Những điều cần biết về tầm soát và dự phòng sinh non trong thai kì

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Tất cả những phụ nữ mang thai đều mong rằng mình có một thai kì khoẻ mạnh và “đủ tháng đủ ngày”. Tuy nhiên, vì một lí do nào đó mà những đứa con của mình phải chào đời sớm hơn dự kiến. Vì vậy, làm cách nào có thể tầm soát và dự phòng được nguy cơ sinh non trong quá trình mang thai cho các mẹ bầu?

SINH NON LÀ GÌ?

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (World Health Organization – WHO), sinh non là tình trạng trẻ sinh ra trong khoảng từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Mức độ non tháng còn được phân chia theo tuổi thai như sau:

  • Sinh cực non (extremely preterm): sinh dưới 28 tuần
  • Sinh rất non (very preterm): sinh trong khoảng từ 28 đến 32 tuần
  • Sinh non muộn (late preterm): sinh trong khoảng từ 32 đến trước 37 tuần

SINH NON GÂY RA NHỮNG ẢNH HƯỞNG GÌ LÊN TRẺ SƠ SINH?

Ước tính trong năm 2020, đã có khoảng 13,4 triệu trẻ sơ sinh non tháng với tỉ lệ khoảng 10% trong tổng số các thai kì. Điều này có nghĩa là cứ 10 trẻ được sinh ra thì có 1 trẻ sinh non tháng. Hơn nữa, trong số những đứa trẻ non tháng này thì lại có gần 1 triệu trẻ tử vong do những biến chứng của non tháng. Đây cũng là 1 trong 5 nguyên nhân tử vong chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi. Với những trẻ sống sót có thể chịu nhiều vấn đề bệnh tật dài hạn2. Những ảnh hưởng đa cơ quan lên trẻ non tháng bao gồm:

  •  Phổi: hội chứng suy hô hấp, loạn sản phế quản – phổi, hen. 
  • Tiêu hoá, dinh dưỡng: Tăng bilirubin máu, viêm ruột hoại tử, tăng trưởng kém, hội chứng ruột ngắn, ứ mật
  • Miễn dịch: Nhiễm khuẩn bệnh viện, suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng chu sinh
  • Hệ thần kinh: Xuất huyết nội sọ, hoại tử trắng quanh não thất, não úng thuỷ, bại não, teo não, chậm phát triển tâm thần – vận động, khiếm thính
  • Mắt: bệnh lí võng mạc ở trẻ sinh non, mù, bong võng mạc, cận thị, lác mắt
  • Tim mạch: Hạ huyết áp, còn ống động mạch, tăng áp phổi, tăng huyết áp
  • Thận: Mất cân bằng nước – điện giải, mất cân bằng kiềm toan
  • Huyết học : Thiếu máu có thể cần truyền máu thường xuyên
  • Nội tiết: Hạ đường huyết, nồng độ thyroxine thấp thoáng qua, thiếu hụt cortisol, rối loạn dung nạp đường huyết, tăng đề kháng insulin

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY SINH NON

Những cơ chế sinh non tự phát được đề xuất
Hình 1. Những cơ chế sinh non tự phát được đề xuất

Sinh non có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó 4 nguyên nhân chính có thể gây sinh non bao gồm: (1) sinh non tự phát với màng ối nguyên vẹn, (2) vỡ ối non vô căn, (3) sinh theo chỉ định y khoa và (4) đa thai. Trong đó sinh non tự phát thường hay gặp nhất và có thể do một hay nhiều nguyên nhân phối hợp (Hình 1). 

NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA SINH NON

Trong quá trình mang thai, một số yếu tố có thể giúp gợi ý về khả năng sinh non của thai kì lần này. Những yếu tố đó bao gồm:

  • Tiền căn sinh non
  • Cân nặng trước mang thai của mẹ thấp
  • Thuốc lá, chất gây nghiện
  • Khoảng thời gian giữa 2 lần mang thai ngắn (ít hơn 18 tháng)
  • Ra máu âm đạo khi mang thai
  • Nhiễm trùng tiểu, viêm đường sinh dục, bệnh về răng miệng
  • Tiền căn thủ thuật ở cổ tử cung như khoét chóp cổ tử cung
  • Đa thai

NHỮNG KHUYẾN CÁO VỀ TẦM SOÁT NGUY CƠ SINH NON TRONG THAI KÌ

Để tầm soát nguy cơ sinh non tự phát trong thai kì, tất cả các thai phụ đều sẽ được siêu âm đo chiều dài kênh cổ tử cung (cervical length – CL). Siêu âm này sẽ thường được thực hiện qua đường âm đạo để giúp tạo hình ảnh tốt hơn về hình dạng cũng như chiều dài của kênh cổ tử cung. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà sẽ có những thời điểm và số lần thực hiện siêu âm đo CL khác nhau. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ (American College of Obstetricians and Gynecologists – ACOG) năm 2021, chiến lược tầm soát sinh non sẽ bao gồm:

  • Tất cả những thai phụ không có tiền căn sinh non tự phát sẽ được thực hiện siêu âm đo CL vào thời điểm siêu âm hình thái lúc 18 – 22 tuần 6 ngày.
  • Riêng đối với những trường hợp đơn thai và đã có tiền căn sinh non tự phát trước đó sẽ được thực hiện siêu âm đo CL mỗi 2 tuần từ 16 tuần đến 24 tuần.

CÁC PHƯƠNG PHÁP DỰ PHÒNG SINH NON HIỆN NAY

Hiện nay, progesterone, khâu vòng CTC và đặt vòng nâng pessary là ba phương pháp dự phòng sinh non được áp dụng hiện nay. Tuỳ theo từng trường hợp mà các bác sĩ sản khoa sẽ có những lựa chọn phù hợp. 

1. Progesterone đặt âm đạo

Đây là loại thuốc đầu tay thường được sử dụng cho thai phụ doạ sinh non để giúp các mẹ bầu dự phòng nguy cơ sinh non trong thai kì. Thuốc có thể được thực hiện qua đường tiêm bắp, đặt âm đạo hoặc trực tràng. Một số chỉ định dùng thuốc bao gồm:

  • Progesterone đặt âm đạo được khuyến cáo sử dụng cho những trường hợp đơn thai, CL ngắn (< 25 mm), không triệu chứng sinh non và không tiền căn sinh non
  • Progesterone (đặt âm đạo hoặc tiêm bắp) được khuyến cáo sử dụng cho đơn thai và có tiền căn sinh non tự phát.
  • Không khuyến cáo dùng dự phòng thường quy để dự phòng sinh non chỉ vì lí do đa thai 

2. Khâu vòng cổ tử cung (cerclage)

Khâu vòng CTC dự phòng sinh non
Hình 2. Khâu vòng cổ tử cung. Nguồn: my.clevelandclinic.org

Đây là một phương pháp xâm lấn, cần được thực hiện tại bệnh viện. Phương pháp này giúp tạo một lực lên cổ tử cung với hi vọng có thể giúp kéo dài thai kì và giữ thai đến khi đủ trưởng thành. Khâu vòng cổ tử cung có thể được cân nhắc trong các trường hợp:

  • Đơn thai, không tiền căn sinh non, có CL ≤ 10 mm; 
  • Đơn thai, tiền căn sinh non tự phát và CL ≤ 25 mm (có thể kết hợp với progesterone)
  • Không được khuyến cáo dự phòng sinh non chỉ vì đa thai.

3. Vòng nâng pessary

Hình 3. Đặt vòng nâng Arabin. Nguồn: tommys.org

Đây cũng là phương pháp thường được các bác sĩ lựa chọn. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn chưa cho thấy hiệu quả nhiều trong các nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc đặt vòng nâng cũng gây nhiều khó chịu và tăng tiết dịch âm đạo cho các mẹ bầu. 

Ngoài ra, một số khuyến cáo khác ngoài 3 phương pháp trên như:

  • Không sử dụng kháng sinh vì mục đích dự phòng sinh non và điều trị loạn khuẩn âm đạo không triệu chứng.
  • Hạn chế vận động không được khuyến cáo để làm giảm nguy cơ sinh non 

TÓM LẠI

Sinh non là một biến chứng thường gặp trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể được phát hiện và dự phòng kịp thời. Vì vậy, các mẹ bầu cần khám thai đúng hẹn để có thể được thăm khám và tầm soát đầy đủ nhé! 






Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ