Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Nguyễn Trần Khánh Hiền
Mong ước sinh được một đứa con khoẻ mạnh là mong muốn của mọi thai phụ và khám thai chính là hoạt động có thể giúp cho các thai phụ đạt được mong muốn này. Trong đó, vấn đề tầm soát lệch bội là một trong những khía cạnh không thể thiếu trong những tháng đầu tiên của thai kì. Hiện nay, có khá nhiều loại xét nghiệm có thể giúp phát hiện những bất thường trong phát triển của phôi thai. Trong đó, xét nghiệm tiền sản không xâm lấn hay NIPT là xét nghiệm được các thai phụ tin tưởng lựa chọn thực hiện ngày càng phổ biến. Vậy NIPT là gì và có những ưu điểm như thế nào?
XÉT NGHIỆM TIỀN SẢN KHÔNG XÂM LẤN – NIPT LÀ GÌ?
Xét nghiệm tiền sản không xâm lấn hay NIPT (Non-Invasive Prenatal Testing) là phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn, được sử dụng rộng rãi để tầm soát nguy cơ lệch bội của thai như trisomy 21, 18, 13 và một số đột biến vi mất đoạn, chuyển đoạn phổ biến khác.
Xét nghiệm NIPT ngày càng được tin cậy để lựa chọn sử dụng phổ biến bởi tính an toàn, không tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai và hiệu quả với độ chính xác cao có thể lên đến 99%.
NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XÉT NGHIỆM NIPT
Trong quá trình mang thai, sẽ có một lượng DNA tự do xuất phát từ gai nhau của thai nhi (cell-free fetal DNA – cffDNA) di chuyển vào máu mẹ, hàm lượng cffDNA này sẽ tăng dần theo sự phát triển của thai nhi. Dựa trên nguyên lý này, NIPT hoạt động bằng cách xác định và định lượng cffDNA trong máu mẹ, đưa ra những khái niệm về bộ nhiễm sắc thể thai nhi, từ đó giúp xác định những bất thường có thể có.
NHỮNG BẤT THƯỜNG Ở THAI NHI CÓ THỂ ĐƯỢC SÀNG LỌC VÀ PHÁT HIỆN BỞI NIPT
Tuy NIPT có thể khảo sát qua toàn bộ bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, không phải tất cả những bất thường về hệ di truyền cũng có thể được phát hiện. Chỉ một số những bất thường lớn về lệch bội thường gặp được nhận biết và phát hiện bởi NIPT như:
Hội chứng Down (Trisomy 21): trẻ mang đặc trưng “gương mặt trẻ Down”: đầu ngắn, mắt xếch, xương mũi ngắn, tẹt, hai mắt xa nhau,…; trẻ kém phát triển về trí tuệ lẫn thể chất.
Hội chứng Edwards (Trisomy 18): thai có bộ nhiễm sắc thể Trisomy 18 thường chậm phát triển, thai lưu, sinh non. Trẻ sinh ra mắc những dị tật ở các cơ quan: tim, cột sống, tay, chân,…; trẻ bị thiểu năng trí tuệ nghiêm trọng.
Hội chứng Patau (Trisomy 13): trẻ sinh ra mang bất thường về tim, thận não, các dị tật: môi sức, chẻ vòm hầu, bàn chân vẹo,…; trẻ bị khiếm khuyết nặng nề về trí tuệ lẫn thể chất.
Hội chứng Turner (45,X): trẻ thường mang các biểu hiện đặc trưng: lùn, thừa da cổ, thiểu năng sinh dục (suy buồng trứng sớm),…
Hội chứng siêu nữ (47,XXX): trẻ có chiều cao vượt ngưỡng trung bình, chậm phát triển về các kĩ năng, yếu trương lực cơ, nữ giỏi mắc hội chứng siêu nữ có thể dậy thì muộn hoặc từ rất sớm, rối loạn chu kì kinh nguyệt hoặc vô kinh, có bất thường ở buồng trứng.
Hội chứng Klinefelter (47, XXY): trẻ có dấu hiệu chậm phát triển về trí tuệ, tinh hoàn có thể không đi xuống dưới bìu, sự thay đổi thể chất chậm, nam giới mắc hội chứng Klinefelter có thể bị vô sinh vì bộ phận sinh dục không phát triển và suy giảm ham muốn tình dục.
Hội chứng DiGeorge (đột biến vi mất đoạn NST 22): trẻ mang các đặc trưng: tai thấp, mắt rộng, hở hàm ếch, thường bị dị tật tim, suy giảm miễn dịch.
HIỆU QUẢ SÀNG LỌC CÁC BẤT THƯỜNG LỆCH BỘI CỦA NIPT RA SAO?
NIPT được áp dụng rộng rãi nhờ vào những lợi thế về hiệu quả tầm soát lệch bội với khả năng phát hiện cao, độ chính xác được cải thiện đáng kể so với những xét nghiệm truyền thống và là một xét nghiệm không xâm lấn, an toàn cho mẹ và thai. Tuy nhiên, hiệu quả của NIPT trong phát hiện những bất thường lệch bội khác nhau cũng có sự khác biệt.
Đầu tiên, hội chứng Down hay trisomy 21 là loại lệch bội thường gặp. Hiệu quả của NIPT trong tầm soát hội chứng Down được xem là cao nhất trong các loại xét nghiệm tầm soát với khả năng phát hiện (DR) > 99% và độ đặc hiệu (Sp) là 99,8%. Với những dạng lệch bội ít gặp hơn như trisomy 18, 13 hay Turner (XO) thì khả năng phát hiện và độ đặc hiệu cũng có chênh lệch như T18 có DR = 97,4% và Sp = 99,6%; T13 có DR = 87,5% và Sp > 99% và Turner có DR = 95% và Sp = 99%. Nhìn chung, hiệu quả tầm soát của NIPT đã được cải thiện đáng kể so với những xét nghiệm truyền thống trước đây.
ƯU ĐIỂM CỦA NIPT
NIPT ngày càng được ứng dụng rộng rãi nhờ vào một số ưu điểm như:
- NIPT được thực hiện sớm nhất khi ở tuần thứ 9 của thai kì, và có thể được thực hiện ở bất cứ thời điểm nào trong suốt thai kì sau đó. Điều này sẽ phù hợp với những thai phụ phát hiện có thai muộn vào tam cá nguyệt 2, thậm chí tam cá nguyệt 3.
- NIPT giúp làm giảm số ca phải làm những xét nghiệm xâm lấn như chọc ối đi 10%.
- Khi thực hiện NIPT, thai phụ sẽ chỉ cần lấy 1 mẫu gồm 7-10ml máu tĩnh mạch. Vì thế, đây là một phương pháp không xâm lấn, không gây đau, được thực hiện một cách đơn giản và nhanh chóng, rất an toàn và không tiềm ẩn nguy cơ sảy thai như các phương pháp chẩn đoán xâm lấn: chọc ối, sinh thiết gai nhau.
- Độ nhạy và độ đặc hiệu của NIPT rất cao, lên đến 99% đối với hội chứng Down.
NHƯỢC ĐIỂM CỦA NIPT
Dù có khá nhiều ưu thế, NIPT vẫn có những hạn chế nhất định:
- Đây là xét nghiệm có chi phí khá cao, chưa được phổ biến ở các vùng có kinh tế thấp.
- Dù NIPT có độ tin cậy cao nhưng xét nghiệm này chỉ là một xét nghiệm mang tính chất tầm soát chứ không phải xét nghiệm chẩn đoán. Bởi vì các cffDNA thực chất là các DNA bị phân mảnh trong quá trình chết theo chu trình của gai nhau, thể hiện cấu trúc di truyền của nhau thai chứ không phải của thai nhi.
- Khả năng tầm soát của NIPT lên đến hơn 99% nhưng vẫn có 1% dương tính giả. Các trường hợp làm sai lệch kết quả NIPT:
- Hiện tượng khảm thai-nhau thai: nhau thai và thai nhi mang bộ NST khác nhau (Hình 1)
- Mẹ mang thể khảm.
- Thực hiện IVF với noãn hiến tặng.
- Mẹ mắc các bệnh lý ác tính.
- Hàm lượng Cell-free DNA thấp: do lấy mẫu ở tuần thai sớm, tình trạng béo phì của mẹ, các vấn đề kỹ thuật.
- Song thai có 1 thai lưu hoặc 1 thai tiêu biến.
NIPT CÓ GIÚP XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH CỦA THAI NHI KHÔNG?
Tuy việc thực hiện NIPT giúp tái dựng lại bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, từ đó có thể xác định giới tính của thai nhưng pháp luật Việt Nam hiện chưa cho phép việc công bố giới tính thai trong quá trình khám thai để hạn chế việc chọn giới tính. Vì vậy, thai phụ sẽ không biết được giới tính của thai nhi thông qua kết quả của NIPT trừ khi có sự bất thường trên nhiễm sắc thể giới tính.
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC KHUYẾN CÁO THỰC HIỆN NIPT
Một số thai phụ nên được khuyên thực hiện NIPT hơn là những xét nghiệm tầm soát dị tật truyền thống như:
- Thai phụ lớn tuổi (> 35 tuổi).
- Thai phụ làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm, tiếp xúc với tia phóng xạ,…
- Thai phụ từng mang thai lệch bội.
- Tiền căn gia đình có người mắc các bệnh liên quan đến rối loạn di truyền, nhiễm sắc thể.
- Test sàng lọc 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thai kì có nguy cơ vùng xám hoặc nguy cơ cao.
- Siêu âm phát hiện các soft-marker, các bất thường hình thái gợi ý nhiều đến lệch bội.
KHI KẾT QUẢ NIPT BẤT THƯỜNG, THAI PHỤ CẦN LÀM GÌ?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (ACOG) năm 2020, khi phát hiện những bất thường trên xét nghiệm tầm soát lệch bội, thai phụ cần được siêu âm toàn diện về những dấu ấn gợi ý lệch bội và tư vấn di truyền cụ thể để xem xét khả năng về việc cần một xét nghiệm xâm lấn để chẩn đoán như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối. Mặc dù NIPT có khả năng tầm soát T21 lên đến 99%, nhưng đây vẫn là một xét nghiệm tầm soát. Do đó, thai phụ vẫn cần được tư vấn di truyền và thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán sau đó.
TÓM LẠI
Xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT) là một phương pháp sàng lọc hiệu quả cao đối với các bất thường nhiễm sắc thể: Trisomy 13, Trisomy 18, Trisomy 21,…Đây là một phương pháp an toàn, có độ tin cậy cao lên đến hơn 99%. Tuy chi phí thực hiện khá cao nhưng hiện nay NIPT ngày càng trở nên phổ biến và được khuyến cáo thực hiện ở các thai phụ có nguy cơ cao về thai lệch bội.