Kỹ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM) là gì?

Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (in vitro maturation – IVM) là một kỹ thuật trong đó noãn được chọc hút ở giai đoạn chưa trưởng thành, và được nuôi cấy trong các môi trường chuyên biệt cho đến khi trưởng thành (giai đoạn giảm phân II). Các giai đoạn tiếp sau đó như tạo phôi, nuôi cấy phôi diễn ra như một chu kỳ IVF thông thường. Về cơ bản, kỹ thuật này can thiệp vào khâu đầu tiên của qui trình, đó là thu được noãn để làm IVF. Em bé IVM đầu tiên ra đời từ noãn tự thân của người mẹ vào năm 1994 được thực hiện bởi Trouson và cộng sự, trên bệnh nhân buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS). Hiện nay, trên thế giới đã có trên 5000 em bé sinh ra có nguồn gốc từ IVM.

Hình 1 Noãn trưởng thành và chưa trưởng thành (Nguồn)

Những ai có chỉ định thực hiện trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM)?

Kỹ thuật IVM không sử dụng kích thích buồng trứng nên được chỉ định chủ yếu cho nhóm phụ nữ có nguy cơ quá kích buồng trứng như hội chứng buồng trứng đa nang hay hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm. Tuy nhiên, ngoài việc tránh quá kích buồng trứng, IVM vẫn có nhiều ưu điểm khác như tránh các tác động của estrogen ở nồng độ cao do kích thích buồng trứng lên cơ thể như huyết khối tĩnh mạch, tránh nguy cơ xoắn vỡ, xuất huyết buồng trứng do buồng trứng to sau kích thích buồng trứng và giảm chi phí do không sử dụng thuốc kích thích buồng trứng.

Một số bệnh nhân có kháng gonadotropins, quá trình kích thích buồng trứng kéo dài cho đáp ứng buồng trứng chậm, trong tình huống này, thay vì hủy chu kỳ điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện IVM.

Bệnh nhân có tỉ lệ trưởng thành noãn thấp (<50% số noãn trưởng thành trên tổng số noãn thu được) mặc dù được kích thích buồng trứng với phác đồ chuẩn, kích thước nang noãn lớn, IVM cũng là một giải pháp để tăng tỷ lệ trưởng thành noãn ở các phụ nữ này.

Một chỉ định khác của IVM là bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém do giảm dự trữ buồng trứng. Ở các bệnh nhân này, cho dù kích thích buồng trứng với liều cao, số noãn cũng không thể tăng, vì vậy thực hiện IVM giúp làm tăng số noãn thu thập được và giảm chi phí điều trị.

Ngoài ra, IVM là một trong những giải pháp tốt cho phụ nữ mắc bệnh ung thư, không thể đợi đủ thời gian cần thiết để có trứng trưởng thành hoàn toàn trước khi bắt đầu điều trị ung thư. IVM sẽ giúp thu nhận những trứng chưa trưởng thành để sử dụng sau này, bảo toàn khả năng mang thai và sinh con cho phụ nữ. 

Hình 2 Chỉ định của IVM (Nguồn)

Quy trình thực hiện IVM như thế nào?

Quy trình của kỹ thuật IVM gồm các bước:

  1. Chuẩn bị

Người phụ nữ được theo dõi qua siêu âm và chọn lựa thời điểm để tiến hành chọc hút lấy noãn. Có hai yếu tố đóng vai trò quyết định đến thời điểm chọc hút noãn là kích thước nang noãn và độ dày của nội mạc tử cung. Hiện tại có hai phác đồ được sử dụng để cải thiện chất lượng nang noãn trước khi chọc hút là phác đồ có và không có sử dụng hCG. Phác đồ thứ nhất chỉ sử dụng “mồi FSH” trong 3-6 ngày bắt đầu từ ngày 3 của chu kỳ kinh nguyệt và thực hiện chọc hút noãn vào ngày 7-10 của chu kỳ. Phác đồ thứ hai kết hợp “mồi FSH” và “mồi hCG” sẽ tương tự thực hiện sử dụng FSH 3 ngày từ ngày 3 của chu kỳ kinh nguyệt và sau đó sử dụng 10.000 đơn vị hCG trước chọc hút noãn 36 – 40 giờ. 

Hình 3 Hai phác đồ trưởng thành noãn trước khi chọc hút noãn

  1. Chọc hút noãn non

Việc chọc hút noãn được thực hiện vào khoảng 36 – 40 giờ sau tiêm hCG. Vì nang có kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 10 – 12 mm), buồng trứng nhỏ, mô đệm nhiều, đặc và di động nhiều, cũng như một số điểm khác biệt trong kỹ thuật thực hiện, dẫn đến việc chọc hút noãn non sẽ khó thực hiện hơn so với chọc hút lấy noãn trưởng thành.

  1. Thu thập tinh trùng

Noãn sẽ được nuôi trưởng thành trong vòng 24 – 26 giờ. Tuy nhiên, ghi nhận một số trường hợp ngay sau quá trình chọc hút đã phát hiện một số noãn trưởng thành, cho nên việc lấy tinh trùng ở người chồng sẽ được tiến hành đồng thời cùng lúc chọc hút noãn ở người vợ như quá trình IVF đơn thuần. Cách lấy tinh trùng sẽ được thực hiện tương tự như các trường hợp IVF đơn thuần, hoặc sẽ tiến hành phẫu thuật lấy tinh trùng (PESA, TESE) nếu cần thiết.

  1. Nuôi noãn trưởng thành (IVM)

Môi trường nuôi cấy trứng non được bổ sung các gonadotropin, steroid, yếu tố tăng trưởng, huyết thanh và protein từ nhiều nguồn. Thời gian nuôi trứng non trưởng thành là khoảng 28-52 giờ. Trứng trưởng thành trong vòng 30 giờ sau thu nhận được ghi nhận là phát triển tốt hơn các trứng trưởng thành lâu hơn.

  1. Thụ tinh

Tiến hành tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) sau khi IVM, có thể áp dụng cho cả trường hợp tinh trùng có thông số phân tích bình thường hoặc bất thường.

  1. Chuyển phôi

Thông thường, sẽ thực hiện chuyển phôi ngày 3, lựa chọn phôi chuyển dựa theo tiêu chuẩn như các trường hợp thực hiện IVF. Một số trường hợp sẽ thực hiện trữ phôi nếu có dư phôi chất lượng tốt. Một số nghiên cứu cho thấy rằng chuyển phôi trữ đông khi thực hiện IVM cho tỉ lệ trẻ sinh sống cao hơn so với chuyển phôi tươi2,3

  1. Chuẩn bị nội mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể

Chuẩn bị nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật IVM nhằm đồng hộ hóa giai đoạn phát triển của phôi với sự phát triển của nội mạc tử cung. Ở phương pháp này, không có sự phát triển nang noãn như bình thường, dẫn đến nội mạc tử cung không tiếp xúc được với estradiol và progesterone đầy đủ như chu kỳ có sự phát triển của nang noãn. Bên cạnh đó, nội mạc tử cung ở những bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường có tính cường estrogen tương đối, thiếu tiếp xúc với progesterone do buồng trứng không phóng noãn, thường đi kèm các bệnh lý ở nội mạc tử cung như tăng sinh nội mạc tử cung… Do đó, việc chuẩn bị nội mạc tử cung và hỗ trợ hoàng thể sẽ tạo ra một môi trường nội tiết thuận lợi, gây các biến đổi mô học trên nội mạc tử cung như trong giai đoạn “cửa sổ làm tổ của phôi” góp phần cho sự thành công trong làm tổ của phôi IVM vào nội mạc tử cung.

  1. Mang thai và sinh con

Hiện nay, IVM khá phát triển với sự lan rộng các trung tâm thực hiện IVM. Kỹ thuật nuôi cấy, tạo phôi IVM ngày càng cải thiện. Những nghiên cứu gần đây ghi nhận, tỉ lệ có thai của IVM tương đương với IVF và tỉ lệ trẻ sinh sống khoảng 40%. IVM không làm gia tăng nguy cơ sản khoa cũng như tần suất dị tật bẩm sinh của trẻ sinh ra so với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác

Tóm lại,

Trong các kỹ thuật giúp tăng tỷ lệ thành công trong ống nghiệm (IVF), kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM) là một trong những giải pháp cứu cánh cho những trường hợp vô sinh hiếm muộn do bệnh lý buồng trứng đa nang, đáp ứng buồng trứng kém,…Bên cạnh đó, IVM giúp tiết kiệm chi phí của việc điều trị hiếm muộn. Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ