Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu
Hiện nay có rất nhiều người phụ nữ trong lần sinh đầu tiên, vì lí do nào đó mà buộc phải mổ lấy thai. Trong lần mang thai thứ hai, vì những lợi ích của sinh thường như thời gian hồi phục ngắn hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu ít hơn, hậu sản mẹ có đủ sức khỏe để chăm bé, hoặc tránh những vấn đề do mổ lấy thai nhiều lần gây ra như nhau tiền đạo, tổn thương ruột hay bàng quang hoặc phải cắt tử cung, nên nhiều thai phụ mong muốn được sinh thường nhưng lại băn khoăn rằng liệu sau mổ lấy thai có sinh thường được không?
NGHIỆM PHÁP THỬ CHUYỂN DẠ SAU SINH MỔ (TOLAC)
Khi sản phụ mong muốn sinh thường sau mổ lấy thai và được các bác sĩ đánh giá có thể sinh thường, thai phụ sẽ được thực hiện nghiệm pháp thử chuyển dạ sau mổ lấy thai (TOLAC). Đây là nghiệm pháp nhằm mục đích đánh giá khả năng sinh thường sau mổ lấy thai lần trước của mẹ bầu. Nếu nghiệm pháp thành công, sản phụ có thể sinh thường, và ngược lại, nếu không thành công, sản phụ buộc phải sinh mổ thêm một lần nữa.
NHỮNG NGUY CƠ CỦA SINH THƯỜNG SAU MỔ LẤY THAI (VBAC)
Ngoài những nguy cơ của sinh ngã âm đạo như nhiễm trùng, mất máu, rách tầng sinh môn thì nguy cơ vỡ tử cung là một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất khi thực hiện VBAC. Thực tế, nguy cơ vỡ tử cung ở phụ nữ VBAC (vết mổ ngang đoạn dưới tử cung) sau TOLAC là khoảng 0,5 – 0,9% và tỉ lệ thành công có thể sinh ngã âm đạo sau TOLAC là 60 – 80%. Tuy nguy cơ vỡ tử cung là khá thấp và tỉ lệ thành công của VBAC khá cao, sản phụ vẫn sẽ được tư vấn kĩ về những nguy cơ này và có thể lựa chọn sinh thường hay không.
Bên cạnh đó, việc thực hiện VBAC cũng có thể xuất hiện những vấn đề do sinh thường như:
- Tổn thương cơ vòng hậu môn
- Sa sinh dục
- Tiểu không tự chủ
- Rối loạn chức năng tình dục, giao hợp đau
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VẾT MỔ CŨ
Mổ lấy thai sẽ để lại sẹo trên da của bạn cũng như trên tử cung. Việc sẹo mổ cũ như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ vỡ tử cung. Có các loại sẹo mổ như sau:
- Sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung: đây là sẹo mổ phổ biến và tương lai ít có nguy cơ vỡ tử cung nhất (0,5 – 0,9%).
- Sẹo mổ dọc ở vị trí cao (mổ truyền thống): sẹo mổ là một đường từ trên xuống, ở phía trên so với vị trí tử cung. Phương pháp rạch này tiềm ẩn nguy cơ vỡ tử cung sau này cao nhất.
- Sẹo mổ dọc ở vị trí thấp: là một đường từ trên xuống trong vùng thấp và mỏng nhất của tử cung. Loại vết rạch này mang nguy cơ vỡ tử cung cao hơn so với sẹo mổ ngang.
Ngoài ra, việc vết mổ lần trước có lành tốt hay không, có nhiễm trùng thời kì hậu sản hay không cũng ảnh hưởng đến nguy cơ vỡ tử cung sau này. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ sản khoa cũng có thể một phần đánh giá xem vết mổ lần trước có lành tốt hay không. Đồng thời, sản phụ cũng nên giữ lại những giấy tờ từ lần mổ lấy thai trước để có thể cung cấp đầy đủ các thông tin y tế cho bác sĩ để tiện đánh giá khả năng có thể thực hiện VBAC trong thai kì lần này.
NHỮNG THAI PHỤ CÓ THỂ SINH THƯỜNG SAU MỔ LẤY THAI
Không phải tất cả phụ nữ trong lần mang thai này có thể thực hiện VBAC nếu có mổ lấy thai trước đó. Nếu thai phụ có nhu cầu VBAC thì cần được bác sĩ tư vấn và đánh giá kĩ lưỡng tình trạng của cả mẹ và bé. Việc thực hiện VBAC được hay không tất cả còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe của mẹ, tình trạng thai, tình trạng nước ối, ngôi thai,…
Các trường hợp có thể thực hiện VBAC gồm:
- Mang thai khi vết mổ cũ đã lành, sức khỏe của sản phụ đã bình phục hoàn toàn
- Là đơn thai. Nếu là song thai, sản phụ nên lựa chọn mổ lấy thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Ngôi đầu
- Sẹo mổ cũ ngang đoạn dưới: có 2 kiểu rạch tử cung trong kỹ thuật mổ lấy thai bao gồm: vết rạch ngang hoặc vết rạch cổ điển từ trên xuống. Đây là vết rạch trong tử cung chứ không phải vết rạch nằm trên da bụng của sản phụ. Để biết được vết rạch cũ trong tử cung là vết rạch gì sản phụ có thể kiểm tra trong giấy tờ của lần sinh trước. Nếu là vết mổ rạch dọc thì sản phụ không thể sinh thường vì nguy cơ vỡ tử cung. Trường hợp sản phụ không biết vết sẹo mổ cũ của mình thuộc loại nào thì cũng không nên đánh cược tính mạng của bản thân mình bằng cách cố sinh thường.
- Không có các vết sẹo mổ nào khác trên tử cung.
- Sức khỏe ổn định, không có vấn đề bất thường gì về khung chậu.
- Đã được trang bị các kiến thức sinh đẻ, rặn đẻ trước đó.
- Sinh tại các bệnh viện có phòng mổ và có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để có thể kịp thời xử lý các vấn đề bất thường.
NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG NÊN THỰC HIỆN VBAC
- Mang thai khi vết mổ cũ chưa lành, khoảng cách tính từ ngày mổ lấy thai trước đó đến ngày sinh lần này quá gần (dưới 18 tháng).
- Đã mổ lấy thai từ hai lần trở lên
- Các trường hợp đa thai: song thai, thai ba, thai bốn
- Thai có cân nặng trên 3,5kg
- Các trường hợp đã từng mổ trên thân tử cung như: mổ tạo hình tử cung, mổ bóc nhân xơ tử cung…
- Các trường hợp có vấn đề về khung chậu, gây cản trở cho quá trình sinh thường
- Các trường hợp thai nhi có vấn đề bất thường như: ngôi thai bất thường, ngôi mông, ngôi ngang…
CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN VBAC?
Nếu như bạn đã từng mổ lấy thai và hiện tại bạn đang mang thai và mong muốn thai kì lần được sinh thường, bạn nên nói về mong muốn này của mình với bác sĩ để có thể được tư vấn kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đảm bảo rằng bác sĩ tư vấn cho bạn nắm hết những tình trạng của bạn và thai, kể cả của lần mổ lấy thai trước đó. Ngoài ra, khi thực hiện VBAC, bạn nên chọn sinh ở bệnh viện có kinh nghiệm về VBAC cũng như có đủ nguồn lực để có thể mổ lấy thai bất cứ lúc nào nếu như có những trường hợp khẩn cấp xảy ra. Khi được thực hiện sinh thường, tim thai sẽ được theo dõi liên tục để có thể có những xử lý kịp thời cũng như có thể mổ lấy thai nếu cần thiết.
TÓM LẠI
TÓM LẠI
Có những sản phụ nghĩ rằng “Một khi đã sinh mổ thì những lần sau cũng sẽ mổ”. Tuy nhiên, với thời đại y học phát triển hiện nay cùng với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm, những sản phụ có vết mổ cũ trước đó hoàn toàn có thể sinh thường nếu không có chống chỉ định theo các đánh giá của các bác sĩ sản khoa. Với những lợi ích mà việc sinh thường mang lại, các mẹ bầu cũng có thêm lựa chọn về cách mà các thiên thần nhỏ ra đời để có thể đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé.