Những điều cần biết về chuyển phôi

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Chuyển phôi là gì?

Chuyển phôi là một thủ thuật nằm trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF), trong đó phôi thai sau khi nuôi cấy được đưa vào tử cung của người mẹ (Hình 1). Phôi này được nuôi đến ngày 3, ngày 5; và có thể là phôi tươi, hoặc phôi trữ đông đã được tạo ra ở chu kỳ trước đó. Quá trình chuyển phôi trong IVF sẽ được thực hiện vào khoảng ngày 18 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt khi niêm mạc tử cung của người mẹ đạt độ dày chuẩn (9 – 10mm) và sức khỏe của người mẹ tốt, sẵn sàng cho việc mang thai. 

Thủ thuật này xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1984. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học thế giới cũng như sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, quy trình chuyển phôi ngày càng ít xâm lấn, không gây đau và ảnh hưởng nhiều lên tử cung người phụ nữ.

Hình 1 Chuyển phôi là một thủ thuật nằm trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Vì sao cần chuyển phôi?

Sau khi chuẩn bị nội mạc và những điều kiện cần thiết cho phôi làm tổ, bác sĩ sẽ tiến hành đưa phôi vào buồng tử cung. Đây được xem là bước quan trọng trong quy trình thụ tinh ống nghiệm – được áp dụng trong các trường hợp:

  • Vô sinh do rối loạn phóng noãn, tắc hoặc tổn thương vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng…
  • Vô sinh do các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung.
  • Vô sinh do tinh trùng yếu, dị dạng, tinh trùng ít hoặc xuất tinh ngược, không có tinh trùng trong tinh dịch…
  • Cặp đôi lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm.
  • Áp dụng phương pháp bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
  • Vô sinh – hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
  • Các cặp đôi mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.

Quy trình chuyển phôi vào tử cung gồm những bước nào?

Quy trình được chia thành 3 giai đoạn trước, trong và sau chuyển phôi. Cụ thể như sau:

1.Trước chuyển phôi

Trước khi bắt đầu, bạn cần phải chuẩn bị nội mạc tử cung. Hiện tại có nhiều phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung, trong đó phác đồ sử dụng hormone thay thế estrogen và progesterone là phác đồ thông dụng nhất. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bạn sử dụng Estrogen từ ngày 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian chuẩn bị trước chuyển phôi khoảng 2 – 3 tuần. Estrogen có thể sử dụng qua đường uống, đường tiêm, đặt âm đạo hoặc dán qua da nhằm kích thích nội mạc tử cung phát triển. Khoảng 1 tuần sau dùng Estrogen, bạn được siêu âm qua ngã âm đạo để theo dõi sự phát triển của lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc tử cung đạt độ dày tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng Progesterone nhằm mở cửa sổ làm tổ của phôi. Thời gian sử dụng progesterone phụ thuộc vào phôi được chuyển là phôi ngày 3 hay phôi ngày 5. Nếu là phôi ngày 3, progesterone được đặt ngã âm đạo 3 ngày và chuyển phôi ngày sau đó. Nếu là phôi ngày 5 hoặc ngày 6, bạn sẽ cần sử dụng progesterone 5 ngày và chuyển phôi ngày sau đó. Số lượng phôi chuyển nên là 1 và tối đa là 2 phôi để giảm khả năng mang song thai.

2.Trong chuyển phôi

Bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu nhịn tiểu, nằm trên bàn trong tư thế sản khoa. Bác sĩ sử dụng găng tay khử khuẩn, vệ sinh tử cung của bạn bằng cách đặt mỏ vịt, lau cổ tử cung bằng tăm bông. Thông qua hình ảnh qua siêu âm đường bụng, bác sĩ sẽ quan sát niêm mạc buồng tử cung, cổ tử cung, tử cung, góc cổ tử cung cũng như tư thế tử cung để đưa catheter ngoài có nòng kim loại vào buồng tử cung, xác định vị trí đặt phôi, thường cách đáy tử cung khoảng 1 cm. Khi catheter vào tới buồng tử cung, bác sĩ sẽ cố định catheter và rút nòng kim loại ra để chuẩn bị cho việc đưa catheter có chứa phôi vào trong buồng tử cung (Hình 2). Sau đó, catheter này sẽ được đem trở lại phòng Lab để kiểm tra phôi không còn trong catheter.

Hình 2 Quá trình chuyển phôi

3.Sau chuyển phôi

Theo khuyến cáo mới, sau khi chuyển phôi bạn nên bước xuống bàn chuyển phôi và vận động đi lại ngay. Bạn có thể đi tiểu và tiến hành đặt thuốc progesterone ngay và sau đó có thể trở về nhà. Về nhà bạn có thể vận động, đi lại bình thường. Những triệu chứng bạn có thể sau chuyển phôi bao gồm:

  • Cảm thấy co thắt và nặng vùng bụng
  • Cảm thấy buồn nôn

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn sử dụng trong 10-14 ngày sau chuyển phôi. Bạn nên tuân thủ đúng liều lượng dùng thuốc mà bác sĩ hướng dẫn. Bên cạnh đó, bạn nên đi lại và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày nhẹ nhàng, hạn chế đi cầu thang, tránh vận động mạnh và các hoạt động thể lực có cường độ cao như chạy bộ, aerobic cho đến khi thử thai. Tuy nhiên, cũng không nên nằm yên một chỗ, nên tập các bài tập nhẹ nhàng để phòng ngừa nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Một điểm nữa cần lưu ý, bạn vẫn có thể quan hệ tình dục sau khi chuyển phôi.

Khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau, bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tư vấn và can thiệp kịp thời:

  • Khó thở;
  • Đau bụng;
  • Tiểu ít;
  • Tăng cân nhanh;
  • Ra huyết âm đạo;
  • Sốt trên 38.3 độ C;
  • Buồn nôn, nôn kéo dài trên 24 giờ.

Các nguy cơ có thể gặp khi chuyển phôi

Các nguy cơ có thể gặp phải khi chuyển phôi là rất thấp. Những nguy cơ này hầu hết có liên quan đến việc tăng kích thích nội tiết tố bên trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch. Bạn có thể gặp tình trạng chảy máu âm đạo, thay đổi dịch tiết âm đạo. Nguy cơ sảy thai tương đương như trong thụ thai tự nhiên.

Nguy cơ lớn nhất khi chuyển nhiều phôi chính là khả năng mang đa thai. Theo thống kê, tỷ lệ mang đa thai (từ 2 thai trở lên) trong thụ tinh ống nghiệm là khoảng 25%, cao gấp 20 lần so với tỷ lệ mang đa thai ở các ca thụ thai tự nhiên. Việc mang đa thai sẽ gây nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Do đó, chủ động giảm số phôi ở mỗi lần chuyển phôi sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ mang đa thai.

Tóm lại,

Chuyển phôi được xem là thủ thuật vô cùng quan trọng trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhằm đưa phôi thai vào tử cung người mẹ để phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. Ngày nay, nhờ sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, việc chuyển phôi vào buồng tử cung có thể thực hiện một cách nhanh chóng, không gây đau đớn và không cần phải nhập viện sau thủ thuật. Chúc các cặp đôi có hành trình điều trị hiếm muộn diễn ra suôn sẻ và sớm gặp được con yêu nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ