Sản giật: Biến chứng nguy hiểm trong thai kì

Sản giật: Biến chứng nguy hiểm trong thai kì

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm trong thai kì, có thể đe doạ tính mạng cho mẹ và bé. Đồng thời, biến chứng này cũng có thể gây ra những di chứng lâu dài cho thai phụ. Vậy sản giật nguy hiểm như thế nào và cần phòng tránh bệnh lí này ra sao?

SẢN GIẬT LÀ GÌ?

Sản giật là biến chứng nặng nề nhất của các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì, được xác định bằng các cơn động kinh co cứng – co giật, cục bộ hoặc đa ổ mới khởi phát mà không có các nguyên nhân khác như động kinh, thiếu máu cục bộ và nhồi máu động mạch não, xuất huyết nội sọ hoặc do sử dụng thuốc.

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kì (ACOG) năm 2020, thời điểm xuất hiện sản giật có thể bắt đầu từ 20 tuần cho đến hết 6 tuần hậu sản, tương ứng với thời điểm chẩn đoán các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì. Trong những trường hợp đặc biệt như thai trứng, đa thai hoặc mẹ có bệnh lí thận, sản giật có thể xuất hiện ngay cả trước 20 tuần thai kì.

TẦN SUẤT XUẤT HIỆN TRONG THAI KÌ

Nhìn chung, sản giật cũng khá hiếm trong thai kì, chỉ chiếm khoảng 0,3%. Tỉ lệ này cũng khác nhau giữa các quốc gia, trong đó các nước phát triển báo cáo tỉ lệ mắc sản giật là 1,6 – 10 trên 10 000 thai kì và các nước đang phát triển là 50 – 151 trên 10 000 thai kì.

Trên những thai phụ mắc các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì, sản giật chiếm khoảng 0,8%. Trong đó, biến chứng này chỉ chiếm 1,9% những thai phụ mắc tiền sản giật và 3,2% thai phụ mắc tiền sản giật có dấu hiệu nặng.

Thông thường, người ta nghĩ rằng diễn tiến từ tăng huyết áp thai kì đến sản giật sẽ diễn tiến tuần tự, nghĩa là tăng huyết áp thai kì rồi đến tiền sản giật rồi đến tiền sản giật có dấu hiệu nặng rồi mới đến sản giật nếu không được kiểm soát. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy có đến 38% thai phụ vào sản giật mà không có bất kì triệu chứng của tiền sản giật trước đó.

Sản giật: Biến chứng nguy hiểm trong thai kì

YẾU TỐ NGUY CƠ

Những yếu tố nguy cơ mắc sản giật cũng tương tự với yếu tố nguy cơ mắc tiền sản giật, bao gồm:

  • Tiền căn mắc tiền sản giật/sản giật
  • Bệnh thận
  • Bệnh lí tự miễn
  • Đái tháo đường type 1 hoặc 2
  • Tăng huyết áp mạn
  • Đa thai
  • Con so
  • Tuổi mẹ > 35
  • BMI > 30 kg/m2
  • Không khám thai đủ, không được kiểm soát huyết áp tốt

TẠI SAO LẠI NÓI SẢN GIẬT NGUY HIỂM CHO THAI PHỤ?

Sản giật là một biến chứng nguy hiểm bởi lẽ nó có thể ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn lên cả mẹ và thai, thậm chí là tử vong.

  1. Ảnh hưởng lên mẹ

Ảnh hưởng ngắn hạn

  • Suy hô hấp cấp
  • Chấn thương: não, xuất huyết nội sọ
  • Hít sặc, viêm phổi, phù phổi cấp
  • Suy gan, suy thận, suy tim
  • Tổn thương hệ thần kinh: hôn mê, mất ý thức, đột quị, động kinh hoặc liệt toàn bộ
  • Biến chứng liên quan thai kì: nhau bong non, HELLP
  • Tử vong mẹ: chiếm khoảng 7% trong tất cả những nguyên nhân gây tử vong mẹ

Ảnh hưởng dài hạn

  • Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ dai dẳng
  • Ảnh hưởng khả năng nhận thức
  • Ảnh hưởng thị lực
  • Bệnh mạch máu não
  • Nhồi máu cơ tim, suy tim
  1. Ảnh hưởng lên thai

  • Thai chậm tăng trưởng
  • Thai non tháng, nhẹ cân
  • Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh
  • Tử vong sơ sinh

TRIỆU CHỨNG CỦA SẢN GIẬT

Sản giật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào vào trước, trong và sau quá trình chuyển dạ. Đặc trưng của sản giật là những cơn co cứng – co giật điển hình, có thể cục bộ hoặc đa ổ và thường tự giới hạn, kéo dài khoảng hơn 1 phút.

DẤU HIỆU NÀO GIÚP NHẬN BIẾT SẢN GIẬT SẮP XUẤT HIỆN HAY KHÔNG?

Trước thời điểm sản giật xảy ra, 78 – 83% thai phụ có thể trải qua một số tiền triệu liên quan kích thích hệ thần kinh như: đau đầu vùng chẩm hoặc trán dữ dội và dai dẳng, nhìn mờ, sợ ánh sáng, mất thị lực tạm thời, đau bụng thượng vị thay đổi tri giác. Trong đó, dấu hiệu đau đầu được cho rằng là sự phản ánh của quá trình tăng áp lực tưới máu lên não, phù não và bệnh lí não do tăng huyết áp. Tuy nhiên, sản giật cũng có thể xảy ra khi không có những dấu hiệu cảnh báo trên.

Những tiền triệu của sản giật
Những tiền triệu của sản giật

CHẨN ĐOÁN THAI PHỤ MẮC SẢN GIẬT NHƯ THẾ NÀO?

            Co giật vốn là một triệu chứng bất thường của con người, điều này càng nguy hiểm hơn khi nó xảy ra trên thai phụ. Co giật khi mang thai có thể do sản giật hoặc cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, nguyên tắc duy nhất và cũng quan trọng nhất cần nhớ đối với thai phụ bị co giật chính là nên nghĩ đến sản giật đầu tiên cho đến khi có những bằng chứng khác để loại trừ.

Bên cạnh đó, cần chẩn đoán phân biệt co giật khi mang thai do những nguyên nhân khác khi tiền sử, bệnh sử và khám lâm sàng nghi ngờ. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Bệnh lí mạch máu não: xuất huyết nội sọ, nhồi máu não, khối choán chỗ trong não…
  • Bệnh lí chuyển hoá: suy gan, thận, hạ đường huyết, hạ calci máu,…
  • Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid…
  • Viêm não – màng não do virus, vi khuẩn…
  • Sử dụng thuốc – quá liều: chống trầm cảm, cocaine…
  • Chấn thương

TÌNH TRẠNG SẢN GIẬT SẼ ĐƯỢC CHỮA TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

  1. Trong cơn co giật

Tại bệnh viện, những thai phụ được phát hiện sản giật sẽ được chống chấn thương, nằm nghiêng trái để chống hít sặc và tăng cường lượng máu đến thai, bảo vệ đường thở, có thể đặt nội khí quản nếu cần thiết, thở oxy và quan sát sinh hiệu. Thông thường, những cơn co giật này sẽ tự giới hạn. Những xử trí sau đó sẽ được thực hiện sau khi thai phụ ra khỏi cơn.

Về phía thai, tim thai có thể sẽ có những nhịp giảm kéo dài, thậm chí tim thai chậm. Thỉnh thoảng, những cơn gò có thể tăng về cường độ và tần số. Tuy nhiên, những vấn đề về chấm dứt thai kì chỉ nên được đặt ra sau khi tình trạng mẹ ổn định.

  1. Sau cơn co giật

Sau khi cơn co giật tự giới hạn, sức khoẻ của mẹ và thai sẽ được đánh giá và hồi sức nếu xuất hiện những tình trạng liên quan đến thiếu oxy hay ảnh hưởng tim thai. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như kiểm tra công thức máu, sinh hoá máu, LDH, chức năng gan, thận, ECG và/hoặc siêu âm tim nếu có triệu chứng tim mạch và CT/MRI não nếu có những triệu chứng thần kinh mới khởi phát.

Magnesium sulfat (MgSO4) sẽ được truyền cho thai phụ với mục đích phòng ngừa những cơn co giật kế tiếp xảy ra với ngưỡng điều trị là 2 – 3,5 mmol/L. Liều dùng tương tự với liều ở người chưa mắc sản giật: 4 – 6g tấn công trong 20 phút và duy trì 1 – 3g/giờ. MgSO4 sẽ được duy trì cho đến ít nhất là 24 giờ sau sinh hoặc sau cơn co giật cuối cùng. Nếu xuất hiện tình trạng co giật tái phát, có thể tiêm thêm 2 – 4g MgSO4 đường tĩnh mạch trong 5 phút.

Trong các trường hợp kháng trị với MgSO4 (vẫn co giật sau 20 phút tiêm bolus hoặc tái phát nhiều hơn hai lần), có thể sử dụng natri amobarbital (250 mg truyền tĩnh mạch trong 3 phút), thiopental hoặc phenytoin (1250 mg truyền tĩnh mạch với tốc độ 50 mg/phút). Đặt nội khí quản và thông khí hỗ trợ trong phòng chăm sóc đặc biệt là phù hợp trong những trường hợp này. Nên chụp CT hoặc MRI não vì hầu hết các trường hợp kháng trị với liệu pháp MgSO4 có thể có những phát hiện bất thường.

Kiểm soát huyết áp là việc làm cần thiết tiếp theo nhằm ngăn ngừa cơn co giật tái diễn, đặc biệt với những thai phụ có huyết áp trên 160/110 mmHg. Mục tiêu huyết áp cần đạt là huyết áp tâm thu 130 – 150 mmHg và huyết áp tâm trương 80 – 100 mmHg. Một số thuốc hạ áp có thể được lựa chọn như labetalol, nicardipine, hydralazine, hoặc nifedipine.

Chấm dứt thai kì là một chỉ định luôn được đặt ra một khi thai phụ mắc sản giật, bởi lẽ đây là cách điều trị nhằm vào nguyên nhân của bệnh. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc sản giật là chỉ định của mổ lấy thai. Thay vào đó, tuỳ vào đánh giá của bác sĩ sản khoa mà thai phụ vẫn có thể sinh thường sau khi được khởi phát chuyển dạ.

SẢN GIẬT CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG?

Sản giật có thể được phòng ngừa ở nhiều cấp độ. Đầu tiên, sản giật có thể được phòng ngừa ngay cả khi bệnh chưa khởi phát. Vì phần lớn sản giật là biến chứng nặng nhất của các rối loạn tăng huyết áp trong thai kì, do đó vấn đề phòng ngừa sản giật cũng đồng nghĩa với việc phòng ngừa tiền sản giật. Để xác định được nguy cơ mắc tiền sản giật của thai phụ, các bác sĩ sản khoa có thể dựa vào yếu tố nguy cơ của từng cá nhân hoặc dựa vào điểm số nguy cơ được ước tính dựa vào khám lâm sàng và xét nghiệm của Hiệp hội Y học Thai nhi (Fetal Medicine Foundation – FMF) (Nguồn). Dựa trên cơ sở đó, aspirin 75 – 150 mg mỗi ngày cho đến 36 tuần cho những thai phụ nguy cơ cao sẽ giúp ích trong việc làm giảm nguy cơ mắc tiền sản giật và sản giật.

Tiếp theo, tiền sản giật cần được chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt huyết áp trong thai kì. Trong đó, cần theo dõi huyết áp của thai phụ mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày và tuân thủ dùng thuốc kiểm soát huyết áp cũng sẽ giúp đỡ phần nào trong việc làm giảm nguy cơ mắc sản giật khi mang thai. Ngoài ra, khi có bất cứ triệu chứng nào của tiền sản giật có dấu hiệu nặng (huyết áp ≥ 160/110 mmHg, đau đầu, nhìn mờ, đau thượng vị hoặc thay đổi tri giác), thai phụ cần đến ngay bệnh viện để có thể được xử lí kịp thời, giúp ngăn chặn những biến chứng nặng hơn như sản giật.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sản giật cũng có thể xảy ra trong 20% những thai phụ chỉ có tăng huyết áp nhẹ và thậm chí đến 25% thai phụ có huyết áp trong giới hạn bình thường. Do đó, khi có những tiền triệu nghi ngờ mắc sản giật, các thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

TÓM LẠI

Sản giật tuy hiếm nhưng lại là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể ngăn chặn tối đa nguy cơ khởi phát bệnh bằng việc sàng lọc nguy cơ và uống thuốc dự phòng. Bên cạnh đó, kiểm soát tốt huyết áp cũng là một hành động giúp làm giảm nguy cơ vào sản giật sau đó. Vì vậy, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai để có thể được tư vấn và thăm khám toàn diện nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ