Quy trình khám hiếm muộn bao gồm những gì?

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Lê Thái Thanh Khuê

Khám hiếm muộn là gì?

Khám hiếm muộn là những thăm khám kiểm tra sức khoẻ sinh sản của cả người nam và người nữ để tìm ra nguyên nhân tại sao bạn và đối tác không có thai dù có giao hợp thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai trong một khoảng thời gian nhất định. 

Khi nào cần khám hiếm muộn?

Khi nào nên đi khám vô sinh là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng. Theo các chuyên gia vô sinh hiếm muộn được xác định là tình trạng hai vợ chồng không thể có thai tự nhiên sau khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng tránh. Thời gian này được tính từ 1 năm (với phụ nữ dưới 35 tuổi) và 6 tháng (với phụ nữ trên 35 tuổi) và khám càng sớm càng tốt đối với những phụ nữ >40 tuổi. 

Hiếm muộn điều trị càng sớm, tỷ lệ thành công càng cao, vì vậy những cặp vợ chồng mong con không nên trì hoãn thời gian thăm khám. Tuổi trẻ là yếu tố thuận lợi trong việc chữa vô sinh. Càng lớn tuổi phụ nữ và nam giới gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản như ở nữ số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Ở nam giới chất lượng và số lượng tinh trùng cũng sẽ suy giảm. Theo nghiên cứu, tỉ lệ hiếm muộn ở phụ nữ 20 – 24 tuổi là 6%, 25 – 29 tuổi là 9%, 30-34 tuổi là 15%, 35 – 39 tuổi là 30%, và đến 64% ở phụ nữ >40 tuổi. Vì vậy nếu nghi ngờ sức khỏe sinh sản có vấn đề hai vợ chồng nên đi thăm khám sớm.

Khám hiếm muộn bao gồm những gì?

Để khám hiếm muộn, hai vợ chồng nên đi cùng nhau, người vợ có thể đi vào bất kỳ ngày nào của chu kỳ kinh, chồng nên kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày trước khi đến thăm khám. Các bước khám vô sinh bao gồm:

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về quy trình khám hiếm muộn
                              Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về quy trình khám hiếm muộn
  1. Hỏi bệnh sử, tiền sử

Bước đầu khi thăm khám hiếm muộn, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khoẻ của hai vợ chồng, một số vấn đề bác sĩ muốn vợ chồng cung cấp thông tin bao gồm:

  • Thời gian mong con
  • Tiền sử bệnh lý gồm những bệnh đã, đang mắc phải, những phẫu thuật đã từng làm;
  • Các thuốc đang sử dụng;
  • Thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá, rượu bia, từng sử dụng chất cấm, chất kích thích hay không?
  • Môi trường làm việc có tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, bức xạ hay điện từ không?
  • Hai vợ chồng đã từng làm các biện pháp hỗ trợ sinh sản trước đây hay chưa.

Bên cạnh đó bác sĩ cũng quan tâm đến đời sống tình dục của hai vợ chồng như:

  • Các phương pháp tránh thai từng sử dụng trước đó;
  • Tần suất quan hệ trong một tuần của hai vợ chồng;
  • Có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục không?
  • Cả hai có gặp vấn đề khi giao hợp như đau, chảy máu hoặc có gặp vấn đề về tâm lý khiến cản trở việc giao hợp không?
  1. Khám hiếm muộn cho người phụ nữ

Để chẩn đoán hiếm muộn ở nữ, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm và siêu âm như:

  • Xét nghiệm miễn dịch giúp phát hiện và điều trị những bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nguy cơ cho thai nhi như HIV, giang mai, lao, viêm gan B…
  • Xét nghiệm AMH đây là xét nghiệm quan trọng trong khám hiếm muộn nữ, xét nghiệm này đánh giá trữ lượng buồng trứng, tiên đoán khả năng đáp ứng buồng trứng nếu thực hiện kích thích buồng trứng sau này.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp để sàng lọc bệnh lý tuyến giáp như suy giáp, cường giáp… 
  • Xét nghiệm nội tiết để sàng lọc rối loạn nội tiết, đưa ra những phác đồ điều trị hiếm muộn phù hợp.
  • Xét nghiệm sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung để có thể phát hiện sớm và điều trị bệnh lý này trước khi tiến hành điều trị hỗ trợ sinh sản.
  • Siêu âm phụ khoa để đánh giá tổng quan tình trạng ban đầu về ổ bụng, khảo sát về tử cung, 2 phần phụ, vòi trứng.
  • Siêu âm bơm nước buồng tử cung thường được chỉ định khi bệnh nhân nghi ngờ có polyp tử cung, dính hay có vách ngăn ở tử cung.
  • Chụp X-quang tử cung vòi trứng hoặc HyFoSy (siêu âm với chất tương phản) để đánh giá tình trạng vòi trứng.
  • Nội soi buồng tử cung chẩn đoán để quan sát trong buồng tử cung giúp phát hiện và điều trị bất thường ở tử cung đối với những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần, sảy thai nhiều lần,…
  1. Khám hiếm muộn cho người nam giới

Nam giới khi đến khám vô sinh cũng được thực hiện một số xét nghiệm và siêu âm để kiểm tra sức khỏe sinh sản bao gồm:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ: là xét nghiệm đầu tay trong đánh giá sức khỏe sinh sản ở nam giới, giúp kiểm tra về hình thái tinh trùng, tinh dịch đồ cung cấp các thông tin như số lượng tinh trùng, độ di động và hình dạng tinh trùng, xem có tinh trùng trong tinh dịch không.
  • Xét nghiệm miễn dịch để loại trừ những bệnh lây truyền qua đường tình dục ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của thai nhi như HIV, viêm gan B, giang mai…
  • Một số trường hợp, có thể cần xét nghiệm nội tiết giúp đánh giá chức năng sinh sản cũng như các bệnh lý liên quan. Xét nghiệm nước tiểu sau xuất tinh để tìm tinh trùng trong nước tiểu, xét nghiệm này thường được chỉ định cho những trường hợp nghi ngờ xuất tinh ngược dòng.
  • Xét nghiệm di truyền để phát hiện những bất thường về di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Xét nghiệm kiểm tra đứt gãy DNA tinh trùng: việc đứt gãy DNA tinh trùng ở mức độ cao có liên quan đến việc giảm thụ tinh, giảm chất lượng phôi.
  • Siêu âm tinh hoàn để kiểm tra và đánh giá các bất thường nếu có ở tinh hoàn và bìu.
  • Siêu âm bụng để đánh giá hệ tiết niệu, tìm tinh hoàn lạc chỗ.

Tóm lại,

Hiện nay, cuộc sống hiện đại khiến ngày càng nhiều cặp đôi đối mặt với tình trạng hiếm muộn nhưng không ít trong số đó vẫn chưa nắm rõ việc khám vô sinh, hiếm muộn bao gồm những gì, quy trình như thế nào… Việc chần chừ trong thăm khám kèm theo tự ý điều trị khiến không ít cặp vợ chồng bỏ lỡ thời gian vàng khi trị bệnh, làm cho hành trình tìm con kéo dài, tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí hơn. Các cặp đôi nghi ngờ gặp phải tình trạng hiếm muộn hãy nhanh chóng thăm khám và điều trị tại cơ sở uy tín nhé! Chúc các cặp đôi sớm gặp được con yêu!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ