Sơ lược về sự hình thành và phát triển của thai trong 3 tháng đầu thai kì

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

BS. Thân Trọng Thạch – BS. Dương Thị Ngọc Châu

Mang thai là một hành trình tuyệt vời và thiêng liêng đối với những người phụ nữ đang mong chờ những thiên thần nhỏ cho gia đình của mình. Điều này sẽ càng tuyệt vời hơn nếu như các thai phụ có thể biết được sự hình thành từng chút một của thai nhi theo thời gian. Hãy cùng tìm hiểu về sự hình thành và phát triển này của thai trong 3 tháng đầu tiên nhé!

Thai kì là một giai đoạn kéo dài 40 tuần, tương đương 280 ngày tính từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng của thai phụ. Do đó, tuổi thai cũng được bắt đầu tính kể từ thời điểm này. Ba tháng đầu tiên của thai kì sẽ được tính từ tuần 1 cho đến hết tuần thứ 13. Đây là giai đoạn hình thành phôi và các cơ quan của thai.

TUẦN 1 VÀ 2

Mặc dù tuổi thai được tính từ kì kinh cuối, tuy nhiên trong 2 tuần đầu tiên của “thai kì” này, người phụ nữ chưa có thai thực sự. Đây là giai đoạn mà các nang noãn ở cơ thể người phụ nữ đang phát triển để chuẩn bị cho sự rụng trứng và thụ tinh sau đó. Bên cạnh đó, nội mạc tử cung cũng sẽ dần phát triển dày lên để chuẩn bị nơi làm tổ cho phôi (Hình 1).

TUẦN 3

Đây là giai đoạn mà sự thụ tinh sẽ diễn ra. Vào khoảng cuối tuần thứ 2 hoặc đầu tuần thứ 3, hiện tượng rụng trứng của người phụ nữ sẽ xảy ra. Đồng thời, tinh trùng của người bố sẽ qua âm đạo, vào tử cung và qua vòi trứng để gặp trứng của người phụ nữ.

Khi tinh trùng chui vào được bên trong của trứng, sự thụ tinh sẽ được diễn ra và tạo thành hợp tử. Lúc này, hợp tử sẽ mang 46 nhiễm sắc thể, trong đó 23 nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ bố và 23 chiếc còn lại là của mẹ.

Sau thụ tinh, hợp tử sẽ tiến hành phân chia để gia tăng số lượng tế bào, thành phôi dâu rồi phôi nang. Đồng thời,phôi không đứng yên mà vừa phân chia vừa di chuyển đến vị trí làm tổ (Hình 1A). Thông thường, phôi cần thời gian khoảng 3 đến 5 ngày để di chuyển hết phần còn lại của vòi trứng để vào buồng tử cung.

Hình 1. Những sự kiện diễn ra ở những tuần đầu tiên của thai kì. A: Trứng được thụ tinh, tạo thành hợp tử, phân chia và di chuyển vào lòng tử cung. B: Phôi nang bắt đầu quá trình làm tổ. Nguồn: Guyton and Hall textbook of medical physiology 14th edition

TUẦN 4

Đây là giai đoạn mà phôi nang bắt đầu quá trình làm tổ (Hình 1B). Phôi nang sẽ chìm vào lớp nội mạc tử cung vốn đã được chuẩn bị từ trước. Tại thời điểm này, một số thai phụ có thể xuất huyết nhẹ do quá trình làm tổ mà dân gian hay gọi là “máu báo thai”, khiến cho một số phụ nữ nhầm lẫn với kinh nguyệt.

Đồng thời, hormone human chorionic gonadotropin hay hCG do các hợp bào nuôi tiết ra sẽ đi vào trong máu mẹ. Lúc đó, thai phụ có thể phát hiện được chất này trong máu (định lượng) hoặc trong nước tiểu (que thử thai) để biết được tình trạng có thai của mình.

Bên cạnh đó, ngay bên trong chính phôi nang, lớp tế bào bên trong sẽ biệt hoá thành phôi và lớp tế bào bên ngoài sẽ dần thay đổi trở thành bánh nhau để nuôi dưỡng cho thai trong suốt thai kì.

TUẦN 5

HCG do thai tiết ra sẽ làm cho chu kì kinh nguyệt được ngừng lại, tập trung máu nuôi dưỡng cho thai. Tuần thứ 5 là thời điểm bắt đầu của “giai đoạn phôi” (embryonic period) và sẽ kết thúc vào tuần thứ 10.

Đây cũng là thời điểm bắt đầu hình thành các hệ cơ quan. Những ảnh hưởng từ bên ngoài như thuốc, rượu bia hay nhiễm trùng gây dị tật bẩm sinh cũng sẽ ảnh hưởng ở giai đoạn này.

Hình 2. Nguồn gốc các hệ cơ quan từ 3 lá phôi. Nguồn: invitra.com

Lúc này, phôi sẽ có dạng 3 lá: ngoại bì, trung bì và nội bì (Hình 2):

  • Lớp bên ngoài cùng gọi là ngoại bì phôi sẽ phát triển thành da, hệ thần kinh trung ương và ngoại biên, mắt và tai trong. Hệ thần kinh sẽ hình thành dưới dạng đĩa thần kinh và dần đóng lại theo thời gian tạo thành ống thần kinh.
  • Lớp giữa hay trung bì phôi sẽ hình thành nên hệ tim mạch nguyên thuỷ, xuất hiện vòng tuần hoàn bên trong thai và giữa thai với bánh nhau. Ngoài ra, trung bì còn biệt hoá thành xương, dây chằng, thận và phần lớn các thành phần của hệ sinh dục.
  • Nội bì phôi sẽ chịu trách nhiệm hình thành phổi và ruột của thai.

Vào cuối tuần thứ 5, kích thước của túi thai có thể đo được là 1 cm, phôi có thể dài 3 mm là có thể thấy được trên siêu âm.

TUẦN 6

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

Tốc độ phát triển đạt khá nhanh ở tuần này. Cuối tuần thứ 6, phôi có thể đo được 9 mm.

Ống thần kinh cũng sẽ bắt đầu đóng lại bắt đầu từ đoạn giữa và đóng dần về phía đầu/đuôi. Phần đầu của ống thần kinh cũng khép kín vào khoảng ngày 38 và phần đuôi đóng sau đó vào ngày 40. Não và tuỷ sống cũng được phát triển từ ống thần kinh.

Tim thai cũng có thể đo được vào khoảng thời gian này, khoảng 150 nhịp/phút. Các nụ nhỏ chịu trách nhiệm phát triển thành tay cũng hình thành. Lúc này, hình dạng phôi thai có dạng chữ C.

TUẦN 7

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

Phôi có thể đạt kích cỡ khoảng 10 mm từ đầu cho đến đuôi ở giai đoạn này. Đây cũng là giai đoạn cho sự phát triển của não và mặt thai nhi. Những chỗ lõm sẽ bắt đầu hình thành mũi và võng mạc. Các nụ chi dưới chịu trách nhiệm hình thành chân cũng xuất hiện và tay cũng dần rõ hơn. Những cử động của thai có thể bắt gặp trên siêu âm.

Dây rốn cũng được phát triển để cung cấp dinh dưỡng cho thai ở giai đoạn này. Đồng thời, khí quản và phế quản cũng được hình thành.

TUẦN 8

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

Tại thời điểm này, thai có chiều dài trung bình khoảng 11 – 14 mm.

Da của phôi cũng được hình thành mặc dù vẫn còn trong suốt. Tim cũng phát triển thành dạng có 4 buồng tim và có tần số tim khoảng 160 nhịp/phút.

Tay dần xuất hiện rõ các ngón và bàn chân cũng được tạo thành. Môi trên và mũi cũng được hình thành và phần tai ngoài cũng được nâng lên ở hai bên đầu. Thân và cổ lúc này cũng bắt đầu duỗi thẳng.

Hiện tượng “thoát vị ruột sinh lý” sẽ xảy ra tại mốc thời gian này. Ruột sẽ phát triển ngày càng dài và nằm bên ngoài ổ bụng ở phần đáy chỗ cắm dây rốn, nhưng sau đó, chúng sẽ lần lượt xoay theo chiều kim đồng hồ và nằm lại trong ổ bụng vào khoảng tuần 12.

TUẦN 9

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

Chiều dài thai khoảng 23mm và tim thai khoảng 170 nhịp/phút

Cánh tay của thai phát triển và khuỷu tay xuất hiện. Các ngón chân có thể nhìn thấy được và mí mắt được hình thành nhưng vẫn đóng cho đến tuần 28. Đầu của thai tuy lớn nhưng cằm vẫn chưa hình thành rõ.

TUẦN 10

Thai dài khoảng 31 mm và nặng khoảng 35 grams. Lúc này, đuôi của thai cũng biến mất và chính thức bước qua giai đoạn được gọi là thai (fetus).

Đầu của thai đã tròn hơn. Thai bây giờ có thể uốn cong khuỷu tay của mình. Ngón chân và ngón tay mất màng và trở nên dài hơn, vân tay cũng được hình thành. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng.

TUẦN 11

Sự hình thành và phát triển thai trong 3 tháng đầu

Lúc này, thai dài khoảng 50 mm và nặng khoảng 8 grams.

Da của thai vẫn còn trong suốt và mỏng. Đầu của thai vẫn chiếm khoảng một nửa chiều dài của nó. Khuôn mặt của thai rộng hơn, hai mắt mở rộng, mí mắt hợp nhất và tai cụp xuống. Chồi răng tương lai xuất hiện. Thai cũng có những cử động hô hấp, cử động miệng và nuốt.

Một số cơ quan quan trọng như tim, thận, gan và dạ dày đã được hình thành đầy đủ, một số thậm chí đã đi vào hoạt động. Vòm hoành cũng được hình thành và thai có thể nấc cụt tại thời điểm này. Vào cuối tuần này, cơ quan sinh dục ngoài của thai sẽ bắt đầu phát triển thành dương vật hoặc âm vật và môi lớn.

Những tầm soát dị tật hoặc đo độ mờ da gáy của thai có thể được thực hiện tại thời điểm này cho đến 13 tuần 6 ngày. Đồng thời, những bất thường lớn về hình thái của thai như thai vô sọ hay thoát vị tuỷ sống cũng có thể được phát hiện thông qua “Siêu âm hình thái tam cá nguyệt 1”.

TUẦN 12

Thai có chiều dài đầu mông khoảng 5 – 6 cm và thai nặng khoảng 14 grams.

Lúc này, ruột đã nằm trong ổ bụng của thai. Sự vôi hoá dần xuất hiện ở hầu hết các xương, ngón tay và ngón chân của thai cũng dần biệt hoá. Xuất hiện da và móng, vài mầm tóc cũng xuất hiện.

Có thể nhận biết giới tính bằng cơ quan sinh dục ngoài ở giai đoạn này. Thai cũng bắt đầu cử động nhiều hơn, phản xạ lại với hành động xoa bụng của thai phụ và có những hành động như mút tay.

Hình 3. Hình ảnh siêu âm thai lúc 12 tuần 2 ngày (CRL = 5,66 cm). Nguồn: William Obstetrics 26th edition.

TUẦN 13

Thai có chiều dài khoảng 67 mm và nặng khoảng 73 grams.

Những cơ quan chính cũng đã được hình thành nhưng vẫn còn chưa phát triển toàn diện. Hiện tượng “thoát vị ruột sinh lí” cũng sẽ kết thúc hoàn toàn ở thời điểm này. Bàng quang của thai cũng có thể thấy được trên siêu âm vào cuối giai đoạn này.

TÓM LẠI

Ba tháng đầu thai kì là giai đoạn của sự hình thành và phát triển của thai, tạo tiền đề cho một thai kì khoẻ mạnh sau này. Những tác động tiêu cực trong giai đoạn này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai. Do đó, thai phụ cần có lối sống lành mạnh và khám thai đầy đủ trong giai đoạn này để có một thai kì khoẻ mạnh nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ