Sẩy thai liên tiếp: Các cặp vợ chồng cần làm gì?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch – Bác sĩ Dương Thị Ngọc Châu

Sẩy thai liên tiếp tuy là một biến chứng xảy ra ít hơn so với những vấn đề khác trong những tháng đầu tiên của thai kì nhưng lại gây ảnh hưởng đáng kể đến thể chất và tinh thần của các cặp vợ chồng. Trong những trường hợp này, các cặp vợ chồng cần làm gì để có thể điều trị cũng như dự phòng vấn đề này xảy ra đối với những đứa con của mình?

SẨY THAI LIÊN TIẾP LÀ GÌ?

Sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss – RPL) là tình trạng sẩy thai trước 24 tuần thai kì và từ 2 lần trở lên. Các lần sẩy thai sẽ được tính kể từ khi xác nhận có thai bằng que thử thai hoặc xét nghiệm β-hCG, bao gồm thai sinh hoá hoặc sẩy thai sau khi đã thấy thai trong tử cung trên siêu âm. Các lần sẩy thai này có thể liên tục hoặc không liên tục. Tuy nhiên, định nghĩa này không bao gồm thai ngoài tử cung, thai trứng và thất bại làm tổ.

Sẩy thai liên tiếp có 2 dạng: sẩy thai liên tiếp nguyên phát (chưa từng có thai kì diễn tiến hơn 24 tuần trước đây) và sẩy thai liên tiếp thứ phát (đã từng có thai ≥ 24 tuần).

SẨY THAI LIÊN TIẾP CÓ XẢY RA THƯỜNG XUYÊN KHÔNG?

Việc xác định tần suất mắc sẩy thai liên tiếp sẽ tuỳ theo định nghĩa của từng nơi khác nhau. Nhìn chung, tần suất mắc sẩy thai liên tiếp là khoảng 1 – 3% trong các thai kì.

NGUYÊN NHÂN SẨY THAI LIÊN TIẾP VÀ CÁC XÉT NGHIỆM LIÊN QUAN

Một số nguyên nhân có thể gây ra sẩy thai liên tiếp và cách để phát hiện chúng như sau:

  • Bất thường NST: là nguyên nhân thường được nghĩ đến (chiếm 3,5% những cặp vợ chồng mắc RPL). Xét nghiệm mô thai sẩy có thể được cân nhắc thực hiện trong một số trường hợp. Khi nghi ngờ có bất thường NST, hai vợ chồng sẽ được khảo sát bộ 23 NST và tầm soát các đột biến gen kèm theo.
  • Rối loạn về nội tiết:
    • Đái tháo đường: Đối với những người phụ nữ mắc đái tháo đường thì cần chỉnh đường huyết về mức ổn định, theo dõi bằng HbA1c, đường huyết đói và đặc biệt ở những phụ nữ này, BMI phải giữ ở mức cân đối và cần phải thay đổi lối sống để có được thai kì an toàn.
    • Các rối loạn chức năng tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp cũng là những nguy cơ cho thai kì. Vì vậy, nên đo nồng độ hormon nội tiết trong cơ thể ở những phụ nữ này.
    • Tăng prolactin máu: chỉ nghĩ đến và xét nghiệm nguyên nhân này khi người phụ nữ có các triệu chứng như thiểu kinh/vô kinh.
  • Bất thường tử cung: đây cũng là một nguyên nhân không hề hiếm gặp và là khảo sát trong thể thiếu đối với những phụ nữ mắc RPL. Những dị dạng tử cung thường gặp như tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn. Tại phòng khám khi có bất thường nghi ngờ trên siêu âm, chị em có thể được thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu hơn như chụp phim HSG, nội soi buồng tử cung hay siêu âm bơm nước buồng tử cung.
  • Hội chứng kháng phospholipid: đây là một bệnh lí tự miễn mắc phải gây ra những biến chứng về sẩy thai liên tiếp và huyết khối. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Sinh sản và Phôi thai người Châu Âu – ESHRE năm 2023, những trường hợp mắc RPL nên được khảo sát các kháng thể của bệnh lí này.
  • Bệnh lí tăng đông di truyền (hereditary thrombophilia): đây cũng là một trong những nguyên nhân của RPL. Tuy nhiên, do tần suất xuất hiện nguyên nhân này cũng khá hiếm, vì vậy chỉ xét nghiệm những kháng thể của bệnh lí này khi có tiền sử gia đình hoặc tiền sử bản thân gợi ý.
  • Hở eo tử cung: đây là nguyên nhân gây sẩy thai muộn trong tam cá nguyệt 2 với những đặc trưng của những lần sẩy thai trước đó là chuyển dạ nhanh, không đau. Với nguyên nhân này, khi phụ nữ có thai sau đó sẽ được theo dõi sát chiều dài kênh cổ tử cung qua siêu âm từ 14 – 16 tuần thai và có thể sẽ có biện pháp dự phòng như khâu vòng cổ tử cung khi chiều dài cổ tử cung ngắn đi.
  • Nguyên nhân ở người chồng: nguyên nhân của sẩy thai đôi khi không chỉ nằm ở người vợ và còn phụ thuộc ít nhiều ở người chồng. Những lối sống không lành mạnh như rượu bia, thuốc lá hay béo phì ở người đàn ông cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, từ đó làm ảnh hưởng đến sức sống của phôi và thai. Để khảo sát vấn đề này, xét nghiệm về phân mảnh DNA tinh trùng có thể được thực hiện.
  • Sẩy thai cũng còn những nguyên nhân chưa tìm được

Bên cạnh đó, những yếu tố về lối sống có thể là yếu tố nguy cơ của RPL như: tuổi mẹ cao (trên 40 tuổi), hút thuốc, rượu bia, thừa cân, béo phì hoặc quá nhẹ cân.

Chưa có đủ bằng chứng cho thấy những yếu tố như stress, giao hợp trong thai kì hay dùng caffeine là yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân gây ra RPL.

CÁC CẶP VỢ CHỒNG CẦN LÀM GÌ ĐỂ ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG SẨY THAI LIÊN TIẾP?

Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí sẩy thai liên tiếp tại Phòng khám Mẹ và Bé
Bác sĩ Thân Trọng Thạch tư vấn về bệnh lí sẩy thai liên tiếp tại Phòng khám Mẹ và Bé

Khi có những vấn đề về RPL, các cặp vợ chồng nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám để có thể tìm ra nguyên nhân. Bên cạnh đó, để dự phòng hoặc hạn chế tối đa nguy cơ sẩy thai nói chung và RPL nói riêng, trước hết, các cặp vợ chồng cần phải có những thay đổi trong lối sống:

  • Không hút thuốc: mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy hút thuốc là yếu tố nguy cơ của RPL nhưng hút thuốc lại liên quan đến những kết cục xấu trong thai kì, do đó, nên hạn chế hoặc ngừng hút thuốc nếu bạn muốn có một thai kì khoẻ mạnh
  • Hạn chế caffeine và thức uống có cồn
  • Giữ cơ thể cân đối: Thừa cân, béo phì hay quá nhẹ cân đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên cơ hội có thai của các cặp vợ chồng. Do đó, việc giữ một cơ thể khoẻ mạnh bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lí và tập thể dục là một điều hết sức cần thiết
  • Bổ sung đầy đủ acid folic, có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu… vào thực đơn hàng ngày vì trong cá có chứa nhiều omega – 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường
  • Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Ngoài bồi bổ, phục hồi thể chất của người phụ nữ, còn cần bồi bổ thêm cho người chồng, để có thể có lượng tinh trùng khỏe mạnh.

tập thể dục sau khi bị sẩy thai liên tiếp

TÓM LẠI

Sẩy thai liên tiếp là một trong những biến chứng ít gặp nhưng lại gây ra những vấn đề về thể chất và tinh thần không chỉ cho người vợ mà còn cho cả người chồng. Các cặp vợ chồng mắc RPL nên đến phòng khám hoặc bệnh viện để được tư vấn và tìm nguyên nhân để có thể có những biện pháp điều trị và dự phòng thích hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ