Polyp nội mạc tử cung là gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Polyp nội mạc tử cung là gì?

Polyp buồng tử cung hoặc polyp nội mạc tử cung là sự phát triển quá mức của tế bào lớp nội mạc tử cung, kích thước thường nhỏ khoảng vài milimet. Hầu hết polyp là lành tính, chỉ có khoảng 3% số polyp hoá ác. Đây là loại tăng sinh tế bào có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Nguyên nhân chính xác của polyp nội mạc tử cung hiện tại vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, polyp nội mạc tử cung nhạy cảm với estrogen nên sự gia tăng nồng độ estrogen có thể có vai trò gây bệnh hoặc làm polyp to nhanh hơn. Polyp nội mạc tử cung có ở phụ nữ với mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn trong độ tuổi 40 và hiếm gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi và trước dậy thì. 

Hình 1 Polyp nội mạc tử cung (Nguồn)

Triệu chứng của polyp nội mạc tử cung

Tình trạng polyp nội mạc tử cung thường xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng:

  • Xuất huyết tử cung bất thường (AUB) với thống kê khoảng 64 đến 88% trường hợp có polyp nội mạc tử cung có AUB. Đặc điểm của tình trạng xuất huyết này thường vào giữa chu kỳ, hoặc có thể xuất huyết nặng trong chu kỳ – cường kinh.
  • Xuất huyết tử cung kèm theo trạng thái đau bụng và thiếu máu.
  • Một số trường hợp có thể không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng thường được phát hiện tình cơ khi khảo sát hiếm muộn hoặc thông qua các xét nghiệm tế bào học cổ tử cung, hoặc thực hiện sinh thiết buồng tử cung.

Hình 2 Triệu chứng của polyp nội mạc tử cung (Nguồn)

Polyp nội mạc tử cung có phải là nguyên nhân gây hiếm muộn?

Phụ nữ có polyp nội mạc tử cung vẫn có thể có thai nhưng tỷ lệ có thai giảm. Trong các chu kỳ kích thích buồng trứng kết hợp bơm tinh trùng vào buồng tử cung trên các phụ nữ đã được chẩn đoán polyp buồng tử cung, tỷ lệ có thai ở người đã lấy polyp tăng gấp đôi so với người vẫn còn polyp.

Trong thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), nhóm có polyp nội mạc tử cung có tỉ lệ mang thai thấp hơn và tỉ lệ sẩy thai cao hơn so với nhóm không có polyp. Vì vậy các nhà nghiên cứu khuyên nên lấy bỏ polyp nội mạc tử cung trước khi chuyển phôi nếu phát hiện polyp trước khi điều trị hiếm muộn.

Yếu tố nguy cơ mắc polyp nội mạc tử cung là gì?

Những người tiếp xúc với estradiol không đối kháng, đặc biệt trong những trường hợp kích thích buồng trứng trong điều trị IVF. Bên cạnh đó những yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ mắc polyp nội mạc tử cung càng tăng
  • Tăng huyết áp
  • Béo phì
  • Đái tháo đường
  • Phụ nữ sử dụng tamoxifen

Hậu quả của polyp nội mạc tử cung là gì?

  • Gây vô sinh, hiếm muộn ở nữ
  • Gây thiếu máu mạn tính: polyp nội mạc tử cung có thể dẫn đến xuất huyết tử cung và gây thiếu máu mạn tính, người bệnh thể hiện ở chứng cường kinh, rong kinh kéo dài.
  • Nguy cơ tiến triển thành ung thư: mặc dù bản chất của polyp nội mạc tử cung là phần lớn là lành tính nhưng theo thời gian, polyp vẫn có nguy cơ thấp tiến triển thành ung thư. 

Chẩn đoán polyp nội mạc tử cung như thế nào?

  • Tiêu chuẩn vàng: nội soi buồng tử cung lấy polyp và gửi giải phẫu bệnh lý, hay nạo buồng tử cung – gửi giải phẫu bệnh lý.
  • Siêu âm: siêu âm phụ khoa chỉ có giá trị gợi ý polyp nội mạc tử cung. Phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người làm siêu âm. Hiện nay, để chẩn đoán polyp nội mạc tử cung, người ta dùng kỹ thuật siêu âm bơm nước buồng tử cung (SIS: Saline infusion sonography). SIS có độ nhạy trong chẩn đoán polyp là 94,2%.

Hình 3 Polyp nội mạc tử cung quan sát qua nội soi buồng tử cung (Nguồn)

Ðiều trị polyp nội mạc tử cung như thế nào?

  • Nếu polyp không gây triệu chứng thì không cần điều trị. Tuy nhiên nếu đang mong con hay có chỉ định thực hiện TTTON thì nên lấy polyp trước khi tiến hành chuyển phôi.
  • Những bằng chứng gần đây cho thấy ủng hộ việc cắt polyp nội mạc tử cung đối với những trường hợp phát hiện polyp trước khi điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên, việc điều trị polyp mới phát hiện trong quá trình kích thích buồng trứng còn gây nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu kết luận rằng việc điều trị polyp nội mạc tử cung mới phát hiện trong quá trình kích thích buồng trứng giúp giảm tỉ lệ sẩy thai và tăng tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy không có lợi ích. Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận, những polyp mới phát hiện có kích thước < 20 mm có thể không cần can thiệp mà không làm ảnh hưởng đến kết cục thai lâm sàng và tỉ lệ trẻ sinh sống
  • Có nhiều cách điều trị, nhưng cách hiệu quả và thường được áp dụng hiện nay là nội soi buồng tử cung lấy polyp. Ngoài ra còn một vài cách khác như đặt dụng cụ tử cung có nội tiết tố hay tiêm GnRH đồng vận để làm teo polyp, nhưng không được ưa chuộng và không khuyến cáo dùng ở phụ nữ hiếm muộn.
  • Sau điều trị có khoảng 2,5 – 43,6% trường hợp tái phát polyp, thời gian phẫu thuật càng muộn thì tỷ lệ tái phát polyp càng tăng. Vì vậy sau cắt polyp nên thực hiện hỗ trợ sinh sản càng sớm càng tốt.

Hình 4 Nội soi buồng tử cung cắt polyp (Nguồn)

Tóm lại,

Polyp nội mạc tử cung là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đại đa số các trường hợp polyp lòng tử cung là lành tính, tuy nhiên bệnh có thể gây ảnh hưởng tới khả năng mang thai và sinh con, ngoài ra có thể có một số trường hợp bệnh tiến triển thành ác tính. Việc điều trị polyp nội mạc tử cung phụ thuộc vào người bệnh có triệu chứng hay không. Nếu người bệnh đang mong con hay có chỉ định thực hiện TTTON thì nên lấy polyp trước khi tiến hành chuyển phôi. Chúc các cặp đô sớm gặp được con yêu nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ