Ốm nghén: nỗi ám ảnh của mọi thai phụ

Ốm nghén khi mang thai

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Ốm nghén khi mang thai là triệu chứng phổ biến thường gặp nhưng cũng là nỗi ám ảnh của mọi thai phụ vì những cảm giác khó chịu và mệt mỏi mà nó đem lại. Vậy thai phụ cần làm gì để làm giảm những triệu chứng ốm nghén?

ỐM NGHÉN LÀ GÌ?

Ốm nghén là tình trạng buồn nôn và nôn ở phụ nữ mang thai. Tình trạng này xuất hiện trong khoảng 50 – 80% thai phụ. Với những thai phụ mà thai kì trước có ốm nghén thì nguy cơ tái phát triệu chứng này có thể lên đến 81%.

Hội chứng ốm nghén nặng (hyperemesis gravidarum – HG) là tình trạng là buồn nôn và nôn nghiêm trọng không ngừng dẫn đến sụt cân (ít nhất 5% so với cân nặng trước mang thai), mất nước, nhiễm ceton, nhiễm kiềm do mất axit hydrochloric và hạ kali máu. Tình trạng này xảy ra trong khoảng 0,3 – 3% thai phụ.

NGUYÊN NHÂN CỦA ỐM NGHÉN KHI MANG THAI

Ốm nghén có thể xuất hiện từ những giai đoạn sớm của thai kì từ tuần thứ 4 – 5, cao nhất vào tuần 9 – 10 và 90% trường hợp sẽ hết vào tuần 20 (Hình 1). Sự xuất hiện của ốm nghén khi mang thai có thể đến từ nhiều nguyên nhân sinh lí:

  • Human chorionic gonadotropin (HCG): do bánh nhau tiết ra trong thai kì. Người ta nhận thấy có mối tương quan thuận giữa nồng độ HCG và độ nặng của các triệu chứng ốm nghén (Hình 1)
  • Estrogen
  • Đáp ứng thích nghi: Ốm nghén được xem là một triệu chứng giúp bảo vệ thai phụ khỏi những gì mà cơ thể cho là nguy hiểm
  • Khuynh hướng tâm lí: ốm nghén cũng được cho là một đáp ứng về mặt tâm lí của thai phụ khi đối mặt với stress
Mối liên quan của ốm nghén và nồng độ bhCG
Hình 1. Mối liên hệ giữa triệu chứng ốm nghén (đường màu vàng) và nồng độ hCG trong thai kì (đường màu cam)

TRIỆU CHỨNG CỦA ỐM NGHÉN TRONG THAI KÌ

Những triệu chứng của ốm nghén chỉ bao gồm tình trạng buồn nônnôn trong nửa đầu thai kì. Sự xuất hiện của những triệu chứng khác (đau bụng dai dẳng, đau bụng sau nôn, sốt, đau đầu…) và thời gian xuất hiện triệu chứng ngoài khoảng thời gian này có thể gợi ý đến những bệnh lí khác như:

  • Đường tiêu hoá: viêm dạ dày – ruột, loét dạ dày, liệt dạ dày, viêm ruột thừa, bệnh lí gan, mật, tuỵ
  • Bệnh lí tiết niệu – sinh dục: viêm đài bể thận cấp, tăng urê máu, xoắn u buồng trứng, sỏi thận, u xơ tử cung thoái hoá
  • Bệnh lí chuyển hoá: đái tháo đường tăng ceton, bệnh Addison, cường giáp, cường cận giáp
  • Bệnh lí thần kinh: đau đầu Migraine, giả u não, tổn thương tiền đình, u hệ thần kinh
  • Bệnh lí khác liên quan thai kì: gan nhiễm mỡ cấp trong thai kì, tiền sản giật
  • Bệnh lí khác: tâm lí, ngộ độc hoặc không dung nạp thuốc, thức ăn

MỨC ĐỘ CỦA TRIỆU CHỨNG ỐM NGHÉN TRONG THAI KÌ

Độ nặng của ốm nghén sẽ được đánh giá qua bảng điểm PUQE (pregnancy-unique quantification of emesis and nausea) như sau (Hình 2):

Thang điểm PUQE đánh giá tình trạng ốm nghén
Hình 2. Bảng điểm PUQE đánh giá độ nặng của ốm nghén

THAI PHỤ NÀO DỄ BỊ ỐM NGHÉN KHI MANG THAI?

Tuy ốm nghén là triệu chứng thường gặp khi mang thai, nhưng một số thai phụ có thể dễ mắc ốm nghén hơn và triệu chứng có thể nặng hơn như:

  • Gia tăng khối lượng bánh nhau: đa thai, thai trứng
  • Tiền căn say tàu xe
  • Đau đầu migraine
  • Tiền căn gia đình mắc ốm nghén
  • Tiền căn ốm nghén hoặc ốm nghén nặng (HG) trong thai kì trước
  • Mang thai giới tính nữ

ẢNH HƯỞNG CỦA ỐM NGHÉN LÊN MẸ VÀ THAI

  1. Ảnh hưởng lên mẹ

Tình trạng ốm nghén nhẹ hoặc trung bình thường sẽ không gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này trở nặng và không được điều trị có thể dẫn đến:

  • Thiếu nước, mất cân bằng điện giải
  • Bệnh não Wernick: do thiếu vitamin B1, liên quan đến HG, gây ra những nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh lâu dài
  • Vỡ lách, vỡ thực quản
  • Tràn khí màng phổi
  • Viêm ống thận kẽ cấp
  • Trầm cảm, lo lắng và những bệnh tâm thần khác có thể đi đến quyết định chấm dứt thai kì
  1. Ảnh hưởng lên thai

Với những tình trạng ốm nghén nhẹ hoặc trung bình thường ít ảnh hưởng lên thai. Ngược lại, người ta nhận thấy những thai phụ bị ốm nghén lại có tỉ lệ sẩy thai thấp hơn. Nguyên nhân có thể do sự phát triển mạnh mẽ của nhau thai ở những thai kì khoẻ mạnh.

Một số nghiên cứu cho thấy HG liên quan đến thai nhẹ cân hoặc thai non tháng nhưng cũng không làm gia tăng tỉ lệ tử vong và bệnh tật ở thai. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, ốm nghén và thậm chí là HG là một dấu hiệu tốt về những kết cục thuận lợi của thai kì.

NHỮNG LIỆU PHÁP KHÔNG THUỐC GIÚP ĐIỀU TRỊ ỐM NGHÉN

Khi thai phụ có triệu chứng ốm nghén, những liệu pháp không dùng thuốc sẽ được khuyến cáo sử dụng đầu tiên. Một số phương pháp có thể giúp thai phụ giảm bớt triệu chứng ốm nghén gồm:

Huyệt Nội quan trong điều trị ốm nghén
Hình 3. Huyệt Nội quan (điểm P6) (Nguồn)
  • Chia nhỏ những bữa ăn cách nhau khoảng 1 – 2 giờ để tránh tình trạng đầy dạ dày
  • Tránh thức ăn cay và béo
  • Loại bỏ viên uống sắt và những viên đa sinh tố chứa sắt; thay thế bằng bổ sung acid folic
  • Những thực phẩm chứa nhiều protein ít gây ốm nghén hơn những thực phẩm chứa carbohydrate hay chất béo
  • Nghỉ ngơi, tránh những kích thích của các giác quan như mùi hôi, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn, đèn nhấp nháy.
  • Gừng: đây là loại thực phẩm có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn. Có thể sử dụng gừng trong các bữa ăn, kẹo gừng, trà gừng hoặc có thể uống viên thuốc chứa gừng 250mg 4 lần mỗi ngày
  • Bấm huyệt, châm cứu, kích thích thần kinh bằng dòng điện nhẹ vào điểm P6 hay huyệt Nội quan (nằm mặt trong cẳng tay, cách cổ tay 3 khoát ngón tay và giữa 2 gân cơ): có thể có hiệu quả trong một số trường hợp

Ngoài ra, để dự phòng ốm nghén khi mang thai ở những đối tượng có nguy cơ, việc uống vitamin trước khi có thai 1 tháng có thể làm giảm tần suất và độ nặng của ốm nghén.

NHỮNG THUỐC GIÚP ĐIỀU CHỈNH TÌNH TRẠNG ỐM NGHÉN

Khi thai phụ thất bại với những liệu pháp không dùng thuốc, một số thuốc sau đây có thể được sử dụng. Chúng đều là những thuốc đã cho thấy không gây dị tật thai nếu được sử dụng đúng chỉ định.

  1. Vitamin B6 +/- Doxylamine

Đây là thuốc đầu tay trong điều trị ốm nghén trong thai kì, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Hoa Kì (Food and Drug Administration – FDA) dán nhãn để điều trị ốm nghén trên những thai phụ không đáp ứng có thay đổi chế độ ăn và lối sống. Vitamin B6 có thể sử dụng đơn độc hoặc ở dạng viên kết hợp với Doxylamine.

  1. Nhóm thuốc đối vận Dopamine (metoclopramide và nhóm phenothiazine: promethazine, prochlorperazine, hoặc chlorpromazine)

Có thể dùng đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc đặt trực tràng, có thể giảm triệu chứng buồn nôn và nôn trong vòng 24 giờ. Tác dụng phụ gồm khô miệng, buồn ngủ, loạn trương lực cơ và an thần.

  1. Nhóm kháng histamines H1 (dimenhydrinate và diphenhydramine)

Hiệu quả trong việc giảm buồn nôn và nôn, tuy nhiên nhóm thuốc này cũng có các tác dụng phụ như: an thần, khô miệng, chóng mặt và táo bón.

  1. Nhóm đối vận thụ thể Serotonin 5-hydroxytryptamine type 3 hay 5-HT3 (ondansetron)

Trong một số nghiên cứu cho thấy ondansetron hiệu quả hơn vitamin B6 trong tác dụng làm giảm buồn nôn và nôn. Một số tác dụng phụ có thể có như: nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, táo bón và đặc biệt là QT dài.

Khi sử dụng nhóm thuốc này, thai phụ cần được xem xét kĩ về tiền sử bản thân và gia đình về hội chứng QT dài, loạn nhịp tim, suy tim, hạ kali máu, hạ magne máu và cần được theo dõi với điện giải đồ và điện tâm đồ. Để giảm bớt nguy cơ tim mạch do nhóm thuốc này gây ra, FDA khuyến cáo không tiêm mạch với liều quá 16 mg.

Một số thuốc mà khi thai phụ nên tránh sử dụng chung với ondansetron: kháng histamines (hydroxyzine), giảm đau và an thần (methadone, oxycodone, và chloral hydrate), thuốc lợi tiểu, kháng cholinergics, chống loạn nhịp (amiodarone, sotalol, quinidine, procainamide, và flecainide), chống loạn thần (thioridazine, haloperidol, chlorpromazine, và clozapine), chống trầm cảm 3 vòng, 4 vòng (amitriptyline, imipramine, và clomipramine), kháng sinh nhóm Macrolide (erythromycin và azithromycin), Trazodone, Fluoxetine, chống sốt rét (chloroquine, mefloquine, và quinine), Metronidazole và thuốc ức HIV protease.

  1. Steroids

Steroid có thể làm giảm triệu chứng ốm nghén, đặc biệt là HG và giảm số lần tái nhập viện vì ốm nghén. Một số báo cáo nhỏ cho thấy steroid gây chẻ vòm hầu khi sử dụng ở thai < 10 tuần (tỉ lệ dị tật là 1-2/1000 ca). Do đó, steroid không được khuyến cáo khi sử dụng cho thai < 10 tuần.

Phác đồ thường được sử dụng là methylprednisolone, 48 mg mỗi ngày trong 3 ngày, uống hoặc tiêm mạch. Sau 3 ngày nếu không thuyên giảm thì nên ngưng. Nếu thai phụ có đáp ứng với thuốc, thuốc sẽ được tiếp tục sử dụng giảm liều dần trong 2 tuần. Trong quá trình giảm liều mà triệu chứng quay trở lại, thai phụ sẽ được tiếp tục sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong 6 tuần. Sau thời gian này, thuốc sẽ được ngưng để giảm những tác dụng phụ lên người mẹ.

Dù là dùng loại thuốc nào, các thai phụ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định dùng một loại thuốc nào đó khi mang thai nhé!

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về các cách điều trị ốm nghén trong khi mang thai tại Phòng khám Mẹ và Bé

KHI NÀO THAI PHỤ CẦN NHẬP VIỆN VÌ ỐM NGHÉN?

Thai phụ cần nhập viện khi không dung nạp với chất lỏng được mà không có tình trạng nôn và không đáp ứng với các điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, thai phụ cũng có thể nhập viện để theo dõi khi có những thay đổi về sinh hiệu, sụt cân diễn tiến và không đáp ứng điều trị. Tại bệnh viện, những tìm hiểu về nguyên nhân khác có thể được thực hiện và điều chỉnh về tình trạng mất nước và điện giải bao gồm:

  • Truyền dịch được thực hiện khi thai phụ không thể uống trong thời gian dài và có dấu hiệu mất nước
  • Điều chỉnh tình trạng nhiễm ceton, bổ sung các vitamin (đặc biệt là vitamin B1)
  • Đặt ống thông dạ dày: thực hiện khi thai phụ mắc HG không đáp ứng thuốc và không thể duy trì được cân nặng. Nếu nặng hơn thì cần đặt catheter trung tâm (Peripherally inserted central catheters – PICCs).

TÓM LẠI

Ốm nghén là một triệu chứng phổ biến nhưng cũng là nỗi ám ảnh của thai phụ vì những khó chịu mà nó mang lại. Tuy nhiên đây lại là dấu hiệu của một thai kì khoẻ mạnh. Vì vậy, khi bị ốm nghén, thai phụ nên liên hệ với bác sĩ sản khoa của mình để có thể có những biện pháp giúp làm cho tình trạng ốm nghén trở nên dễ chịu hơn và có một thai kì khoẻ mạnh nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ