Nhau bong non nguy hiểm như thế nào?

Nhau bong non

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Nhau bong non là một trong những tình trạng cấp cứu trong sản khoa, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và bé. Vậy dấu hiệu nào giúp nhận biết nhau bong non và tình trạng này nguy hiểm như thế nào?

NHAU BONG NON LÀ GÌ?

Nhau bong non là tình trạng nhau thai bong tách ra khỏi vị trí bám của nó (một phần hoặc toàn phần) trước khi hoàn tất giai đoạn 2 của chuyển dạ. Nhau bong non có thể có các mức độ khác nhau tuỳ theo mức độ bong tróc của bánh nhau: nhau bong ở rìa bánh nhau, nhau bong một phần và nhau bong hoàn toàn.

Các loại nhau bong non
Hình 1. Các mức độ nhau bong non. Nguồn: Beckmann and Ling’s Obstetrics and Gynecology 8e

TẦN SUẤT XUẤT HIỆN NHAU BONG NON

Nhau bong non là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết ở giai đoạn nửa sau thai kì. Tuy chỉ xuất hiện trong khoảng 0,5 – 1% trong thai kì nhưng lại chiếm đến 23,4% tỉ lệ tử vong chu sinh và 27,6% tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Trong đó, 50% trường hợp nhau bong non xảy ra vào thời điểm trước tuần 36 của thai kì.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ NÀO CÓ THỂ DẪN ĐẾN NHAU BONG NON?

Nguyên nhân cụ thể gây ra nhau bong non còn chưa được hiểu rõ. Tình trạng này thường bắt đầu từ hiện tượng các động mạch xoắn trong màng đệm bị xé vỡ, dẫn đến chảy máu lan rộng trong lớp màng đệm và diễn tiến thành bong tróc nơi bám của bánh nhau.

Nhau bong non có thể do những yếu tố nội tại từ những bệnh lí của mẹ hoặc thai, nhưng cũng có thể xuất hiện do yếu tố ngoại cảnh do chấn thương như té ngã hoặc tai nạn giao thông.

Một số thai phụ có thể dễ xuất hiện tình trạng nhau bong non hơn khi có những yếu tố sau:

  • Tiền căn nhau bong non: nguy cơ tăng gấp 10 – 188 lần
  • Tiền sản giật: tăng 2,1 – 4 lần
  • Tăng huyết áp mạn: tăng 1,8 – 3 lần
  • Có tình trạng xuất huyết dưới màng đệm: tăng 5,7 lần
  • Nhiễm trùng ối: tăng 3 lần
  • Vỡ ối non: tăng 2,4 – 4,9 lần
  • Đa thai: tăng 2 – 8 lần
  • Thai có 1 động mạch rốn: tăng 3,4 lần
  • Đa ối: tăng 1,9 lần
  • Tuổi mẹ cao và sinh nhiều lần: tăng 1,3 – 2,3 lần
  • U xơ tử cung: tăng 2,6 lần
  • Hút thuốc: tăng 1,4 – 1,9 lần

NHAU BONG NON ẢNH HƯỞNG ĐẾN MẸ VÀ THAI NHƯ THẾ NÀO?

  1. Ảnh hưởng mẹ

Do nguồn gốc máu chảy trong nhau bong non là máu của người mẹ, nên nếu không xử trí kịp thời, thai phụ có thể sẽ:

  • Băng huyết sau sinh, truyền máu, cắt tử cung
  • Sốc giảm thể tích (sốc mất máu)
  • Rối loạn đông máu, đông máu nội mạch lan toả (DIC)
  • Suy thận cấp, suy tuyến thượng thận, suy đa cơ quan
  • Tử cung Couvelaire: do máu thấm nhuận vào cơ tử cung và tạo thành những khối máu tụ dưới thanh mạc tử cung, có thể làm cho tử cung không gò tốt
  • Hội chứng Sheehan: do sụt giảm lượng máu cung cấp cho tuyến yên, gây tổn thương tuyến yên, từ đó chức năng của tuyến nội tiết này bị sụt giảm hoặc mất đi
  • Tử vong: 5 – 8%
Tử cung Couvelaire trong nhau bong non
Hình 2. Hình ảnh tử cung Couvelaire. Nguồn: William Obstetrics 26e
  1. Ảnh hưởng thai

Bánh nhau là nguồn vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho thai. Khi xuất hiện nhau bong non, thai sẽ mất đi nguồn cung cấp những chất cần cho việc duy trì sự sống. Điều đó có nghĩa là thai sẽ:

  • Suy thai cấp
  • Sinh non, thai nhẹ cân
  • Toan chuyển hoá
  • Suy hô hấp sơ sinh
  • Di chứng về thần kinh như bại não
  • Thai lưu
  • Tử vong sơ sinh, tử vong chu sinh

TRIỆU CHỨNG NHAU BONG NON LÀ GÌ?

Thông thường, thai phụ bị nhau bong non có thể xuất hiện những triệu chứng như:

  • Đau bụng dữ dội và đột ngột
  • Ra huyết âm đạo: có thể ít hoặc nhiều tuỳ mức độ bong tróc của bánh nhau; đôi khi cũng sẽ không có triệu chứng này do máu tụ chưa được thoát ra ngoài
  • Tử cung co cứng liên tục (tử cung gồng cứng như gỗ)
  • Bất thường tim thai

Hoặc thai phụ sẽ có những triệu chứng do biến chứng này gây ra như:

  • Hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi
  • Da xanh xao, môi tái nhợt, tay chân lạnh
  • Mạch nhanh, tụt huyết áp
  • Ngất

CHẨN ĐOÁN NHAU BONG NON NHƯ THẾ NÀO?

Nhau bong non sẽ được chẩn đoán chủ yếu vào các triệu chứng trên lâm sàng gồm: đau bụng ± ra huyết âm đạo, tử cung gồng cứng như gỗ và bất thường nhịp tim thai.

Siêu âm có thể giúp chẩn đoán trong khoảng 25% các trường hợp, chủ yếu để loại trừ những trường hợp xuất huyết do nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo.

Tình trạng nhau bong non được xem là nặng khi xuất hiện 1 trong các biểu hiện sau:

  • Xuất hiện những biến chứng ở mẹ: đông máu nội mạch lan toả (DIC), sốc, truyền máu, cắt tử cung, suy thận hoặc tử vong
  • Tình trạng thai đe doạ: bất thường về tim thai, thai chậm tăng trưởng, thai lưu
  • Kết cục trẻ sơ sinh xấu: tử vong, sinh non, chậm tăng trưởng

THAI PHỤ MẮC NHAU BONG NON SẼ ĐƯỢC XỬ TRÍ NHƯ THẾ NÀO?

Khi đã xác lập chẩn đoán nhau bong non, quyết định sanh hay không tuỳ thuộc vào tình trạng thai, mức độ chảy máu và tuổi thai.

Sanh ngay lập tức là yêu cầu tối khẩn được đặt ra với tình trạng nhau bong non gây ảnh hưởng tim thai với thai có thể nuôi sống được. Trong trường hợp này, “20 phút” là thời gian vàng kể từ khi ra chẩn đoán đến khi thai được sanh ra, để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé.

Việc lựa chọn phương pháp sanh tuỳ thuộc vào đánh giá của bác sĩ sản khoa. Nếu cuộc sanh qua ngã âm đạo có thể thực hiện ngay thì sản phụ sẽ được cho rặn sanh tích cực hoặc sanh giúp tuỳ tình huống. Trong trường hợp này, bấm ối hay phá ối có thể được thực hiện chọn lọc nhằm giảm áp lực trong buồng tử cung, giảm xuất huyết vị trí nhau bám và cũng vì mục đích thúc đẩy nhanh chuyển dạ. Nếu sanh ngã âm đạo là không khả thi trong thời gian ngắn, thai phụ sẽ được mổ lấy thai.

Tuy nhiên, nếu:

  • Thai quá non tháng (dưới 22 hoặc 24 tuần, tuỳ thuộc vào khả năng nuôi sống của từng bệnh viện): việc sanh có thể chờ đợi nếu tình trạng xuất huyết được đánh giá là nhẹ và tình trạng thai còn ổn định, theo dõi sát thai phụ trong bệnh viện có thể được cân nhắc. Phương pháp sanh cũng sẽ được cân nhắc chuyển sang sanh ngã âm đạo mà không cần mổ lấy thai ngay lập tức.
  • Thai lưu: chờ đợi sanh ngã âm đạo có thể được thực hiện mà không cần mổ lấy thai ngay lập tức.

Song song với quá trình chuẩn bị cho cuộc sanh, một số rối loạn ở người mẹ sẽ được theo dõi và điều chỉnh như bù dịch, truyền máu, theo dõi sinh hiệu và theo dõi biến chứng DIC.

THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ ĐỂ CÓ THỂ HẠN CHẾ NGUY CƠ NHAU BONG NON?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí Nhau bong non tại Phòng khám Mẹ và Bé

Để hạn chế nguy cơ mắc nhau bong non, thai phụ cần:

  • Duy trì lối sống lành mạnh, không hút thuốc
  • Vận động, tập thể dục hợp lí trong thai kì
  • Khám thai định kì đúng hẹn để có thể kiểm soát những tình trạng bệnh lí về tăng huyết áp, tiền sản giật.
  • Đề phòng té ngã ở nơi trơn trượt, tham gia giao thông an toàn, luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô. Nếu bị tai nạn hoặc té ngã, thai phụ nên đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

TÓM LẠI

Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa, có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé nếu như không phát hiện và xử trí kịp thời. Vì vậy, thai phụ cần khám thai đúng hẹn để có thể được tư vấn và quản lí những nguy cơ của nhau bong non đúng mực và hợp lí. Đồng thời, khi có những triệu chứng bất thường như đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo, thai phụ cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ