“ Theo tôi, cái khó nhất của một bác sĩ hiếm muộn chính là đạo đức nghề nghiệp. Với tôi nó khó gấp nghìn lần so với việc điều trị. Tôi phải thấu hiểu những khó khăn của bệnh nhân để giúp họ bằng cái tâm của mình”
Gần chục năm gắn bó với IVF, bác sĩ Thạch thẳng thắn thừa nhận câu hỏi mà anh ám ảnh nhất từ bệnh nhân chính là: “Bác ơi ! Con em đang ở đâu?”. Anh bảo đó là câu hỏi chứa đựng sự vô vọng của rất nhiều cặp đôi trong quá trình tìm kiếm máu mủ của mình. Khi ấy anh chỉ biết động viên họ tin tưởng vào tay nghề của anh, đồng thời tạo niềm tin để họ hi vọng chỉ nay mai thiên thần sẽ cất tiếng khóc chào đời.
Bác sĩ Thạch cũng khẳng định, không phải tất cả những cặp đôi đang mong mỏi thiên thần nhỏ đều là hiếm muộn – nhóm khó thụ thai mà bao gồm luôn cả những cặp đôi rất dễ thụ thai nhưng không giữ được thai – nhóm sảy thai liên tiếp. “Một trường hợp để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc khi vợ chồng bệnh nhân mất 12 năm cho hành trình tìm con. Em ấy bị cường giáp và đã điều trị cắt 1 phần nhưng vẫn không ổn. Vì thế em tiếp tục điều trị bằng thuốc uống mỗi ngày, xét nghiệm chức năng tuyến giáp có khi ổn nhưng thường là không ổn định nên em phải uống thuốc kháng giáp liên tục.”
“Trong 12 năm đó em đã để có thai tự nhiên 6 lần nhưng tất cả đều sảy dù những lần sau thăm khám từ rất sớm và cũng được sử dụng nhiều loại thuốc dự phòng sảy thai nhưng không có hiệu quả. Vợ chồng em đã nỗ lực rất nhiều và trải qua sự khủng hoảng về tinh thần cực độ đến mức không dám nhắc đến 2 từ mang thai”, bác sĩ hiếm muộn nhỏ lại.
Sợ hãi là thế, cặp vợ chồng này vẫn khát khao được làm cha mẹ. Họ tiếp tục chiến đấu và tìm đến bác sĩ Thạch để kiểm tra nguyên nhân sảy thai liên tiếp kèm theo những điều cần thiết phải chuẩn bị để cho lần mang thai thứ 7 thành công.
“Đúng như những gì tôi mong đợi khi lần thứ 7 thai kỳ diễn tiến hoàn toàn bình thường, bao nhiêu phiền muộn, lo lắng cũng đã thành quá khứ để nhường chỗ cho niềm vui – hạnh phúc bất tận khi thiên thần cất tiếng khóc chào đời”, bác sĩ Thạch vui vẻ nói.
Ngược lại với những cặp đôi sảy thai liên tiếp là những trường hợp hiếm muộn, trải qua hành trình dài 10 năm hoặc có thể 1-2 năm không có thai. Và trong
những ca hiếm muộn này, người vợ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi và áp lực nhất. Bác sĩ Thạch đã chứng kiến và cảm nhận phần nào nỗi đớn đau, tủi nhục của họ.
“ Và theo tôi, cái khó nhất của một bác sĩ hiếm muộn chính là đạo đức nghề nghiệp. Với tôi nó khó gấp nghìn lần so với việc điều trị cho bệnh nhân. Tôi phải thấu hiểu những khó khăn của bệnh nhân để cứu giúp họ bằng cái tâm của mình”