Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) và phụ nữ mang thai

GBS

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một loại vi khuẩn thường gặp ở âm đạo của người phụ nữ. Sự hiện diện của vi khuẩn này ở thai phụ đã gây ra những lo lắng về nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh sớm cho bé và những bệnh tật lâu dài. Vậy làm cách nào để phát hiện và dự phòng những nguy cơ do GBS gây ra?

LIÊN CẦU KHUẨN NHÓM B (GBS) LÀ GÌ

GBS
Hình 1. Hình ảnh liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). Nguồn: cdc.gov

Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B Streptococcus – GBS) hay Streptococcus agalactiae là vi khuẩn có hình cầu, gram dương, thuộc nhóm tiêu huyết β (Hình 1). GBS có thể tồn tại sinh lý trong hệ khuẩn âm đạo hoặc ở đường tiêu hoá của người phụ nữ. Đặc biệt, sự tồn tại GBS ở đường tiêu hoá là nguồn gốc của sự tồn tại ở âm đạo.

GBS GÂY ẢNH HƯỞNG LÊN THAI KÌ NHƯ THẾ NÀO?

  1. Ảnh hưởng cho thai phụ

Mặc dù GBS có thể tồn tại sinh lý trong cơ thể người phụ nữ, tuy nhiên trong một số trường hợp, vi khuẩn này có thể gây ra những ảnh hưởng lên con người, đặc biệt là thai phụ như:

  • Nhiễm trùng tiểu: 1 – 2%
  • Nhiễm trùng vết mổ: 3%
  • Viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng hậu sản, nhiễm trùng huyết và tử vong: hiếm gặp hơn
  1. Ảnh hưởng lên thai

Những ảnh hưởng lên thai do GBS chủ yếu do sự nhiễm trùng ngược dòng từ âm đạo của người mẹ lên thai. Sự nhiễm trùng này có thể sẽ dẫn đến những kết cục như:

  • Nhiễm trùng ối
  • Sẩy thai, sinh non: nguy cơ tăng 1,98 lần ở thai phụ từng bị nhiễm trùng tiểu do GBS
  • Thai lưu
  • Nhiễm trùng sơ sinh sớm, viêm màng não do GBS, nhiễm trùng huyết: là kết cục thường gặp và gây nguy hiểm cho những năm tháng đầu đời của trẻ, chiếm 1 – 2% trong số những thai phụ nhiễm GBS. Ngoài ra, một số yếu tố khác làm cho trẻ dễ mắc nhiễm trùng sơ sinh sớm bao gồm:
    • Trẻ non tháng (< 37 tuần): trẻ non tháng sẽ có nguy cơ bệnh tật và tử vong liên quan nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS (19,2%) cao hơn trẻ đủ tháng (2,1%)
    • Thai nhẹ cân
    • Vỡ màng ối kéo dài
    • Nhiễm trùng ối
    • Một số yếu tố nguy cơ về phía người mẹ như: mẹ trẻ tuổi, nhiễm trùng tiểu do GBS trong thai kì, tiền căn có trẻ nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS
Ảnh hưởng của GBS lên thai kì
Hình 2. Những nguy cơ do nhiễm GBS lên mẹ và thai

NHỮNG CÁCH GIÚP PHÁT HIỆN GBS Ở THAI PHỤ?

Trong những trường hợp nhiễm GBS không triệu chứng, để dự phòng những ảnh hưởng lên thai do nhiễm trùng ngược dòng từ đường sinh dục dưới của người mẹ, mọi xét nghiệm tầm soát sẽ vì mục đích phát hiện sự hiện diện của GBS trong âm đạo – trực tràng ở thai phụ. Cách lấy mẫu bệnh phẩm sẽ được thực hiện như hình:

Lấy mẫu xét nghiệm GBS
Hình 3. Cách lấy mẫu để phát hiện GBS. Nguồn: cdc.gov
  1. Nuôi cấy

Đây là xét nghiệm cơ bản để phát hiện sự hiện diện của một loại vi khuẩn nào đó. Tuy nhiên, xét nghiệm này vấp phải những trở ngại như thời gian chờ đợi xét nghiệm lâu (ít nhất 7 – 10 ngày) và vi khuẩn có thể không mọc dẫn đến khó khăn trong việc diễn giải kết quả. Ưu điểm duy nhất của cách làm này là có thể làm kèm thêm với kháng sinh đồ, giúp ích trong việc lựa chọn kháng sinh. Do đó, đây là lựa chọn ít được sử dụng trên lâm sàng hiện nay.

GBS nuôi cấy
Hình 4. GBS qua xét nghiệm nuôi cấy trong môi trường thạch máu. Nguồn: microbiologyinpicture.com
  1. Xét nghiệm NAAT

Đây là loại xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến hiện nay. NAAT (nucleic acid amplification tests) dựa vào việc xét nghiệm vật chất di truyền của các loại vi khuẩn trong bệnh phẩm bằng các công nghệ sinh học phân tử mà không cần thời gian nuôi cấy và chờ đợi vi khuẩn mọc. Để làm gia tăng khả năng phát hiện GBS, ủ mẫu bệnh phẩm trong môi trường canh cấy phù hợp trong 18 tiếng có thể được thực hiện. Dù vậy, kết quả phát hiện GBS từ NAAT vẫn nhanh hơn nhiều lần so với nuôi cấy (khoảng 1 – 2 ngày).

Tuy vậy, việc lựa chọn xét nghiệm nào để tầm soát GBS cũng phụ thuộc vào sự sẵn có của các xét nghiệm, chi phí thực hiện và chính sách của từng cơ sở y tế.

XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT GBS ĐƯỢC THỰC HIỆN VÀO THỜI ĐIỂM NÀO?

Sự hiện diện GBS ở âm đạo – trực tràng xảy ra ở 10 – 30% thai phụ, nhưng tình trạng này có thể không liên tục, tạm thời hoặc liên tục. Do đó, kết quả xét nghiệm GBS sẽ có hiệu lực trong vòng 5 tuần. Hơn nữa, cho đến thời điểm hiện tại, những dự phòng ở thai phụ nhiễm GBS không triệu chứng chủ yếu nhằm vào mục đích dự phòng nhiễm trùng sơ sinh sớm và những bệnh tật liên quan. Do đó, xét nghiệm GBS của được thực hiện vào giai đoạn gần chuyển dạ, lúc mà thai phải đi qua theo đường âm đạo.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kì (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) năm 2010 khuyến cáo tầm soát GBS thường quy ở mọi thai phụ từ 35 tuần trở đi. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất của Hiệp hội Sản phụ khoa Mĩ (American College of Obstetrics and Gynecology – ACOG) năm 2020, thời điểm xét nghiệm GBS nên bắt đầu từ 36 tuần nhằm đảm bảo hiệu lực của xét nghiệm cho đến thời điểm sanh.

DỰ PHÒNG NHIỄM TRÙNG SƠ SINH DO GBS KHI MANG THAI NHƯ THẾ NÀO?

  1. Đối tượng dự phòng GBS trong quá trình chuyển dạ

Những thai phụ sau đây cần được sử dụng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng sơ sinh do GBS:

  • Tiền căn sinh con mắc nhiễm trùng sơ sinh do GBS
  • Xét nghiệm tầm soát GBS dương tính (trừ trường hợp có kế hoạch sinh mổ mà màng ối nguyên vẹn)
  • Từng nhiễm trùng tiểu do GBS ở bất cứ thời điểm nào ở thai kì hiện tại
  • Có tình trạng nhiễm GBS ở thai kì trước
  • Không biết rõ tình trạng nhiễm GBS, nhưng có các yếu tố sau:
    • Sinh non (trước 37 tuần)
    • Ối vỡ ≥ 18 tiếng
    • Sốt ≥ 38 độ C
    • NAAT lúc chuyển dạ (nếu có thể thực hiện được) dương tính
    • NAAT lúc chuyển dạ âm tính nhưng có các yếu tố nguy cơ như: sinh trước 37 tuần, ối vỡ ≥ 18 tiếng hoặc sốt ≥ 38 độ C.
  1. Thời điểm thực hiện kháng sinh dự phòng

Kháng sinh dự phòng sẽ được thực hiện khi ối vỡ hoặc khi vào giai đoạn chuyển dạ hoạt động (khi cổ tử cung mở ≥ 4 cm).

  1. Loại kháng sinh được lựa chọn

Theo khuyến cáo của ACOG, kháng sinh đầu tay được lựa chọn:

  • Penicillin G 5 triệu đơn vị tiêm mạch liều tấn công, sau đó duy trì với liều 2,5 – 3 triệu đơn vị mỗi 4 tiếng cho đến lúc sinh

HOẶC

  • Ampicillin 2g tiêm mạch liều tấn công và duy trì 1g mỗi 4 tiếng cho đến lúc sinh.

Nếu dị ứng với penicillin, có thể thay thế bằng cefazolin hoặc clindamycin tuỳ vào tình trạng dị ứng và kháng sinh đồ (nếu có).

Tuy nhiên, việc lựa chọn kháng sinh cũng còn tuỳ thuộc vào dịch tễ, phác đồ bệnh viện và sự hiện diện của kháng sinh của những cơ sở y tế khác nhau.

NHỮNG VẤN ĐỀ TRONG SỬ DỤNG KHÁNG SINH DỰ PHÒNG NHIỄM TRÙNG SƠ SINH SỚM DO GBS

Ở những thai phụ đã có kế hoạch mổ sanh trước đó, việc thực hiện kháng sinh dự phòng GBS là không cần thiết nếu màng ối còn nguyên vẹn. Thai phụ vẫn sẽ được thực hiện kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ như những ca mổ khác.

Sự hiện diện của GBS ở âm đạo của thai phụ sẽ không làm hạn chế những thủ thuật ở đường âm đạo nếu có chỉ định như khám độ xoá mở cổ tử cung, lóc ối, bấm ối và khởi phát chuyển dạ bằng laminaire hay bóng đơn, bóng đôi foley.

TÓM LẠI

Nhiễm trùng sơ sinh sớm do GBS có thể gây ra những nguy cơ về tử vong và bệnh tật ở trẻ sơ sinh. Do đó, việc tầm soát và dự phòng GBS bằng kháng sinh ở thai phụ là việc làm hết sức cần thiết. Vì vậy, các thai phụ nên nhớ khám thai đúng hẹn để có thể được tầm soát đầy đủ và dự phòng kịp thời nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ