Sau sẩy thai bao lâu thì có thể có thai lại?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

“Hai vạch” tuy thân quen nhưng mỗi lần nghe lại một lần đem lại cảm xúc hân hoan cho các cặp vợ chồng khi nhận ra họ sắp chào đón một thành viên mới trong gia đình, là kết tinh của tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bắt đầu khi người phụ nữ còn phải đối mặt với 280 ngày vất vả mà trong quá trình đó, sẩy thai là vấn đề không ai muốn mắc phải nhưng lại xảy ra không ít. Nhưng không vì thế mà chúng ta lại buồn bã và bi quan bởi lẽ người phụ nữ vẫn có thể tiếp tục mang thai vào những lần sau đó. Vậy thì câu hỏi đặt ra là sau sẩy thai bao lâu thì  có thể có thai lại và cần chuẩn bị cho thai kì tiếp theo để có thể hạn chế tối đa việc sẩy thai như thai kì trước?

SẨY THAI LÀ GÌ?

Sẩy thai là hiện tượng thai bị tống ra khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 20-22 của thai kỳ. Sảy thai sớm là trường hợp sảy thai trước 12 tuần và sẩy thai muộn là từ 12-22 tuần. Theo Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kì – ACOG, sẩy thai gặp trong 10% phụ nữ mang thai và khoảng 80% ca sẩy thai xảy ra trong 3 tháng đầu thai kì. Trong đó, có khoảng 15% phụ nữ mang thai có sẩy thai liên tiếp (sẩy thai từ 2 lần trở lên).

SAU SẨY THAI BAO LÂU THÌ CÓ THỂ CÓ THAI LẠI?

Việc khi nào bạn có thể có thai lại phụ thuộc vào thời điểm bạn có thể quan hệ tình dục lại sau sẩy thai. Chu kì kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường sau 6 tuần. Bạn vẫn có thể có thai nếu quan hệ tình dục trước khi thấy có kinh lại. Thông thường, theo khuyến cáo thì bạn nên tránh quan hệ trong vòng 2 tuần sau sẩy thai để tránh những nguy cơ nhiễm trùng (Theo MayoClinic).

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên đợi ít nhất 6 tháng mới có thai trở lại sau lần sẩy thai trước đó. Tuy nhiên trong nghiên cứu vào tháng 2 năm 2019 của Annette K. Regan và cộng sự, khoảng cách giữa lần sẩy thai trước và thai kì sắp tới ít hơn 6 tháng không làm tăng những kết cục xấu của thai kì sau. Vì vậy, việc mang thai trở lại sau khi sẩy thai sẽ phụ thuộc vào tình trạng hồi phục sức khỏe của bạn và điều này là khác nhau ở mỗi người phụ nữ. Nếu bạn cảm thấy cơ thể đã khỏe mạnh và sẵn sàng, bạn không cần phải chờ đợi quá lâu để mang thai lại sau khi sẩy thai.

CẦN CHUẨN BỊ GÌ CHO THAI KÌ TIẾP THEO?

1. Hồi phục về tinh thần


Để chuẩn bị cho thai kì tiếp theo, trước hết bạn phải chuẩn bị cho bản thân về mặt tinh thần. Sẩy thai gây ra không ít những biến động về mặt tâm lí. Rất nhiều cảm xúc có thể xảy ra như buồn bã, tức giận hay tội lỗi với bản thân, với đứa con đã mất của mình. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy đợi ít nhất 1 – 2 chu kỳ kinh diễn ra bình thường trước khi cố gắng mang thai trở lại. Đây cũng là lúc để cơ thể bạn phục hồi cả về thể lực lẫn cảm xúc. Ngoài ra, tuổi tác cũng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai cũng như nguy cơ sẩy thai của người phụ nữ. Theo ACOG, phụ nữ trong độ tuổi 20 – 30 tuổi thì nguy cơ bị sẩy thai là 9 – 17% trong khi đó ở độ tuổi 35 thì nguy cơ sẩy thai cũng tăng lên 20% và sẽ tăng lên đến 40% nếu như bạn ở độ tuổi 40. Vì vậy hãy cố gắng hồi phục về mặt tâm lí và thể chất càng sớm càng tốt để độ tuổi sẽ không còn là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến thai kì sắp tới của bạn.

2. Hồi phục về mặt thể chất

Sau sẩy thai, tử cung của bạn cũng cần thời gian để trở lại chu kì bình thường là khoảng 6 tuần. Đồng thời, theo MayoClinic, trong thời gian chờ đợi cho thai kì kế tiếp, bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh bằng cách: 

  • Tránh hút thuốc và uống rượu bia, hạn chế sử dụng caffeine
  • Giữ BMI của bản thân cân đối bằng cách tập luyện hàng ngày, ăn uống lành mạnh đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ có thể trạng béo phì hay cơ địa đái tháo đường.
  • Bổ sung đầy đủ acid folic, có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu… vào thực đơn hàng ngày vì trong cá có chứa nhiều omega – 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường
  • Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngoài bồi bổ, phục hồi thể chất của người phụ nữ, còn cần bồi bổ thêm cho người chồng.

3. Gặp bác sĩ để kiểm tra

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lý sẩy thai liên tiếp tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lý sẩy thai liên tiếp tại Phòng khám Mẹ và Bé

Sau sẩy thai, bạn nên đến bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn cũng như kiểm tra và tầm soát những nguyên nhân sẩy thai của cả hai vợ chồng (nếu cần thiết), đặc biệt là với chị em có tiền căn sẩy thai 2 lần trở lên, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ sẩy thai ở thai kỳ tiếp theo. Một số nguyên nhân sẩy thai liên tiếp (RPL) có thể được tầm soát, từ đó sẽ có những kế hoạch cụ thể cho thai kì sắp tới:

  • Bất thường NST: là một nguyên nhân thường được nghĩ đến (chiếm 3,5% những cặp vợ chồng RPL). Khi nghi ngờ có bất thường NST, hai vợ chồng sẽ được khảo sát bộ 23 NST và tầm soát các đột biến gen kèm theo. 
  • Rối loạn về nội tiết
    • Dạng rối loạn phổ biến nhất là đái tháo đường. Đối với những người phụ nữ mắc đái tháo đường thì cần chỉnh đường huyết về mức ổn định, theo dõi bằng HbA1c, đường huyết đói và đặc biệt ở những phụ nữ này, BMI phải giữ ở mức cân đối và cần phải thay đổi lối sống để có được thai kì an toàn. 
    • Ngoài ra các rối loạn chức năng tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp cũng là những nguy cơ cho thai kì. Vì vậy, nên đo nồng độ hormone nội tiết trong cơ thể ở những phụ nữ này.
  • Hội chứng kháng phospholipid: đây là một bệnh lí tự miễn gây ra những biến chứng về sẩy thai liên tiếp và huyết khối. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sinh sản và Phôi thai người Châu Âu – ESHRE năm 2023, những trường hợp mắc RPL nên được khảo sát các kháng thể của bệnh lí này.
  • Bất thường tử cung: đây cũng là một nguyên nhân không hề hiếm gặp. Những dị dạng tử cung thường gặp như tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn. Tại phòng khám khi có bất thường nghi ngờ trên siêu âm, chị em có thể được thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu hơn như chụp phim HSG, nội soi buồng tử cung hay siêu âm bơm nước buồng tử cung. Vì vậy, với những người phụ nữ mắc RPL, khảo sát về tử cung là việc làm không thể thiếu để chuẩn bị cho thai kì tiếp theo.
  • Nguyên nhân ở người chồng: nguyên nhân của sẩy thai đôi khi không chỉ nằm ở người vợ và còn phụ thuộc ít nhiều ở người chồng. Những lối sống không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá hay béo phì ở người đàn ông cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, từ đó làm ảnh hưởng đến sức sống của phôi và thai. Do đó, bên cạnh chăm sóc sức khoẻ cho vợ, người chồng cũng phải duy trì lối sống lành mạnh, tăng cân hợp lí, tập thể dục thường xuyên và đặc biệt là nói không với rượu bia, thuốc lá.

  • Bên cạnh đó, sẩy thai cũng còn những nguyên nhân chưa tìm được

TÓM LẠI

Sẩy thai là vấn đề mà không ai mong muốn. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta có thể vượt qua được những áp lực tâm lí trong lần sẩy thai trước đó để có thể chuẩn bị tốt hơn cho thai kì tiếp theo. Hiện tại, chưa có bằng chứng về việc bạn phải nghỉ 6 tháng hay với thời gian dài hơn mới có thể có thai lại. Khoảng thời gian này sẽ khác nhau ở mỗi người và điều quan trọng là người phụ nữ cảm thấy khoẻ mạnh và sẵn sàng để mang thai trở lại. Trong quá trình hồi phục ấy, không chỉ người phụ nữ chịu đựng một mình mà còn cần sự sát cánh của người chồng và tình thương của gia đình. Và thậm chí khi mang thai lại, bạn sẽ vẫn có những nỗi lo sợ nhất định. Hãy cùng trò chuyện với các thành viên trong gia đình để chia sẻ cảm xúc tốt hơn và đặc biệt với chồng của bạn. Nếu gặp khó khăn, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc tốt hơn cho thai kì tiếp theo nhé. Hy vọng những điều trên sẽ giúp ích cho bạn cũng như gia đình bạn. Chúc bạn nhanh chóng có thể chào đón thiên thần mới!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ