Sự thay đổi ngoại hình của phụ nữ trong thai kỳ

BS. Thân Trọng Thạch – Trần Thị Thuỳ Trinh

        Mang thai đem đến nhiều thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Thai kỳ sẽ khiến bạn thay đổi cả về nội tiết bên trong lẫn hình dáng bên ngoài. Ngoài ra, sau khi sinh con, cơ thể bạn có thể cần một khoảng thời gian để trở lại như trước. Dù vậy, thai phụ không nên quá lo lắng vì những thay đổi này là sinh lý bình thường của cơ thể nhằm thích nghi với tình trạng mang thai và hầu hết mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau khi hạ sinh em bé. 

Thay đổi ở bụng 

        Sự thay đổi cơ bản nhất về ngoại hình của phụ nữ mang thai mà bất cứ ai cũng có thể nghĩ đến là một chiếc bụng tròn xoe và ngày càng to dần theo thời gian. Thông thường, bụng bầu lộ rõ khi bạn đã bước sang tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, cũng có nhiều mẹ bầu lộ rõ bụng trong giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ nhất. Tử cung – nơi chứa đựng bào thai và nuôi dưỡng thai nhi phát triển (bao gồm phôi thai, nhau thai và nước ối) lớn dần theo thời gian để thích nghi với sự phát triển của bào thai. Đó là lý do khiến vòng bụng của phụ nữ mang thai lớn dần theo thời gian. 

Hình 1: Sự thay đổi ở bụng trong quá trình mang thai

Nguồn

Thay đổi ở ngực 

       Thay đổi ở ngực là sự thay đổi rõ rệt nhất và sớm nhất khi mang thai. Vòng ngực của người phụ nữ tăng nhanh chóng trong 8 tuần đầu thai kỳ và tăng đều đặn sau đó do sự tăng nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể. Hai hormone này giúp bầu vú phát triển, sẵn sàng cho việc sản xuất sữa. Bên cạnh đó, núm vú dần to hơn và di động hơn, quầng vú lớn hơn và sậm màu hơn bình thường. Một số thai phụ có thể cảm thấy đau, căng tức, ngứa ở vú hoặc núm vú. Trong những tháng cuối thai kỳ, núm vú có thể tiết ra chất dịch đặc màu vàng – hay còn gọi là “sữa non”, tình trạng này thường gặp hơn ở những phụ nữ đã sinh con, do sự tăng cao nồng độ prolactin trong máu – một hormone chủ lực trong quá trình tạo sữa. Tuyến sữa và đường dẫn sữa phát triển, núm vú nhô ra nhiều hơn để chuẩn bị cho em bé bú sữa mẹ.

Hình 2: Những thay đổi thường gặp ở ngực khi mang thai

Nguồn

Thay đổi về da

Mang thai gây ra một số thay đổi đặc trưng về làn da và của người mẹ, điển hình như:

  • Rạn da: xảy ra ở hơn 50% phụ nữ có thai, thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, ngực, đùi. Nguyên nhân là do trong thai kỳ trọng lượng thai phụ tăng nhanh, kích thước vòng bụng, vòng ngực…ngày càng to ra khiến da bị kéo căng, gây đứt gãy mô liên kết dưới lớp trung bì của da tạo thành các vết rạn. Ban đầu, vết rạn da sẽ có màu tím hoặc hồng, sau đó, chúng sẽ dần chuyển thành những sọc rạn da màu trắng. Không có liệu pháp hiệu quả nào có thể ngăn ngừa rạn da trong thai kỳ và một khi xuất hiện các vết rạn thì khó có thể loại bỏ được. Những yếu tố làm tăng nguy cơ rạn da khi mang thai gồm: tuổi của người mẹ còn trẻ, cơ địa rạn da của người mẹ và gia đình, tăng cân nhiều khi mang thai.
  • Tăng sắc tố da: xảy ra nhiều nhất ở vùng rốn, núm vú và vùng đáy chậu, điển hình nhất là sự xuất hiện của đường sọc nâu ở vùng bụng dưới. Ngoài ra, nám da mặt cũng là tình trạng tăng sắc tố da khá phổ biến trong thai kỳ. Những nốt ruồi đã xuất hiện trước đó có thể tăng kích thước và đậm màu hơn khi mang thai nhưng sẽ hết sau khi sinh. Nguyên nhân gây ra những hiện tượng này là do sự tăng cao nồng độ estrogen, progesterone và MSH trong thai kỳ, từ đó kích thích hoạt động của tế bào hắc tố (melanocyte), dẫn đến tăng tiết và tăng lắng đọng melanin – một chất sắc tố tạo màu nâu đen cho da. 
  • Mụn trứng cá: Đây cũng là một tình trạng do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Sự tăng cao nồng độ estrogen và progesterone, dẫn đến tăng hoạt động của tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn. Từ đó, tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông gây ra tình trạng mụn trứng cá trong thai kỳ. 

Thay đổi về lông, tóc, móng 

        Trong thai kỳ, lông và tóc mọc nhanh hơn. Các hormone sinh dục, đặc biệt là estrogen, có thể khiến bạn mọc nhiều lông tơ trên cằm, môi trên, quai hàm và hai má. Những sợi lông tơ còn có thể xuất hiện trên bụng, cánh tay, chân và lưng của mẹ bầu. Tình trạng rậm lông mức độ nhẹ đến trung bình được nhận thấy trong thời kỳ mang thai. Tương tự, móng tay của bạn có thể mọc nhanh hơn bình thường, và có thể thay đổi cả về kết cấu của chúng. Một vài mẹ bầu có thể cảm thấy móng tay mình trở nên cứng hơn, một số khác có thể mềm hơn hoặc giòn và dễ gãy hơn. Bội nhiễm nấm móng có thể xảy ra. Cần chăm sóc móng đúng cách, tránh các yếu tố gây mẫn cảm móng, tình trạng móng dòn, rãnh khía sẽ cải thiện sau sinh. Bên cạnh đó, rụng tóc trong thai kỳ là một vấn đề khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Khi mang thai, sự phát triển của nang tóc vẫn được duy trì nhưng sẽ có nhiều nang tóc trong giai đoạn anagen (giai đoạn phát triển) và ít nang tóc trong giai đoạn telogen (giai đoạn nghỉ). Nguyên nhân là do estrogen kéo dài giai đoạn anagen và chậm chuyển đổi từ giai đoạn anagen sang giai đoạn telogen. Vào cuối thai kỳ, số lượng nang tóc ở giai đoạn telogen tăng lên làm cho tóc rụng đáng kể sau khi sinh khoảng từ 2 đến 4 tháng. Tuy nhiên, sự phát triển nang tóc sẽ trở lại bình thường sau 6 đến 12 tháng sau sinh.

      

Hình 3: Các giai đoạn phát triển của tóc

Nguồn

Phù chân thai kỳ 

        Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở thai phụ, phù chân có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ bầu, nhưng phù chân trong những tháng cuối sẽ phổ biến hơn trong thai kỳ do càng về đích thai nhi sẽ càng lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch chủ dưới khiến máu khó lưu thông, cản trở máu về tim, gây phù nề. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ sẽ tự động đẩy mạnh khả năng sản xuất máu, làm cho lượng máu được tạo ra nhiều hơn bình thường từ 30 – 50%. Lượng máu bao gồm các dưỡng chất này được dùng để nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên, nó cũng chính là nguyên nhân gây sưng phù cho thai phụ. Thêm vào đó, khi mang thai trọng lượng cơ thể tăng đáng kể, gây sức ép lên đôi chân khiến bàn chân trở nên phù nề. Để giảm bớt tình trạng này, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau: thay đổi tư thế thường xuyên, không nên ngồi hay đứng quá lâu; nằm nghiêng về bên trái; kê cao chân khi ngủ; hạn chế ăn mặn; lựa chọn giày dép phù hợp…Bạn đừng quá lo lắng, tình trạng này sẽ tự hết trong khoảng 1 tuần sau sinh. 

Hình 4: Kê cao chân khi ngủ là biện pháp giúp mẹ bầu giảm phù chân

Nguồn

Tóm lại, 

         Mang thai là một hành trình thiêng liêng và tuyệt vời đối với người phụ nữ khi mà từng ngày cảm nhận được có một sinh linh bé nhỏ đang dần dần lớn lên trong cơ thể của mình. Tuy nhiên, đi kèm với niềm hạnh phúc ấy thì người phụ nữ phải trải qua những thay đổi đáng kể về mặt giải phẫu và sinh lý để nuôi dưỡng và thích nghi với thai nhi đang phát triển. Sự thay đổi nồng độ các hormone trong máu, cùng với bụng bầu ngày một to lên khiến cơ thể của bạn sẽ phải đối mặt với vài trục trặc nho nhỏ. May mắn thay, hầu hết các tình trạng trên sẽ về lại bình thường sau khi sinh, đặc biệt ở những phụ nữ có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Mong bạn không quá bận tâm, luôn giữ tinh thần thoải mái để chào đón con yêu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0901 490 490

    ĐẶT LỊCH KHÁM CÙNG BÁC SĨ