BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê
Niêm mạc tử cung mỏng là gì?
Niêm mạc tử cung mỏng là tình trạng lớp niêm mạc tử cung có độ dày < 7 mm trên siêu âm, đây là tình trạng ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng sinh sản của nữ giới. Niêm mạc được xem là ngôi nhà của thai nhi, là nơi bảo vệ và giúp phôi thai có thể phát triển khỏe mạnh.
Trong chu kỳ kinh nguyệt sinh lý của người phụ nữ, niêm mạc tử cung sẽ có sự thay đổi về độ dày trong từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, đối với phụ nữ có lớp niêm mạc tử cung bình thường, thông số độ dày sẽ giao động theo chu kỳ:
- Niêm mạc tử cung mỏng nhất ngay sau khi sạch kinh (khoảng 4 – 6 mm).
- Nửa đầu của giai đoạn tăng sinh niêm mạc bắt đầu từ những ngày đầu chu kỳ kéo dài đến khoảng ngày thứ 14 (trước ngày rụng trứng) của chu kỳ kinh, hay còn gọi là giai đoạn tăng sinh. Ở giai đoạn này, estrogen – được sản xuất bởi buồng trứng – làm cho niêm mạc tử cung phát triển để chuẩn bị cho việc tử cung có thể mang thai. Độ dày trung bình của niêm mạc tử cung tại thời điểm rụng trứng là từ 8 – 12 mm.
- Sau khi rụng trứng, lớp niêm mạc tử cung do tác động của progesterone của hoàng thể buồng trứng sẽ chuyển sang giai đoạn tăng sinh mạch máu (giai đoạn chế tiết) để sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh, đồng thời hỗ trợ nhau thai – cơ quan phát triển trong thời kỳ mang thai để cung cấp oxy, máu và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Niêm mạc tử cung giai đoạn này có độ dày có thể lên đến khoảng 12 – 16 mm.
- Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, hoàng thể bị thoái hóa khiến nồng độ hormone giảm đột ngột, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra, gây ra hiện tượng kinh nguyệt. Sau đó, một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Hình 1. Niêm mạc tử cung ở thời điểm sẵn sàng chuyển phôi (Nguồn)
Khi lớp niêm mạc tử cung vào thời điểm rụng trứng trong chu kỳ bị đánh giá là mỏng thì việc thụ thai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thai nhi sẽ không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết để phát triển, việc niêm mạc mỏng cũng giảm khả năng giữ thai trong tử cung, thai nhi có nguy cơ bong khỏi lớp niêm mạc dẫn đến sảy thai và các biến cố khác trong thai kỳ.
Nguyên nhân khiến niêm mạc tử cung mỏng là gì?
Một số nguyên nhân khiến nội mạc tử cung mỏng bao gồm:
- Nội mạc tử cung đề kháng với estrogen
- Giảm cấp máu đến nội mạc tử cung
- Ảnh hưởng quá mức của testosterone
- Lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương: trong trường hợp bệnh nhân có thực hiện thủ thuật lên nội mạc tử cung trước đó như nạo phá thai,…
Niêm mạc tử cung mỏng được chẩn đoán như thế nào?
Để biết niêm mạc tử cung mỏng hay dày thì cần xác định qua một số phương pháp chẩn đoán như siêu âm đầu dò âm đạo hay chụp MRI kiểm tra. Siêu âm là một phương pháp không xâm lấn, nhanh, và rẻ tiền, vì vậy thường được sử dụng nhất. Nội mạc tử mỏng khi bề dày đo trên siêu âm <7 mm vào ngày tiêm thuốc trưởng thành noãn. Theo các nghiên cứu, độ dày nội mạc tử cung 8-14 mm vào ngày tiêm thuốc trưởng thành noãn là thuận lợi nhất cho quá trình hỗ trợ sinh sản.
Điều trị niêm mạc tử cung mỏng như thế nào?
- Phương pháp thường được sử dụng nhất là bổ sung estrogen, tuy nhiên liều dùng hiện tại chưa thống nhất, và có tác dụng làm tăng bề dày nội mạc tử cung ở 80% trường hợp.
- Sử dụng Vitamin E liều cao: việc sử dụng vitamin E liều cao giúp tăng phát triển tuyến nội mạc tử cung, giúp làm tăng bề dày nội mạc tử cung ở 52% trường hợp3.
- Bổ sung L-Arginine: là một dạng amino acid giúp cải thiện dòng máu đến tử cung, làm tăng sự chấp nhận của nội mạc tử cung.
- Sildenafil đặt âm đạo: giúp cải thiện dòng máu đến tử cung. Sildenafil cùng với estrogen giúp tăng sự phát triển nội mạc tử cung, điều hòa sự phát triển của tế bào, giúp tăng khả năng làm tổ.
Một số phương pháp điều trị mới bao gồm:
- Yếu tố kích thích tế bào tủy xương (Granulocyte Colony Stimulating Factor G-CSF): thường được áp dụng trong trường hợp điều trị nội tiết không thành công.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào buồng tử cung: tác dụng lên tế bào màng đáy làm tiết các yếu tố tăng trưởng, qua đó làm phát triển nội mạc tử cung. Vì vậy độ dày của nội mạc tử cung sẽ phát triển tốt hơn4.
- Tái cấu trúc nội mạc tử cung bằng liệu pháp tế bào gốc: là phương pháp nhiều hứa hẹn, tuy nghiên cần nghiên cứu thêm về tính an toàn, hiệu quả và giá thành.
Tóm lại
Niêm mạc tử cung khỏe mạnh là yếu tố cần thiết để thai nhi có thể phát triển tốt trong bụng mẹ. Tuy nhiên nếu lớp niêm mạc tử cung mỏng sẽ khiến phôi thai khó làm tổ hoặc khó nhận được sự nuôi dưỡng thích hợp trong suốt thai kỳ. Niêm mạc tử cung mỏng không thường gặp nhưng là thách thức đối với bệnh nhân và thầy thuốc. Chúc các cặp đôi có hành trình điều trị hiếm muộn suôn sẻ và sớm gặp được con yêu nhé!