Phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang: làm thế nào để dễ thụ thai?

PHỤ NỮ CÓ HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG: LÀM THẾ NÀO ĐỂ DỄ THỤ THAI?

 

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome-PCOS) là một rối loạn về nội tiết sinh sản thường gặp và đây cũng là nguyên nhân vô sinh chiếm phần lớn hiện nay. Rối loạn phóng noãn do hội chứng này gây ra khiến cho sự thụ tinh khó xảy ra hơn bình thường. Vậy làm thế nào để tăng khả năng thụ thai ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang? Hãy cùng tìm hiểu nhé! 

 

buồng trứng đa nang

1. Hội chứng buồng trứng đa nang là gì?

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ảnh hưởng đến 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đến 70% phụ nữ có hội chứng này hiện nay vẫn chưa được chẩn đoán1. Nguyên nhân chính xác của PCOS vẫn chưa được biết rõ nhưng những phụ nữ có tiền sử gia đình (mẹ, dì, chị gái) từng mắc PCOS hoặc Đái tháo đường típ 2 có nguy cơ cao hơn. Hội chứng này đặc trưng bởi nhiều triệu chứng như:

  • Kinh nguyệt không đều, kinh thưa, vô kinh
  • Mụn trứng cá
  • Rậm lông, hói đầu do thừa hormone androgen
  • Béo phì, tích mỡ vùng bụng

buồng trứng đa nang 2

Hình 2: Các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Bên cạnh đó hội chứng này còn tăng nguy cơ các bệnh lý khác: Đái tháo đường típ 2, Tăng huyết áp, Bệnh tim mạch, Ung thư nội mạc tử cung,…

Tóm lại, hội chứng này được chẩn đoán khi có 2 trong 3 tiêu chuẩn:

  1. Rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn
  2. Cường Androgen được chẩn đoán bằng các dấu hiệu lâm sàng và/hoặc cận lâm sàng
  3. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm

2. Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến sự thụ tinh như thế nào?

Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, sự rụng trứng sẽ xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ (ngày 14-16). Trứng rụng sẽ được đưa vào ống dẫn trứng, sẽ được thụ tinh nếu gặp tinh trùng. Tuy nhiên ở hội chứng buồng trứng đa nang, sự rối loạn điều hòa nội tiết dẫn đến hội chứng cường androgen, đề kháng insulin, tăng LH,.. khiến cho rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và rối loạn quá trình phóng noãn. Hiện tượng không có nang trứng “chín” và không phóng noãn là điển hình của hội chứng này.  

Bên cạnh đó, kỳ kinh kéo dài là triệu chứng thường gặp, kinh có thể dài từ 40 ngày cho tới 6 tháng. Việc này càng khiến cho việc theo dõi ngày rụng trứng càng khó khăn hơn. Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh rằng hội chứng này là nguyên nhân hàng đầu hiện nay gây vô sinh trên toàn thế giới1.  

 

3. Làm thế nào để dễ thụ thai trên phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang? 

Chúng ta nên biết rằng hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng mãn tính và không thể điều trị dứt điểm. Người phụ nữ có hội chứng này vẫn có thể có thai bình thường, tuy nhiên sẽ rất chậm và khó. Hiện tại, có nhiều phương pháp can thiệp và điều trị bao gồm cả nội và ngoại khoa: 

  1. Nội khoa:
  • Giảm cân, điều chỉnh lối sống nhằm tăng khả năng phóng noãn: phương pháp này đặc biệt hữu ích ở bệnh nhân có chỉ số BMI cao. Giảm cân giúp ổn định đường huyết, giảm sự đề kháng insulin giúp khả năng mang thai cao hơn. Chế độ ăn giảm năng lượng (giảm chất béo, tăng chất xơ) ví dụ như chế độ Địa trung hải hiện là chế độ được chấp nhận bởi nhiều hiệp hội và phù hợp với người châu Á2. Ngoài ra, còn có nhiều chế độ ăn khác như low carb, keto,..  cũng giúp giảm năng lượng nạp vào, giảm nồng độ đường huyết sau ăn từ đó hạn chế đề kháng insulin.buồng trứng đa nang 4

Hình: Chế độ ăn Địa trung hải

Nguồn: Chiwon.com

 

  • Tập thể dục thường xuyên như yoga, gym, bơi lội,..: đây là việc tối cần thiết để tăng chuyển hóa cơ bản của cơ thể, điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa cũng tăng khả năng mang thai. Bên cạnh đó tập thể dục đều đặn 150 phút/ tuần nhằm nâng cao sức khỏe mang lại một thể trạng tốt để sẵn sàng thụ thai và giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, sinh non, tiền sản giật,…

buồng trứng đa nang 6

  • Dùng thuốc kích thích phóng noãn: các thuốc như Clomiphene citrate, Letrozole hoặc gây phóng noãn bằng gonadotropin sẽ được sử dụng nhằm kích thích buồng trứng phát triển, phóng noãn và bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn giao hợp tự nhiên để tăng khả năng thụ tinh. Phương pháp này cần có chỉ định của bác sĩ cũng như cá nhân hóa trên từng bệnh nhân để lựa chọn loại thuốc phù hợp. 

 

       2. Ngoại khoa: Nội soi đốt điểm buồng trứng đa nang. Trước đây, đây là phương pháp được sử dụng nhiều ở các bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa. Tuy nhiên nguy cơ suy buồng trứng sớm cũng như dây dính buồng trứng sau can thiệp cũng là điều làm cho phương pháp này hiện nay không còn được phổ biến. 

 

       3. Thụ tinh trong ống nghiệm ( In-vitro Fertilization- IVF) : Đây hiện nay là biện pháp mang lại một tỉ lệ mang thai cao, tối ưu hóa việc thụ tinh. Phương pháp này sử dụng thuốc kích thích buồng trứng nhằm lấy số trứng tối đa sau đó thụ tinh với tinh trùng trong ống nghiệm tạo phôi, sau đó chuyển vào buồng tử cung. Tuy vậy, kích thích buồng trứng ở phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang cũng là một thách thức khi mà nguy cơ quá kích buồng trứng rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó đây cũng là một phương pháp tốn kinh phí, cần tuân thủ lịch khám cũng như phải theo dõi sát. 

 

       4.Trưởng thành noãn trong ống nghiệm ( In-vitro Maturation of Oocytes- IVM) : là kĩ thuật chọc hút lấy noãn non chưa kích thích, nuôi cấy bên ngoài tạo noãn trưởng thành, sau đó thụ tinh tạo phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ quá kích buồng trứng hơn so với IVF.

 

buồng trứng đa nang 7

 

Hình 4: Thụ tinh ống nghiệm làm tăng tỉ lệ có thai trên phụ nữ PCOS

 

TÓM LẠI

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng rối loạn phóng noãn và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiện nay. Tập luyện thể dục thể thao kèm theo chế độ ăn hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng phóng noãn tự nhiên giúp dễ mang thai hơn. Bên cạnh đó, dùng thuốc gây rụng trứng cũng như thụ tinh ống nghiệm cũng là phương pháp nên lựa chọn để có được tỉ lệ mang thai cao quả hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ