

Sau khi hoàn tất thủ thuật, các thai phụ thường sẽ được theo dõi tại viện thêm 48 giờ để loại trừ nguy cơ của rỉ ối, vỡ ối. Ngoài ra, trong vòng 3 ngày đầu, thai phụ có thể sẽ thấy xuất huyết âm đạo ít dạng chấm, tăng dịch tiết âm đạo hoặc thấy trằn bụng. Việc siêu âm kiểm tra lại cổ tử cung sau khâu eo không được khuyến cáo do không thấy được hiệu quả trong vấn đề sinh non sau đó

Sau khâu vòng, các thai phụ vẫn có thể đi lại bình thường miễn thấy thoải mái. Việc nghỉ ngơi tại giường không được khuyến cáo thực hiện thường qui mà chỉ chọn lọc trong một số trường hợp. Điều này cũng tương tự đối với việc giao hợp trong thai kì. 

KHI NÀO CẦN CẮT CHỈ KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG?

Đối với khâu vòng cổ tử cung ngã âm đạo, chỉ khâu sẽ được cắt vào khoảng 36 – 37 tuần thai kì hoặc bất cứ khi nào có dấu hiệu của chuyển dạ thực sự để tránh nguy cơ làm tổn thương cổ tử cung. Đối với khâu đơn giản (McDonald) chỉ khâu có thể được cắt ngay tại phòng khám. Tuy nhiên, đối với khâu vòng cổ tử cung cao (phương pháp Shirodkar), việc cắt chỉ khâu vòng nên được thực hiện dưới gây tê/mê để tạo cảm giác dễ chịu cho thai phụ cũng như giúp cho bác sĩ dễ dàng thao tác. 

Với những trường hợp khâu vòng cổ tử cung ngã bụng, các thai phụ sẽ được lên kế hoạch mổ sanh lúc 37 – 39 tuần. Chỉ khâu có thể được cắt lúc mổ sanh hoặc có thể được để lại cho đến khi các thai phụ hoàn thành kế hoạch sinh con của mình

TÓM LẠI

Khâu vòng cổ tử cung là một trong những phương pháp dự phòng sinh non khá hiệu quả trong một số trường hợp. Vì vậy, các thai phụ nên tuân thủ lịch khám thai đúng hẹn để được tầm soát và có những biện pháp dự phòng kịp thời nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ