Trần Thị Thùy Trinh
Giảm dự trữ buồng trứng (Diminished Ovarian Reserve – DOR) là tình trạng giảm số lượng và/hoặc chất lượng của noãn bào, dẫn đến giảm khả năng sinh sản. Đây là một trong những mối bận tâm lớn nhất của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và vẫn là một rào cản lớn ngay cả với những tiến bộ của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện nay. Tuy nhiên, giảm dự trữ buồng trứng không có nghĩa là phụ nữ không có cơ hội mang thai. Dù hiện nay chưa có phương pháp nào giúp tăng dự trữ buồng trứng, nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc thay đổi chế độ ăn, bổ sung một số vi chất giúp duy trì khả năng sinh sản và tăng cơ hội thụ thai.
Hình 1: Dự trữ buồng trứng giảm dần theo thời gian
- Ngũ cốc nguyên hạt
Đây là nhóm các loại ngũ cốc giữ được nguyên vẹn cả ba thành phần cám, mầm, nội nhũ. Ngũ cốc nguyên hạt gồm lúa mì, lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, hạt kê…Theo nghiên cứu EARTH, lượng ngũ cốc nguyên hạt tiêu thụ được chứng minh có liên quan đến khả năng thụ thai và sinh con sống. Vì vậy, phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng nên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn hàng ngày thay cho các loại tinh bột tinh chế khác. Bổ sung lượng ngũ cốc nguyên hạt > 52,4 gam/ngày được nghiên cứu là giúp tăng cơ hội thụ thai thành công cao nhất so với nhóm bổ sung ít hơn và không bổ sung.
Hình 2: Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng tỷ lệ thụ thai
- Protein (Đạm)
Protein được chia thành hai nhóm lớn là Protein động vật (có trong thịt đỏ/gia cầm/thịt chế biến sẵn, cá, trứng, sữa, hải sản…) và Protein thực vật (có trong đậu, hạt, ngũ cốc, quả bơ…). Ngoài ngũ cốc, nhóm nghiên cứu EARTH cũng đã tìm hiểu mối liên hệ giữa lượng protein tiêu thụ và khả năng sinh sản. Trong đó, tiêu thụ cá được kết luận là có liên quan đến khả năng sinh con sống cao hơn sau khi điều trị hiếm muộn bằng các công nghệ hỗ trợ sinh sản. Vì vậy, phụ nữ nên bổ sung ít nhất 2 khẩu phần cá/tuần vào chế độ ăn của mình.
Hình 3: Protein từ cá tốt cho sức khỏe sinh sản
- Omega – 3
Là acid béo không no, thuộc nhóm chất béo lành mạnh với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Omega – 3 có trong nhiều loại thực phẩm, trong đó cá là một trong các nguồn thực phẩm có chứa hàm lượng Omega – 3 cao nhất, đặc biệt là các loại cá béo như: cá hồi, cá ngừ, cá trích…Ngoài ra, Omega – 3 còn có trong nhiều loại hạt, đậu, rau củ quả, dầu cá…Hiện nay, các chế phẩm chứa omega – 3 dạng viên uống cũng được sản xuất nhiều trên thị trường.
Lượng Omega – 3 hấp thụ giúp cải thiện chất lượng tế bào trứng và phôi trong các nghiên cứu trên động vật và người. Nồng độ Omega – 3 trong huyết thanh có liên quan tích cực đến khả năng mang thai và sinh con sống ở những phụ nữ trải qua điều trị hỗ trợ sinh sản. Vì vậy, phụ nữ với tình trạng giảm dự trữ buồng trứng nên bổ sung các thực phẩm giàu Omega – 3 vào chế độ ăn hàng ngày để cải thiện khả năng sinh sản.
Hình 4: Omega -3 có trong nhiều loại thực phẩm
- Folate và vitamin B12
Folate và vitamin B12 là các vitamin nhóm B đã được chứng minh có nhiều vai trò trong sinh sản và thai kỳ. Nguồn cung cấp Folate tự nhiên gồm rau xanh, măng tây, quả mọng, trái cây họ cam quýt…Trái lại, Vitamin B12 chỉ có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ, cá, trứng, sữa…
Các nghiên cứu nhận thấy rằng phụ nữ có nồng độ Folate và vitamin B12 huyết thanh cao có khả năng mang thai và sinh con sống cao hơn phụ nữ có Folate và nồng độ vitamin B12 nhỏ hơn hoặc bằng mức trung bình [4]. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên có chế độ ăn đa dạng và bổ sung Acid folic (là dạng Folate tổng hợp) theo chỉ định của bác sĩ để tăng cơ hội thụ thai và đồng thời phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho em bé.
Hình 5: Folate đóng vai trò quan trọng trong thụ thai và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi
- Coenzyme Q10
Coenzyme Q10 đóng một số vai trò quan trọng trong cơ thể. Một trong những chức năng chính là giúp tạo ra năng lượng cho các tế bào. Coenzyme Q10 tham gia tạo ra adenosine triphosphate, tham gia vào quá trình truyền năng lượng trong tế bào. Vai trò quan trọng khác của Coenzyme Q10 là hoạt động như một chất chống oxy hóa và bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Dù cơ chế của lão hóa buồng trứng chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, một trong những giả thuyết là sự đứt gãy của chuỗi DNA do tăng stress oxy hóa. Vì vậy, Coenzyme Q10 có thể là nguồn bổ trợ tiềm năng giúp tăng tỷ lệ có thai ở bệnh nhân giảm dự trữ buồng trứng. Đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định vai trò của Coenzyme Q10 trong hỗ trợ sinh sản. Phụ nữ có hàm lượng Coenzyme Q10 cao hơn trong dịch nang noãn khi chọc hút noãn có nhiều noãn trưởng thành hơn và phôi chất lượng tốt hơn [Turi và cs, 2012]. Nghiên cứu khác của Akarsu và cộng sự cũng cho thấy, Coenzyme Q10 cao hơn trong dịch nang noãn có liên quan đến chất lượng phôi và tỷ lệ mang thai cao hơn. Dùng 200mg Ubiquinone trong 30 ngày trước khi chọc hút noãn để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho thấy tỷ lệ thụ tinh tốt hơn và chất lượng phôi cao hơn [Giannobilu và cs, 2018]. Dùng 600mg Ubiquinone trong 60 ngày trước IVF ở phụ nữ trẻ giảm dự trữ buồng trứng dẫn đến cần ít thuốc kích thích buồng trứng hơn, lấy được nhiều noãn hơn, tỷ lệ thụ tinh tốt hơn và phôi chất lượng cao hơn [Xu và cs, 2018].
Đối với phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng, cần thêm nhiều nghiên cứu để kết luận về hiệu quả của Coenzyme Q10, và về cả thời điểm, thời gian cũng như liều lượng sử dụng. Đây được xem là một trong những chất bổ sung đầy hứa hẹn trong tương lai.
- Dehydroepiandrosterone (DHEA)
Dehydroepiandrosterone (DHEA) là một steroid nội sinh có nguồn gốc từ lớp lưới tuyến thượng thận (85%) và tế bào vỏ buồng trứng (15%). DHEA là một chất trung gian quan trọng trong quá trình sản xuất các hormone khác như androgen và estrogen, hai loại hormone sinh dục chính ở người.
Tổng hợp các nghiên cứu, cho thấy điều trị bằng DHEA có thể nâng cao tỷ lệ mang thai và sinh sống. Tuy nhiên, thiếu nghiên cứu với quy mô lớn; những rủi ro sức khỏe lâu dài chưa được biết đến và những lo ngại về thẩm mỹ là những yếu tố chính khiến việc sử dụng DHEA còn hạn chế trên lâm sàng. Có nhiều loại DHEA khác nhau và chúng có tác dụng khá khác nhau đối với cơ thể, vì vậy bạn chỉ nên sử dụng loại thuốc này khi có sự tư vấn của bác sĩ.
Tóm lại,
Việc tuân thủ một số chế độ ăn uống nhất định có liên quan đến việc cải thiện khả năng sinh sản trong dân số nói chung và các cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị hỗ trợ sinh sản. Chế độ ăn đa dạng, phù hợp, cùng với việc bổ sung một số vi chất cần thiết giúp tăng cơ hội thụ thai cũng như sinh con khỏe mạnh. Chúc bạn mau chóng chào đón con yêu!