Loạn khuẩn âm đạo khi mang thai và những điều cần biết

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Loạn khuẩn âm đạo khi mang thai là tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục dưới thường gặp ở các thai phụ. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ những kết cục xấu trong thai kì. Trong trường hợp này, thai phụ mắc loạn khuẩn âm đạo cần làm gì?

LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO LÀ GÌ?

Loạn khuẩn âm đạo (Bacterial Vaginosis – BV) là một chứng rối loạn vi khuẩn ở âm đạo do thay thế các loài Lactobacillus tạo ra axit lactic và hydro peroxide bình thường trong âm đạo bằng nồng độ cao các vi khuẩn kỵ khí, bao gồm G.vaginalis, Prevotella sp, Mobiluncus sp, A.vaginae và các vi khuẩn có liên quan đến BV khác.

TẦN SUẤT MẮC LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO KHI MANG THAI

Mỗi người phụ nữ đều có hệ khuẩn âm đạo đặc trưng cho từng cá thể, có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân ngoại nhiễm từ bên ngoài. Hệ khuẩn này rất đa dạng và phong phú với thành phần trong hệ sinh thái này sẽ thay đổi theo độ tuổi của người phụ nữ từ lúc dậy thì cho đến khi mãn kinh. Sự phong phú này một phần nhờ vào các hormone sinh dục được tiết ra trong cuộc đời sinh sản của người phụ nữ.

Khi mang thai, sự thay đổi của các hormone cùng với sự thay đổi trong chuyển hoá và miễn dịch làm cho hệ khuẩn âm đạo này bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến những rối loạn trong thành phần của hệ sinh thái này và thậm chí diễn biến thành BV. Do đó, tần suất mắc BV ở thai phụ có thể lên đến 25%.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO KHI MANG THAI

Khi thai phụ mắc BV, rối loạn này có thể dẫn đến các nguy cơ:

  • Sẩy thai
  • Sinh non: BV làm tăng 40% nguy cơ sinh non ở thai phụ
  • Thai nhẹ cân
  • Vỡ ối non
  • Nhiễm trùng ối
  • Nhiễm trùng sơ sinh sớm
  • Viêm nội mạc tử cung hậu sản

TRIỆU CHỨNG CỦA LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO

Triệu chứng loạn khuẩn âm đạo khi mang thai
Triệu chứng loạn khuẩn âm đạo khi mang thai

Khi nhiễm BV, thai phụ có thể không có triệu chứng hoặc có một số triệu chứng như:

  • Ngứa vùng kín
  • Khí hư trắng hoặc xám, có mùi hôi: xảy ra trong hơn 50% thai phụ
  • Tiểu gắt buốt hoặc tiểu nhiều lần
  • Đau buốt khi quan hệ

CHẨN ĐOÁN LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO

BV có thể chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng (theo tiêu chuẩn Amsel) hoặc thông qua nhuộm Gram (thang điểm Nugent) và xét nghiệm khuếch đại acid nuleic (Nucleic Acid Amplification Tests – NAATs).

  1. Tiêu chuẩn Amsel

Hình ảnh clue cell trong loạn khuẩn âm đạo khi mang thai
Hình ảnh clue cell
  • Dịch âm đạo trắng đục hoặc xám, có mùi hôi
  • pH dịch > 4.5
  • Soi dịch âm đạo có “clue cell”
  • Nhỏ dung dịch KOH 10% vào dịch âm đạo có mùi cá thối bay lên

Khi thai phụ có 3 trong 4 tiêu chuẩn trên thì sẽ được chẩn đoán mắc BV.

  1. Thang điểm Nugent

Để chẩn đoán BV dựa trên thang điểm Nugent, thai phụ sẽ được lấy dịch tiết âm đạo đem soi và nhuộm Gram, sau đó đếm số tế bào thấy được và đánh giá theo thang điểm. Nếu:

  • 7 – 10 điểm: Thai phụ mắc BV
  • 4 – 6 điểm: Tình trạng trung gian, chưa cho phép kết luận có nhiễm hay không
  • 0 – 3 điểm: Thai phụ không mắc BV

Trên thực tế, thang điểm này ít được sử dụng.

  1. NAATs (Nucleic Acid Amplification Tests)

NAATs có thể giúp xác định sự hiện diện của các loại vi khuẩn trong hệ khuẩn âm đạo hiện tại, từ đó có kết luận về tình trạng của hệ khuẩn và tình trạng BV. Tuy nhiên, xét nghiệm này cũng ít được sử dụng trên lâm sàng.

ĐIỀU TRỊ NHIỄM KHUẨN ÂM ĐẠO

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mĩ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) năm 2021, tất cả những thai phụ khi phát hiện có BV đều nên được điều trị.

Phác đồ được dùng để điều trị BV khi mang thai bao gồm:

  • Metronidazole 500mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày
  • Clindamycin 300mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày
  • Metronidazole 0,75% (5 gram/tuýp) bôi âm đạo mỗi ngày trong 5 ngày
  • Clindamycin 2% (5 gram/tuýp) bôi âm đạo mỗi ngày trong 7 ngày

Hiện tại, phác đồ thuốc uống và thuốc bôi đều cho những hiệu quả tương đương, nên thai phụ có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp với thói quen dùng thuốc của bản thân.

CÓ CÁCH NÀO TẦM SOÁT VÀ DỰ PHÒNG SINH NON DO LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO KHI MANG THAI KHÔNG?

Mặc dù BV liên quan nhiều đến những nguy cơ sinh non và những kết cục xấu khác trong thai kì, nhưng những nghiên cứu cho đến thời điểm hiện tại về điều trị BV trên những thai phụ không triệu chứng chưa cho thấy hiệu quả đáng kể trong cải thiện tỉ lệ sinh non. Vì vậy, các hiệp hội như Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) năm 2021, CDC năm 2021 hay Lực lượng đặc nhiệm phòng ngừa Mĩ (US Preventive Services Task Force – USPSTF) năm 2020 không khuyến cáo tầm soát thường quy BV trong thai kì vì mục đích phòng ngừa sinh non.

THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ ĐỂ NGỪA LOẠN KHUẨN ÂM ĐẠO KHI MANG THAI?

Để phòng ngừa loạn khuẩn âm đạo khi mang thai, thai phụ cần:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, duy trì lối sống lành mạnh
  • Giặt sạch đồ, phơi đồ dưới nắng
  • Mặc đồ lót rộng rãi và thoáng khí (ưu tiên chất liệu cotton)
  • Đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng ngứa vùng kín, ra khí hư
  • Khám thai đúng hẹn để được thăm khám và phát hiện kịp thời những bất thường
Bác sĩ Thân Trọng Thạch thăm khám và tư vấn về bệnh lí Loạn khuẩn âm đạo khi mang thai tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch thăm khám và tư vấn về bệnh lí Loạn khuẩn âm đạo khi mang thai tại Phòng khám Mẹ và Bé

TÓM LẠI

Loạn khuẩn âm đạo là một tình trạng phổ biến ở thai phụ và có liên quan đến những nguy cơ về sẩy thai, sinh non và những kết cục bất lợi khác cho mẹ và thai. Do đó, các thai phụ cần khám thai đúng hẹn để kịp thời phát hiện và điều trị những bất thường này nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ